Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Nghề nắn nồi đất ở Trù Sơn

Trù Sơn là một làng nghèo của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây cũng là nơi hiếm hoi còn giữ được nghề làm nồi đất theo lối thủ công như ngày xưa.

Nghe đâu, từ xa xưa, khi di cư đến vùng này, những người làng Trù Sơn đầu tiên đã nghĩ ra nghề làm nồi đất để mưu sinh sau khi thấy mảnh đất này nghèo, đất đai không làm nên hạt lúa. Để rồi nhiều đời sau, dân “làng nồi” vẫn bám trụ lấy nghề vừa là để tri ân tổ tiên, vừa để tranh thủ thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập. Làm nồi bây giờ cũng là nghề xen kẽ duy nhất sau mỗi mùa vụ của bà con nơi đây.
 

Đất nắn nồi được nhào bằng chân cho thật nhuyễn.

Nhào đất bằng vật dụng tự tạo.

Điều đặc biệt nhất trong nghề làm nồi ở Trù Sơn là tất cả các công đoạn thủ công để làm nồi đều do người phụ nữ thực hiện và chỉ truyền cho con gái hoặc con dâu; còn đàn ông chỉ giữ nhiệm vụ vận chuyển đất sét và đem nồi ra chợ bán. Ngạc nhiên hơn, không hề có tài liệu sách vở hay trường lớp đào tạo nghệ nhân, chỉ mẹ truyền cho con, bà truyền cho cháu nhưng sự khéo léo của bàn tay người làm nồi vẫn không vì thế mà bị mai một theo thời gian. Ngược lại, với sự sáng tao của lớp hậu thế, sản phẩm càng ngàng càng hữu dụng hơn, đẹp mắt hơn. Chị Phạm Thị Ngự cho biết, chỉ những lúc sau thu hoạch, gia đình chị mới tận dụng thời gian rảnh để làm nồi, nhưng mỗi tháng chị vẫn có thể làm được khoảng 3 lò, tương đương hai triệu đồng, cải thiện thu nhập cho gia đình.

Chứng kiến chị Ngự nặn từng chiếc nồi đất mới thấy hết được cái tài hoa, khéo léo của những làng nồi Trù Sơn. Sau thao tác nhào đất sét, chị Ngự đặt một nắm đất đã luyện kĩ lên chiếc bàn xoay, người phụ nữ này dùng chân xoay bàn, nhịp nhàng nắn từng khuôn đất, sau ít phút, những nắm đất sét đã trở thành một chiếc nồi tròn trịa, đẹp mắt. Chị Ngự khoe, có ngày chị có thể làm được đến hơn 50 chiếc nồi. Không chỉ dừng lại ở đó, những khi rỗi chị Ngự còn tranh thủ “truyền nghề” cho hai con gái. Hàng xóm chị cũng thường xuyên qua xem chị thao tác để cùng nhau chia sẻ thêm kinh nghiệm.
 

Tay nắn nồi, chân đạp bàn xoay tạo thành một nét đẹp riêng có của nghề làm nồi đất ở Trù Sơn.

Công việc nắn nồi đất chỉ dành riêng cho phụ nữ.

Người thợ cẩn thận vuốt cho thân chiếc nồi được mịn và đẹp.

Theo phong tục, nghề chỉ được truyền lại cho con gái để khi đi lấy chồng các cô gái có cái nghề làm vốn cho cuộc sống.

Mẹ con chị Ngự và cái nồi đất "cha truyền con nối".

Lò nung nồi đất được đốt bằng rơm rạ theo lối thủ công như từ xưa vốn có.

Cô bé con gái chị Ngự với những chiếc nồi đất mang đậm hồn cốt của quê hương xứ sở mình.

Tuy được làm bằng thủ công nhưng những sản phẩm nồi đất ở làng Trù Sơn đã khẳng định được uy tín đối với nhiều người tiêu dùng bởi những tính năng rất ưu việt như nhẹ, mỏng, đặc biệt bền, chịu nhiệt tốt. Nồi Trù Sơn còn là thứ không thể thiếu trong cách chế biến các món ăn truyền thống như cơm niêu, cá kho… trong nhiều gia đình, khách sạn và nhà hàng. Vì thế, nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng cũng đã đặt mua nồi đất của Trù Sơn để dùng.

Chính vì tồn tại từ rất lâu đời và lưu giữ được một nét truyền thống mang đậm phong vị Việt Nam nên vấn đề duy trì và bảo tồn nghề truyền thống làm nồi đất thủ công đang được chính quyền địa phương các cấp quan tâm. Ông Nguyễn Hữu Lịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã cho biết, bằng các biện pháp như cố gắng sử dụng lao động dư thừa và xây dựng đề án làng nghề, xã đang có những chủ trương nhằm phát triển và tạo điều kiện để nhân dân Trù Sơn tăng năng suất lao động từ việc làm nồi, làm thêm những sản phẩm bắt mắt, đa dạng, hữu dụng. Mục tiêu là vừa lưu giữ được nghề truyền thống vừa xây dựng được thương hiệu cho làng./.
Thực hiện: Tất Sơn, Nguyên Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét