Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Hòn Củ Tron qua chuyện kể trong dân gian

Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, gồm 21 đảo lớn nhỏ. Trong đó lớn nhất là hòn Lớn, nay thuộc xã An Sơn, nhưng xưa nay người dân quen gọi là Hòn Củ Tron.


Từ thực tế điền dã, chúng tôi được chú Tư Phẩm ở Bãi Ngự, chú Ba Đúng ở Bãi Chệt (xã An Sơn) kể cho nghe về những mẩu chuyện dân gian lí thú liên quan đến tên gọi hòn đảo này.
1. Theo các bậc cao niên ấy thì Củ Tron là cách đọc trại âm của củ tròn. Củ tròn là một loại củ rừng mọc hoang trên đảo. Đó chính là củ nần hay dây nần.

Củ nần 
Dây nần có hình trụ tròn, mọc khoẻ, leo cao tới một hai chục thước, có lông mềm, gần gốc có gai nhiều nhọn. Lá có ba lá chét có lông nhẵn trông giống như lá cây củ đậu, lá chét giữa hơi lớn hơn, dài cỡ gang tay, lá rụng vào mùa khô, mọc lại vào lúc sa mưa. 
Cuối tháng Ba âm lịch, dây nần ra hoa, với những cụm hoa to, dài tới nửa thước tây, bông đực dày nhiều nhánh, bông cái thòng. Quả nần có nang dày lông vàng, hạt to, dài với một cánh lớn màu vàng nâu.
Củ nần khi còn non có hình cầu nhưng rồi biến đổi, có thuỳ khi già, củ nần có thể kép.
Tương truyền rằng, xưa khi chạy loạn lẩn tránh quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh có ghé thuyền vào đảo. Quân sĩ mỏi mệt, lương khô mang theo không còn. Đêm, chúa nằm mộng thấy thần linh bảo tìm củ tròn tận trong rưng sâu, núi cao sẽ qua cơn đói khát. Tỉnh dậy, chúa cho quân sĩ tìm đào được những của nần có hình tròn tròn. Rồi tên đảo là Củ Tròn bắt đầu từ đó.
2. Dân gian cho rằng nần có hai loại, nần gạo củ có màu trắng, nần nếp củ có màu nâu. Thực ra, loại nần gạo là củ nần, còn nần nếp là củ nâu. Để phân biệt củ nâu với củ nần cần căn cứ vào hình dáng cây và củ, khác với củ nần, thân cây củ nâu tròn, nhẵn, có nhiều gai, lá đơn mọc so le ở phía dưới, mọc đối ở gần ngọn, phiến lá hình trứng hoặc bầu dục nhẵn bóng, cụm hoa đực không có lá, gồm nhiều bông, trục bông nhẵn, có cạnh. 
Củ nâu vỏ xám vàng nhạt, không sần sùi, nhựa màu đỏ nhạt, mặt cắt hơi hồng còn củ nần vỏ cỏ có rãnh, màu nâu đỏ nhạt, nhựa màu vàng nhạt hơi hồng, mặt cắt có màu trắng nhạt.
Củ nâu ngoài việc dùng để nấu ăn như củ nần còn được dân gian dùng lấy nước để nhuộm vải.
3. Củ nần chỉ có thể ăn được khi đã loại bỏ các chất độc. Nần đào về dùng dao bén gọt bỏ vỏ, cắt ra nhiều khoanh nhỏ ngâm trong nước mặn từ chục ngày trở lên. Sau đó, đem nần ngâm lại trong nước ngọt và ngày ngày tẻ nước, cứ làm như vậy trong cả chục ngày nữa. Sau đó, đem nần ra phơi năng cho khô. Khi nấu cũng cần đun sôi để loại bỏ thêm chất độc còn sót lại. Củ nần đã được chế biến cẩn thận dùng nấu xôi ăn trong lúc thiếu lương thực.
4. Khi tìm tài liệu để viết bài này, chúng tôi tìm thấy trong các sách thuốc cổ nhưLục châu bản thảo, Sinh thảo dược tính bị yếu, Bản thảo cầu nguyên dược học cổ truyền, củ nần được gọi là bạch thự lương, vị đắng, tính lạnh, có độc, có công dụng tán nhiệt, tiêu thũng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nhọt độc, hậu bối, giang mai, hạ cam, tổn thương do trật đả..., nhưng chỉ dùng ngoài bằng cách giã nát đắp, sắc lấy nước rửa hoặc nấu thành cao để bôi lên tổn thương, tuyệt đối không được uống trong vì rất dễ ngộ độc.
Sách cổ còn cho biết củ nâu có vị ngọt, chát hơi chua, tính bình, có công dụng hoạt huyết cầm máu, giảm đau, thường được dùng để chữa đau bụng do sản hậu, kinh nguyệt không đều, rong kinh, thổ huyết, viêm khớp dạng thấp, cầm máu vết thương...
Dây nần
Dây nần
Người ta cũng nghiền củ nần thành bột, rồi trộn với dầu dừa, lá cây thuốc lá, lá cà độc dược hay ớt trái để trị bệnh lở loét ngoài da sinh ra giòi ở gia súc.
5. Dân gian cũng khuyến cáo rằng củ nần tươi rất độc. Chỉ cần một lát cỡ ba ngón tay là có thể gây chết người trong vài tiếng đồng hồ sau đó. Triệu chứng của sự ngộ độc nần là bắt đầu ngứa trong cổ họng kèm theo nóng rát, rồi choáng váng, ói ra máu, nghẹt thở và buồn ngủ.
Theo kinh nghiệm dân gian, khi không may bị ngộ độc củ nần thì nhanh chóng lấy củ gừng tươi đâm nhuyễn vắt lấy nước, rồi trộn với dấm ăn, ít cam thảo, và nửa chén nước sạch, tất cả đem sắc kẹo lại, trước ngậm sau uống, sẽ không nguy hiểm đến tính mạng.
Như vậy, từ một loài củ hoang dại, với trí tuệ dân gian củ nần đã giúp con người đỡ lòng trong cơn khốn khó. Rồi những câu chuyện dân gian được lưu truyền, gắn liền với một thời lịch sử, gắn liền với những địa danh mà nghe thoáng qua khó tận tường nguyên cớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét