Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Sông Ba Chẽ: Điểm du lịch hấp dẫn tại Quảng Ninh

Con sông Ba Chẽ đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh bởi sự đa dạng của cảnh quan thiên nhiên cũng như sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc sống tại đây.
Dòng sông Ba Chẽ uốn quanh suốt chiều dài của huyện Ba Chẽ với hơn 80km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra biển. Đầu nguồn con sông nằm ở xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ, nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng. Hai bên bờ sông là những dãy núi, cánh rừng trải dài. Dòng sông cũng chính là nguồn nuôi sống các các rừng keo và cả các khu rừng tre nứa bên sông, làm nên những cái tên đặc sản của địa phương như: mía Đồn Đạc, đậu lạc Thanh Lâm, sa nhân Lương Mông, quýt bưởi Đạp Thanh, ba kích Minh Cầm…

 Sông Ba Chẽ cong hình trăng khuyết là niềm tự hào của người dân
huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Ông Ngô Quang Tuân, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, một trong những khu du lịch sinh thái đầu nguồn sông Ba Chẽ cho biết: “Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng là khu rừng nguyên sinh lớn nhất của vùng Đông Bắc và cũng là nơi tạo ra các nguồn thủy sinh. Chính những cánh rừng nguyên sinh ở đây đã tạo nên các con suối, nguồn khởi đầu của dòng sông Ba Chẽ. Ngoài những giá trị về đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng còn là nơi cung cấp nguồn nước bất tận cho dòng sông. Dọc 2 bên các khe suối đều là rừng tự nhiên của khu bảo tồn. Dòng Ba Chẽ rộng ở các vùng giáp ranh với thị trấn.”
Khi tuyến đường nối liền thị trấn Ba Chẽ với xã Lương Mông chưa mở, sông Ba Chẽ chính là huyết mạch giao thông của  huyện để giao thương buôn bán. Vào mùa mưa, người dân Ba Chẽ lại rong ruổi xuôi dòng trên những chiếc thuyền độc mộc để đánh cá; các thương nhân thì đóng mảng mang theo rất nhiều tre nứa, lá, rễ cây thuốc để đổi lấy dầu hoả, nước mắm, quần áo… Ở Ba Chẽ có 9 dân tộc cùng làm ăn, sinh sống, trong đó tộc người Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu chiếm đa số. Với thói quen sinh hoạt của người dân vùng cao, dòng sông là một nguồn nuôi sống họ.
Ở những nơi mà dòng Ba Chẽ chảy qua, có lẽ xã Nam Sơn là địa phương được ưu ái nhất bởi trong xã có thôn Làng Mới nổi tiếng với những di tích lịch sử. Đặc biệt, tại Làng Mới có một lò sứ cổ mới được phát hiện từ năm 2009. Trải qua hơn 200 năm nhưng những hiện vật tại di chỉ này vẫn còn nguyên hiện trạng. Những mảnh bát đĩa sứ, bát đĩa cốt trắng, men màu ngọc nhạt tìm thấy tại các lò rồng trong cụm di tích lò sứ cổ giống với loại gốm sứ từng được phát hiện tại các bến cảng cổ ở vùng Móng Cái, Vân Đồn.
Nằm cách lò sứ cổ không xa là khu di tích Miếu Ông – Miếu Bà nổi tiếng được xây dựng từ thế kỷ 13, 14. Hai ngôi miếu nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Ba Chẽ. Miếu Ông là nơi thờ tướng Lê Tự Đức, người có công phò tá Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông trong thời gian tạm lánh tại sông Ba Chẽ. Còn Miếu Bà là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, người đã có công dạy những người dân miền núi cách làm ăn trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Những thương lái hay ngư dân khi đi qua khúc sông này đều đến thắp hương tại miếu để có được những chuyến vượt sông, vượt biển may mắn và làm ăn thuận lợi.
Hiện nay, sông Ba Chẽ đang được mở mang hơn với Dự án Khu kinh tế tổng hợp Ba Chẽ, hứa hẹn một sự phát triển mới bên dòng chảy. Dòng sông vẫn từng ngày chứng kiến sự đổi thay của đất và người nơi đây và tình cảm, niềm tự hào của người dân Ba Chẽ dành cho con sông vẫn không thay đổi. Từng ngày, cuộc mưu sinh của người dân gắn bó với dòng sông, vất vả là vậy nhưng với họ, chèo thuyền độc mộc trên dòng sông là một cách tuyệt vời để cảm nhận khung cảnh Ba Chẽ hùng vĩ với những rừng cây ngập mặn đầy sức sống uốn mình bên dòng sông xanh biếc.
(theo cpv.org.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét