Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Những làng làm bánh chưng trứ danh xứ Bắc

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Truyền thuyết kể lại rằng đời vua Hùng thứ 6, người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu nhờ có chiếc bánh chưng mang hình tượng của đất dâng vua cha mà đã được nhường ngôi báu. Từ đó, chiếc bánh chưng đã gắn bó với đời sống và văn hóa của dân tộc Việt. Mỗi khi Tết đến xuân về, trên bàn thờ tổ tiên của người Việt chắc chắn không thể thiếu cặp bánh chưng xanh.
Cùng là những nguyên liệu ấy song mỗi địa phương lại có cách chế biến riêng, khiến chiếc bánh chưng trở thành “đặc sản” với những hương vị đặc trưng làm những người con xa xứ phải nao lòng mỗi khi nhớ về.
Bánh chưng làng Tranh Khúc
Làng Tranh Khúc hay còn gọi là Thanh Khúc thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu đã được biết đến là nơi cung cấp 80% số lượng bánh chưng cho thành phố Hà Nội vào những dịp lễ Tết. Không chỉ nổi tiếng bởi có tuổi nghề “ngót nghét” trăm năm, mà bánh chưng Tranh Khúc còn được biết đến bởi chất lượng thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo quản được lâu.
Vào những ngày gần Tết, hầu như bếp nhà nào trong làng cũng đỏ lửa, một không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp và vui tươi bao trùm lên khắp ngôi làng cổ kính. Sở dĩ bánh chưng làng Tranh Khúc nổi danh khắp xứ bởi được làm rất cầu kì, tinh tế, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu gói và luộc bánh.
Lá dong gói bánh phải là loại to, xanh mướt được kỳ công mua về từ mạn ngược Yên Bái, Lào Cai, sau đó được lấy bàn chải cọ rửa tỉ mỉ từng chiếc. Kết thúc công đoạn rửa, lá lại được cho vào bể nước trong vắt bơm liên tục để tràn hết những bụi bẩn ra ngoài và dùng nước tráng từng lá bánh một. Gạo để làm bánh phải đặt từ Hải Hậu, Nam Định, hạt nào hạt nấy tròn mây mẩy, đã xay trắng muốt. Đỗ xanh hạt phải to đều và thơm được mua từ Hưng Yên, Hà Nam…
Khâu gói bánh được coi là nghệ thuật nhất bởi những người thợ làm bánh ở làng đều không cần khuôn. Lá được gấp sẵn, thịt và đỗ cũng được chia sẵn để đảm bảo chiếc bánh nào cũng đều như nhau. Những người thợ khéo tay thoăn thoắt chưa đầy một phút đã gói xong một chiếc bánh chưng vuông vức, chắc nịch.
Những chiếc bánh sau khi gói được đưa vào nồi hơi luộc, sau 7 – 8 giờ bánh mới chín. Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, cả làng Tranh Khúc, nhà nhà sáng trưng đèn điện, người dân nơi đây cần mẫn suốt đêm để gói bánh, luộc bánh. Hiện tại, bánh chưng Tranh Khúc có mặt ở khắp các chợ và siêu thị trong nội thành Hà Nội, được ép chân không, bảo quản được khoảng 1 tháng mà bánh vẫn xanh, rền, thơm ngon.
images1182055_Nhung_lang_lam_banh_chung_tru_danh_xu_Bac_datviet.vn_2Chiếc bánh chưng đã gắn bó với đời sống và văn hóa của dân tộc Việt Nam từ lâu đời.
Làng bánh Lỗ Khê
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, làng Lỗ Khê thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Dù không được nhiều người biết tới như bánh chưng ở Tranh Khúc, song nếu ai đã một lần thưởng thức bánh chưng nơi đây thì đều khó mà quên được. Nhiều người đã cầu kì tìm đến tận làng để đặt bánh chưng, như một món lễ vật thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên những ngày lễ Tết.
Bánh chưng Lỗ Khê độc đáo nhất ở phần nhân bánh, bởi được làm rất cầu kỳ, có vị đậm đà hơn hẳn so với bánh chưng được làm ở nơi khác. Đỗ xanh làm nhân bánh được chọn lọc rất kỹ, là loại đỗ hạt tiêu nhỏ, hạt tròn mây mẩy. Sau khi vỡ đỗ, người làm bánh ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo và hấp chín. Thịt lợn phải là loại nạc vai, dính chút mỡ để tạo vị béo ngậy, nhấn nhá thêm vị cay và thơm nồng của tiêu hột xay.
Bí quyết tạo nên hương vị riêng của bánh chưng Lỗ Khê còn ở chỗ: lá dong được luộc, vớt ra phơi khô rồi mới mang gói bánh. Bởi vậy bánh có thời gian luộc khá nhanh, chỉ khoảng 4 tiếng là đã chín một mẻ bánh. Luộc xong, bánh được vớt ra, rửa sạch cho hết nhớt và mỡ, sau đó được ép và nén bằng cối đá, rồi lại được vỗ bằng tay để cho hạt gạo trong bánh dính liền với nhau. Bởi vậy, bánh chưng Lỗ Khê rất rền và dẻo, nếu không biết trước “bí quyết” của người thợ làm bánh, ta có thể tưởng lầm rằng họ đã giã gạo trước khi gói bánh.
Bánh chưng làng Đầm
Làng Đầm thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách TP. Phủ Lý khoảng 5 km. Nghề làm bánh ở đây đã có từ rất lâu đời, đến nỗi những vị cao niên trong làng cũng không nhớ rõ, chỉ biết từ thời cha ông đã có nghề làm bánh. Tuy vậy, thường ngày cả làng chỉ có khoảng hơn chục hộ làm nghề, nhưng vào những ngày giáp Tết thì không khí làm bánh rất sôi động.
Không giống với những làng làm bánh chưng phải nhập nguyên liệu từ nơi khác, bánh chưng làng Đầm chủ yếu được làm bằng nguyên liệu do chính địa phương sản xuất ra nên luôn đảm bảo sự tươi ngon. Tuy vậy, điều làm nên điểm đặc biệt và hương vị riêng của bánh chưng nơi đây lại là nguồn nước.
Bởi thế mà người làng Đầm luôn tự hào rằng bánh chưng do họ sản xuất ra là thứ đặc sản “có một không hai” mà không nơi nào có được. Mỗi “lò bánh” trong làng đều có một bể chứa nước mưa rất to, trong vắt. Người dân trong làng dùng nước mưa để luộc bánh bởi quan niệm đó là “lộc trời”, là thứ nước tinh khiết không qua bất cứ một công đoạn lọc tẩy bằng hóa chất nào Chính bí quyết ấy đã tạo nên hương vị thơm ngon đến thanh khiết cho bánh chưng làng Đầm.
Bánh chưng Bờ Đậu
Nếu có dịp đi qua tỉnh Thái Nguyên, hẳn người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy đoạn qua xã Cổ Lũng, dọc hai bên đường quốc lộ là những sạp bày bán bánh chưng ken nhau dày đặc. Đây cũng là một làng làm bánh nổi tiếng của miền Bắc. Làng bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nằm trong khoảng từ km8 – km10 trên quốc lộ 3, đoạn Thái Nguyên đi Bắc Kạn.
Làng bánh này cũng có tuổi đời từ rất lâu, “nức tiếng” cả trong và ngoài tỉnh. Ngoài loại bánh vuông truyền thống, bánh chưng tròn của làng cũng rất ngon, được gói rất chắc tay, ăn dẻo, rền, và có vị thơm ngậy từ nhân cho đến vỏ bánh. Bánh chưng Bờ Đậu được làm từ gạo nếp nương đặc sản vùng Định Hóa nên rất dẻo, thơm và có vị ngọt đậm đà.
Lá dong để gói bánh là loại lá tự nhiên được lấy từ rừng nên có mùi thơm đặc trưng, đem cả phong vị núi rừng nguyên sơ hòa quyện vào trong chiếc bánh. Để có chiếc bánh ngon, màu xanh đẹp mắt, người thợ làm bánh phải chọn lá dong nếp, có màu xanh nhạt, khi đó, lá đạt đến độ mềm, dai phù hợp nhất để gói bánh. Thêm nữa, nước luộc bánh lại lấy từ nguồn nước tự nhiên chảy ra từ những khe núi, trong vắt quanh năm. Do đó, hương vị của bánh đậm đà, thơm ngon như chứa đựng cả tinh túy chắt lọc từ đất trời.
Bánh chưng làng Bạc
Bánh chưng làng Bạc, Phú Thượng, Hà Nội được nhiều người Hà Nội ví là “bánh chưng vàng, chưng bạc” bởi có giá khá cao và chất lượng cũng thuộc loại ngon nhất nhì trong số các làng làm bánh quanh Thủ đô. Không chỉ trong các dịp lễ tết, bánh chưng làng Bạc từ lâu đã là món ngon đãi khách không thể thiếu trong bữa tiệc cưới của nhiều người Hà Nội. Những dịp giáp Tết, bánh chưng của làng làm ra nhiều khi không kịp để bán, nếu không đặt trước, cũng chẳng dễ để có được một chiếc bánh chưng thuộc hàng “đặc sản” này.
Bánh chưng làng Bạc được sản xuất theo công nghệ khá hiện đại. Các hộ làm bánh đều có tay nghề cao, các khâu sản xuất đều được chuyên môn hóa, lò luộc bánh được đầu tư hiện đại, bởi vậy mà chất lượng bánh rất đồng đều, hình thức đẹp mắt, song vẫn mang hương vị truyền thống đặc trưng, rất được người dân Thủ đô ưa chuộng làm lễ vật dâng lên bàn thờ tổ tiên trong những ngày đầu xuân.
Phương Lê – DatViet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét