Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Lễ ăn cơm mới của người Xa Phó

Khi bông lúa chín rộ, từng thửa ruộng bậc thang vàng óng cũng là lúc người Xa Phó ở Lào Cai tổ chức lễ ăn cơm mới "Giày xí mà" truyền thống.
Lễ cơm mới thường được tổ chức vào ngày con rồng hay con rắn tùy thuộc vào từng dòng họ, nhưng ăn tết trước ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch thì người phụ nữ cao tuổi nhất trong gia đình sẽ trực tiếp ra ruộng gặt lúa.

Mâm cơm dâng cúng là thành quả lao động của một năm vất vả. Những bông lúa chín mẩy vàng được người dân vận chuyển về nhà cũng là lúc gia đình làm lễ tạ ơn tổ tiên và tiến hành làm mâm lễ cúng. Mâm lễ gồm có xôi làm từ gạo mới, gà luộc, chén rượu, nén hương. Ở một số thôn bản người Xa Phó tại Sa Pa và Bảo Thắng, mâm lễ cúng được chuẩn bị kỹ với các vật phẩm cầu kỳ. Họ thường sử dụng 2 - 3 con cá khô (hoặc tươi), 3 - 5 con chuột sấy khô, 1 - 3 con chim, một bát mắm cá ủ chua, một bát ớt nhỏ giã nhuyễn với muối, bốn đôi đũa. Khi chế biến xong, chủ nhà bày tất cả lên chiếc mâm mây đặt trước bàn thờ. Sau đó, chủ nhà ngồi khoanh chân làm lễ cúng. Một số gia đình người Xa Phó ở Bảo Thắng còn mời thầy cúng giúp hành lễ. Thầy cúng "A pờ" ngồi trên chiếc ghế con trước bàn thờ lầm rầm đọc bái khấn với nội dung: "Hôm nay, ngày con rồng, tháng chín, nhờ công ơn tổ tiên, cha mẹ dạy bảo chúng con biết làm ăn thu được lúa gạo, hôm nay, gia đình làm cơm  mời bố mẹ, ông bà…".

Cúng xong, gia đình làm hai mâm: Mâm đàn ông và mâm đàn bà. Mâm đàn ông đặt trước bàn thờ mời chủ nhà, thầy cúng và khách. Mâm đàn bà được đặt trên lá chuối phía trong mâm đàn ông. Thầy cúng và những người đàn ông trong gia đình uống rượu xong, người phụ nữ mang đến cho mỗi người một nắm cơm, miếng thịt được đặt trong lá chuối rừng. Những người đàn ông cầm chén rượu nhấp môi ba lần, sau đó mới được ăn cơm. Theo phong tục truyền thống của người Xa Phó, ngày gia đình tổ chức ăn tết cơm mới tuyệt đối không cho ai bất cứ thứ gì. Những gia đình trong làng chưa tổ chức lễ cơm mới đều không được mời tới dự.

Lễ cơm mới của người Xa Phó đến nay vẫn còn được duy trì, đây là nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của họ nói riêng cũng như các dân tộc vùng cao Tây Bắc nói chung.
Theo Dulichvietnam

Tết cơm mới của người Xá Phó


LCĐT - Mong ước một năm mới mưa thuận, gió hòa, cây lúa trên nương vụ sau sẽ trổ bông, trĩu hạt, mọi người trong bản đều no ấm yên vui, vào vụ thu hoạch lúa, người Xá Phó ở Lào Cai lại náo nức tổ chức nghi lễ rước hồn mẹ lúa về kho để nghỉ ngơi, dâng cơm mới mời tổ tiên và cùng nhau vui múa hát, chơi các trò chơi dân gian để mừng cho mùa vụ bội thu...
Chừng tháng Mười âm lịch hằng năm, khi những bông lúa trên nương bắt đầu chín, đồng bào Xá Phó xem lịch, chọn ngày tốt để chuẩn bị nghi thức tổ chức ăn cơm mới. Trong tín ngưỡng của người Xá Phó, để năm sau mùa màng tươi tốt, họ không chọn tháng lẻ để tổ chức Tết cơm mới. Vì thế, có những năm, thời tiết thuận, lúa chín sớm hơn, người Xá Phó tổ chức Tết cơm mới từ tháng Tám âm lịch.
Người Xá Phó thu hoạch lúa để tổ chức Tết cơm mới.
Tết cơm mới của người Xá Phó có lịch sử hơn 300 năm, đến nay vẫn được đồng bào duy trì, trở thành nét văn hóa độc đáo trong cuộc sống thường nhật của họ. Trong tín ngưỡng Tết cơm mới, độc đáo nhất vẫn là nghi lễ giữ hồn lúa mẹ ở nương và nghi lễ rước hồn lúa mẹ về kho thóc hoặc sàn nhà. Ngày đầu tiên đi gặt, chỉ có hai vợ chồng chủ nhà, dậy sớm chuẩn bị cơm gói và chiếc hái, gùi qua đầu và đặc biệt là hòn đá thần (loại đá trắng có nhiều hạt hình ngũ giác tạo thành - trông giống hạt gạo). Ngày đi hái lúa đầu tiên giống như đi đón hồn lúa về nhà nên mọi việc phải được kiêng kỵ thì hồn lúa mới về đến nhà, nên gia chủ phải đi một mạch đến nương, không đi đường tắt, trên đường đi không được hỏi chuyện hay trả lời người khác.
Khi đến gần nương, bà chủ làm lý rào nương để không cho ai đi qua vì sợ làm ảnh hưởng đến hồn lúa nương. Bà chủ hái ba lá ngái để bọc hòn đá thần rồi đi vào giữa nương, hướng về phía mặt trời mọc, nín thở, hai tay quơ ba gốc lúa, rồi dùng lá lúa buộc vào thành một bụi to, cho "hòn đá thần" vào giữa bụi lúa để làm hồn lúa mẹ “Xè mạ”. Buộc xong lạt, bà chủ mới được thở nhẹ nhàng... Giữ hồn lúa xong, bà xuống chân nương hái ba bông lúa rồi nhổ ba gốc rạ để ủ hồn lúa ở chân nương. Thực hiện xong nghi lễ giữ hồn lúa mẹ, bà chủ nương cùng chồng đi từ chân nương lên đỉnh nương để hái từng bông lúa.
Sang ngày thứ hai, bà chủ cùng người anh em đến đổi công giúp hái lúa. Người Xá Phó quan niệm rằng, khi hái lúa, mọi người tuyệt đối không được chớp mắt vì nếu chớp mắt khi lúa hái và buộc thành từng cum sẽ bị rụng hạt. Khi hái, mọi người không được thở mạnh vì nếu thở mạnh sợ sẽ làm hồn lúa hoảng sợ mà bỏ đi khỏi nương. Khi chuẩn bị thu lúa nương, bà chủ nương ra chỗ ủ hồn lúa, lấy bông lúa đó ra chân nương hô thật to: “Mọi người hãy thu lúa đi, tôi giữ hồn lúa đây rồi”. Nghe xong, người đến giúp vác từng cum lúa đem về vị trí tập kết ở chân nương. Bà chủ lấy ba bông lúa nhét vào bó lúa nương tốt nhất để làm lúa giống năm sau. Mọi người tiếp tục hái lúa đến khi xong mảnh nương. Bà chủ nương bắt đầu đi đón hồn lúa mẹ. Lúc này, bà chủ lại nín thở, tháo lạt để lấy hòn đá thần cất đá vào túi đeo. Sau đó, bà chủ kiểm đếm số cum lúa, cứ xếp ba cum thành một đống, nếu số cum sau cùng là số cum lẻ một cum thì báo hiệu năm tiếp theo lúa nương sẽ được mùa. Sau đó, mọi người gùi lúa trở về nhà. Phụ nữ Xá Phó dùng địu qua đầu để gùi, còn đàn ông thì dùng đòn xóc xiên qua hai cum lúa gánh trên vai trở về nhà. Trước đây, người Xá Phó thường hay làm kho thóc ở bên cạnh rừng, vị trí gần nhà để tiện sử dụng, kho thóc làm như vậy tránh được hỏa hoạn.
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc Xá Phó trong lễ mừng cơm mới.
Ngày nay, người Xá Phó đưa thóc cất trữ trên sàn gác, khi mang lúa vào nhà, chủ nhà đóng hết các cửa để tránh hồn lúa mẹ sợ mà bỏ đi. Khi mang lúa về nhà, người hái lúa sẽ đặt những cum lúa ở mẹt, chia thành 1 nắm lúa tẻ, 1 nắm lúa nếp dùng để dâng cúng. Số lúa còn lại đặt lên sàn gác bếp để sấy khô. Người ta xếp 3 cum thóc chồng lên cao tạo thành hoa lúa. Cuối cùng, bà chủ nhà đặt hồn lúa mẹ vào trong giữa đống lúa và bảo: “Hồn lúa mẹ hãy ở yên trong nhà nhé”. Khi nấu cơm mới, gia chủ chỉ cần làm lý có một ít thóc mới trần qua nước sôi, sau đó đem phơi, sấy khô trên gác bếp rồi vò, giã thành gạo đem đồ cùng gạo cũ - nhưng gọi là cơm mới.
Đến ngày tổ chức nghi thức ăn mừng cơm mới, bà chủ nhà dậy từ 3 giờ sáng cho gạo vào chõ đồ chín, chuẩn bị lễ (3 bông hoa gừng, 3 chùm cà gai, 1 gói thịt sóc, 3 quả đỗ nương, 3 quả mướp, 1 hoa chuối đỏ). Khi cơm chín đổ ra mẹt đan rải lá chuối, trên đặt thịt lợn, thịt gà, chén, đũa, rượu, bát canh khoai sọ. Bày xong mâm lễ, ông chủ nhà đặt trước bàn thờ, khấn cúng mời tổ tiên về ăn cơm mới, cầu mong tổ tiên phù hộ hồn lúa năm tiếp theo mùa màng tươi tốt, bông lúa trĩu hạt, phù hộ gia đình con cháu ấm no, hạnh phúc. Cúng xong, gia chủ mời cơm khách, có chuẩn bị thêm hoa chuối rừng loại vỏ màu vàng nhìn giống hạt thóc, thái ra nấu với gừng; cá bống suối luộc; thịt chuột khô; bí xanh luộc, lõi bông lau non...
Đặc biệt, toàn bộ lá chuối lót rải trong các mâm cơm mới sẽ được gia chủ cất vào góc nhà, để sau 3 ngày mới dọn. Theo quan niệm của người Xa Phó, như thế hồn lúa mới, tài lộc sẽ ở lại trong nhà. Đặc biệt, bà chủ nhà cũng sau 3 ngày mới được thay quần áo, vì sợ hồn lúa không nhận ra, giật mình bỏ đi, năm sau sẽ bị mất mùa.
Sau khi tổ chức các nghi thức mừng Tết cơm mới, người Xá Phó cùng nhau tổ chức múa hát; thổi kèn ma nhí, thổi sáo cúc kẹ chúc mừng gia chủ và chúc cho cả bản năm sau canh tác được mùa lúa nương, nhà nhà bội thu, no ấm…
KIỀU LÊ - NGỌC THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét