Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Long Thành Trung phát triển nghề mây tre đan truyền thống

Từ thị xã Tây Ninh theo quốc lộ 22B về phía Đông, đến địa phận xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh người đi đường sẽ bắt gặp hai bên đường những bãi tre, lồ ô, mây... lớn nhỏ khác nhau. Đây chính là nguyên liệu của làng nghề mây tre nứa truyền thống đã tồn tại và phát triển gần nửa thế kỷ qua trên mảnh đất này.

Với kinh nghiệm làm nghề gần nửa thế kỷ, người dân ở Long Thành Trung có thể tạo ra các sản phẩm từ mây, tre, nứa bền, đẹp theo nhiều mẫu mã khác nhau, được khách hàng ưa chuộng, tiêu biểu như: bàn ghế, tủ, kệ, salon, nhà lều… Tuy nhiên, để sản phẩm đạt chất lượng cao hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, làng nghề cần thiết phải có một tổ chức định hướng phát triển theo hướng bền vững. Và Hợp tác xã (HTX) Mây tre Long Thành Trung đã ra đời vào tháng 11/2010 theo xu thế đó. Hoạt động chính của HTX là sản xuất, kinh doanh các mặt hàng mây, tre, nứa nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường trong và xuất khẩu.

Sau khi đi vào hoạt động, HTX Mây tre Long Thành Trung đã tổ chức lại hoạt động sản xuất của làng nghề và thu hút được nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho trên 50 lao động trong xã. Ngoài ra, HTX còn thực hiện thu mua nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho bà con xã viên. Hiện làng nghề mây tre nứa ở xã Long Thành Trung đã trở thành trung tâm đầu mối lớn về các sản phẩm mây tre đan trong vùng.
 

Tre, nứa là nguyên liệu chính của làng nghề mây tre truyền thống Long Thành Trung.

Ngay từ trên đường đi, người ta đã dễ dàng nhận ra bóng dáng đặc trưng của làng nghề mây tre Long Thành Trung.

Tre nứa thu mua về bước đầu sẽ được sơ chế và cắt theo những kích thước nhất định để phục vụ sản xuất.

Sau đó được phơi khô để chống co ngót và nứt nẻ.

Một số khác được chẻ thành sợi và phơi nắng trước khi đưa vào đan thành sản phẩm.

Hoạt động sản xuất ở Long Thành Trung hiện đang được chuyên môn hóa qua từng công đoạn, từ khâu chẻ, vót cho đến việc phơi, gia công sản phẩm… Đặc biệt, công đoạn chẻ đã được sử dụng bằng máy, thay vì chẻ bằng tay như trước đây. Theo anh Hà Ngọc Quyết, chủ một cơ sở sản xuất mây tre đan cho biết, máy chẻ cho năng suất cao gấp 10 lần so với làm thủ công. Hiện tại, mỗi ngày, cơ sở của anh Quyết tạo công ăn việc làm cho 3 thợ chính với thu nhập bình quân mỗi người trên 100.000 đồng/ngày, cùng với 4 thợ phổ thông mỗi người khoảng 70.000 - 80.000 đồng/ngày.

Để cho ra một sản phẩm mây tre nứa đạt chất lượng về tính năng sử dụng và mẫu mã, ngoài việc chọn được cây nguyên liệu đẹp, người thợ còn phải rất cẩn thận ở mọi khâu, nhất là khi gia công những sản phẩm khó. Do vậy, từ những nguyên liệu mây, tre, nứa thô sơ, qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ đã biến thành những chiếc bàn, ghế, tủ, kệ, salon đủ các kích cỡ, màu sắc đẹp và tinh xảo.
 

Lạt được chẻ bằng máy nhanh hơn và đều hơn nên sản phẩm làm ra cũng sẽ đẹp hơn.

Phụ nữ Long Thành Trung tham gia sản xuất đồ mây tre.

Cẩn thận vót từng thanh nứa.

Nghề mây tre đan đòi hỏi bàn tay khéo léo, sáng tạo của người thợ.

Một gia đình làm nghề mây tre đan ở Long Thành Trung.

Việc ứng dụng máy móc vào sản xuất giúp sản phẩm có độ chính xác và tính thẩm mỹ cao hơn.

Sản xuất bàn ghế bằng tre, một sản phẩm đặc trưng của làng nghề.

Người cao tuổi cũng có thể tham gia vào công việc sản xuất ở những công đoạn nhẹ nhàng phù hợp với tuổi già.

Một góc làng nghề.

Theo ông Hồ Ngọc Quới, Chủ nhiệm HTX Mây tre Long Thành Trung, trên nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, HTX còn thu mua thêm nguyên liệu từ tỉnh Bình Dương, hay nước bạn Campuchia thông qua cửa khẩu Xa Mát thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Trước đây, một số hộ gia đình thường làm hàng gia công cho các công ty trung gian trước khi xuất hàng đi Tp. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, để sản phẩm được giá hơn, HTX đã tìm cách liên hệ bán sản phẩm trực tiếp cho các công ty lớn ở Tp. Hồ Chí Minh. Nhờ đó mà giá thành sản phẩm đã được nâng cao hơn và mức thu nhập của người lao động cũng được cải thiện hơn so với trước.

Bên cạnh đó, chính quyền xã Long Thành Trung cũng đã tạo nhiều điều kiện để giúp nghề mây tre của địa phương phát triển như hỗ trợ về mặt bằng cho HTX Mây tre Long Thành Trung làm văn phòng, xin cấp trên 100 triệu đồng để trang bị các phương tiện cho HTX. Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Thành cũng hỗ trợ HTX một số máy móc cần thiết để sản xuất như: máy cắt, cưa, bào… Đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong HTX thì được Quỹ Hỗ trợ Khuyến công hay Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn với mức 20 triệu đồng và thời gian hoàn trả trong 3 năm. Ngoài ra, HTX Mây tre Long Thành Trung còn phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề huyện Hòa Thành tổ chức dạy nghề cho các xã viên có nhu cầu học nghề hay nâng cao tay nghề làm sản phẩm mây tre nứa. Đây là một hướng đi đúng để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm mây tre nứa Long Thành Trung, góp phần giúp cho làng nghề ngày càng phát triển, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, sản phẩm của HTX Mây tre Long Thành Trung không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đi các nước như: Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Pháp…/.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét