Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

“Pả me” trong hôn lễ của người Tày

(LV) - Người Tày có truyền thống văn hóa đặc sắc như hát Then, hát Cọi, lễ hội Lồng tông… Nhưng còn một “Pả me” trong đám cưới của người Tày chưa hẳn nhiều người đã biết.

“Pả me” trong trang phục truyền thống của người Tày
“Pả me” trong trang phục truyền thống của người Tày.
“Pả me” là người phụ nữ thay mặt bố mẹ cô dâu thực hiện mọi lễ nghi trong đám cưới của người Tày. Nếu như trong đám cưới của người Kinh, đại diện nhà gái theo cô dâu về nhà chồng có thể là nam giới hay nữ giới thì trong đám cưới người Tày, người đại diện phải là “Pả me”. Để được chọn làm “Pả me” trước tiên phải là những người biết hát Văn “hết văn đảm bái” - hát văn đám cưới. Họ thường là những người đứng tuổi, có đức độ, uy tín trong vùng. “Pả me” phải là những người rất đứng đắn, lịch sự, có khả năng ứng đối, am hiểu phong tục tập quán của địa phương. Ngoài ra, phải đáp ứng một số tiêu chuẩn như có chồng, gia đình hạnh phúc, con cháu quây quần. Tuy vậy, vẫn có những ngoại lệ cho người biết hát Văn dù không có con hoặc mất chồng... vẫn có thể làm “Pả me” nhưng điều này phải được gia chủ lựa chọn.
Những bài hát Văn của “Pả me” vừa răn dạy đạo đức, lối sống, vừa thể hiện sự tinh tế, thông minh, khéo léo trong cách ứng xử, đồng thời là một hình thức giao lưu cộng đồng độc đáo. Theo bà Hà Thị Thắt, ở thôn Bó Héo, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) một người đã có hơn 40 năm làm “Pả me” cho biết, trong đám cưới của người Tày trước kia cùng với những thử thách như chăng dây, nhốt một con mèo trong cái đó (dụng cụ bắt tôm cá) không cho nhà trai lên cầu thang, trải chiếu ngược… là những câu hát mượt mà, những vế đối lắt léo mà “Pả me” đưa ra thử thách nhà trai. Nhà trai phải đối đáp sao cho mọi người thấy được chú rể là người xứng đáng với người con gái gia đình đã vất vả nuôi dưỡng trưởng thành. Điều này phụ thuộc lớn vào vai trò của ông quan làng. Với mỗi hoạt động trong đám cưới như đưa của hồi môn, xin tiền qua cầu, xin phép tổ tiên, ra mắt nhà chồng... “Pả me” sẽ có những bài hát Văn riêng. Đưa cô dâu về nhà chồng có rất nhiều bài hát nghi lễ từ đón nhận của hồi môn của bố mẹ, vái lạy tổ tiên... Trước khi kết thúc nghi lễ, “Pả me” sẽ hát một điệu hát “thắng lùa” (dặn dò cô dâu) để dặn dò cô dâu về cách làm ăn, cư xử và những điều cần thiết khi về nhà chồng.

Bà Thắt ngâm nga hát cho tôi nghe một điệu hát của “Pả me”, lời hát trầm bổng, mộc mạc như chính tâm hồn của con người miền núi:

“Vằn này việc cập cu chồm khua
Bắt chước lệ tơi xưa, thá ké
Chắng tặt mì pả me, lùa tôi
Thống noong mà thông nơi định các.”
Dịch là:
“Hôm nay có việc vui mừng
Theo lệ người xưa
Có pả me, phù dâu
Đưa cô dâu về nhà chồng”

Những lời hát Văn của “Pả me” cũng như của “Quan làng” đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong hôn lễ của người Tày. Không chỉ hát trong nghi lễ chính của đám cưới, những bài hát Văn như “văn chồm bôm - hát trước khi ăn cỗ cưới”, “chậu nặm dào mừ - mời rửa tay trước khi ăn”... sẽ được “Pả me”, “Quan làng” hát để giao lưu lúc liên hoan. Nếu không hát đối lại được thì sẽ phải chịu rượu phạt. Để mời rượu cũng như từ chối rượu “Pả me” cũng có làm những bài văn “chối lẩu”, “mơi lẩu”. Quan viên hai họ vừa là công chúng thưởng thức đồng thời là “ban giám khảo” xét thưởng phạt những lời hát đối đáp này. Đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng rất độc đáo, đặc sắc vừa giúp tăng cường sự giao lưu, gắn kết trong cộng đồng, vừa thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Tày.

Ngày nay, trong đám cưới của người Tày ở Chiêm Hóa hầu hết những hoạt động của “Pả me” đã được đơn giản hóa, không còn có nhiều bài đối đáp mà chỉ duy trì hát Văn trong một vài nghi lễ chủ yếu của đám cưới. Dù vậy, “Pả me” vẫn là nhân vật không thể thiếu. Để nét văn hóa độc đáo, đặc sắc này không bị mai một cần có biện pháp để thu thập, lưu giữ những lời hát Văn của “Pả me” cũng như gìn giữ những lễ nghi truyền thống trong đám cưới của người Tày.
HTSN (Theo Báo Tuyên Quang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét