Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Săn cá ở chợ 'ma'

(Du lịch) - Chợ cá “ma” nằm giữa ranh giới Tịnh Biên – Châu Đốc (tỉnh An Giang). Chợ chỉ hoạt động từ 2 giờ - 5 giờ sáng. Mỗi năm, chợ chỉ hoạt động một mùa, là mùa nước nổi.

Mùa lũ ở miền Tây Nam bộ được người dân nóng lòng mong đợi và được gọi bằng một cái tên hiền hòa, thân thuộc: mùa nước nổi.
Chợ đặc biệt
Mùa nước nổi hằng năm ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông ào ạt đổ về hạ lưu. Hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp ở đầu nguồn, là nơi đón lũ về sớm nhất.
Mùa lũ ở miền Tây Nam bộ được người dân nóng lòng mong đợi
Mùa lũ ở miền Tây Nam bộ được người dân nóng lòng mong đợi
Những ngày qua, cá linh non cùng các sản vật như: Rắn, rùa, lươn, cua, ốc… tập kết khá nhiều tại các chợ biên giới của vùng đầu nguồn An Phú. Chợ cá “ma” kênh Tha La cũng bắt đầu nhộn nhịp mỗi đêm khi nước nổi tràn về.
2 giờ sáng, gió từ kênh Tha La thổi lồng lộng, các “tiểu thương” bắt đầu mang từng thau cá linh, cá chạch, cá lóc, cá rô,… ngồi chồm hổm ở vệ đường để bán.
Khi nước nổi tràn về thì mỗi đêm, con kênh Tha La này lại “được mùa” nhộn nhịp
Khi nước nổi tràn về thì mỗi đêm, con kênh Tha La này lại “được mùa” nhộn nhịp
Dưới kênh, hàng chục chiếc xuồng chở nhiều thùng chứa cá cũng bắt đậu cặp bến, neo đậu san sát dưới chân cầu Tha La (ranh giới giữa huyện Tịnh Biên và thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Mỗi đêm, chợ cá
Mỗi đêm, chợ cá "ma" kênh Tha La thu hút trên 30 chiếc ghe chở cá của người dân đến để bán hàng trăm kg cá các loại
Tiếng rao, tiếng trả giá của kẻ mua, người bán cá vang lên rôm rả giữa đêm khuya. Người đi chợ chỉ cần khom người chỉ tay là có ngay một bọc cá tươi rói mang về nhà. Còn bạn hàng thì đến đây “săn” cá tươi để đem bán ở chợ nhỏ hoặc chở ra chợ Tịnh Biên, Châu Đốc.
Chợ cá rôm rả giữa đêm khuya
Chợ cá diễn ra rôm rả giữa đêm khuya
Anh Sáu Thê, tay vừa đổ cá chạch ra thao, vừa nói: “Chợ này họp khi con nước lũ đổ về. Ở đây nhiều nhất là cá chạch và cá linh non. Cá chạch được nhiều bạn hàng săn, gom về bán cho những nơi thu mua xuất khẩu. Cá linh thì được thu gom về bán ở các nhà hàng và thành phố lớn”.
Bến đậu quen thuộc của “phận” săn cá đêm
Khi nước nổi tràn về thì mỗi đêm, con kênh Tha La này lại “được mùa” nhộn nhịp, bởi nó trở thành bến đậu quen thuộc của vài chục chiếc thuyền gửi gắm “phận” săn cá đêm vào mùa nước nổi của ngư dân tỉnh An Giang. Theo những người dân nơi đây thì chợ cá đặc biệt này đã tồn tại hơn 10 năm nay.
Chợ cá chỉ tồn tại mỗi năm một mùa khi con nước về
Chợ cá chỉ tồn tại mỗi năm một mùa khi con nước về
Anh Bình (nhà ở ấp Đông Hưng) khoe, với anh, mưu sinh mùa nước nổi đã trở thành cái “nghiệp”. Khi con nước về, vợ chồng anh sắm lưới cước vài trăm thước, vài chục cây tre và chiếc xuồng cui nhỏ rồi lênh đênh trên biển nước “săn cá”. Vậy mà ngót nghét cả chục năm gắn bó với nghề, nuôi thêm 2 đứa con nhỏ.
Bạn hàng thì đến đây “săn” cá tươi để đem bán ở chợ nhỏ hoặc chở ra chợ Tịnh Biên, Châu Đốc.
Bạn hàng đến đây “săn” cá tươi để đem bán ở chợ nhỏ hoặc chở ra chợ Tịnh Biên, Châu Đốc.
Gần 5 giờ sáng, chợ cá “ma” bắt đầu tan. Những ánh sáng của ban ngày chiếu những tia nắng xuống kênh Tha La, làm đỏ rực cả dòng sông. Cặp chiếc cầu Tha La, người đàn ông đang nằm võng chờ kéo vó. Xa xa giữa dòng nước, vài chiếc xuồng của người dân địa phương bắt đầu đi chài lưới. Trên bờ, chợ cá “ma” biến mất, thay vào đó là chợ của người dân địa phương bắt đầu nhóm lên.
An Giang, một địa danh quen thuộc nhưng chứa đựng nhiều điều bí ẩn
Mênh mông sắc vàng bông điên điển khi mùa nước nổi về
An Giang, một địa danh quen thuộc nhưng chứa đựng nhiều điều bí ẩn. An Giang, miền đất Bảy Núi này thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lại có nhiều dãy núi trong khi những tỉnh miền Tây khác không có. An Giang lại có rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của chim trời; có hồ nước trời (Búng Bình Thiên) mênh mông sắc vàng bông điên điển; có kênh Vĩnh Tế nhộn nhịp thuyền chài vào mùa nước nổi; có chợ nổi Long Xuyên náo nhiệt đông vui, điển hình cho nền văn hóa sông nước của một tỉnh đồng bằng nằm bên bờ sông Hậu.
Tây Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét