Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Nhớ Hải Phòng

Làm luận văn tốt nghiệp học viện nọ, tôi chọn đề tài du lịch; nhờ đó mà biết được con người ta đi “lang thang” hoá ra thúc đẩy bởi lắm những nhu cầu khác nhau. Có người thích đi du lịch để mua sắm. Người khác thì đi để ngắm danh lam, thắng cảnh. Người nọ đi để thoả trí tò mò về ăn uống v.v.. và v.v..

Nhìn ra ngoài cửa sổ, những lá phượng của cây phượng già đang lả lướt rung theo gió. Mùa này màu hoa của thành phố hoa phượng đỏ đã rụng hết rồi, thay vào đó là những chùm quả non xanh, theo gió cũng đang đung đưa...
Thấy da diết nhớ Hải Phòng!
Từ Hạ Long về Hải Phòng có một lối đi thi vị và lãng mạn. Đó là đi bằng tàu thuỷ, từ bến tàu Hòn Gai về bến Bính, xuyên qua Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới, qua khu đầm nhà Mạc, qua cảng Hải Phòng... Ngắm thoả thuê, đã con mắt. Cảm thấy cuộc sống thật đáng sống, “dù mai sau đời muôn vạn lần hơn” (Tố Hữu).

Bạn đón tôi nơi bến Bính, để mai đi xem chọi trâu ở Đồ Sơn - một đặc sản du lịch nổi tiếng của Hải Phòng, có từ xa xưa.

- Cũng sắp đến bữa trưa rồi - Bạn nói - Chúng ta đi ăn, sau đó về nghỉ ngơi, sáng mai đi xem chọi trâu. Đãi Nam món gì được nhỉ. Ông đã ăn sam chưa? Hải Phòng có sam 7 món ở phố Chu Văn An, dân nhậu vẫn hay gọi là phố Sam...

- Có ăn một lần rồi - Tôi nói - Nhưng tự làm lấy. Ăn ở nhà hàng thì chưa. Lại là sam 7 món thì càng chưa. Gồm những món gì vậy? Lại còn phố Sam nữa, là sao?

- Thế thì ta đi. Khắc đi khắc biết.

Quán bún miến ngan trên đường Phan Bội Châu (TP Hải Phòng).
Đúng là phố Sam! Cả một dãy, đến vài chục nhà hàng, biển thấy toàn đề “Gỏi sam”. Chúng tôi chọn ngẫu nhiên một nhà hàng.

Nhà hàng bán chỉ toàn các món ăn được chế biến từ sam: Tiết canh sam, gỏi sam, chân sam, chả sam, sam xào, trứng sam và miến sam. Chúng tôi gọi đủ lệ bộ, mỗi thứ một ít. Nhà hàng đưa dần ra khi thấy món trước chúng tôi ăn đã vãn...

Nhớ lại lần ăn sam tự làm. Lần ấy, đang chuẩn bị đi ra khỏi nhà thì cô cháu nội ông cụ hàng xóm, mới 9 tuổi, chạy lên nhà bảo: “Chú ơi, chú xuống ngay, ông cháu có việc”. Hỏi “Việc gì?”, nó không nói.

- Có anh con rể nó đi lưới giã vừa vào đưa cho cặp sam - Ông cụ nói - Anh ở đây ta làm gỏi sam uống rượu. Anh ăn gỏi sam bao giờ chưa?

- Ô! Thế thì hay quá. Cháu chưa ăn bao giờ. Với lại, cháu cũng chưa làm thịt sam bao giờ.

- Thì hôm nay anh giữ, tôi thịt.

Hai con sam khá to. Con sam cái phải bằng cái rá vo gạo. Mổ ra, chúng tôi lấy được khá nhiều trứng.

Hai ông con hì hụi làm. Ông cụ đã ngót 80, tay bắt đầu run, làm có phần lóng ngóng. Con sam vật ngửa, hai tay tôi giữ, những cái chân của nó liên tục nghều ngoào. Chính trong cuộc mổ sam này mà tôi biết một vài chuyện về sam. Sam sống cặp đôi, con đực nhỏ hơn lúc nào cũng nằm ôm trên lưng con cái. Chỗ con đực lấy chân ôm (tạm gọi là chân đặc biệt) còn hằn rõ trên mình con sam cái gần phía đằng đuôi. Nếu bắt được sam một (sam chỉ còn một con) người ta thường không ăn vì cho rằng nó độc. Làm thịt sam không được để vỡ ruột, vì nếu thịt sam dính phân nó, ăn dễ bị đau bụng, đi ngoài. Nhưng hay nhất là bài “Lý con sam”, tôi không nhớ hết, song có những câu thế này: (ấy) nước trôi một dòng/ đói no (xin) mặc lòng/ (xin) đừng (có) theo ai/ (ấy) là đôi cặp con sam...

Hai ông con hì hục “vật nhau” mãi với 2 con sam, đến gần 11 rưỡi trưa mới ngàm ngàm, cũng là lúc chị con gái ông cụ đi làm về.

Ông cụ bảo chị con gái chạy ngay đi mua cho 1 lít dấm, tiện thể mua luôn vừng, lạc, chanh, ớt, rau thơm về để làm gỏi, “xem đâu có lá mui thì hái lấy một ít ngọn”...

Những mớ thịt sam được lấy ra ông cụ ném luôn vào cái soong chứa đầy dấm. Ngâm thịt sam trong dấm sau khi uống hết tuần trà và hút thuốc lào, ông cụ vớt ra, lấy hai tay bóp vắt khô rồi xé tơi. Những sợi thịt sam trắng trong.

Chị con gái đã rang xong lạc và vừng, lạc đem chà sảy bỏ vỏ rồi giã nhỏ…

Ông cụ trộn lạc, vừng, rau thơm thái nhỏ cùng với thịt sam, vắt vào đó ít nước chanh.

Thế là đã có đĩa gỏi sam.

Khi ăn, lấy gỏi sam cho vào bát, miếng vừa ăn, rưới vào đó chút nước mắm dấm ớt tỏi, kèm với rau thơm.

- Anh ăn thấy thế nào? - Ông cụ hỏi tôi.

- Lúc mới đưa vào nhai, cháu thấy nó hơi nhạt nhạt, đơn đớt, nhai kỹ thấy cũng được, bùi bùi. Nhưng đây là lần đầu, cháu cũng hơi e dè, sợ bụng dạ không ổn, nên vừa ăn vừa phải nghe ngóng...

- Không kiếm được ngọn mui à? - Ông cụ hỏi chị con gái.

- Ở phố khó kiếm lắm - Chị con gái trả lời.

- Cây mui là cây gì? - Tôi hỏi.

- Là cây mui. Dân Thái Bình vẫn gọi thế.
“Hội Chọi trâu” - Một nét “đặc sản” của Đồ Sơn, Hải Phòng.
“Hội Chọi trâu” - Một nét “đặc sản” của Đồ Sơn, Hải Phòng.
Sau này tôi hỏi, có người chỉ cho tôi cây mui, thì ra đó là cây chó đẻ. Ngọn của nó nhấm thấy hơi đăng đắng, mùi hăng hăng.

Nghe ngóng bụng một chặp, thấy có vẻ ổn, tôi mạnh bạo ăn. Hai ông con đưa cay cũng được kha khá rượu quốc lủi, lò rượu nhà ông Cửu ở phố Dốc Học (TP Hạ Long) nấu.

Gỏi sam ở phố Sam Hải Phòng không khác mấy ông cụ đã làm cho tôi ăn. Có chăng là trộn lạc vừng khéo hơn, trong gỏi sam có những sợi ăn giòn lật sật, có lẽ là gân sam hay diềm sam thì phải. Rau thơm ăn kèm phong phú hơn: Lá sanh, vọng cách, đinh lăng, hoa chuối... và ăn kèm cả với bánh đa nướng. Không thấy có ngọn lá mui. Món tiết canh sam lần đầu ăn, nhưng không để lại dư vị gì nhiều. Cuối bữa nhậu dùng bát miến sam nóng hổi. Ăn có cảm giác như miến cua bể, nhưng nồng và ngọt hơn.
Song ấn tượng hơn cả của bữa nhậu này lại là, lúc đi WC, phải qua khu vực nhà bếp, thấy một sàn nhà, rộng chừng 15 mét vuông chứa đầy những con sam. Chúng như những cái mũ sắt đang bò lổm ngổm. Vẫn có những cặp sam ôm nhau. Và thật bất ngờ, cũng đúng lúc ấy, tôi nghe thấy Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình ca nhạc đang vang lên bài hát “Lý con sam”, cô ca sĩ hát giọng Nam mượt mà, giai điệu đằm thắm: “Ấy nước trôi một dòng. Đói no xin mặc lòng. Xin đừng có theo ai. Ấy là đôi cặp con sam. Sam bơi sam lội...”.

Chẳng nhớ tâm trạng của tôi lúc ấy buồn hay vui nữa.

Sáng hôm sau, chúng tôi đi ăn bún ngan ở phố Phan Bội Châu. Có cả bạn gái của bạn đi cùng.

Nhà hàng xếp thịt ngan riêng cho mỗi người một đĩa nhỏ. Đó là lượng thịt ngan của một bát bún. Những miếng thịt ngan thái mỏng vừa, xếp đều tăm tắp và đẹp. Miếng thịt có đầy đủ cả thịt lẫn da, nhìn thật thích mắt. Ăn, thịt thơm, ngậy và mềm, không thấy mùi hôi, tanh. Chúng tôi uống rượu với đĩa thịt này. Sau đó nhà hàng mới bê bát bún ra. Nóng hổi. Chỉ có măng và bún. Nước dùng trong, điểm xuyết những sao mỡ, vị hơi chua mùi măng và ngọt do xương ninh. Ăn bún ngan kiểu đặc biệt này cảm thấy dễ chịu lạ lùng, thấy rất ngon.

Nhất là sau khi ăn xong, chúng tôi qua nhà hàng phía đối diện thưởng thức trà hoa cúc. Pha trà hoa cúc hơi giống như pha cà phê. Rượu, bún ngan ăn kiểu đặc biệt, nay nhâm nhi cốc trà hoa cúc, mới thấy quện làm sao!...

Cuộc chọi trâu ở Đồ Sơn gặp mưa. Chúng tôi đội mưa đứng xem. Trâu húc nhau rất hăng. Bê bết bùn đất. Có cặp đánh bật cả sừng, trơ lõi đỏ lòm. Xem rất hồi hộp. Quá trưa mới tìm ra được một con trâu chiến thắng, thuộc về một phường nào đó của Đồ Sơn tôi không còn nhớ rõ tên. Cuộc trao giải diễn ra trong tiếng vỗ tay reo hò, hoan hỉ và tưng bừng. Chú trâu chiến thắng có vẻ cũng vui lây niềm vui đó. Nó ve vẩy đuôi, lắc lắc sừng...

- Ve vẩy rồi cũng bị thịt - Bạn nói.

- Sao cơ? Thịt?...

- Trâu chọi ở Đồ Sơn, chọi xong, con thắng, con thua đều bị làm thịt hết. Giống này người ta vỗ chỉ dùng để chọi, không dùng vào việc gì khác được.

- Thế sao không nuôi tiếp để năm sau chọi tiếp?

- Không rõ lắm. Có thể tục lệ từ xưa là như thế. Cũng có thể giống này chỉ chọi được một lần, lần sau bắt nó chọi nó sẽ không chọi, hoặc có chọi, cũng lơ là. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là trưa nay chúng ta nghỉ lại Đồ Sơn, chiều đi mua thịt trâu chọi về nhậu.

Trưa nghỉ ở Đồ Sơn. Chưa kịp ngả lưng đã thấy tiếng gõ cửa. Mở ra, một cô gái áo phông, quần soóc tươi cười: “Em vào đấm lưng cho anh”. Tôi cảm ơn cô, bảo không có nhu cầu ấy. Cô vẫn tươi cười, nằn nì...

Chúng tôi mua được 2kg thịt trâu chọi, đem về nhà một nhà thơ nữ nổi tiếng của Hải Phòng, là bạn của bạn, làm sạch, thái mỏng, xào với rau cần. Có thêm vài người bạn nữa kéo đến. Cuộc vui tưng bừng và được nghe khá nhiều các bài thơ do họ sáng tác và các bài hát nhại lời. Tôi góp vui với các bạn một bài thơ nhớ được từ hồi còn là sinh viên, chép vào sổ tay, hình như là của Pê tô phi: Đường vào tim. Đường vào tim không giống đường xe lửa/ Không có nhà ga/ Không có cả con tàu/ Đường vào tim chỉ có một vực sâu/ Vách đá cheo leo/ Đôi bờ sâu thẳm/ Một cây gỗ nhỏ bắc làm cầu/ Anh muốn vào ư/ Em chẳng cấm đâu/ Đời chỉ dạy/ Lỡ sẩy chân/ Đá đập vỡ đầu. Mọi người vỗ tay reo hò, tán thưởng.

Sáng hôm sau tôi bừng tỉnh ở nhà bạn, nhìn đồng hồ đã gần 8 giờ. Đánh răng, rửa mặt xong, xuống đã thấy bạn ngồi chờ ở phòng khách.

- Vợ đã đi làm. Các cháu đã đi học - Bạn nói - Cô ấy để lại cho chúng ta một mảnh giấy dặn có bánh mì đen, thịt xông khói, xúc xích, dưa chuột, nước đậu... Hôm nay chúng ta ăn sáng ở nhà.

Chúng tôi dùng bia lon để lạnh, ăn bánh mì, trong tiếng dịu êm của một bản nhạc của Sô panh đang nhè nhẹ phát ra từ chiếc đầu đĩa.

Nhìn ra ngoài cửa sổ, những lá phượng của cây phượng già đang lả lướt rung theo gió. Mùa này màu hoa của thành phố hoa phượng đỏ đã rụng hết rồi, thay vào đó là những chùm quả non xanh, theo gió cũng đang đung đưa...

Thấy da diết nhớ Hải Phòng!
Trần Giang Nam(BQN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét