Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Dấu xưa xe ngựa đường Thiên Lý

Dấu xưa xe ngựa đường Thiên Lý

Nam bộ vốn là vùng đất nhiều sông rạch, sình lầy, phương tiện đi lại chủ yếu là đường thủy nên xe ngựa xuất hiện khá muộn. Vào năm 1792, chúa Nguyễn Ánh đã huy động dân binh đắp đường Thiên Lý từ đại đồn Gia Định (Phiên An) dọc theo giồng cát xuống Trấn Định, Cai Lậy đến Cái Thia. Cung đường này có thể xem như quốc lộ thời bấy giờ. Hiện nay một số vùng từ H.Châu Thành đến Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn còn tồn tại con đường này với tên gọi đường Cái Giữa hoặc có nơi gọi là Lộ Cũ.

 Xe ngựa
Xe ngựa ở Sài Gòn xưa - Ảnh: tư liệu
 1. Ngày xưa hai bên đường Thiên Lý đặt nhiều quán trạm, nay còn địa danh như quán Thị Cai, quán Lương, quán Ngọng ở vùng Tân Lý, Nhị Bình... Đến năm Giáp Tý (1804) vua Gia Long cho lập hai trạm mục đường bộ tại Trấn Định; mỗi trạm đặt một Cai đội, một Phó đội, 50 trạm phu và cấp 2 con ngựa. Mỗi dịch trạm cách nhau từ 30 đến 50 dặm tùy theo địa hình từng vùng. Khi thực hiện nhiệm vụ chuyển công văn hỏa tốc, các lính trạm vừa phi ngựa vừa phất cờ lệnh và được nhiều quyền ưu tiên khi qua đò. 
Bấy giờ ngựa là phương tiện chủ yếu phục vụ việc chuyển công văn, mệnh lệnh, thư từ trên xuống và báo cáo, giấy tờ của địa phương gửi lên triều đình. Đối với người dân, phương tiện đường bộ lúc này chủ yếu vẫn là dùng trâu, xe trâu, xe bò bánh gỗ nguyên tấm. Còn xe ngựa rất hiếm, chỉ có giới quan lại sử dụng. Việc cỡi ngựa thong dong trên đường theo kiểu “đường thẳng ngựa bon chân ngán bước” thời Học Lạc mô tả cũng chỉ ở giới công tử nhà giàu. Bởi lẽ nuôi một con ngựa phải tốn thêm “thằng nài” và chăm sóc cực hơn nhiều so với việc nuôi trâu.
Sau năm 1881, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu khai thác giao thông thủy bộ. Phương tiện dần dần được trang bị theo hướng cơ giới, như tàu chạy bằng máy hơi nước, xe lửa... Người Pháp cũng đưa vào Việt Nam những chiếc xe song mã sang trọng. Loại xe này đóng theo mẫu xe ngựa Hồng Kông có kiểu dáng rất đẹp. Sau đó có thêm xe tờ dùng hai ngựa kéo, mui kín chuyên làm việc chuyển giấy tờ, bưu kiện. Xe kiếng cũng thuộc loại xe sang trọng, hai ngựa kéo, bánh bọc cao su êm ái hơn, giá cả mắc nên chỉ có lớp trung lưu trở lên sử dụng. Trong khi đó thì giới bình dân bấy giờ tự mày mò chế tạo riêng cho mình một loại xe ngựa mô phỏng theo kiểu xe song mã của người Pháp, gọi là xe thổ mộ. Loại phương tiện này rất được chuộng vì giá rẻ. Có chuyện khôi hài là sau này có người giải thích thổ mộ là mả đất, vì xe có mui “khum khum giống cái gò mả”. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, thổ mộ là cách đọc Việt hóa của từ “Tục mã”, tức độc mã (một ngựa) đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, thổ mộ là xe được kéo bằng một con ngựa.
Dù chỉ là phương tiện thô sơ nhưng người hành nghề xà ích phải biết luật đi đường và phải qua cuộc thi “bằng lái”. Xe thì phải có chuông, có đèn gắn hai bên đốt bằng khí đá. Dân gian cho rằng phân ngựa rất độc, ai đạp phải sẽ bị phong đòn gánh, vì vậy dưới gầm xe phải có bao đựng phân ngựa để không làm ô uế đường đi, nhất là khi lưu thông trong nội thành. Đầu thế kỷ 20, xe ngựa ở các vùng Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Dầu Một... lên đến hàng ngàn chiếc. Từ đó những nghề liên quan đến ngựa và xe ngựa phát triển theo như: nghề xén lông ngựa, đóng móng sắt, làm yên, đóng thùng xe, bánh xe... và nhiều địa phương có bến tắm ngựa, như bên Tắm Ngựa nằm hai bên bờ kinh Nhiêu Lộc (TP.HCM) hay bến Tắm Ngựa ở P.8, TP.Mỹ Tho...
Theo quy định của chính quyền thực dân Pháp, người đóng xe ngựa và sửa xe ngựa phải đóng thuế sanh ý (tức môn bài) hạng 3 (60 đồng ở Sài Gòn, Chợ Lớn, 30 đồng ở các tỉnh). Người làm yên ngựa và các vật dụng khác liên quan đến ngựa đóng thuế hạng 5 (15 đồng ở Sài Gòn, Chợ Lớn, 10 đồng đối với các tỉnh) hoặc thấp hơn là hạng 6. Người buôn bán ngựa đóng thuế hạng 3, đóng móng ngựa đóng thuế hạng 5, 6... Riêng việc cho mướn xe ngựa loại song mã, không phân hạng môn bài mà chỉ đóng mỗi năm 5 đồng bạc, cao hơn xe tay gấp 5 lần, và cao gấp đôi xe bò và xe thổ mộ. Ngoài ra các làng còn được phép phụ thu với mức trần xe ngựa mỗi chiếc là 2 đồng/năm, ngựa mỗi con là 0,5 đồng. (theo Tân thơ tổng lý qui điều Ernest Outrey soạn - Trần Văn Sớm dịch - Saigon, Imprimerie commerciale C.Ardin 1913).
Sài Gòn xưa có đoạn đường ngắn tên là “mã lộ” nằm bên hông chợ Tân Định, đây có lẽ là bến đậu xe ngựa. Các khu chợ sầm uất thời đó như Bến Thành, Chợ Lớn, Cầu Muối... đều có bến xe ngựa. Ngày nay, phương tiện giao thông ngày càng hiện đại, hình bóng xe ngựa xưa chỉ còn trong ký ức: Con đê cát đỏ cỏ viền/ Leng keng nhạc ngựa, đường lên chợ Gò (Hoàng Tố Nguyên).
Xe ngựa
 Bến xe ngựa trước chợ Bến Thành Sài Gòn - Ảnh: tư liệu
2. Vào khoảng năm 1893, một nhóm người Pháp lập hội đua ngựa đầu tiên gọi là “Hội đua ngựa Sài Gòn” và xây dựng một trường đua ở đồng Tập Trận (nay thuộc đường CMT8, Q.10). Cũng trong khoảng thời gian này, ở Gò Công, người Pháp cũng cho đắp một con đường vòng quanh ao lấy nước để đua ngựa, nên còn gọi là ao trường đua. Ở Mỹ Tho họ làm hai con đường Vòng Lớn và Vòng Nhỏ (hiện nay còn địa danh chợ Vòng Nhỏ) cũng dùng vào việc đua ngựa. Song đây là những vòng đua tài tử, dành cho các sĩ quan Pháp tiêu khiển vào những chiều cuối tuần rảnh rỗi.
Năm 1932, một người Pháp mê đua ngựa đã bỏ tiền mua một khu đất rộng gần 35 ha để xây dựng trường đua mới (tức trường đua Phú Thọ). Trường đua xây dựng đến năm 1936 hoàn tất. Ngày khánh thành trường đua Phú Thọ, ban tổ chức có mở cuộc xổ số ngựa đua (Cash sweep) theo thể thức bắt thăm, ai bắt trúng số con ngựa đua về nhứt thì được thưởng “độc đắc”. Số tiền thưởng được tính theo tỷ lệ 25% số tiền bán thăm. Các cuộc đua ngựa theo đúng điều lệ châu Âu được tổ chức tại trường đua Phú Thọ. Bấy giờ các ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, người đến trường đua rất đông, cũng có nhiều người sạt nghiệp, nợ nần vì “cá ngựa”. Sau năm 1954, trường đua được giao cho một người Việt là ông Bùi Duy Tiên quản lý. Vào những năm 1960, Ban điều hành trường đua Phú Thọ còn tổ chức các lớp “nài lang” cho thanh thiếu niên, mỗi lớp tuyển khoảng 20 nài ngựa giỏi. Các lớp huấn luyện này do những “nài lão” giàu kinh nghiệm đứng ra truyền đạt một cách kỹ lưỡng về văn hóa luật lệ đua ngựa, kỹ thuật cỡi ngựa... Trong lễ tốt nghiệp, các “nài” phải đến miếu Âm hồn trong trường đua để tuyên thệ thi hành đúng lương tâm nghề nghiệp khi đã leo lên lưng ngựa.
Trường đua Phú Thọ hoạt động đến năm 1975 thì ngưng, đến năm 1989, nó được phép hoạt động trở lại với tên mới là CLB Phú Thọ, rồi lại tạm dừng từ đầu tháng 6.2011.
Ngọc Phan - Phương Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét