Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Về Cố Viên Lầu, đắm mình trong không gian Việt cổ

Nếu ai đó đã từng ví Ninh Bình là hình ảnh của một đất nước Việt Nam thu nhỏ thì Làng Việt Cổ - Cố Viên Lầu là điển hình của những làng quê Bắc Bộ Việt Nam, của những giá trị dân gian truyền thống. Và chắc hẳn mỗi du khách khi đến với đất Ninh Bình, về với đất Cố Đô chắc không thể không đến với Làng Việt Cổ - Cố Viên Lầu.
Làng Việt Cổ  - Cố Viên Lầu nằm bên cạnh bến thuyền du lịch Tam Cốc Bích Động, tỉnh Ninh Bình có diện tích 22.000m2, phía Đông giáp với đường vào đền Thái Vi nơi thờ các vị vua nhà Trần, phía Tây giáp với sông Ngô Đồng, phía Nam giáp bến đò Tam Cốc, phía Bắc giáp với dãy núi cửa Quen. Đây là một làng quê còn giữ được những nét xưa với những nếp nhà Việt cổ giữa núi non hùng vĩ và sông nước hữu tình, một điển hình của  làng quê Bắc Bộ. Nơi đây đang bảo tồn và lưu giữ hơn 20 nếp nhà cổ có niên đại từ thế kỷ 18-20 và hàng nghìn cổ vật có giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc ta qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những căn nhà cổ được quy  tụ từ nhiều làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ, mỗi ngôi nhà ở đây đều mang trong nó những câu chuyện riêng. Nhà cổ Thọ Xuân của một thầy mo ở Thanh Hóa gần 200 năm tuổi. Khi mang về đây, những người thợ không thể lắp ráp được. Chỉ đến khi trực tiếp ông thầy cúng ra tay tháo bùa ở trần nhà thì mới lắp ghép lại được. Hay ngôi nhà cổ Văn Hải ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ngôi nhà này được xây dựng năm Quý Sửu 1853, dài 12,6m, rộng 6m, diện tích sử dụng 75,6m2 được làm theo lối “Hiên tiền cổ ngỗng” với kết cấu 3 gian 2 chái, vật liệu chủ yếu bằng gỗ xoan vừa kỵ mối mọt, lại thích nghi với sự ẩm thấp. Toàn bộ hiên tiền gồm các xà gồ cổ ngỗng, các bức xuyên hoa (khung cửa), 2 bên chồng rường đục chạm hoa lá… Nhà cổ Lưu Phương sưu tập tại xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, Ninh Bình được cất dựng năm 1807 với vật liệu chủ yếu là gỗ mít và gỗ xoan rừng, có diện tích sử dụng hơn 90 mét vuông, gồm 5 gian, 2 dĩ, 2 chái, ngóp lợp vẩy cá có trải ngói chiếu hình chữ Thọ, nền nhà lát gạch bát.
Tại đây còn có một ngôi nhà đất rất đặc biệt, được phục chế nguyên bản từ ý tưởng nhà chị Dậu với cấu trúc 3 gian chính và 2 buồng, mái lợp bằng lá, nền đất sét, vật liệu chủ yếu của nhà là đất và rơm rạ kết hợp với tre, luồng. Nhà có một cửa chính và hai cửa sổ bằng tre, ba gian chính kê chõng tre và rường ổ, ngoài sân có đụn rơm cao, có chum đựng nước, một chiếc cối đá, một chiếc đơm cá, quanh rào tre thưa là một vườn rau.
Đặc biệt tại ngôi làng này còn có cả đình làng. Đây là ngôi đình cổ Thanh Liêm được sưu tập tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam với diện tích rộng hơn 100m2 với những đầu đao cong trên mái được lợp ngói vảy cá bên trên lớp ngói chiếu hình chữ Thọ. Trong đình có 28 cột lim đường kính từ 75-85cm được kê bằng những tảng đá xanh chống ẩm thấp và mối mọt.
Không chỉ là những ngôi đình, nhà cổ, đến đây du khách còn được nhìn thấy những vật dụng quen thuộc như tủ chè, sập gụ, tràng kỷ, đôn…đều có tuổi đời hàng trăm năm, được chạm khắc hoa văn sống động và nghệ thuật tinh sảo. Đâu đó trong những ngôi nhà cổ vẫn còn có nhiều cổ vật có niên đại từ trước Công nguyên, và niên đại từ thời Đinh, Lý, Trần…tất cả đều được trưng bày theo từng chủ đề và từng thời kỳ lịch sử. Ngoài các cổ vật bằng đồng, còn có các cổ vật bằng gốm, sứ như những chiếc chum bằng gốm nung nhẹ lửa được sản xuất thủ công đời Hán hay đời Đường bên Trung Quốc, những chiếc ang, chiếc hũ từ thời Bắc thuộc cho tới các loại bát, đĩa, nậm, tước, chân đèn, lư hương… với kỹ thuật sản xuất thủ công đạt đến trình độ đỉnh cao như gốm Bát Tràng, Chu Đậu… và các loại gốm Cảnh Đức, Giang Tây của Trung Quốc.
Nếu muốn tận hưởng không khí của núi rừng và tìm hiểu những nét kiến trúc tiêu biểu của làng quê Việt Nam, bạn hãy đến với Làng Việt Cổ của mảnh đất lịch sử kinh đô Hoa Lư, đến đây bạn sẽ cảm nhận rõ hơn vẻ xa xưa và hiểu hơn về cuộc sống người Việt. Một cảm giác trong lành, bình yên là điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy khi tới nơi này.
Một số hình ảnh ở Làng Việt Cổ:
Nha-co-3.jpg
Chi Na (TTVN.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét