Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Người xưa lo Tết

(HNM) - Tết Nguyên đán là sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng nhất trong năm của người Việt. Bây giờ Tết đơn giản hơn nhưng xưa thì lễ thức, phong tục phải đầy đủ. Hà Nội lại có những nét riêng vì thế lo một cái Tết trọn vẹn là vô cùng vất vả, nhất là với người nghèo.
Theo âm Hán - Việt, Nguyên nghĩa là đầu tiên, đán là buổi sớm. Tết Nguyên đán nghĩa nguyên là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm mới. Nói vắn tắt, Tết Nguyên đán là Tết đầu năm mới.

Người xưa coi ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo về trời là "hăm ba" Tết, không ai gọi hăm ba tháng Giêng. Thời Lý, Trần, Lê, ngày "hăm ba" Tết, công việc đồng áng, buôn bán xuôi ngược cũng tạm dừng. Bộ máy hành chính từ triều đình xuống tỉnh, huyện, trấn, xứ sau khi làm lễ "hạp ấn" (niêm phong mọi con dấu, ấn triện…) là đóng cửa nghỉ việc. Các nhà tù ở Thăng Long nói chung cũng không tiếp nhận tù nhân mới. Sáng sớm "hăm ba" Tết, các phố phường của kinh đô Thăng Long đã xuất hiện tiếng rao bán cá chép. Vì ông Táo về trời báo cáo hay dở trong năm nên nhà nào cũng cúng áo, mũ, hia và thả cá chép xuống ao hồ để ông Táo làm ngựa cưỡi lên trời.

Ông đồ cho chữ dịp Tết Nguyên đán. Ảnh tư liệu
Ông đồ cho chữ dịp Tết Nguyên đán. Ảnh tư liệu

Lo sắm sửa Tết với người giàu từ xưa đến nay luôn là chuyện nhỏ, vì họ rủng rỉnh đồng tiền. Với tầng lớp này, Tết sẽ không sang trọng, tao nhã nếu thiếu hoa thủy tiên, đây là sự khác biệt với Tết người nghèo. Để có bình hoa thủy tiên ưng ý, ngay từ đầu tháng Chạp, các ông đã lên Hàng Ngang, Hàng Đường mua củ của giống hoa này. Cái khó nhất là gọt củ thế nào để hài hòa giữa hoa và lá, nhưng tính toán sao cho hoa nở hàm tiếu đúng sáng mồng một Tết mới là điều đau đầu. Vì rộng đồng tiền nên các ông bao giờ cũng trồng thêm vài chậu. Thủy tiên trồng bằng đất cũng khó chẳng kém trồng trong nước, làm sao khống chế chiều cao để hoa ngang với tầm mắt khách đến chúc Tết. Các ông còn đi mua giấy Hoa tiên (giấy viết thư in hoa) để ngày đầu năm khai bút. Với các bà nhà giàu, việc lớn nhất là mang đồ trang sức bằng vàng "đi tắm" (đánh bóng lại) để đeo Tết và may thêm quần áo mới.

Nhưng Tết đối với gia đình "thường thường bậc trung" và người nghèo thì có nhiều thứ phải lo. Để có nồi bánh chưng, họ phải tính gạo, tính đậu trước đó hàng tháng, rồi còn phải thương lượng "đụng" chung con lợn mới có thịt gói bánh. Từ trong năm đã phải tích gộc tre hay củi đầu trâu, đầu bò để đun nồi bánh. Vại dưa hành cũng phải muối sớm, sao cho đến Tết là vừa chua. Nhà có bao nhiêu người các bà phải lo bấy nhiêu bộ quần áo mới. Lo không nổi thì phải ướm hỏi chỗ anh chị em thân quen mượn các bộ "loại hai", chứ Tết nhất không thể úi xùi, mặc quần áo cũ rách được. Mặc như thế chúc Tết bà con chòm xóm thấy áy náy sợ người ta nghĩ mang cái nghèo đến cho họ. Mà có mượn thì cũng chỉ người lớn còn với trẻ con thế nào cũng phải may. Gần Tết các nhà may đóng cửa không nhận hàng nên tháng 10, tháng 11 đã phải nghĩ đến chuyện may quần áo rồi. Xong quần áo lại lo quà Tết cho bên nội, bên ngoại, cho thầy đồ dạy con mình, ai ở nhà thuê thì không thể không có gì cho nhà chủ. Nhưng cái sợ nhất đối với người nghèo là năm hết tết đến phải lo trả nợ, không nhiều thì ít, ai chẳng vướng công nợ. Mặt mày hớn hở nếu chỗ nào khất được và chỉ còn việc tính lãi gộp vào nợ cũ là xong, chỗ nào không khất được thì chạy ngược, chạy xuôi đi vay. Cuối năm lãi cắt cổ cũng đành phải gật vì không thu xếp trả được chủ nợ thuê đám "nặc nô" đến phá phách, làm ầm ĩ phố phường thì ăn Tết không yên, rồi còn mặt mũi nào nhìn bà con chòm xóm.

Tuy vậy, nhà nghèo và nhà giàu vẫn có cái chung là các cô các cậu chớm tuổi thanh niên lo nhuộm răng, chiết răng sao cho đen bóng. Con gái tuổi cập kê mà răng không đen bóng bị cho là vô duyên, nhà nào dám rước. Thế là ào ra chợ. Trẻ con thì chờ các ông phó cạo đi qua cạo cho cái đầu mới. Ba, bốn tuổi để hai trái đào, con trai bảy, tám tuổi để chỏm, còn con gái các ông để cái cút che thóp. Ngày "hăm ba" Tết chợ hoa Cầu Đông (cuối thế kỷ XIX là Đồng Xuân) đã mở, quất, các loại cúc, trà đỏ và trắng, lại cả mai và hải đường bày bán đầy chợ. Trên là trời, dưới là hoa. Tuy nhiên hoa đào từ Nhật Chiêu (tên cũ của Nhật Tân) vẫn nhiều nhất vì giàu nghèo cũng phải có cành đào. Đào có màu đỏ, màu của may mắn và tạo ra khí xuân. Nhà giàu đã rục rịch đến chợ chọn cây, hoa đẹp nhất chơi trước thiên hạ. Ở đoạn đầu phố Hàng Đường, các nhà bày bán con giống, mâm hoa bằng bột, lũ trẻ theo bố mẹ chỉ chỏ đòi mua. Lại có đĩa hoa trà, hoa mẫu đơn, hoa phù dung gọt bằng quả đu đủ rất tỉ mẩn trông như thật khiến chúng thích thú. Thế là mua cho con. Vì phong tục ngày Tết trên bàn thờ tổ tiên không lúc nào tắt hương nên để có thứ hương thơm, các bà lên tận phố Hàng Hương mua hương thẻ, hương vòng, hương phiến, trầm, bạch đàn. Cũng từ "hăm ba" Tết, nửa dưới phố Hàng Đường, người ta bán bánh kẹo, mứt đủ loại, còn có bánh bao, bánh bẻ, bánh cốm, bánh bộp làm bằng bỏng gạo tròn như quả trứng, bánh gừng làm bằng bột dàn… Người ra kẻ vào ồn ồn ào ào cả quãng phố. Sang phố Hàng Buồm, Hàng Cân, măng chất đầy bồ, miến, nấm và đậu phù trúc bày ngay trên hè, các bà đi đi lại lại chọn những thứ ưng nhất. Thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX vẫn còn các cô Kẻ Mơ đi bán rượu rong, đến cuối thế kỷ XIX, đầu XX có nhiều loại rượu như: Mai Quế Lộ, vang Pháp…

Mâm cỗ Tất niên của các gia đình Hà Nội xưa ngoài các món truyền thống không thể thiếu nem rán. Nhân nem có thịt, trứng, miến đậu xanh, nấm hương… nên mua sắm rất cẩn thận để có thứ tươi ngon. Trong bữa cỗ, không thể thiếu đĩa xôi gấc, cũng như hoa đào, màu đỏ xôi gấc sẽ mang lại may mắn nên trong năm nhà nào cũng chọn quả chín đều treo lủng lẳng trên gác bếp. Món cá trắm đen kho cũng là một món đầu vị. Chế biến món này cần rất nhiều gia giảm, nào riềng, xả, ớt, có người còn cho cả nước chè tươi, nước dừa và mỡ gà nên sau ngày ông Công, ông Táo đã phải đi chợ mua bán. Dù thịt, cá thế nào cũng không thể thiếu món hẩu lốn, vì thế nhà nào cũng mua rất nhiều rau. Rau thì chợ nào cũng có nên đỡ mệt cho các bà, các cô.

Tại phố Hàng Bồ, các ông đồ bày chữ đã viết để dán ngoài cửa trừ ma, trấn quỷ hay câu đối có nội dung tốt lành. Ai biết chữ thì tự chọn, ai không biết đành phải nhờ các thầy giảng giải rồi tìm câu đối phù hợp gia cảnh và điều họ mong muốn. Xuống phố Hàng Trống, tranh treo lủng lẳng từ gian ngoài vào gian trong. Các ông chọn mua tranh "nhị thập tứ hiếu" (24 người con hiếu), Bà Trưng, Đức Thánh Trần, Nguyễn Trãi… ngoài treo cho có không khí Tết còn để giáo dục con cháu nhớ ơn công đức tổ tiên. Người ở các làng ven đô vì làm nông nghiệp nên thích mua tranh lợn béo núc ních hay tranh gà mong sang năm chăn nuôi được thuận. Nhiều nhà cũng chọn tranh tứ quý hay tố nữ gảy đàn. Ai cầu kỳ thì lên Kinh Bắc mua tranh Đông Hồ hay đến xứ Đoài mua tranh Kim Hoàng. Ngày Tết nhà nghèo cũng phải có tranh treo nếu thiếu sẽ không trọn vẹn.

"Hăm ba" Tết, nhà nào cũng cho dựng cây nêu trong sân từ sớm để báo cho ông bà, ông vải khỏi nhầm nhà, cũng là để báo cho Thần Phật biết nhà lương thiện. Cây nêu ngày Tết của người Việt có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được Phật hóa khi cành tre treo áo cà sa để xua đuổi quỷ dữ từ Biển Đông vào. Nhà nào cũng lấy vôi vẽ cung tên ở ngoài cửa hướng về hướng Đông để dọa ma quỷ. Chập tối ba mươi, mấy chú bé nhà nghèo cho mấy đồng xu vào ống nứa đến từng nhà và sóc liên tục và hát:

Nhà bà còn đèn còn cửa
Mở cửa cho anh em tôi vào
Bước lên giường cao thấy đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp thấy đôi rồng chầu
Bước ra đằng sau thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm 


Các nhà không thể không mở và cho mấy xu lẻ để các bé bỏ vào ống nứa. Đến trưa ba mươi mọi việc chuẩn bị cơ bản là xong và sau khi ăn cỗ Tất niên, nhà nào cũng chuẩn bị cúng giao thừa.
Nguyễn Ngọc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét