Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Về Gio An, ăn rau liệt

“Ầu ơ…Muốn ăn cá, tôm thì về Gio Mai, Gio Việt/ Muốn ăn rau liệt thì về miết Gio An”...

Về Gio An, ăn rau liệt
Nơi đây gắn liền với món rau liệt, hết sức nổi tiếng
 
Gio An, vùng đất đỏ bazan phía tây Quảng Trị, nơi bạt ngàn những vườn cao su đứng thẳng hàng.
Nơi đây từng bước vào thơ nhạc chiến tranh với:“Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới. Rừng núi ta ơi! Hãy hát vui chung cùng bản làng. Mừng thắng trận Gio An…” (Tiếng đàn Ta Lư, Huy Thục).
Chưa hết, Gio An có làng Hảo Sơn, nơi vẫn còn hiển diện những chiếc giếng cổ được người Chămpa đắp bằng đá ong, bốn mùa của hàng trăm năm qua nước chảy róc rách.
Không biết là điều đáng tiếc hay đáng mừng khi, giếng cổ Hảo Sơn thực sự chưa bao giờ được coi là một điểm du lịch quy mô mà chỉ dành cho dân “phượt”. Nơi này còn rất hoang sơ... Nhưng còn gì thú vị hơn việc được ngao du chốn này, mê mẩn khi lội dưới lòng nước mát và đây cũng là một địa điểm để chụp ảnh không thể tuyệt vời hơn.
Và sẽ thật là thiếu sót nếu như đến giếng cổ Hảo Sơn mà không nhắc đến rau liệt (còn gọi là xà lách soong), bởi đây là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Trị trồng được rau liệt, dân Hảo Sơn cũng không “quen” trồng loại rau khác.
Dũng, một nhà báo ở địa phương từng tấm tắc với người với tôi rằng: “Cạnh giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai, giếng Tép cổ xưa đều có những ruộng rau liệt. Cái thứ rau này kiêu kỳ lắm, chỉ sống được ở những nơi nước chảy và trong…”. Hồ như chính những chiếc giếng cổ xưa là “mẹ đẻ” của loại rau này, khi giếng hết nước cũng có nghĩa là rau sẽ chết.
Tôi đã từng nhiều lần ghé thăm giếng cổ, từng nhiều lần lội dưới dòng nước mát sinh ra từ lòng đất này, nhưng thú thực, sự đê mê vẫn còn nguyên vẹn. “Rau liệt - giếng cổ” luôn là hai mặt của một mệnh đề, hấp dẫn đến khôn nguôi..
Bài, ảnh: Nguyễn Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét