Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Tà Vàng, mảnh đất lạ mà quen

Bỏ lại sau lưng những khúc cua tay áo nghiệt ngã giữa núi rừng Trường Sơn, thôn Tà Vàng thấp thoáng trong sương sớm, ngay đỉnh con dốc của xã Atiêng, cách thủ phủ huyện Tây Giang, Quảng Nam độ chục cây số. Không như những ngày tháng sống du canh du cư theo con thú, cây măng rừng hay lúa rẫy, thôn Tà Vàng bây giờ là mấy chục nóc nhà nằm san sát, bao quanh ngôi nhà Gươl được xem là biểu tượng của đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Cơ tu.
Thắm tình “ruột thịt”
Qua tìm hiểu từ những người già trong thôn cũng như cán bộ xã Atiêng, được biết rằng, hiện giờ vẫn còn nhiều người con Tà Vàng định cư tại Kà Lừm, thuộc tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Đó là một minh chứng về mối quan hệ anh em, láng giềng mà ta vẫn gọi là tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long. Những ngày bà con vùng biên giới của Lào còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, y tế… huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam dù còn nghèo lắm vẫn sẵn sàng chi viện thuốc men, gạo, áo quần, sách vở cho tỉnh bạn. Cho đến bây giờ, chính quyền, bộ đội và nhân dân hai nước vẫn sát cánh cùng nhau. Những tháng ngày mưa bão, Kà Lừm bị chia cắt, người Tây Giang vẫn xé rừng tiếp tế. Khi Hiệp định biên giới Việt - Lào được ký kết, nhiều người Tà Vàng trở về với mảnh đất mà họ đã từng sinh sống trước khi có những cuộc di cư.
Theo Blúp Ấm Lòng - Phó chủ tịch UBND xã Atiêng thì chính quyền huyện Tây Giang cũng như huyện Kà Lừm luôn coi Tà Vàng là một biểu tượng của tình hữu nghị. Người dân Tà Vàng luôn coi Kà Lừm là quê hương thứ hai của mình, còn những người đang sống bên kia cột mốc biên giới luôn nghĩ về Tà Vàng như là một điều gì đó thiêng liêng mà gắn bó.
“Viên ngọc” giữa đại ngàn Trường Sơn
Tà Vàng gần đây nổi lên như là một viên ngọc quý giữa đại ngàn của huyện Tây Giang. Đứng trên đường đi lên huyện nhìn xuống con dốc yên ngựa, thôn nằm trong một thung lũng nguyên sinh bảng lảng sương khói. Nắng đại ngàn chiếu xuống hình ảnh đầu tiên đập vào mắt lữ khách là ngôi nhà Gươl đứng vững chãi giữa khoảng sân rộng. Đó là hồn, là sức sống tinh thần mà bất cứ một ngôi làng, một cộng đồng dân cư người Cơ tu nào cũng có, như con người sống phải có quả tim. Xung quanh Gươl những ngôi nhà mọc san sát, dù cho người lớn có đi rẫy thì trẻ con tập trung chơi trò chơi hay học bài ê a ngoài Gươl cũng trông nhà được. Có người lạ đến đầu làng, trẻ nhỏ thông tin cho người già rồi chạy qua nhà trưởng thôn báo cáo. Người Tà Vàng hiếu khách nhưng rất cảnh giác, họ nói điều đó cần thiết ở vùng biên giới, cần cho việc đảm bảo an ninh trật tự, không bị kẻ xấu lợi dụng.
Tà Vàng có 2 cái “độc”, một cái thì rất hiếm, còn một cái thì gần như chưa địa phương nào của huyện Tây Giang cũng như tỉnh Quảng Nam có được. Đó là một đội bóng nữ và cái kẻng báo hiệu học bài cho con trẻ. Đội bóng của làng gần 20 cầu thủ nữ và một huấn luyện viên là nam. Dù chân đất, đầu trần, tập luyện trên sân toàn đá cuội nhưng đá đâu thắng đó, thậm chí đá bại cả nhiều đội tuyển nam của các thôn khác. Dù vậy, huấn luyện viên trưởng, anh Riah Chê nói rằng đá cho vui xóm làng, để bà con đoàn kết, thương yêu nhau, giải trí sau những giờ làm việc chứ không ăn thua gì. Còn tiếng kẻng học bài, người dân ở đây nói, đó là chìa khóa để phổ cập giáo dục ở địa phương, từ lâu đã khắc vào cuộc sống của bà con. Kẻng có 2 loại âm báo, một tín hiệu dành cho học sinh ôn bài ở nhà hoặc ra Gươl học thêm vào những ngày hè, một tín hiệu dành cho người lớn tập trung các lớp học xóa mù. Cũng tiếng trống, tiếng kẻng đó, nhưng nếu phát lên âm thanh ở trường học thì gần như chỉ mang tính báo hiệu một tiết học hoặc giờ giải lao. Nhưng vang lên giữa thôn Tà Vàng, vào lúc 4 giờ sáng và 19 giờ tối, nó lại thiêng liêng và gắn kết lạ lùng. “Quen rồi, cứ đến giờ đó là tôi ra Gươl đánh kẻng, nắng cũng như mưa, chỉ nghĩ đến việc người già, con nít trong thôn được học lấy cái chữ là tui mừng lắm”, trưởng thôn Pơloong Nhóp tâm sự.
Năm 1998, thôn Tà Vàng được xã Atiêng và huyện Tây Giang chọn làm nơi thí điểm phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. 14 năm sau, thôn như một viên ngọc quý kiểu mẫu về phát triển KT-XH, đời sống văn hóa. Dân “phượt” cắt ngang đường Trường Sơn huyền thoại, ngược con đường Azứt - Lăng lên Tây Giang, mà không quá cảnh Tà Vàng để tận hưởng, tìm hiểu về mảnh đất lạ mà quen này thì kể như chưa đi Tây Giang vậy.
 
Chi Na - Duy Dũng (thethaovietnam.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét