Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

“Thuốc tiên” kỷ tử

(LV) - Kỷ tử đã được sử dụng và lưu truyền ở các nước châu Á khoảng 2.500 năm như một loại thuốc thảo dược và thực phẩm quan trọng. Trong những năm gần đây kỷ tử và nước trái cây kỷ tử đã trở nên phổ biến ở Mỹ với vai trò mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Kỷ tử - vị thuốc dân gian
Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa ở Ninh Hạ - Trung Quốc có một cô gái tên là Cẩu Hồng Quả. Cha cô không may mất sớm, vì quá thương nhớ chồng, mẹ cô khóc nhiều đến nỗi cả hai con mắt không còn nhìn thấy gì cả. Để chữa bệnh cho mẹ, Cẩu Hồng Quả đã không quản gian lao, ngày đêm trèo đèo lội suối lên tận Nam Sơn hái thuốc. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô, tiên ông Bạch Hồ Tử đã hiện ra và chỉ dẫn Cẩu Hồng Quả thu hái kỷ tử về làm thuốc cho mẹ uống. Quả nhiên, sau một thời gian dùng thuốc, mắt mẹ cô ngày càng sáng ra và khỏi hẳn. Vì thế, dân trong vùng gọi loại thảo dược này là “Minh mục tử” và coi đó là thứ “Linh đan diệu dược” chuyên chữa bệnh về mắt.
 
Kỷ tử có tên khoa học là Lycium barbarum L.. Thời cổ đại, nó còn được gọi bằng các tên như Thiên tinh (tinh của trời), Địa tiên (tiên của đất), Khước lão (đẩy lui tuổi già)…, điều đó cho thấy giá trị đặc biệt của vị thuốc này.
Ở Việt Nam thường sử dụng quả kỷ tử chín được phơi khô, là một vị thuốc đông y. Ngoài ra còn rất thân thuộc trong ẩm thực, làm tăng hương vị và màu sắc cho các món ăn bổ dưỡng.
Theo y học cổ truyền, kỷ tử nhuận và bổ, lại có khả năng giải nhiệt nên là vị thuốc trọng yếu để bổ thận nhuận phế, sinh dịch mới và ích khí, chuyên chữa chứng can thận âm hư mà sinh nhiệt bên trong; là vị thuốc bổ tinh, sáng mắt, được coi là thượng phẩm đối với người già vốn phần âm đã hư hao bảy, tám phần.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học hiện đại, kỷ tử còn cung cấp các chất chống oxy hóa vitamin C và E, các hoạt động chống oxy hóa mạnh giúp giảm lượng đường trong máu, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ mắt, gan, hệ thần kinh và ức chế sự tăng trưởng của tế bào khối u. Paul Gross tác giả của cuốn sách “superfruits” đã cho biết kỷ tử chứa một loạt các chất dinh dưỡng như vitamin A, C và B12, cũng như các khoáng chất đồng, magiê, selen, kẽm và kali.
“Linh đan diệu dược”
Chất chống oxy hóa: Brent Agin và Shereen Jegtvig tác giả cuốn sách “Superfoods for Dummies” viết: Kỷ tử chứa hàm lượng cao các vitamin chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi viêm nhiễm và thiệt hại. Vì các tính chất tích cực của chất chống oxy hóa nên nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các tác giả còn lưu ý rằng kỷ tử có thể giúp bảo vệ tim nhờ sự có mặt của các chất dinh dưỡng làm giảm cholesterol beta-sitosterol và betaine, làm giảm mức độ homocysteine liên quan với bệnh tim.
Tốt cho mắt: Tác giả Agin và Jegtvig lưu ý rằng sự hiện diện của zeaxanthin và beta carotene trong kỷ tử có thể giúp bảo vệ chống lại sự thoái hóa điểm vàng, một bệnh về mắt khi về già. Cả các chất dinh dưỡng được gọi là carotenoid, thúc đẩy sức khỏe của mắt và thị lực bình thường, và zeaxanthin đặc biệt bảo vệ võng mạc.
Vô sinh nam: Kỷ tử được coi là một phương thuốc điều trị vô sinh nam ở Trung Quốc. Các nhà khoa học của Đại học Vũ Hán ở Trung Quốc đã thử nghiệm và nghiên cứu thành công việc tăng khối lượng tinh trùng khi sử dụng kỷ tử trên chuột. Kết quả này được công bố trên số tháng 7 năm 2006 của tạp chí “Khoa học Đời sống”
Giảm ung thư tuyến tiền liệt: Ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể lây lan sang các khu vực khác của cơ thể gây ra tình trạng nguy hiểm cho người bệnh. Các thí nghiệm đã cho thấy việc sử dụng kỷ tử giúp ngăn chặn tiến trình ung thư tuyến tiền liệt thông qua việc gia tăng sự chết tế bào theo lập trình (apoptosis).
Giảm nguy cơ bệnh Alzheimer: Bệnh Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ, mất khả năng về trí lực và giao tiếp xã hội. Bệnh do homocysteine gây ra. Các nhà khoa học Đại học Hồng Kông, cho thấy carbohydrate trong kỷ tử có thể giúp bảo vệ tế bào thần kinh và chức năng của não chống lại thiệt hại homocysteine gây ra. Nghiên cứu này được công bố năm 2010 trong “Tạp chí bệnh Alzheimer.”
Bảo vệ da khỏi tia cực tím: Nước quả kỷ tử đã được thử nghiệm để bảo vệ làn da của những con chuột không có lông. Sau khi được tiếp xúc với mô phỏng tia UV, những con chuột uống nước kỷ tử bị cháy nắng ít hơn những con chuột không được uống nước quả kỷ tử. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng kỷ tử nước trái cây có thể giúp bảo vệ con người khỏi tác hại của ánh mặt trời.
Cổ nhân thường dùng trà kỷ tử để bồi bổ cơ thể và phòng chống tích cực các chứng bệnh như suy nhược toàn thân sau khi bị bệnh nặng, đầu choáng mắt hoa, giảm thị lực do nhiều nguyên nhân, lưng đau, gối mỏi, suy nhược năng lực tình dục, di mộng tinh, xuất tinh sớm, muộn con… Chỉ cần mỗi ngày lấy 15g kỷ tử hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 – 20 phút là ta đã có được một thứ nước màu đỏ đẹp, thơm ngon, vừa có tác dụng giải khát thay trà trong ngày lại vừa có nhiều công năng cho sức khoẻ.
Đỗ Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét