Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Vi vu về miền di sản

Nằm ở miền Trung Việt Nam, Quảng Nam là vùng đất hội tụ các di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận như: Đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Nhờ sự giao thoa giữa các nền văn hóa Việt, Hoa, Ấn Độ, Sa Huỳnh, Champa... cùng với lợi thế nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng nên những năm gần đây, Quảng Nam đã trở thành điểm đến quen thuộc với những người yêu du lịch.
Ngoài phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam còn có một số điểm du lịch được nhiều người yêu thích. Cùng thethaovietnam.com.vn khám phá những điểm đến lý thú khác của mảnh đất này.
Hòn Kẽm Đá Dừng
Hòn Kẽm Ðá Dừng là thắng cảnh nổi tiếng của cả xứ Quảng Nam. Ðịa danh này từ xa xưa đã có những câu ca buồn, gắn liền với những giai thoại về cuộc khởi nghĩa nổi tiếng của nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu, với bao nhiêu nỗi niềm được mất của những cảnh đời, những phận người xuôi ngược buôn bán tìm kế mưu sinh dọc mạn sông Thu Bồn, dòng sông "phù sa bên lở bên bồi, người xuôi về bến kẻ trôi lên nguồn"...
Đến Hòn Kẽm Ðá Dừng, du khách có thể đi theo hai cách. Một là men theo sông Thu Bồn ngược lên, cách thứ hai là từ tỉnh lộ 105 đi qua địa phận huyện Quế Sơn, vượt đèo Le đến Trung Phước, và từ bến Trung Phước đi ghe vượt sông độ vài giờ nữa... Khách tham quan thường tìm về Hòn Kẽm vào những đêm trăng mùa hè. Mùa ấy dòng sông hiền lành, mềm mại như một dải lụa sáng láng dưới trăng quê.
Từ năm 1986, sau khi một phần của huyện Quế Sơn được tách ra để thuộc về huyện Hiệp Ðức, Hòn Kẽm Ðá Dừng mang thêm một nhiệm vụ mới: là ranh giới của hai huyện. Cả khúc sông này đầy những bãi đá lô nhô, dòng chảy uốn khúc nhiều và dường như nước xiết hơn. Ngay tại khu vực Hòn Kẽm, dòng sông trôi giữa hai bờ vách đá dựng đứng. Dòng sông như lọt thỏm vào trong, ngày thường ít nắng, nhiều sương khói và lạnh hơn bên ngoài. Nơi đây dường như ngày đến chậm và đêm xuống thật nhanh. Hai bên vách đá, cây dại ken dày, khỉ sống thành đàn.
Nằm ở vùng Tây Quế Sơn, mảnh đất còn lưu nhiều dấu tích của nền văn hoá Sa Huỳnh và Champa, Hòn Kẽm Ðá Dừng cũng như ngay cả con sông Thu Bồn chứa đầy truyền thuyết. Ngày xưa nơi này có tên là sông Thiêng; từ Hòn Kẽm xuôi về biển Cửa Ðại dọc theo dòng sông có khoảng trên dưới vài chục nơi thờ cúng Thiên Y Ana - nữ thần Champa. Ngay khúc sông này, đến bây giờ vẫn còn lồ lộ phiến đá nặng hàng mấy chục tấn, đứng sừng sững soi mình xuống dòng sông Thu Bồn, mang những dòng chữ Chăm khắc chạm tỉ mỉ .
Dọc đường Hòn Kẽm Ðá Dừng có những đụn cát dài và cao nằm dọc theo sông, thi thoảng ta lại  thấy những triền dâu, những nương ngô, những xóm làng trung du yên tĩnh, những con đò, bến sông trầm mặc, mơ màng... thấp thoáng những mái tranh hỏ nép dưới vòm cong tre trúc; những tốp trẻ tắm sông cười ngơ ngác. Ai đó đang gánh nước về, bóng ngả dài ven sông... Những hình ảnh ấy dường như ta đã bắt gặp đâu đó trong thơ Quang Dũng, trong văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân...
Suối Tiên
Là một trong những điểm du lịch khá lý tưởng bởi cảnh đẹp và không khí trong lành của một vùng quê mến khách ở miền trung du.
Từ tỉnh lỵ Quảng Nam, theo quốc lội IA, xuôi theo hướng Bắc, đến ngã ba thị trấn Hương An, rồi từ đây theo hướng Tây khoảng độ 10km là đến suối Tiên.
Theo truyền thuyết dân gian cho rằng, trước kia suối Tiên nằm ẩn mình trong những rừng cây cao và những dây leo chằng chịt, những loại dây này đan nhau, có những nơi thắt thành những chiếc vòng vắt quanh qua suối, quanh năm mặt đất chưa bao giờ nhận lấy ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Thường vào những đêm trăng sáng, những Tiên ông có đến đây ngồi trên những chiếc vòng ấy hoặc những phiến đá cùng nhau đánh cờ. Thế rồi một hôm có một người tiều phu, cũng là người thích chơi cờ, tình cờ đến xem các Tiên ông ngồi đánh cờ bên dòng thác, nước chảy trắng xoá xuống một cái ao trong xanh, khi xem xong ván cờ, người tiều phu liền đứng dậy, xách gùi vào rừng kiếm củi, nhưng nhìn lại thì thấy những dụng cụ của mình đã mục nát tự bao giờ, trên đầu tóc đã điểm bạc và trên trán có khắc dòng chữ" một ngày non Tiên". Sau này người ta gọi đó là ao Tiên và con suối có thác chảy gọi là Suối Tiên.
Suối Tiên có một hệ thống suối gồm tất cả khoảng 14 con thác, có độ cao từ thác thứ nhất đến thác thứ 14 khoảng 400m; mỗi thác có một vẻ đẹp riêng. Vào những ngày hè, hay những đêm trăng sáng du khách có dịp đến đây ngắm nhìn những dòng thác chảy in vào những đám cây rừng và trên nền trời xanh, du khách có thể hình dung như chốn bồng lai; đặc biệt trong con thác thứ ba có một cái ao trong mát, mà có tên là ao Tiên, chính là điểm tắm lý tưởng nhất.
Cuộc du ngoạn theo hành trình 14 con thác, du khách có thể đi theo hai lối, men theo dòng suối, hoặc mạo hiểm hơn là đi theo lối mòn của hai bên bờ suối.
Cù Lao Chàm
Với 8 hòn đảo nhỏ trải dài theo hình cánh cung xanh mướt, Cù lao Chàm là một trong nhiều quần đảo hoang sơ mới được đưa vào khai thác trong vài năm gần đây ở Quảng Nam. Những ai lần đầu đến với Cù lao Chàm chắc đều bị hòn đảo này quyến rũ. Một màu biếc xanh nguyên sơ của cây rừng nối liền với màu xanh của biển bằng dải lụa cát trắng mịn màng, lấp lánh dưới ánh nắng vàng và màu trời xanh thẳm…
Cù lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nằm cách bãi biển Cửa Đại khoảng 15 km đường biển, Cù lao Chàm (còn được biết đến với các tên gọi khác là Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, Pa-lau-cham) rộng khoảng 15 km2 với hơn 2.900 dân sống gần như biệt lập với đất liền.
Cù lao Chàm được thiên nhiên ưu ái có khí hậu quanh năm mát mẻ, cây cối bốn mùa phủ xanh trên các hòn đảo. Với 1.549 héc-ta (ha) rừng tự nhiên và 6.716 ha mặt nước, Cù lao Chàm mang trong mình một sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú.
Khu bảo tồn Cù lao Chàm là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, sinh vật nhuyễn thể, các rạn san hô, các thảm rong, cỏ biển và các loài hải sản có giá trị cao sinh sống. Không chỉ có thế, nơi đây còn có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm.
Hiện Cù lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, trong đó có 2 loài được ghi vào sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài. Đối với cư dân nơi đây, những chú khỉ đuôi dài tinh nghịch xuống tận bờ đá giáp với mặt nước biển vào mỗi sớm chiều, đã trở thành nếp sinh hoạt thường nhật. Nhiều người kể rằng chúng còn khoái chí ném đá ra biển và hét toáng lên khi thấy tàu thuyền đi ngang.
Bên cạnh một hệ sinh thái phong phú, Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm còn chứa trong mình các hệ văn hóa từ xa xưa để lại như: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, cùng với các di tích đã chứng minh mối quan hệ giao lưu giữa Cù lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển. Qua các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy cách đây trên 3000 năm, nơi đây còn là nơi sinh sống của các cư dân cổ xưa. Đây thật sự là một địa điểm lý tưởng để khám phá.
Bên cạnh các di tích khảo cổ là sự tồn tại khá đầy đủ thiết chế văn hóa tín ngưỡng truyền thống của làng xã miền Trung nước ta. Các di tích tín ngưỡng hiện còn ở Cù lao Chàm, được xây dựng chủ yếu vào khoảng thế kỷ 17-18 như đình Đại Càn, miếu thờ Thành hoàng, miếu Tiền hiền, miếu Thần nông, miếu Tổ nghề yến, lăng Ông Ngư, lăng Cô, giếng Xóm Cấm, chùa Hải Tạng… là những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách

Bàng Than – vũng An Hoà
Vũng An Hòa thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Tam Hải khoảng 4km. Đây là một thắng cảnh độc đáo của vùng đất phía nam Quảng Nam.
Dọc theo bờ biển Tam Hải khoảng 4km, du khách sẽ đến vùng đất mũi An Hoà. Có lẽ hình ảnh đầu tiên đầy ấn tượng đập vào mắt du khách là một hòn đảo nhỏ gọi là Hòn Dứa, cách không xa bờ biển án ngự lối váo vũng An Hoà, vào buổi chiều, hòn đảo rực lên một màu đỏ của đất bazan và màu xanh lục của thảo mộc, nổi bật lên giữa vùng biển xanh biêng biếc với từng đợt sóng nhấp nhô vào bờ đá, làm tung lên những bọt nước trắng xoá như hoa biển.
Mỗi dải đá đen tuyền lấp lánh như than đá trải dài trên bờ cát, bao quanh mũi An Hoà khoảng 3km, đó là Bàng Than(hay Bàn Than). Từng là lớp đá xếp chồng lên nhau, đó là những phiến thạch có nguồn gốc trầm tích biển.Nước và sóng biển xâm thực vào dải đá tạo thành những hình thù lạ mắt, kết hợp với hững vân đá trở thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo của tạo hoá.
Trên mũi An Hoà có hai bãi biển, đó là: Bãi Bấc (ở phía Bắc), và bãi Nồm(ở phía Nam). Trên bãi Nồm có hai mỏm dài nhỏ nhô ra ngoài biển, được nhân dân địa phương gọi là ông Đụn và bà Che, giống như hòn non bộ được thiên nhiên tạo ra để tô điểm cho Bàng Than. Từ ông Đụn và bà Che nhìn ra biển là một đảo nhỏ gọi là hòn Mang, ngoài hòn một khoảng không xa là hòn Dứa; giữa hòn Mang và hòn Dứa có giăng đa Lão Hố với dải san hô ngầm nằm ở độ sâu khoảng 3 mét, xa xa về phía Nam có hòn Châm ngầm gần đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi. Từ bãi Nồm, du khách có thể đi ghe ra hòn Mang và hòn Dứa, ở đây dưới làn biển xanh trong, ta có thể nhìn thấy một rặng san hô trắng tinh với đàn cá đủ màu sắc bơi lội trong nước…
Bảo Anh (TTVN) Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét