Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Những tờ báo xuân đầu tiên ở Sài Gòn

Báo Ðông Pháp số xuân năm 1928.
Ngày nay, có dịp đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 trên đường Lê Duẩn, quận 1, tìm lại kho lịch sử của báo chí Việt Nam, mới thấy báo xuân của Sài Gòn ngày xưa thật dân dã đời thường, mà cũng không kém phần phong phú, sức xuân.
Trong những tờ báo ra báo xuân chữ quốc ngữ, thì Nam Phong Tạp chí, ra đời năm 1917 tại Hà Nội và kéo dài tới năm 1934, ra được 211 số, là tờ báo ra báo xuân đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, số xuân ra Tết năm 1918.
Ở Sài Gòn, tờ báo xuân đầu tiên là tờ Ðông Pháp Thời báo, ra số xuân năm Mậu Thìn - 1928. Ðông Pháp thời báo (Le Courrier Indochinois) là báo xuất bản ba kỳ/tuần (thứ hai, thứ tư, thứ sáu), có từ 4 đến 8 trang khổ lớn 65x40cm. Báo ra số đầu tiên ngày 2-5-1923, số cuối (số 809) ra ngày 22-12-1928.
Những trang đầu số báo xuân 1928, nội dung của  Ðông Pháp Thời báo có bài, hình ảnh phụ trương về phụ nữ, trẻ em và chơi thể thao. Tại số báo này sự xuất hiện của nhà thơ Tản Ðà - Nguyễn Khắc Hiếu, với bài thơ Chơi Xuân dù lời văn mộc mạc của thời năm 1928, khi đất nước ta còn trong vòng nô lệ, song đây là bài thơ xuân đầy cảm tác của Tản Ðà - Nguyễn Khắc Hiếu khi mới vào sống ở đất Sài Gòn:
... "Thơ với rượu cùng xuân,  ta vẫn thế
 Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế,
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm!
Cùng nhau nay hãy uống thêm!
Ðể ra được tờ Ðông Pháp Thời báo, chính Diệp Văn Kỳ là người có công thuyết phục các nhà báo, nhân sĩ thời bấy giờ. Ban đầu tờ báo này do Nguyễn Kim Ðính làm chủ, sau vì thua lỗ nên phải bán lại cho hai ông Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá (từ số 635). Sau khi báo ra được những năm đầu có đông độc giả, chính ông Diệp Văn Kỳ đã có sáng kiến mời nhà thơ Tản Ðà và Ngô Tất Tố vào nam, tăng cường cho ban biên tập tờ báo. Ông đã mời chủ bút là nhà sử học Trần Huy Liệu (bút danh Nam Kiều), rồi sau là Bùi Thế Mỹ (bút danh Lan Ðình) rồi Nguyễn Văn Bá. Bên cạnh Tản Ðà, Trần Huy Liệu, Ðông Pháp Thời báo đã thu hút được các cây viết như: Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Ðào Trịnh Nhất, Trương Vĩnh Tống... để tồn tại trong thời buổi tờ báo thể hiện lập trường của giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam, có xu hướng cấp tiến trước và sau 1930. Sau khi ra số 809, báo đình bản do những khó khăn tài chính và nhân sự.
Kể đến các báo ra số xuân trong nước cũng lấy chủ đề xuân làm nổi bật trong cảnh còn lệ thuộc thực dân Pháp ở ba kỳ. Các tờ Thần Chung Xuân Canh Ngọ 1930, Phụ - nữ Tân - Văn Xuân Canh Ngọ 1930, Công Luận Xuân Tân Mùi 1931, Trung Lập, Xuân Ất Hợi 1933, Ðuốc Nhà Nam Xuân Ất Hợi 1935... Song như nhiều nhà sử học vẫn cho rằng, tờ báo xuân đậm chất xuân thời đấy mà bây giờ tại kho Lưu trữ Quốc gia 2 thì, Phụ - nữ Tân - Văn Xuân Canh Ngọ 1930, là tờ thật ấn tượng với mùa xuân. Tờ báo  đã đưa bài thơ cùng chữ Xuân thật đậm ra ngoài bìa:
"Vui xuân vui khắp xa gần
Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.
Ðốt hương nguyện với xuân hoàng;
Sao cho nước cũ ngày càng thêm xuân?
Xuân tới xuân đi, xuân chẳng ở,
Có yêu xuân xin chớ phụ ngày xuân.
Chợ Dinh hoàn đương lúc chen chân
Chúc xuân mới quốc dân mau tiến bộ...
Dẫu cho mỗi cảnh, mỗi tình nhưng mùa xuân đến, báo chí ở Sài Gòn xưa và trên cả nước ta bao giờ cũng vẫn ước vọng cao đẹp về mùa xuân, để sức xuân thành những điều "Chúc xuân mới quốc dân mau tiến bộ"... như từ xuân 1930 - mà từ đây, cũng mùa xuân đó, Ðảng ta ra đời.       
PHẠM BÁ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét