Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Hành Cấm Sơn

Vượt hơn 220km bằng xe máy từ TP.HCM về An Giang, tôi muốn thổi về cho các bạn một luồng gió trong lành từ núi Cấm, địa danh từ lâu đã âm thầm tô điểm cho nơi này một nét duyên thật riêng, thật khác biệt.
Chùa Phật Lớn ở lưng chừng núi, độ cao 400-500m.
Đường lên núi Cấm
Thiên Sơn Cấm ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm TP. Long Xuyên khoảng 90km, là một ngọn núi cao trên 700m. Dù bạn tới đây bằng phương tiện gì thì bạn cũng sẽ được các bác xe ôm nơi này chào mời, ngỏ ý đưa bạn lên tham quan ba chùa, trong đó có chùa Phật Lớn ở lưng chừng núi ở độ cao 400-500m. Đường lên núi đã được làm mới, tân trang, sửa sang tương đối bằng phẳng, thế nhưng quãng đường tầm 30 phút với khoảng 10km đưa bạn lên đôi lúc cũng là một cuộc phiêu lưu ngắn đầy cảm giác mạnh. Ở một vài đoạn khi lên dốc cao, chiếc xe nhỏ chở bạn cứ thế luồn lách đi qua những tảng đá lớn, những hòn sỏi to chắn ngang đường. Đôi lúc bạn như bị hất ra khỏi xe vì va vấp, thoáng thót tim nhưng cũng rất thú vị. Thích thú nhất là ngắm nhìn những khe suối nhỏ, uốn quanh những tảng đá nhìn như một dải lụa trong vắt mềm mại của thiếu nữ nào đó vô tình đánh rơi. Hướng mắt tới khu vực gần cạnh hồ Thủy Liêm là tượng Phật Di Lặc cao 33,6m, là pho tượng Phật Di Lặc to nhất Đông Nam Á với tổng trọng lượng gần 1.700 tấn. Khi ta chui lòn vào bên trong tượng Phật để tới nơi cao nhất trong thân tượng mà chiêm ngắm toàn cảnh núi Cấm phía xa xa, lúc đó mới thật mãn nhãn. Bạn sẽ cảm thấy bao phiền muộn, bao âu lo như tan chảy, chỉ thoáng nghe chút hương vị dịu dàng của bình yên trải rộng trong mình.
Nếu muốn thực sự trải nghiệm, bạn có thể đi tới đỉnh núi bằng xe ôm, vượt qua mấy chục phút đường rừng để được ngắm nhìn toàn cảnh. Nhất là vào sáng sớm, khi sương mờ còn giăng mắc, bạn sẽ ngỡ như mình đang lạc vào một chốn thần tiên nào đó.
Miếng ngon không cấm
Ven các con đường lên núi, bất cứ khi nào dừng chân, bạn cũng có nơi để ghé vào vì các hàng quán mọc san sát với những chiếc võng đong đưa sẵn sàng xoa dịu cho đôi chân và tấm lưng đang mỏi mệt của bạn. Những quán “cóc” nhỏ với những chiếc bàn con con, mái che tạm bợ, bán nhiều thứ nhưng đặc trưng hơn cả là bánh xèo và thốt nốt.
Quán bên đường với bánh xèo miền Tây ăn kèm rau rừng Bảy Núi
Bánh xèo đã thành thương hiệu đặc trưng ở núi Cấm. Toàn bộ rau ăn kèm đều xuất thân từ núi như lá sung, đọt bứa, lá vông, ngành ngạnh, kim thất, mã đề… những cái tên nghe quen mà lạ. Bánh không kiêng dè người ăn mặn hay ăn chay. Bánh mặn ta có nhân tép rang, thịt ba rọi, giá sống, măng tươi; bánh chay ta có nhân tàu hủ chiên, giá sống, măng tươi. Mỗi loại mỗi hương vị riêng và cái nào cũng thật ngon mà lạ, lạ để dễ nhớ, lạ để khó quên.
Tặng phẩm thứ hai chính là thốt nốt. Cây thốt nốt nhìn trông giống như cây dừa, trái thốt nốt cũng giống như trái dừa nhưng vỏ có màu tím nhẵn bóng và mọc thành từng chùm trên cây. Bông thốt nốt làm được ra rất nhiều thứ. Ngoài đường thốt nốt vừa béo vừa thơm, thốt nốt ở đây còn được dùng làm bánh với màu vàng ươm đặc trưng, hay còn để nấu chè, để làm kem… Nói tới bánh từ thốt nốt, mấy ai lại quên được hay kìm lòng được trước hương vị khó quên của bánh bò thốt nốt. Bánh được làm thành từ những nguyên liệu ngon nhất, tinh túy nhất như gạo lúa mùa ngon, thốt nốt già mài nhuyễn gạn lấy nước, đậu xanh đãi vỏ, lá chuối tươi nung nấu trong ngọn lửa riu riu thì lấy lí do gì mà nó lại không ngon cho được. Ngoài bánh bò, kem thốt nốt cũng đang được mọi người ưa chuộng, loại kem chỉ bán duy nhất tại quán đối diện trường Châu Lăng, đoạn gần tới chân núi. Kem thốt nốt không phải kem tươi hay kem ký thường thấy, mà là kem để đông trong bịch, khi khách tới thì sẽ được đập ra, bỏ vào ly rồi thêm vài miếng thốt nốt lên trên, cho vào chút sữa. Còn gì thỏa mãn hơn khi trong cơn khát, bạn được dùng một ly nước thốt nốt ngọt thanh, cộng thêm vài miếng cùi trong suốt, dai dai mà ngọt lịm. Bao mỏi mệt trên đường hành hương như dần dần tan biến…
Gói ghém mang về
Đổ bánh xèo phục vụ khách du lịch
Đâu chỉ người tới thăm An Giang, thăm núi Cấm mới phải lòng núi Cấm, phải lòng An Giang. Ngay cả những người không đến đây cũng dễ “say nắng” nơi này bởi những tặng phẩm mà người đi mang về. Đó là những khoanh đường thốt nốt, là những búp măng rừng nơi đất thiêng cửa Phật, là hằng hà sa số các loại mắm ở chợ Châu Đốc ngay cạnh huyện Tịnh Biên, nổi tiếng như khô cá tra phồng… Tất cả làm nên một cái kết thật đẹp cho chuyến đi về miền núi Cấm.
Có những chuyến đi cho người ta nhiều hơn một niềm vui, đó chính là sự thanh thản thật sự trong cõi lòng. Tìm về với một chốn thanh tịnh như núi Cấm - Tịnh Biên, lòng người rũ đi bao sầu não, được trở về với những gì nguyên sơ và thuần khiết nhất. Đó có lẽ chính là điều đáng trân quý nhất mà du khách tới đây mang về được.  

> Vì đi bằng xe máy, bạn cần mang trang phục gọn nhẹ nhất có thể. Nên mang giày bata cho dễ vận động, ngoài ra còn cần thuốc chống nắng hay chống muỗi cho những bạn có làn da nhạy cảm. Nhớ chuẩn bị đầy đủ giấy tờ xe và nón bảo hiểm. Chi phí khoảng: 300 ngàn xăng đi về, 180-220 ngàn/khách sạn/ đêm, nếu đi núi Cấm, bạn có thể nghỉ đêm ở thị trấn Tri Tôn. Ngoài ra tiền ăn thì tùy bạn.>  An Giang ngoài núi Cấm còn rất nhiều các địa điểm hấp dẫn khác như cụm du lịch núi Sam với các công trình đẹp như miếu bà Chúa Xứ, đền thờ Thoại Ngọc Hầu… hay sang núi Sập lúc hoàng hôn ngắm mặt trời lặn trên ba hồ nước, hay tìm đến rừng tràm Trà Sư, cù lao Giêng… cũng rất thú vị.> Đến An Giang nên đến vào tháng 4 hay tháng 8 âm lịch để được tham gia lễ hội Bà Chúa Xứ và lễ hội đua bò nổi tiếng của nơi đây. 

Bài và ảnh: Tuyết Ngọc
Săn cua trên núi Cấm
TTO - Không chỉ hành hương, tham quan ngắm cảnh, lên núi Cấm (An Giang) mùa này với những ai thích khám phá không gì hấp dẫn bằng một "tour" theo chân người săn cua núi và tổ chức tiệc vui ngay giữa núi rừng.
Cua núi vừa săn bắt - Ảnh: H.Vũ
Là một trong những khu du lịch hút khách ở An Giang với khí hậu mát mẻ vùng thủy tú sơn kỳ, lần đầu tiên đặt chân lên núi Cấm chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ diệu của núi rừng.
Theo chân người săn cua
Thoát khỏi những hàng quán, nhà trọ, xe du lịch đời mới, người người qua lại tấp nập, một cảnh tương phản thú vị sẽ giúp bạn quên ngay quãng đường xa mệt nhọc. Cảnh vật trên núi êm đềm, hoang sơ với tiếng chuông chùa ngân nga và tiếng gió rừng xào xạc.
Dạo quanh hồ Thủy Liêm xem cá bơi lội thành đàn và tham quan các chùa chiền, miếu mạo tại trung tâm hành hương hoặc các khu di tích nằm rải rác ở các vồ Thiên Tuế, vồ Đầu, vồ Bò Hông… đã chán chê, nếu thích ăn cua núi bạn có thể tìm một  "thổ địa” đưa mình đi săn.
Chúng tôi theo anh Sơn, một người dân vùng núi Cấm, băng rừng, lội dọc những con suối ngoằn ngoèo săn cua một ngày cuối tuần. Đi một lát mọi người đã phát hiện một con cua thật to đang luồn lách dưới dòng nước trong như mắt mèo, ai cũng mừng húm nhưng không dám ra tay vì sợ bị kẹp. Anh Sơn bảo cua núi thường ẩn trú trong hang hốc, kẹt đá nên muốn bắt phải nhào xuống nước hoặc tìm miệng hang để câu.
Thoăn thoắt hướng dẫn mọi người buộc chùm dây thun vào đầu cần câu xong, anh tìm miệng hang thả xuống, nhấp nhấp vài cái. Giống cua núi vừa hung hăng vừa háo ăn, thấy dây thun tưởng là trùn nên vội dùng càng kẹp lại ngay. Người đi câu lúc đó chỉ cần giở nhẹ cần lên là tóm bắt một cách dễ dàng.
Yếm cua núi màu tim tím, khác với cua đồng - Ảnh: H.Vũ
Ban ngày câu, ban đêm dùng đèn để soi vì cua núi thường đi ăn ban đêm, nhất là những đêm mưa rả rít, chúng rủ nhau đi kiếm ăn từng đàn. Thức ăn chính của cua núi là trùn và lá cây. Lúc đói chúng bò lên hai bên bờ suối tìm mồi.
Anh Sơn nhìn tôi phân bua: “Để bảo vệ và duy trì nòi giống đàn cua núi, anh em tụi tui tuyệt đối không bao giờ khai thác cua con và cua trứng”.
Sau hơn hai giờ, chúng tôi quay về với một giỏ cua khá nặng. Anh Sơn mời mọi người đến quán ăn của mình bên cạnh bờ hồ Thủy Liêm để  thưởng thức món cua rang me do chính anh làm đầu bếp.
Danh bất hư truyền
Nhiều bà con sống cố cựu trên núi cho biết cua núi Cấm là loài cua quý hiếm. Mình cua to như cua đồng nhưng càng cái to hơn, yếm cua màu tím rất đẹp. Loài cua này không những ngon mà còn có vị thuốc vì chúng sống trong môi trường tinh khiết, ăn lá rừng và hấp thụ khí thiêng. Càng lên cao thịt cua càng bổ dưỡng. Cách chế biến ngon nhất hiện nay là cua rang me, cua hấp cách thủy và nấu canh hẹ. Những du khách sành ăn khi lên núi Cấm đều tìm mua 1-2kg cua núi mang về làm quà. Nhưng đâu phải có tiền là mua được! Trên núi Cấm hiện chỉ có vài thanh niên biết cách săn cua. Người không quen đi suốt ngày chưa chắc được con nào.
Cua núi rang me - Ảnh: H.Vũ
Đúng như nhiều người ca ngợi. Thịt cua núi rất đặc biệt, vừa thơm vừa béo, nhất là yếm cua ngon không chỗ chê, chắc thịt, giòn và mềm, mùi vị đặc trưng, ngọt đậm.
Thịt cua ngon, lại nhờ bàn tay khéo léo của đầu bếp nên chỉ ướp thêm các thứ gia vị như me, đường, hành, tỏi, muối, ớt và đậu phộng, món ăn đã trở nên tuyệt hảo. Mùi vị cua núi rang me vừa chua, cay, vừa mặn, ngọt khiến vị giác dễ bị kích thích, ăn hoài không thấy no.
HOÀI VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét