Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

6 thế hệ dưới mái nhà cổ có tuổi thọ gần 2 thế kỷ

 6 thế hệ họ Đào ở làng Thủy Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã nối tiếp nhau trong ngôi nhà cổ có tuổi thọ gần 2 thế kỷ. Ngôi nhà đã đến giai đoạn xuống cấp, con cái giục phá đi xây nhà gỗ mới nhưng ông Đào Hữu Chinh vẫn tần ngần nuối tiếc...

Giữ lấy “nếp nhà” 

Lúc nào ông Đào Hữu Chinh (năm nay 65 tuổi), cũng đinh ninh lời dặn của cha trước lúc lâm chung: “Nhà ta xuất thân bần nông, gia cảnh nghèo khó, sau này bố chết đi, các con cháu xây nhà mới cũng được, nhưng cố phải giữ bằng được cái “nếp nhà” trên dưới hòa thuận, sống có trước có sau, ăn ở hòa hiếu với xóm làng… thì không bao giờ các con đói, hết rồi lại có dù không giàu có hơn người”. 

Sau ngày bố mất, ông Chinh vẫn giữ nguyên căn nhà, chỉ gia cố cho nó cứng cáp trước dông bão. 

Ông Đào Hữu Chinh bên ngôi nhà gần 200 năm tuổi của gia đình.
Ông Đào Hữu Chinh bên ngôi nhà gần 200 năm tuổi của gia đình.

Đấy là căn nhà 3 gian, 2 chái - kiểu nhà truyền thống của nông thôn miền Bắc trước đây - duy nhất còn tồn tại ở huyện Thủy Nguyên. Nhà lợp ngói cũ, tường gạch đã bong tróc, hiện là nơi vợ chồng ông Chinh sinh sống. 

Cụ tổ 6 đời trước là cụ Đào Hữu Cần đã xây dựng ngôi nhà này trên nền đất rộng hơn 200m2. Mới đầu, ngôi nhà lợp mái rạ, tường đất, cửa gỗ cao không quá đầu người lớn nên cứ vào nhà là mọi người phải cúi đầu. Hiên cửa vốn có hàng giậu che mưa che nắng và phơi nong tằm, nhưng nay không còn vì đã bị mục nát. Ông Chinh kể, một điều lạ là ngôi nhà cổ này tồn tại hàng thế kỷ nhưng mưa bão lớn cũng không đánh đổ được, trong khi những nhà khác to bề thế hơn thì lại bị xiêu vẹo. 

Ông còn nhớ trận bão năm 1955, mưa gió xối xả, lụt hết nhà cửa nhưng căn nhà cổ của gia đình ông vẫn đứng vững. Chỉ có duy nhất một lần vào năm 1979, ông đã đầu tư một số tiền lớn để mua gạch về thay vách đất, lợp ngói thay mái rạ. Thời đó số tiền tu sửa nhà này có thể dựng được ngôi nhà gỗ bề thế, nhưng nhất quyết ông không phá nhà cổ đi. Từ đó, ngôi nhà cổ tồn tại lọt thỏm giữa một làng quê đang đô thị hóa, nhà cao tầng mọc lên san sát đến chóng mặt. 

Trước kia, ngôi nhà của gia đình ông Chinh cũng chính là nơi nghỉ chân và làm việc của một số cán bộ đảng. Đấy là năm 1955, gia đình ông được chính quyền chọn làm nơi tập kết một số cán bộ quản lý khu vực huyện Thủy Nguyên. Những năm tháng chống Mỹ ác liệt, ngôi nhà trở thành địa điểm sơ tán của rất nhiều cán bộ các ban ngành, công nhân Công ty Điện lực 2, giáo viên và học sinh các trường học, rồi bộ đội Trường Quân chính Hải Phòng. Vì vậy mà ngôi nhà cổ mang đầy dấu tích cách mạng. Nhưng hòa bình trở lại, người ta cũng không còn nhớ đến nó nữa. Thiết nghĩ nếu nhà cổ ấy được bảo tồn và tu tạo thì nó vừa giữ được nếp nhà Bắc Bộ xưa kia, vừa là nơi ôn lại những ngày quân dân đầm ấm. 

Tần ngần không muốn phá 

Giờ đây, con cái ông Chinh nghĩ cảnh gia đình mình sống trong ngôi nhà lạc hậu so với thiên hạ nên cứ giục ông phá đi xây mới, nhưng không biết bao lần ông lắc đầu “cấm phá”. Ông Chinh bảo vì “giữ nếp” nhà theo lời các cụ nên nhà ông mới có được phúc lộc như ngày hôm nay. 

Bốn người con của ông đều được học hành tử tế và thành đạt. Hơn cả là người con trai út của ông đã có học vị thạc sĩ, từng là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giờ đang là giáo viên Trường THPT Chu Văn An của Hà Nội. Hai người con trai lớn hơn thì đều có nhà cửa khang trang với công việc gói bánh chưng, làm mộc…

Ông Chinh kể, một điều lạ là ngôi nhà cổ này tồn tại hàng thế kỷ nhưng mưa bão cũng không đánh đổ được trong khi những nhà khác to bề thế hơn thì lại bị mưa bão đánh xiêu vẹo. Ông còn nhớ trận bão năm 1955, mưa gió xối xả, lụt hết nhà cửa nhưng căn nhà cổ của gia đình ông vẫn đứng vững.
Còn riêng ông Chinh, 18 năm nay được nhân dân thôn Bấc 2 tín nhiệm bầu làm trưởng thôn và ông cũng là trưởng thôn lâu năm nhất ở xã Thủy Đường. Năm nào ông cũng có giấy khen của các cấp.

Ngoài ra, vợ chồng ông cũng xoay xở làm đủ nghề để sống và nuôi các con ăn học, từ việc ngâm giá đỗ, gói bánh chưng bán, nuôi lợn, nuôi cá, thu hộ tiền điện, tiền phí vệ sinh, làm bảo vệ cho một cửa hàng...

Ngôi nhà không chỉ có ý nghĩa với tổ tiên mà còn có ý nghĩa rất lớn đến việc dạy con cái của ông về việc giữ “nếp nhà” dù có đói có nghèo. Nay ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, con cái quyết định cùng nhau hùn tiền để giúp ông xây nhà mới. Ông Chinh buồn lắm và tâm sự: 

“Chắc có lẽ tôi cũng không thể giữ mãi được ngôi nhà cổ này vì nó đã quá tuổi. Dự định tôi sẽ làm một căn nhà gỗ để phần nào níu kéo được nếp nhà xưa, để hoài niệm về một thời mà 6 đời dòng họ nhà tôi đã sống và phát triển trong căn nhà cổ 2 thế kỷ ấy”. 

Tâm sự của ông Đào Hữu Chinh ở Thủy Nguyên thật đáng lưu tâm, giá như có một cơ quan nào đó bỏ tiền trợ giúp gia đình ông bảo tồn, tu sửa lại ngôi nhà cổ này, nó sẽ là một di sản rất đáng giá... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét