Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Ngỡ ngàng lọt vào thánh địa nhà gỗ "đế vương" Pơ Mu

(Kiến Thức) - Được mệnh danh là "thánh địa" của gỗ Pơ Mu, những vật dụng nhỏ như củi đốt, hàng rào, máng nước đến ngói lợp nhà ở xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) cũng đều bằng loại gỗ "đế vương" này.

"Bản Pơ Mu"
Từ thị trấn Mường La, ngược dòng suối Chiến hơn 40 cây số mới chạm "thánh địa" gỗ Pơ Mu nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Dọc theo con suối khúc hiền hoà, khúc lại dữ dội gào thét suốt đêm ngày nhưng bù lại khách lạ lại được thưởng thức mùi thơm êm dịu lẫn những ngọt ngào từ rừng Pơ Mu cổ thụ và từ chính những ngôi nhà bên bờ suối.
Ông Lò Văn Quạn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến tự hào khoe rằng: "Cả Tây Bắc và Đông Bắc rộng lớn như thế mà chỉ riêng ở Ngọc Chiến mới có những ngôi nhà sàn 100% gỗ Pơ Mu đẹp hơn trong mộng. Không chỉ thế, Ngọc Chiến cũng được tạo hoá ban cho những cánh rừng Pơ Mu quý hiếm bậc nhất Việt Nam mà không đâu có được".

Những ngôi nhà sàn Pơ Mu ở Ngọc Chiến có giá tiền tỷ. 
Quả thật, lời ông Quạn nói không ngoa chút nào bởi rất khó gặp ở Ngọc Chiến một ngôi nhà nào không được làm từ gỗ Pơ Mu. Từ nhà dân đến trường học, nhà văn hoá đều được chọn nguyên liệu từ gỗ Pơ Mu, thậm chí đến máng nước, cầu treo và củi đốt cũng được người dân dùng gỗ Pơ Mu một cách phổ biến.
Dọc con đường nối từ Ngọc Chiến sang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), những ngôi nhà sàn gỗ Pơ Mu nổi bật bên những đồi đất gan gà, có những ngôi nhà mới hoàn thành còn thơm phưng phức, ánh lên màu vàng của sơn vecni. Lại có những ngôi nhà sàn cổ kính, gỗ nhuộm màu thời gian trở nên xám ngoét, có đôi chỗ rêu phong phủ kín những mảng gỗ trăm năm cát cứ ở "thánh địa" Pơ Mu này.
Ông Lò Văn Quạn sau một hồi làm hướng dẫn viên, quay sang bảo: "Ngọc Chiến có hơn chục bản thì tất thảy đều được gọi là "bản Pơ Mu", hàng nghìn nóc nhà cũng bằng Pơ Mu nên người ta gọi đây là "thánh địa" Pơ Mu cũng có lý. Mỗi tội là bây giờ rừng đang cạn gỗ nên để có được một ngôi nhà Pơ Mu đúng nghĩa cũng rất khó". 
Một ngôi nhà sàn cổ toàn bộ bằng gỗ Pơ Mu. 
Tích gỗ 3 năm dùng trong 1 tuần
Theo ông Lò Văn Quạn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, "thánh địa" gỗ Pơ Mu gồm có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống là Thái, Mông và La Ha. Trong đó, người Thái chiếm đa số và cũng là dân tộc có truyền thống làm nhà sàn bằng gỗ Pơ Mu độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Chúng tôi vòng đường núi đến cuối bản Phia Ngái, gia đình anh Quàng Văn Tiên đang có đại sự dựng nhà sàn. Dùng tay áo quệt ngang mặt khi mồ hôi đang nhễ nhại, anh Tiên cho hay: "Làm được một cái nhà sàn thì dễ thôi, nhưng làm bằng gỗ Pơ Mu thì khó đấy. Tôi phải tích gỗ 3 năm ròng mới đủ số lượng dựng một cái nhà sàn nhỏ. Làm nhà sàn thì đơn giản, chỉ một tuần là xong nhưng tôi làm cầu kỳ nên phải mời thợ giỏi về đục đẽo nên chắc phải kéo dài đến ba tuần mới hoàn thành".
Tích gỗ 3 năm mới đủ làm một ngôi nhà sàn. 

Theo anh Tiên, gỗ Pơ Mu ở rừng Ngọc Chiến khá đa dạng. Tuy nhiên, phải chọn loại gỗ đủ độ tuổi thì ngôi nhà mới vững chắc. Kinh nghiệm của người dân Ngọc Chiến là không bao giờ chặt gỗ khi vỏ có màu xanh ánh nâu hoặc xám vì khi ấy Pơ Mu còn non. Những cây Pơ Mu được dân bản chọn lựa là gỗ già khi trên vỏ có các vết nứt theo chiều dọc, có mùi thơm. Các lá được sắp xếp trong các hệ thống cành nhánh nhỏ bằng phẳng, với các nhánh cây nhỏ nằm trên một mặt phẳng. 

Gỗ được chuyển về theo nhiều cách, nhưng hầu hết là người dân cho trâu khoẻ kéo gỗ từ trong rừng ra. Vì địa thế rừng Ngọc Chiến khá phức tạp nên chỉ có trâu khoẻ mới đủ sức kéo những cây gỗ lớn ra khỏi những cánh rừng rậm rạp.

Khi đủ gỗ, gia chủ sẽ chọn ngày lành mời thầy Mo đến làm lễ cúng ma tổ (tổ tiên - PV). Đặc biệt, gia chủ phải nhớ gốc và ngọn cây gỗ, không để ngọn cắm xuống đất theo quan niệm kiêng kỵ của dân gian. Vì thế, khi làm lễ thầy Mo phải hỏi gia chủ một cách kỹ càng để "làm phép nhập thần" cho gỗ. 
Một ngôi nhà sàn Pơ Mu cách tân. 
"Cả bản là đại gia"
Có thể nói "thánh địa" gỗ Pơ Mu Ngọc Chiến là nơi quy tụ được những ngôi nhà sàn cổ kính độc đáo và quý hiếm nhất hiện nay. Hàng nghìn ngôi nhà cổ theo đủ loại kích cỡ lớn nhỏ năm chênh vênh bên sườn núi thách thức thời gian, gió bão khắc nghiệt.
Ông Quàng Văn Toàn, Trưởng bản Khua Vai cho hay: "Nhiều đại gia ở Hà Nội đánh xe hơi lên tận nơi để chọn nhà sàn và trả giá đến tiền tỷ nhưng rất hiếm khi có ai đó ở Ngọc Chiến đồng ý bán. Đơn giản, vì nếu bán đi thì sẽ chẳng còn gì để ở".

Còn ông Lò Văn Quạn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến thì nói vui: "Tính ra ở Ngọc Chiến thì cả bản là đại gia. Nhà Pơ Mu cổ kính giá trị nhất thì cũng vài tỷ đồng, còn loại nho nhỏ thì cũng vài trăm triệu. Dân bản ở đây tuy nghèo thật nhưng nếu quy nhà ra tiền thì khó có nơi nào sánh được".

"Ngói" lợp cũng bằng gỗ Pơ Mu. 
Theo tính toán của ông Quạn, để làm được một ngôi nhà sàn đúng nghĩa thì cần ít nhất 15m3 gỗ Pơ Mu. Ngôi nhà sẽ có đủ 34 cột vuông và 2 cầu thang. Một ngôi nhà sàn cổ phải đủ 5 gian và được lợp bằng lá Gianh hoặc gỗ Pơ Mu. Loại gỗ này lợp rất chắc chắn và chống nhiệt tốt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngôi nhà sàn hiện đại được cách tân xây bằng tường vôi phía dưới và lợp tôn bên trên.
Mỗi viên "ngói" lợp nhà sàn được xẻ từ gỗ Pơ Mu rộng 50cm và dài 1m đan lồng lên nhau. Các hoa văn họa tiết ở cột kèo được thiết kế khá tinh vi hình rồng phượng hoặc hoa lá. Theo ông Quạn, tuổi thọ của ngôi nhà sàn Pơ Mu có thể lên tới 100 năm mới phải trùng tu lại.

- "Nhà sàn Pơ Mu là một nét văn hoá đặc sắc của người dân xã Ngọc Chiến, nó bắt nguồn từ truyền thuyết chinh phục thiên nhiên và từ chính nguồn tài nguyên tại chỗ ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhà sàn hiện đại với những cách tân lạ đang phá vỡ nét văn hoá cổ của "thánh địa" Pơ Mu".
Ông Lò Văn Quạn (Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến)
- "Trữ lượng gỗ rừng hiện còn của Ngọc Chiến và một số xã lân cận trên 15.000ha. Trong đó, gỗ quý hiếm như Pơ Mu là chủ yếu, còn lại là thông, dổi. Vì nhu cầu làm nhà bằng gỗ Pơ Mu của bà con là truyền thống nên để xử lý những hộ dân khai thác gỗ là không đơn giản".
Ông Sòi Ngọc Dũng (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm tỉnh Sơn La)

Lac vao the gioi co tich o ban Po Mu hinh anh 1
Vẻ đẹp mơ màng tựa thiếu nữ của bản Pơ Mu, Sơn La. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Bản Pơ Mu ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đẹp như một bức tranh mà thiên nhiên tạc vẽ. Cách thành phố Sơn La khoảng 80 km về phía đông bắc, ở độ cao trung bình là 1.800 m so với mực nước biển, Ngọc Chiến là vùng đất cao nhất, đẹp nhất của huyện Mường La. Vẻ đẹp mơ màng, ẩn trong sương núi cùng những đám khói tỏa ra từ những căn nhà gỗ khiến cho nơi đây càng trở nên huyền bí.
Đến với bản Pơ Mu, du khách như lạc vào không gian ngỡ chỉ có ở thiên đường. Những mái nhà san sát được lợp bằng gỗ pơ mu quý hiếm được ông cha nơi đây dựng nên, gìn giữ như những sản vật quý báu mà núi rừng ban tặng.
Những con đường làng quanh co, khúc khuỷu, thời tiết dìu dịu như che chở cho những con người nhỏ bé. Người dân ở đây quá đỗi thân thiện, hiền hòa như núi rừng đại ngàn vậy.
Lac vao the gioi co tich o ban Po Mu hinh anh 2
Những mái nhà làm bằng gỗ Pơ Mu quý hiếm được dựng nên từ bao đời nay ẩn mình trong nắng gió vùng núi. Ảnh: Điêu Chính Tới. 

Giữa chốn “rừng thiêng nước độc” lại có những nhành hoa nở trái mùa thơm ngát, suối nước nóng chữa bệnh và những nếp nhà trầm mặc. Khám phá bản Pơ Mu mới thấy những kiến trúc độc đáo, hoa văn đầu đón, đầu xà, kèo cột khá tinh xảo. Người dân Ngọc Chiến với những bộ trang phục rực rỡ chu đáo, ân cần với du khách tới tham quan, cuộc sống cứ thế trôi đi, chầm chậm.
Dạo một lượt quanh bản, những cánh cổng làm bằng gỗ pơ mu, tường rào làm bằng tre độc đáo đưa du khách trở về tuổi thơ, nơi cuộc sống còn đơn giản, nguyên vẹn.
Bên cạnh đó, khi tới bản, phải thưởng thức thứ gạo nếp tan ngon của cánh đồng quả trám Ngọc Chiến. Đây là món quà được ví thơm ngon hơn cả người anh em gạo nếp Tú Lệ, ít nơi nào sánh kịp.
Lac vao the gioi co tich o ban Po Mu hinh anh 3
Bản Pơ Mu trầm mặc, nhuốm màu thời gian ẩn hiện trong sương mờ. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Không chỉ thu hút du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ, khung cảnh hữu tình, bản Pơ Mu còn là nơi trú ngụ cho người Mông, người Thái. Dân bản không giàu như những gì người miền xuôi nhắc đến hay như giá trị của cánh rừng pơ mu, nhưng họ cũng không quá nghèo khó. Cuộc sống vẫn còn mang yếu tố tự cung tự cấp, tất cả đều do nhà trồng, nuôi được nên đồ rất tươi ngon.
Những người phụ nữ ở đây cũng vậy, họ đẹp, vẻ đẹp của rừng Pơ Mu đại ngàn. Vào ngày xuân hoặc cuối tuần, đi dọc bản Mường Chiến, Lò Phon, Nà Sảng… mới thấy nét đẹp văn hóa của người dân. Điệu múa xòe đặc trưng, trò kéo co làm cho không khí trở nên vui nhộn, náo nhiệt, những cô gái với nét mặt rạng rỡ, làm bừng sáng cả một góc trời.
Lac vao the gioi co tich o ban Po Mu hinh anh 4
Điệu múa xòe đặc trưng của người Thái ở bản Pơ Mu. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Để có chuyến đi “nhớ đời” tới Ngọc Chiến từ thành phố Sơn La hết tầm 80 km, đường khó đi, hiểm trở, nên du khách cẩn thận, nhất là với những bạn trẻ đi phượt xe máy.
Từ Sơn La, đi theo tỉnh lộ 106 khoảng 40 km về phía đông bắc, sau đó đến thị trấn Ít Ong, đi tiếp đến đèo Sa Síp nằm ở độ cao hơn 2.000 m, dài 40 km uốn lượn, bao trọn một vùng với rừng cây um tùm. Du khách sẽ di chuyển tiếp qua cây cầu bắc ngang suối, và xã Ngọc Chiến đã hiện ra trước mắt.
Các dịch vụ ở đây cũng rất phải chăng. Giá ở qua đêm khoảng 70.000-80.000 đồng một người. Đặc biệt khi tới bản, đừng quên tắm suối nước nóng và check in cùng những mái nhà lợp pơ mu liêu xiêu nhuộm màu thời gian.
Phước Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét