Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Độc đáo tranh ghép lá thốt nốt ở An Giang

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Võ Văn Tạng hãy còn rất say sưa với nghề “độc nhất vô nhị”: Thiết kế, chế tác những bức tranh được ghép từ lá thốt nốt nguyên thủy. Sản phẩm đã đưa tên tuổi ông được nhiều người biết tới, đặc biệt tranh lá thốt nốt từ đó trở thành sản phẩm độc đáo của quê hương An Giang.


Cây thốt nốt gắn chặt với đời sống người Khmer như cây dừa của người Kinh. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nó vừa là biểu tượng của đồng bào dân tộc Khmer, vừa là nguồn lợi kinh tế đáng kể. Nhắc đến cây thốt nốt, người ta nghĩ ngay đến sản phẩm đường thốt nốt. Mỗi khi du khách có dịp đến thăm đều mua một ít đường thốt nốt- đặc sản của vùng Thất Sơn hùng vĩ của quê hương An Giang, về làm quà biếu.
 
Sản phẩm đường thốt nốt An Giang bây giờ không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh, trong vùng mà còn có cả đại lý lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, thân và lá của thốt nốt còn được dùng làm nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo. Ngoài chuyện lấy lá lợp nhà, thân cây được dùng xẻ gỗ đóng tủ, giường, bàn ghế, làm đồ nội ngoại thất…
 
Một sản phẩm độc đáo được làm từ cây thốt nốt ít ai nghĩ tới, đó chính là: Tranh ghép lá thốt nốt. Nói đến sản phẩm “độc nhất vô nhị” này phải kể đến “cha đẻ” của hàng chục ngàn bức tranh ghép lá thốt nốt- Nghệ nhân Võ Văn Tạng ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn).


Nghệ nhân Võ Văn Tạng bên cạnh sản phẩm độc đáo của mình.
Mặc dù năm nay tuổi đã ngoài 60, nhưng nghệ nhân Võ Văn Tạng hãy còn rất say sưa với nghề “độc nhất vô nhị”: Thiết kế, chế tác những bức tranh được ghép từ lá thốt nốt nguyên thủy.
 
Thuở nhỏ ông đam mê hội họa, nhưng lớn lên học ngành ngân hàng. Đến khi làm Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT huyện Thoại Sơn, thỉnh thoảng ông cũng vẽ cho vui! “Mình nghĩ rằng, từ bé đến lớn chỉ toàn tự học vẽ. Nếu không học chính quy thì không thể theo kịp các tay họa sĩ chuyên nghiệp. Nên mình đi tìm chất liệu riêng để sáng tác”.
 
Vậy là ban đầu ông khá thành công với lá cây thiên tuế. Tuy nhiên, thiên tuế lá ngắn, khó thực hiện được những bức tranh khổ lớn; thường bị rệp bám, phải mất công xử lý trước khi thể hiện tác phẩm. Thế là, trong một lần đi thẩm định cho vay vốn dự án làm quạt bằng lá thốt nốt của đồng bào Khmer ở xã Vọng Thê (Thoại Sơn) đã gợi cho ông ý tưởng vẽ tranh trên chất liệu mới. Nghĩ là làm, ông bắt tay vẽ thử sản phẩm đầu tay. Và bức tranh “Tùng hạt” đường kính 40x60cm ra đời vào năm 1996.
 
Năm 2003 ông nghỉ hưu, hầu hết thời gian đều được ông tập trung vào sáng tác tranh ghép lá thốt nốt. Sản phẩm ông làm ra ngày càng nhiều và được nhiều người biết đến. Để có lá thốt nốt, ông Tạng đi đến các vùng biên giới huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. 
 
Theo ông: Phải lấy lá thốt nốt có 8 năm trở lên, lá còn non, cắt vào đầu mùa nắng như vậy bức tranh mới đạt yêu cầu về chất lượng, độ bền. Lá thốt nốt đem về phơi khô khoảng 2 tuần, ngâm nước phèn, rồi tiếp tục phơi khô, cắt thành từng phiến thẳng, tùy theo kích cỡ của những họa tiết trong bức tranh. Các họa tiết này đã được vẽ chi tiết trên khuôn, sau đó dán các phiến lá đã cắt sẵn đúng vị trí của từng họa tiết trên bức tranh.
 
Phải vẽ bằng que hàn điện tử (bút lửa), không để mũi hàn nóng quá làm cháy lá. Những bức tranh khổ lớn có khi ông mất cả tháng mới hoàn thành. Vẽ xong, đánh bóng dầu bảo vệ lá rồi vô khuôn.
 
Nét độc đáo ở đây là vẽ tranh không bằng sơn, màu, mà chỉ dùng tông màu nâu, đen. Với cách nhấn nhá đường nét đậm nhạt của mũi hàn điện, người thợ sẽ khắc họa nên những chi tiết làm sống động bức tranh.
 
Chính nét độc đáo, mới lạ, mang giá trị nghệ thuật cao đã khiến cho sản phẩm tranh ghép lá thốt nốt Võ Văn Tạng được giới mỹ thuật đánh giá cao và được giới chơi tranh trong và ngoài nước ưa thích. Đặc biệt, UBND tỉnh, các sở, ban ngành cũng thường chọn loại tranh này để làm quà tặng ngoại giao. Bởi ngoài giá trị nghệ thuật, nét độc đáo, thẩm mỹ còn mang nét đặc trưng là sản phẩm từ cây thốt nốt của vùng Bảy Núi- quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
 
Một số Việt kiều về thăm quê mua tranh của ông đưa ra nước ngoài. Một tạp chí bằng tiếng Nhật đã giới thiệu tranh của ông. “Bức tranh chiếc huy hiệu Đoàn mà Huyện ủy Thoại Sơn đặt để tặng cho Trung ương Đoàn, tôi phải làm liên tục bảy ngày đêm mới xong”- ông cho biết.
 
Hơn 15 năm gắn bó với nghề làm tranh ghép bằng lá thốt nốt, nghệ nhân Võ Văn Tạng đã cho ra đời hàng chục ngàn sản phẩm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, kích cỡ khác nhau. Ngôi nhà số 48 Hùng Vương, thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) của nghệ nhân Võ Văn Tạng bộn bề những bức tranh cùng vật liệu làm tranh.
 
Tranh của ông sống động với chân dung Bác Hồ, Bác Tôn; với những hình ảnh đồng quê thanh bình, no ấm; làm đẹp hơn cho những câu đối, tranh dân gian và thiếu nữ. Cơ sở của ông cũng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, với mức lương vài triệu đồng/ người/tháng…
 
Hầu hết các kỳ hội chợ được tổ chức trong và ngoài tỉnh, sản phẩm tranh ghép lá thốt nốt của ông Võ Văn Tạng cũng đều có mặt để quảng bá sản phẩm độc đáo của quê hương An Giang. Năm 2010, ông được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập 2 kỷ lục là: “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam” và kỷ lục bức tranh “Di chúc Bác Hồ làm bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam”…
Theo H.H (An Giang Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét