Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Xốn xang mùa hoa loa kèn

TTO - Dường như sắc trắng của những loài hoa tháng ba vẫn còn luyến tiếc với đất trời nên đã gửi gắm hương sắc, nỗi niềm ấy cho loài hoa trắng của tháng tư mang cái tên "vang dội": hoa loa kèn.
Người trồng hoa loa kèn ngắt hoa một cách cẩn thận, khéo léo - Ảnh: Hà Trang
Hoa loa kèn (còn gọi là huệ tây hay bách hợp) được xem như dấu gạch nối giữa mùa xuân ấm áp, đâm chồi nảy lộc sang mùa hè xanh tươi, đầy nhựa mới. Đó là loài hoa sang trọng, đài cát và quyền quý nhưng vẫn giữ được nét trong sáng, nhẹ nhàng đặc trưng của Hà Nội khi tháng tư về.
Bước sang tháng tư, trên khắp tuyến phố Hà Nội dần thấy sự xuất hiện của màu trắng tinh khôi toát lên từ loài hoa loa kèn. Những bó hoa nằm gọn gàng sau thúng tre của những người bán hoa dạo. Dù chỉ mới chớm nụ nhưng hương loa kèn vẫn lan tỏa thoang thoảng, nhẹ nhàng, vương vấn người đi đường.
Tìm đến tận nơi những bông loa kèn được chăm sóc cẩn thận, chu đáo tại làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) mới thấy những nụ hoa xanh cốm mơn mởn, tươi mới trong gió trời được trồng ngợp một vùng rộng lớn.
Hoa loa kèn được trồng chủ yếu vào tháng 9, 10 đến tận cuối tháng 3, 4 năm sau mới cho thu hoạch. Mỗi cây cho 2-5 bông. Những thân cây mảnh khảnh nhưng khỏe khoắn mọc xen kẽ vươn lên đón những nụ hoa đang độ chớm còn giữ sắc xanh trắng ngà ngọc. 
Vườn hoa Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) bạt ngàn sắc xanh trắng của nụ hoa loa kèn - Ảnh: Hà Trang
Những nụ hoa loa kèn vừa hé mở trên vườn - Ảnh: Hà Trang 
Là một loài hoa khá “khó tính” nên việc chăm sóc cho loa kèn cũng cần có sự tỉ mỉ, chu đáo, chăm chút của các chủ nhà vườn. Đây là loài hoa ưa ẩm nên luôn phải tưới đủ nước để giữ độ tơi xốp, thông thoáng cho đất, đồng thời cần phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng bằng việc bón phân và bổ sung dinh dưỡng cho lá để cây chống lại bệnh dịch.
Hơn thế, những người chăm hoa còn phải cẩn thận giăng giàn bằng lưới trên mỗi luống hoa để nâng đỡ tránh cây bị nghiêng đổ.
Khi thu hoạch, người trồng thường dùng tay ngắt cành do thân hoa giòn, dễ bẻ không như một số loại hoa khác phải dùng kéo để cắt như hoa cúc, hoa hồng… Giá bán tại vườn khoảng 1.500 - 2.000 đồng/bông (1 cành 2-5 bông). Bán buôn theo cành thì rẻ hơn với giá tầm 200.000 đồng/100 bông.
Hoa ở làng hoa Tây Tựu thường được đưa về bán buôn cho những người kinh doanh hoa ở chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) với giá bán lẻ là 50.000 đồng/bó 20 bông.
Hoa loa kèn theo những người bán hoa dạo xuống phố - Ảnh: Hà Trang
Sắc trắng tinh khôi của khóm hoa loa kèn nở rực rỡ một vùng - Ảnh: Hà Trang
Cánh hoa loa kèn mỏng manh, trắng muốt khẽ nở làm vương vấn lòng người - Ảnh: Hà Trang
Người ta mua hoa loa kèn mang về cắm trang trí trong nhà từ khi mới chớm nụ, để rồi bất chợt nhận ra sắc trắng tinh khôi, thuần khiết của những cánh hoa loa kèn mỏng manh ấy cùng hương thơm ngan ngát, dịu nhẹ đã hiện hữu từ bao giờ. Một cảm giác thú vị đến lạ lùng...
Là một loài hoa mang sắc hương đặc trưng của tháng tư Hà Nội, loa kèn được ví như thứ hoa gọi kỷ niệm về bởi nó đến nhanh rồi tàn đi cũng rất chóng.
Có khi người thưởng thức hoa chưa kịp cảm nhận sắc trắng tinh khôi và hương thơm dịu nhẹ thoắt ẩn thoắt hiện trên những con phố thì cái nắng chói chang của mùa hè đã đến và mang cánh hoa đi. Để rồi vẻ đẹp, hương thơm của loài hoa ấy đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, sâu thẳm khiến con tim của nhà thi sĩ phải thổn thức những vần thơ:
Loa kèn xanh ngọc trong xuân muộn
Sực nức hương thầm bỡn gió đông
(Nhật Chinh, Hoa loa kèn)
HÀ TRANG

Lễ hội cúng dừa của người Khmer

TTO - Hằng năm, bà con ở xã An Hiệp (Châu Thành, Sóc Trăng) tổ chức  lễ cúng dừa (hội Thác Côn) kéo dài ba ngày từ ngày 15 đến 17-3 âm lịch tại chùa Ma ha sal Phat Mon của người Khmer.
Cổng chùa Mahasal Thatmon - Ảnh: Hưng Phú
Ông Sơn Thanh (79 tuổi, ở An Trạch) cho biết: “Theo truyền thuyết, từ xa xưa nơi đây nổi lên một gò đất hình dạng như chiếc cồng. Chân người giẫm lên phát ra thứ tiếng âm vang như chiếc cồng, theo thời gian âm thanh nhỏ dần rồi mất hẳn. Bà con cho rằng đây là sự linh thiêng nên lập miếu thờ. Hằng năm cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội cầu an gọi là Thác Côn, gợi lại tiếng còng chiêng âm vang từ đất, và những chiếc bình bông làm bằng trái dừa được dâng cúng”.
Cũng như các lễ hội cầu an, mong mùa màng bội thu, bà con được bình yên lao động sản xuất, những vật dâng lễ cúng là những thứ hoa trái mang đậm dấu ấn tín ngưỡng. Các thứ hoa như sen tượng trưng cho sự thanh khiết, bình bông làm bằng trái dừa được vạt miệng, loại quả có nước tinh khiết, ngọt lành. Những cây bông bằng tre kết lá trầu xanh sẽ được cắm lên trái dừa. Ngoài ra luôn có miếng trầu trong lễ cúng.
Dừa dâng cúng phật - Ảnh: Hưng Phú
Dừa đủ cở lớn nhỏ, mỗi gia đình tùy theo lời nguyện của mình mà đem theo dừa dâng cúng. Thường mỗi người đem đến một cặp dừa nhưng cũng có gia đình đem đến 7 - 8 cặp, có màu sắc khác nhau. Nhìn kỹ sẽ thấy đa số lễ vật cúng có năm thứ tượng trưng cho năm vị bồ tát, bao nhiêu lòng thành của khách hành hương như gởi gắm trong chiếc bình nhỏ bằng trái dừa.
Khách dự hội năm nay đông hơn các năm trước, những bãi giữ xe lộ thiên chật kín xe, hàng quán mọc lên kín hai bên lộ. Trước cổng chùa, lễ vật hoa trái được bày bán sầm uất, một cặp dừa cắm hoa sẵn bán giá chỉ 15.000 đồng.
Ông Danh Bung - thủ quỹ chùa - cho biết: “Năm nay bà con về dự hội đông hơn mọi năm, từ Campuchia và các tỉnh bạn như Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ… Ước tính  một đêm không dưới 10.000 người”.
 Bán dừa làm bình hoa - Ảnh: Hưng Phú
Dừa cho vào kho - Ảnh: Hưng Phú
Đêm hội Thác Côn là đêm thức trắng, nam thanh nữ tú ba dân tộc Việt, Khmer, Hoa có dịp kết bạn, trong không khí nô nức như hội trăng rằm. Phía sau chùa là bãi đất rộng gần 5 công đất tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí thật náo nhiệt. Gánh hát dù kê phục vụ xuyên suốt. Quán nước, quán ăn phục vụ đến sáng.
Sau ba ngày, khi những bình bông bằng dừa được chất cao như núi trong sân chùa Thác Côn, cũng là lúc bà con xã An Hiệp thực hiện nghi lễ cuối cùng, nghi lễ mang đậm phong tục tập quán nông nghiệp, gom những giống ngũ cốc đã đặt trên bệ thờ, lấy ít tro nhang từ các lư hương đặt vào chiếc mâm bạc thường chứa các vật cúng.
Chị em phụ nữ theo sau người mang chiếc mâm ra đồng, dâng cúng đất đai, ruộng vườn, cúng những vị thần bảo hộ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, no ấm. Sau đó họ rải hạt giống, rắc tro, chân nhang  lên cánh đồng, bờ ruộng. Riêng những bình bông bằng trái dừa, một số bà con xin về cho con cháu uống mong bình an mạnh khỏe, học hành thông minh.
HƯNG PHÚ

Khám phá bến sơn cước Ngọa Long Sơn

TTO - Đến Ngọa Long Sơn lại bắt gặp cái tên “bến”. Hỏi ra mới biết đây là chợ đầu mối, nơi hàng hóa và hoa quả tươi rói từ trên núi chuyển xuống nên ai cũng thích thú khi được hòa mình vào các “bến” bên chân dãy Thất Sơn hùng vĩ.
Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc
Trong mùa lễ hội miếu Bà tháng 3, tháng 4, nhất là dịp lễ 30-4, du khách thường đến thăm chiến trường xưa, thăm khu thờ tâm linh điện Tà Cao ở Ngọa Long Sơn. Trên đỉnh núi Dài là hai xã giáp ranh Lương Phi và Lê Trì, có nhiều đường ô và con suối với trên 300ha đất rải rác được nông dân biến thành vườn và rẫy.
Ngọa Long Sơn (có nghĩa con rồng nằm) còn gọi là núi Dài, thuộc dạng núi dốc, với độ cao 554m (có nơi ghi 580m), độ dốc trên 25 độ. Đá trên núi phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau. "Con rồng" dài khoảng 8.000m, nằm dọc tỉnh lộ 955B, chiếm một diện tích rộng lớn thuộc bốn xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì của huyện Tri Tôn, An Giang.  
Đường vào Ô Tà Sóc là con đường nhựa nhỏ dài chừng 2,5km, nhiều chỗ tróc lở, lởm chởm. Con đường mát dịu với hai bên đường là những cánh rừng tầm vông chạy dài trông thật đẹp mắt. Lẫn trong màu lá tầm vông là những tán lá xoài, mít, đào lộn hột... xanh biếc.
Chúng tôi dừng chân ở ngã ba bên chân núi, ngay bên con đường dẫn lên Ma Thiên Lãnh (còn gọi Bục Ông Địa). Nhà của anh Lê Văn Kéo (53 tuổi) nằm giữa vườn cây ăn trái râm mát là chỗ nghỉ khá lý tưởng. Nhưng anh bảo do bị khai phá, núi Dài ngày nay đã vắng bóng khá nhiều chim thú quý, danh mộc.
Người dân ở đây thường lên núi làm rẫy và làm những chiếc bẫy đạp hoặc đem gà nhà dụ gà rừng đến để bắt. Gà rừng bắt về nhưng không nuôi được, muốn lai giống với gà nhà cũng “bó tay” vì gà nhà bị chúng đá tơi bời. Chỉ có việc bán cho dân nhậu ưa thích, dù có người chê thịt dai nhách.
Bến Ô Tà Sóc thuộc ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, nằm giữa những vườn cây râm mát, ngay con đường dẫn lên núi. Trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây được chọn làm căn cứ của Tỉnh ủy An Giang và cơ quan trực thuộc (từ năm 1962-1967).
Sơn dân đem xoài đến bến Ô Tà Sóc cân cho thương lái
Trời đã xế chiều, nhưng bến Ô Tà Sóc vẫn khá nhộn nhịp, bên cạnh là các hàng quán phục vụ ăn uống cho người mua kẻ bán. Ngồi trong quán nhỏ xộc xệch, ông Trần Văn Tiều (66 tuổi) cho biết tên gọi Ô Tà Sóc có nghĩa là suối ông Sóc. Ông có 7 công đất trên núi trồng một số loại cây ăn trái, nhiều nhất là xoài, chuối...
Việc khai thác đất núi thành đất vườn hoặc rẫy của sơn dân ngoài việc tăng thu nhập còn là điều kiện để họ tham gia chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ. Họ dựng chòi, ban đêm cho người giữ... Nhờ vậy mà nhiều năm qua rừng trên núi không bị cháy.
Ông Tiều thổ lộ việc trồng trọt, đặc biệt là xoài trên núi, tốn nhiều công sức và chi phí tốn kém. Xoài ở đây thường trồng ghép bưởi, một năm một mùa, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 5 âm lịch. Nếu ai làm giỏi, có kỹ thuật thì một năm có thêm mùa thứ hai từ tháng 10.
Trên núi ngoài xoài, chuối, mít, người ta còn trồng đậu que, đậu rồng vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch. Mưa hơi dày, bà con lại thu hoạch măng le, măng mạnh tông. Lệ thường đầu và cuối mùa măng giá cao, còn giữa mùa măng mạnh tông cao cấp giá vẫn “bèo”, có năm chỉ 1.500 đồng/kg.
Cô gái sơn cước chở xoài đến bến bán cho chủ vựa
Chuối trên núi đem xuống bến Ô Tà Sóc
Dọc chân núi Dài, ngoài bến Ô Tà Sóc còn có các bến Lương Phi, bến Bục Ông Địa... Để thu hoạch nông sản trên núi, các sơn dân ở núi Dài đều thuê mướn nhân công. Hàng trăm lao động nghèo ở các xã Lương Phi, Lê Trì, Châu Lăng và thị trấn Ba Chúc là lực lượng tham gia công việc thu hoạch và vận chuyển nông sản từ trên núi xuống.
Anh Chau Chok (30 tuổi) tâm sự để nuôi mấy con nhỏ, vợ chồng anh làm nghề hái và gánh mướn từ trên núi xuống từ khi chưa lập gia đình. Một ngày, anh phải hái 300-400kg trái cây, kiếm được khoảng 150.000 đồng. Nếu hái trên sườn núi cao, giá sẽ cao hơn, có thể 170.000 đồng/ngày... Còn gánh từ trên núi xuống nơi thấp nhất dưới chân núi giá 300-500 đồng/ký.
Năm nay nắng hạn nên hoa màu không đạt chất lượng. Nông sản ở khu vực Ô Hồng Hoàng, Ô Tà Sóc, Vồ Đá Bạc, Thố Phi... thuộc vùng núi Dài gặp nhiều khó khăn, sản lượng nông sản tập trung về bến Ô Tà Sóc và bến Bà Chi, bến Bục Ông Địa rất ít, chủ yếu chỉ có chuối và xoài.
Bia kỷ niệm Ô Tà Sóc
Những hàng quán mát mẻ ở bến Ô Tà sóc
Trong những dịp về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, du khách đến Ô Tà Sóc sau khi tìm đến Bục Ông Địa, Vồ Cờ, Vồ Sả hay Lò An để sống lại một thời lịch sử hào hùng của quân dân tỉnh An Giang. Riêng khách du lịch tâm linh trong mùa trẩy hội miếu Bà đến Ô Tà Sóc tìm thăm điện Tà Cao, nơi có nhiều truyền thuyết về tâm linh, ghé thăm bia tưởng niệm Ô Tà Sóc.
Khám phá chán chê, giữa u tịch núi rừng, bạn có thể dừng chân nghỉ trong các quán hàng ăn uống dưới những bóng cây cổ thụ ở bến Ô Tà Sóc với đủ món cơm, phở, hủ tiếu... và các loại giải khát. Sau đó tha hồ chọn mua trái cây tươi rói và các vật lưu niệm của vùng bán sơn địa với giá cả phải chăng.
HƯNG PHÚ

Giòn thơm chè lam Phủ Quảng

Món dân dã có trong danh sách 50 quà tặng đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố này là lựa chọn không thể thiếu với những du khách ghé thăm di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Chè lam Phủ Quảng của xứ Thanh có nét độc đáo với vị giòn tan nơi đầu lưỡi khi thưởng thức và vị ngọt thanh nhẹ dìu dịu. Phủ Quảng trước đây là phủ Quảng Hóa, gồm một số huyện trung du của tỉnh Thanh, có lỵ sở ở gần thị trấn Vĩnh Lộc ngày nay.
Chè lam Phủ Quảng từ xưa đã nức tiếng gần xa, những làng nghề làm chè lam truyền thống vẫn luôn lưu giữ và phát triển. Du khách đến thăm di tích Thành nhà Hồ và các vùng phụ cận đều thưởng thức chè lam Phủ Quảng và lựa chọn mua về làm quà.
1-5643-1397790696.jpg
Chè lam Phủ Quảng- thức quà dân dã xứ Thanh. Anh: Hà Nguyễn
Làm thức quà này cũng khá công phu và đòi hỏi khéo léo, có kinh nghiệm để có được tỷ lệ chuẩn giữa các nguyên liệu gạo nếp, đường, mạch nha, mật mía, gừng, lạc… Gạo nếp loại hạt mẩy đều, xay bằng cối đá, lắng bột rồi lọc bằng tấm vải thô. Một phần nhỏ gạo nếp đem rang chín, đảo đều tay cho đến khi ngả vàng và có mùi thơm, đem trải ra nia cho mau nguội. Lạc rang xong giã đôi, gừng tươi đồ lên rồi xắt lát nhỏ.
Thứ mật để thắng chè lam phải là mật mía Kim Tân của huyện Thạch Thành láng giềng, nơi được coi là đất mía của tỉnh Thanh, có vị ngọt đậm, sóng sánh đặc trưng. Mật được thắng trong chảo to, đun sôi kỹ rồi giảm lửa để sôi lăn tăn, đến khi mật cô lại vừa phải thì cho hỗn hợp bột nếp, gạo rang, lạc, gừng… vào, quấy nhanh và đều tay. Đây là bước luyện chè, đòi hỏi người nấu phải thật nhanh và khéo léo, sao cho mật, gừng và gạo nếp quyện vào nhau với tỉ lệ vừa phải. Sau đó đổ hỗn hợp ra mặt phẳng sạch đã rắc lớp mỏng bột khô, thêm một số công đoạn được thao tác rất nhanh tay, cán thành khúc chè rồi cắt thành từng miếng vừa ăn, gói vào lá chuối khô, ngày nay thường dùng túi nilon để gói.
2-9522-1397790696.jpg
Chè lam Phủ Quảng thường thức cùng trà xanh. Ảnh: Hà Nguyễn
Thanh chè lam Phủ Quảng có màu vàng ươm đẹp mắt, thưởng thức cùng với chén trà xanh là đúng vị nhất, vừa dân dã lại có chút thanh tao. Thử miếng chè lam giòn giòn, thấy cái vị gạo nếp bùi bùi lẫn trong vị ngọt dịu của mật mía và hương gừng cay, nhấp ngụm trà nước đầu còn chan chát, tất cả hòa quyện với nhau một cách tự nhiên nhất, như thức quà quê bình dị đầy nghĩa tình quê Thanh.
Thanh Tuyết

Giòn rụm món cơm cháy đất cố đô

Trong cái se lạnh lúc giao mùa, nhâm nhi tảng cơm cháy nóng hổi, giòn tan, cảm nhận vị thơm giòn như tan chảy trong miệng với vị ngọt ngậy của nước sốt, ngồi ngắm phố phường chộn rộn của vùng đất cố đô là một cái thú đặc biệt.
Đến cố đô Hoa Lư, du khách không thể không đến thăm đền vua Đinh vua Lê trầm mặc, hay thả mình vào giữa thiên nhiên rộng lớn của khu du lịch Tràng An. Vào khoảng thời gian giao mùa, còn có một thú vui đặc biệt dành cho khách: Dạo trên những con phố ở Ninh Bình vào những buổi chiều, ghé chân vào quán ăn bên đường quốc lộ 1, thưởng thức món cơm cháy đặc sản.
Cơm cháy là món ăn được nhiều người ưa chuộng khi đến vùng đất cố đô. Những quán cơm cháy không có gì quá đặc sắc, không hẳn sang trọng, mà chân chất, hồn hậu như những con người của mảnh đất này. Quán không nhiều món, nhưng cũng đủ chứa đựng những nét đặc trưng, tinh tế của ẩm thực Ninh Bình.
com-chay-1377574784.jpg
Món cơm cháy từ lâu đã trở thành một món ăn hấp dẫn du khách thập phương.
Bà chủ quán xởi lởi, kể câu chuyện truyền miệng về cơm cháy: Có từ hơn 100 năm, cơm cháy do một người thanh niên tên Hoàng Thăng học được từ người Trung Hoa. Sau đó  trở về quê nhà, với bí quyết chế biến các món ngon, chàng trai mở một hàng ăn chuyên về cơm cháy.
Không rõ câu chuyện phảng phất dư vị xa xưa này thực hư thế nào, chỉ biết tới giờ cơm cháy đã trở thành một đặc sản của người dân đất cố đô. Cơm cháy được công nhận là món ngon kỷ lục Châu Á trong danh sách 10 món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, trở thành một món quà du lịch cho khách thập phương.
Những người mẹ, người vợ thường chỉ chế biến món cơm cháy trong những dịp cuối tuần, hay để mời khách phương xa, bởi cách làm món này cũng khá cầu kỳ. Để có được món cơm cháy ngon, người chế biến phải chọn gạo tẻ thơm, dẻo, pha thêm một chút gạo nếp hương cho đúng tỷ lệ, hoặc có thể thay thế bằng gạo tám thơm.
chay-1377574784.jpg
Cơm cháy phải đi kèm với nước sốt ngon, được chế biến từ tim, cật lợn xào cùng với hành tây, nấm rơm, đậm mùi mỡ hành.
Để tạo xém, người nấu thường dùng loại nồi gang thật dày, nấu bằng than củi là ngon nhất. Khi cơm chín lấy ra, để lại một chút phần dính đáy nồi rồi tiếp tục để trên bếp ủ. Khoảng mấy chục phút, khi những hạt cơm đáy nồi đã chuyển sang màu vàng nhạt, lớp cơm cháy mỏng tự bong ra khỏi đáy nồi.
Thứ cơm ấy được đem phơi khô, cho vào túi nilon, dùng ăn dần. Khi ăn, người ta mới đem cơm chiên trong chảo mỡ hay dầu sôi tạo thành món cơm có màu vàng, giòn mà vẫn dẻo. Ngày nay, nhiều người không cầu kỳ như vậy nữa mà đem cơm cho vào lò vi sóng, hay lò nướng, vẫn có được thứ cơm cháy thơm ngon.
Món cơm cháy đậm đà phải đi kèm với nước sốt ngon. Thịt bò hoặc tim, cật lợn xào với hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua tạo, thêm chút bột dong để đủ độ sánh tạo nên thứ nước sốt sóng sánh mùi mỡ hành.
Cũng có người chế biến nước sốt từ thịt dê núi tạo nên sự kết hợp độc đáo. Nước sốt ăn kèm thường có vị cay, thơm, ngấm vào miếng cơm cháy mà vẫn cảm nhận vị giòn tan trong miệng.
chay2-1377575070.jpg
Món quà cho khách phương xa.
Để tiện lợi cho du khách khi mua cơm cháy làm quà phương xa, món ăn này ngày nay thường được chế biến với ruốc (chà bông), cũng tạo nên mùi vị rất riêng.
Anh Phương

Phượng hoàng đất ở Tràng An

Nếu bạn gặp phượng hoàng đất trong hành trình ở Tràng An, Ninh Bình, đó thật sự là điều may mắn.
Phượng hoàng là một trong tứ linh được người đời truyền tụng. Mặc dù sự tồn tại của phượng hoàng vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng phượng hoàng đất là hoàn toàn có thật. Phượng hoàng đất có tên khoa học Buceros bicornis, loài to nhất trong họ hồng hoàng, cư trú trong một số khu rừng ở VN và Tràng An - Ninh Bình là nơi được nhắc đến nhiều nhất.
521355-10200284155014279-11038-4473-1760
Cảnh chiều yên bình tại Tràng An. Ảnh: dulichvietnam
Tràng An là khu du lịch sinh thái cách Hà Nội hơn 90 km. Với phong cảnh non nước hữu tình và hệ thống hang động hoang sơ, nhiều du khách sau khi hành hương bái Phật ở chùa Bái Đính, tham quan vãn cảnh cố đô Hoa Lư, thường ghé lại Tràng An.
Do đặc điểm môi trường tự nhiên, Tràng An có hệ động - thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao. Du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng những bầy khỉ, sơn dương, cầy đổi màu, tê tê, rái cá… hồn nhiên nô đùa từ mặt nước đến cây cao. 
Sau khi mua vé ở bến, du khách lên thuyền để bắt đầu cuộc hành trình ngao du sơn thủy. Theo dòng nước êm đềm, gió mát hiu hiu, chiếc thuyền lững lờ rẽ nước tiến vào trong. Dù nằm ngay bên đường lớn nhưng khi đã ngồi lên thuyền thăm thú Tràng An, dường như mọi ồn ã bị rơi vào quên lãng.
Trên triền núi, những đàn dê trắng nhởn nhơ gặm cỏ. Dưới mặt nước, những con chim le le bơi lội tung tăng, khi lại bay là là mặt nước. Trên trời sáo, khuyển, chim cu khoe tiếng vang trời, phá tan không gian trầm lắng của đồng ruộng, nước non.
phuong-hoang-dat-5339-1381131448.jpg
Phượng hoàng đất là loài chim nằm trong sách đỏ, hiện sống chủ yếu ở Tràng An, Ninh Bình.
Cũng sống thành bầy đàn nhưng phượng hoàng đất là loài chim quý hiếm, nên không ai phải cũng có cơ may nhìn thấy khi đến Tràng An. Phượng hoàng đất dài khoảng 95 - 120 cm có sải cánh rộng. Điểm nhận dạng là phần mũ mỏ màu vàng tươi và đen trên đỉnh chiếc mỏ lớn. Con mái nhỏ hơn và có mắt màu xanh lam thay vì mắt đỏ. Con trống thường rỉa lông để bôi chất nhờn màu vàng vào lông cánh sơ cấp cũng như mỏ để làm cho chúng có màu vàng tươi.
Nhiều người tin rằng, phượng hoàng đất sẽ mang lại may mắn cho ai được một lần bắt gặp trong đời. Dù điều đó có thật hay không, rõ ràng nếu được một lần chiêm ngưỡng phượng hoàng đất ở cố đô, bạn là người may mắn trong số hàng triệu lượt khách đến đây.
chim-phuong-hoang-dat-9781-1381131449.jp
Nếu gặp may, bạn sẽ thấy phượng hoàng đất ở Tràng An.
Phượng hoàng đất thường làm tổ vào đầu mùa mưa, khi rừng chưa ra lá non. Mỗi lứa phượng hoàng đất đẻ chừng 5 trứng, trong đó khoảng 3 quả sẽ nở thành con. Tổ của chúng cách mặt đất từ 5 m đến 15 m.Vì thế, để ghi được hình nếu có cơ may bắt gặp, ngoài một chiếc máy ảnh chất lượng cao, bạn còn phải là người giỏi leo cây và không sợ độ cao, thêm một chút hiểu biết về tập quán sinh sống để dễ tiếp cận ở khoảng cách gần.
Không chỉ có phượng hoàng đất, Tràng An còn khá nhiều điều hấp dẫn. Đó là không gian hiền hòa của con nước và cùng hệ thống hang động nối tiếp nhau: hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ; hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ; hang Nấu Rượu và hang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn...
Nhờ hệ thống hang động liên hoàn, chuyển tải nước đối lưu chảy thông qua khe núi, nên ở đâu và bất kỳ mùa nào trong năm, Tràng An cũng mát lạnh như mùa thu.
Kim Anh

Ngôi đền đá nằm giữa rừng ở Tràng An

Trong hành trình thăm Tràng An ở Ninh Bình, đền Nội Lâm (đền Trần) làm chủ yếu bằng đá xanh nguyên khối với nhiều hoa văn chạm nổi là điểm dừng chân không thể bỏ qua. 

Ngày 17/4 (tức 18/3 âm lịch), lễ hội đền Nội Lâm tưởng nhớ Đức Thánh Quý Minh Đại Vương đã diễn ra tại Tràng An, Ninh Bình. Điều độc đáo của lễ hội này là diễn ra trên sông Sào Khê nằm bên đại lộ Tràng An với hành trình du thuyền trên các hang động Tràng An rồi kết thúc bằng việc leo núi, dâng hương tế lễ tại đền.
Từ bến đò, du khách sẽ trải qua khoảng hơn một giờ ngồi thuyền đi qua các hang như hang Sáng, hang Tối, sau đó leo bộ lên hàng trăm bậc đá quanh co, rồi tiếp tục thả bộ xuống thung lũng núi trước khi đặt chân đến đền Nội Lâm. Nằm giữa một khe nhỏ của núi, phía trái của sân đền có mỏm đá cao khảng 250 m án ngữ ngay sát lối đi lên di tích.
Đây là ngôi đền thờ Quý Minh Đại Vương. Theo ngọc phả hiện đang lưu giữ tại đền Cả (Hoa Lư, Ninh Bình), Quý Minh là một trong ba anh em, đồng thời là ba vị tướng có công dẹp giặc dưới thời vua Hùng thứ 18, đã được phong thánh gồm Sơn Thánh Tản Vương và Cao Sơn Đại Vương.
1-3030-1397730403.jpg
Đền Trần từ chính diện. Ảnh: Nguyên Anh
Đền được xây dựng theo kiểu chữ nhị, gồm hai tòa liền nhau. Tòa ngoài (Tiền bái) gồm 3 gian, 2 dĩ, quy mô nhỏ. Gian giữa rộng nhất. Mái tòa tiền bái cuốn vòm bằng bê tông, nhưng bên trong lại dùng các phiến đá xanh để lát trần. Chính giữa nóc của mái trang trí hình hổ phù, hai bên có rồng chầu. Hai cột trụ xây liền với hai tường bên, phía trên trang trí hình hai con nghê. 
Tòa tiền bái để trống, không có cánh cửa, có hai hàng cột đá. Hàng cột thứ nhất gồm 4 cột, làm bằng đá xanh nguyên khối. Mặt ngoài của cột chạm nổi đề tài độc long, mây, sóng nước, cá chép hóa long, sư tử và hoa lá cách điệu... Nét chạm khắc rất tinh xảo. Mặt hông của 4 cột đều trang trí hai đôi câu đối chạm khắc luôn vào thân cột. 
Hàng cột thứ hai cũng làm bằng đá xanh nguyên khối. Hai cột ở ngoài cùng trang trí hình độc long chầu vào và đề tài hoa lá cách điệu. Hai cột ở giữa trang trí đôi câu đối. Nét chạm khắc bay bổng, tính thẩm mỹ cao.
DSC-9549-9052-1397730403.jpg
Du khách ngồi thuyền trẩy hội đền Nội Lâm, Ninh Bình. Ảnh: Nguyên Anh
Đá xanh nguyên khối cũng là chất liệu làm nhang án thờ tại gian chính giữa tòa tiền bái và bàn thờ đá tại chính giữa tòa hậu cung. Bên trên tòa hậu cung có hai long cung, bên trong long cung có tượng Quý Minh Đại Vương và phu nhân của ngài là Minh Hoa Công Chúa. Trong cùng tòa hậu cung có hàng cột đá gồm 4 cột, đều có chân tảng bằng đá xanh, làm theo kiểu hình hộp vuông, thắt cổ bồng, trang trí đề tài hoa sen.
Bức tượng Quý Minh Đại Vương được tạc ở tư thế ngồi trên bệ, mắt nhìn thẳng, chân chữ ngũ, đầu đội mũ quan, tay phải cầm chùy, tay trái nắm chặt để trên đùi. Tượng của Minh Hoa Công Chúa tạc ở tư thế ngồi, chân chữ ngũ, mặt hiền từ, mắt nhìn thẳng, tay phải cầm quạt để ngang bụng, tay trái úp xuống đặt trên đầu gối. Phía bên phải của đền có một bệ thờ lộ thiên thờ Mẫu Thượng Thiên Thượng Ngàn.
3-9348-1397730403.jpg
Múa thuyền rồng trên sông Sài Khao. Ảnh: Nguyên Anh
Là lễ hội truyền thống độc đáo của tỉnh Ninh Bình, lễ hội đền Nội Lâm năm nay thu hút hàng nghìn du khách tham gia. Khoảng 1.000 chiếc thuyền đã được bố trí để phục vụ du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp trữ tình của non nước Tràng An và dâng hương tưởng niệm tại đền.
Vy An

Những dấu tích lịch sử ở Điện Biên

Với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống rừng núi, hang động đa dạng, du khách đến Điện Biên còn được tham quan di tích lịch sử chiến trường với chiến dịch 56 ngày đêm làm nên chiến thắng lừng lẫy.
Các di tích tiêu biểu đã trở thành chứng tích lịch sử, ghi lại trận chiến oanh liệt của quân và dân Việt Nam.
1. Di tích lịch sử hang Thẩm Púa
Nằm ở xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, hang Thẩm Púa là địa điểm đầu tiên đặt Sở chỉ huy tiền phương của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường đi vào hang nhỏ hẹp với nhiều sườn dốc. Từ cửa hang, du khách có thể phóng tầm mắt ra những quả đồi mướt màu xanh của nếp nương hay những khung cảnh thiên nhiên hoang sơ.
dienbien1-7030-1397723602.jpg
Những cánh đồng xanh mướt mát ở Điện Biên.
Hang đá có vẻ đẹp tự nhiên và còn khá nguyên vẹn với lòng hang rộng, có chỗ cao tới 10 mét và có nhiều các phiến đá to, phẳng như mặt bàn đã bị phủ rêu phong theo thời gian. Chính tại hang này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh mặt trận phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và dự định ngày nổ súng là 20/1/1954. Hang này được người dân địa phương trìu mến gọi là "hang ông Giáp". Ngoài ra, hang Thẩm Púa còn chứa đựng nhiều giá trị khảo cổ, với những hiện vật được chứng minh đây là nơi sinh sống của con người thời tiền sử.
2. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Cơ quan đầu não của chiến dịch nằm trong một khu rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Phăng, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 27km. Tại đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các tướng lĩnh chỉ huy đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận dẫn đến chiến thắng lịch sử lừng lẫy ngày 7/5/1954.
3. Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng kiên cố với mái vòm bằng sắt, ván gỗ và nhiều bao cát, hàng rào thép gai hay những bãi mìn dày đặc bao bọc xung quanh. Bốn góc của hầm là 4 xe tăng và phía tây là trận địa pháo bảo vệ. Căn hầm dài 20 mét, rộng 8 mét được chia làm 4 ngăn là nơi làm vệc và nghỉ ngơi của tướng De Castries cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
ham-do-cat-3786-1397723602.jpg
Căn hầm từng là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng De Castries. Ảnh: L. Thảo
Tại nơi này, tướng De Castries cùng toàn bộ chỉ huy quân Pháp đã bị bắt sống vào chiều 7/5/1954, lá cờ quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, hầm vẫn còn giữ nguyên vẹn cấu trúc và cách sắp xếp của căn hầm trước kia.
4. Trung tâm đề kháng Him Lam
Được coi là cánh cửa thép có nhiệm vụ bảo vệ khu trung tâm, án ngữ con đường huyết mạch từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Đây là trung tâm đề kháng kiên cố nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, do một đơn vị thiện chiến của quân đội Pháp đóng giữ. Tuy nhiên, cứ điểm này đã bị quân đội Việt Nam tiêu diệt trong trận mở màn chiến dịch và đây cũng là nơi chứng kiến tấm gương hy sinh của liệt sĩ Phan Đình Giót, người đã hy sinh thân mình lấp lỗ châu mai.
5. Đường kéo pháo
Nói về những dấu tích lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, không thể không kể đến tuyến đường kéo pháo đã trở thành huyền thoại trong lịch sử dân tộc. Đây là con đường kéo pháo bằng tay độc đáo bậc nhất trên thế giới, thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch. Những người dân với lòng yêu nước, quyết tâm đã cùng bộ đội dùng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, búa... để mở tuyến đường trên những sườn núi quanh co hiểm trở để kéo pháo vào trận địa. Cũng trên con đường này, liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đã hy sinh thân mình để cứu pháo.
6. Di tích đồi A1
Đây là một điểm cao có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh, quân đội Pháp bố trí nhiều binh lực, hỏa lực, có công sự kiên cố, vững chắc với nhiều ổ súng máy hiện đại. Do nằm ở vị trí đắc địa, dễ quan sát nên nơi đây đã trở thành một cứ điểm khó tấn công.
xetang1-6261-1397723602.jpg
Chiếc xe tăng chiến lợi phẩm được đặt tại đồi A1. Ảnh: Tienphong
Dù mở 4 đợt tấn công liên tục nhưng chỉ đến ngày 6/5/1954, quân đội ta mới phá sập được hệ thống hầm ngầm và hoàn toàn chiếm được đồi. Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
7. Di tích nhà tù Lai Châu
Nằm ở phường Sông Đà, thị trấn Mường Lay, Điện Biên, nhà tù được xây dựng vào năm 1901 và được thực dân Pháp đưa vào sử dụng đến năm 1953. Di tích nhà tù Lai Châu là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược. Nơi đây được gọi là "trại giam địa đạo" vì trại giam này ngay cạnh khu nghĩa địa, khi có phạm nhân nào trốn trại bọn chúng liền đem ra nghĩa địa xử bắn và chôn luôn. Đây còn được ví như địa ngục trần gian, chỉ có lối vào chứ không có lối ra.
Di tích nhà tù đã trở thành phế tích nằm trong lòng hồ thủy điện Sơn La. Hiện nay, di tích này được tái hiện trong Bảo tàng Điện Biên.
Anh Phương

Những món ăn đặc sắc ở Điện Biên

Các món ăn của người dân tộc ở Điện Biên được chế biến rất cầu kỳ, nhất là nghệ thuật sử dụng các loại gia vị độc đáo của núi rừng Tây Bắc.

Xôi nếp nương, thịt trâu hun khói hay hoa ban là những món ăn đặc sắc khi đặt chân đến vùng đất Điện Biên Phủ lịch sử.
1. Xôi nếp nương
Nói đến Điện Biên, người ta nghĩ ngay đến nếp nương với những hạt nếp căng tròn, mềm dẻo. Cách đồ xôi nếp nương khá công phu, gạo nếp phải được ngâm trong nhiều giờ liền khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi phải được đồ trong chõ gỗ đặc biệt của dân tộc, chín bằng hơi, mềm dẻo chứ không dính tay, qua hai lần đồ mới dẻo thơm. Sau khi đồ lần thứ nhất, người ta đổ ra rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau lại cho vào chõ và tiếp tục đồ cho đến khi xôi xín đều.
xoi-nep-nuong-9481-1397809122.jpg
Ngày nay, xôi nếp nương được chiên lên ăn cùng với ruốc cũng mang lại hương vị hấp dẫn.
Ngoài xôi trắng, để tạo màu sắc cho sặc sỡ cho xôi, người ta còn lấy các loại cây rừng để tạo màu xanh đỏ, tím, vàng làm  cho món xôi càng trở nên hấp dẫn. Vo từng nắm xôi trên tay, nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết được hương vị dẻo thơm của loại xôi này.
2. Thịt trâu hun khói
Thịt trâu gác bếp là một những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc ở Điện Biên. Để làm món thịt trâu ngon, người ta phải lọc cẩn thận hết gân, lọc sạch bạc nhạc, sau đó thái miếng dọc thớ rồi ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô băm nhỏ, mắc khén giã nát rồi để khoảng 2-3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều. Thịt được sấy cho đến khi vừa chín để không làm mất vị ngọt của thịt. Khi ăn, người ta hay cho vào chõ hấp lại khoảng 30 phút. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của các gia vị tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao.
3. Pa pỉnh (cá nướng)
papinhtop2-5870-1397809122.jpg
Món cá nướng hấp dẫn.
Với sự pha trộn khéo léo và kết hợp giữa các loại gia vị độc đáo, món cá nướng là món ăn mang đậm hương vị Tây Bắc. Để làm món cá nướng, người ta dùng các loại cá như cá chép, trôi, mè trắm, khoảng hơn 1kg được mổ ở dọc phía lưng, rồi rửa sạch để ráo nước, xoa một ít muối rang vào bên trong cá để thêm đậm đà. Hỗn hợp để tẩm ướp gồm mắc khén, ớt tươi nghiền nát, hành tươi, rau thơm, rau mùi thái nhỏ...trộn đều rồi nhồi vào bụng cá. Sau đó, cá được gập đôi lại rồi dùng nẹp tre nẹp cá nướng lên than hồng.
Khi cá chín vàng, con cá được gỡ ra phải nguyên vẹn, không vỡ nát, dậy mùi gia vị bên trong, khi ăn cảm nhận được vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, mắc khén, màu xanh của hành, rau thơm lẫn màu vàng của thịt da cá trông rất hấp dẫn.
4. Măng đắng
Măng đắng là sản vật và là món ăn rất phổ biến của người Điện Biên. Với măng đắng, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như xào, luộc, nướng, hầm xương. Đơn giản nhất là món măng đắng chấm với chẩm chéo (thứ nước chấm độc đáo đặc trưng của người Thái) khiến nhiều người mê mẩn.
Với nhiều người lên Điện Biên lại thích món măng đắng nướng vì nó vẫn còn giữ được nguyên vị đắng, chát. Khác với các loại măng tươi khác khi chế biến cần phải ngâm muối để khử hết vị đắng, cái ngon ở măng đắng Điện Biên chính là vị đắng khó quên.
5. Rau ban
Những du khách lên Điện Biên vào tháng 3 sẽ thấy ngập sắc ban trắng, ban đỏ, ban tím. Người Thái ở đây thường sử dựng loại hoa và lá ban non để chế biến thành các món ăn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày như hoa ban xào thịt lợn rừng, nộm hoa ban củ riềng, hoa ban nộm vừng... Các món ăn này đều rất ngon và rất dễ ăn, vị ngon ở từng món ăn cũng rất khác nhau, mang lại những hương vị đặc biệt.
Anh Phương

Những điểm du lịch hấp dẫn ở Điện Biên

Bên cạnh những địa danh lịch sử, Điện Biên còn hấp dẫn du khách bởi những địa danh có cảnh quan hùng vĩ và gần gũi với thiên nhiên.

Điện Biên đang háo hức chuẩn bị cho ngày lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Du khách đến đây sẽ được sống trong không khí hào hùng của trận chiến năm xưa và thăm những thắng cảnh nổi tiếng.
1. Cánh đồng Mường Thanh
Vào mùa lúa, cánh đồng Mường Thanh căng tràn sức sống, đẹp như một bức tranh vẽ với màu xanh non mơn mởn trải dài tít tắp hay màu vàng óng dưới nắng vào lúc lúa chín. Với diện tích 4.000 ha, trải rộng khắp lòng chảo Điện Biên Phủ, Mường Thanh được coi là cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc, trở thành vựa lúa cho tỉnh Điện Biên. Nhiều du khách rất thích đến đây vào cuối tháng 9, khi mùa lúa chín rộ bởi nhìn từ trên cao, cánh đồng Mường Thanh như một thung lũng vàng với hương lúa thơm ngan ngát.
canh-dong-muong-thanh1-5533-1398158555.j
Cánh đồng Mường Thanh mùa lúa chín. Ảnh: pystravel
2. Hồ Pá Khoang
Với những thảm thực vật phong phú, rừng xung quanh hồ cùng những vườn hoa lan nở rực rỡ, hồ Pá Khoang rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng. Nếu thích một khung cảnh huyền hoặc, hãy đến vào mùa đông, sương mờ buông phủ quanh hồ tạo nên một phong cảnh mơ mộng.
Còn vào mùa hè, không khí trong lành, thoáng mát, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm mây trời non nước hay chèo thuyền du ngoạn, ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, quyến rũ khiến mọi ưu phiền như được bỏ lại phía sau. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây còn hấp dẫn bởi những bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc Thái, Khơ Mú...
3. Đèo Pha Đin
Nằm trên quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Điện Biên, đèo được coi là ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, được mệnh danh là "tứ đại đèo" của vùng Tây Bắc với chiều dài 32 km. Đây cũng là một trong những cung đường hiểm trở nhất Việt Nam. Pha Đin theo tiếng địa phương nghĩa là trời và đất, hàm nghĩa nơi đây là tiếp giáp giữa trời và đất.
Với độ cao hơn 1200 mét so với mặt nước biển, con đường vượt đèo khi lên dốc, lúc xuống dốc ngoằn ngoèo, chênh vênh với một  bên là dốc núi dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Vượt đèo Pha Đin là một hành trình ấn tượng mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, nhất là những tay phượt, để khám phá thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ.
deo-Pha-in-covera-1987-1398238717.jpg
Đèo Pha Đin thách thức bất kỳ tay lái nào. Ảnh: P.Thảo
4. Động Pa Thơm
Cách trung tâm thành phố chừng 30 km, động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi, nổi tiếng là một động đẹp, được người dân nơi đây gọi là "hang nhiều nàng tiên hoa", với những truyền thuyết, huyền thoại về tình yêu đôi lứa.
Qua con đường nhỏ, du khách sẽ nhìn thấy chính giữa lối vào động là một tảng đá khổng lồ giống như đầu voi đang rủ xuống. Động có 9 vòm lớn nhỏ, có nhiều nhũ đá mang những hình dáng sống động, màu sắc huyền ảo. Bên vách là những khối nhũ như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh đang chảy. Từ cửa động, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh. Động đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2009.
5. Động Xá Nhè
Được coi là một trong những động đẹp nhất ở Điện Biên, nơi đây mang một vẻ đẹp kỳ bí, du khách đến đây như đang được lạc vào một nơi nguyên sơ thú vị. Với chiều dài 700 mét, động gồm có 5 khoang lớn nhỏ khác nhau, trên vòm là những khối đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi mềm mại, khi uyển chuyển như những thác nước. Từng khối thạch nhũ như đang tuôn chảy với vô số hạt kết dính lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ, hấp dẫn du khách.
6. Cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải
Là một địa danh miền núi xa nhất phía Tây Bắc đất nước, A Pa Chải có cột mốc biên giới phân chia ranh giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào- Trung Quốc, nơi một tiếng gà gáy, 3 nước cùng nghe.
Ngã ba A Pa Chải từ lâu đã được những người đam mê khám phá coi là một trong những điểm đến khó chinh phục và thú vị nhất bởi chặng đường lên cột mốc biên giới trên đỉnh vẫn còn rất hoang sơ, khó khăn và nguy hiểm. Đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ ngạc nhiên xen lẫn tự hào trước vẻ đẹp phiêu bồng của vùng núi cao quanh năm mây phủ.
Tay-bac-4162-1398158555.jpg
Cảnh núi rừng Tây Bắc hoang sơ hấp dẫn du khách. Ảnh: P.Thảo
7. Chợ phiên vùng cao Tả Sìn Thàng
Ngôi chợ nhỏ, họp ngay ở thung lũng trung tâm của xã giữa bốn bề núi dựng, sương trắng giăng bồng bềnh. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đầy đủ sắc màu Tây Bắc của một phiên chợ vùng cao giữa bốn bề là núi đá chênh vênh.. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, tụ họp mà còn là ngày hội của người dân nơi đây.
Với người Tây Bắc, đi chợ là đi chơi, là giao lưu, tìm hiểu bạn tình, chọn bạn đời nên không ai vội vã. Họ mặc những trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất xuống chợ. Nhộn nhịp nhất là mấy hàng bán đồ ăn như xôi, thắng cố. Chảo thắng cố sôi lục bục trên bếp lúc nào cũng tấp nập người vào ra, bên những bát rượu Mông Pê thơm lừng mang đậm nét văn hóa của vùng cao luôn hấp dẫn du khách khắp nơi.
Anh Phương

Điện Biên mùa này khác lắm!

(Dân trí) - Xe của chúng tôi bon bon chạy trên QL 6 rộng thênh thang, đưa du khách bốn phương lên với Điện Biên. Dọc đường đi, hoa gạo đỏ rực trời Tây Bắc xen với hoa ban nở muộn trắng bung. Điện Biên mùa này khác lắm…

Về thăm Điện Biên không phải vào ngày lễ kỷ niệm, nhưng khi được đặt chân bước đi trên địa hình mấp mô của lòng chảo Điện Biên, chui vào từng căn hầm, từng chiến hào, đường mòn xuyên núi rừng, tận mắt tham quan tôi mới cảm nhận được những khó khăn, gian khổ, những hiểm nguy, những mất mát, hi sinh, sự gan trường, anh dũng, sự thông minh, quả cảm, sáng tạo của quân dân ta.
Đèo Pha Đin nổi tiếng Điện Biên
Đèo Pha Đin nổi tiếng Điện Biên
60 năm đã xa, tiếng súng, tiếng bom rơi đạn nổ đã đi vào dĩ vãng. Nhưng vẫn còn đó những vết tích chiến tranh, những địa chỉ đỏ theo bước chân của dòng khách thập phương trải khắp chiến trường, những vết thương, những nỗi đau của biết bao người chiến sỹ Điện Biên năm xưa,...
Không như những mùa khác, mùa này ở Điện Biên hoa ban nở trắng núi đồi thung lũng, trắng cả đường phố, công viên.
Buổi sáng trời trong veo như mắt trẻ thơ, hoa điệp với màu mây trắng kéo về tầng tầng lớp lớp, cuồn cuộn xếp hàng thành đội ngũ, trắng đến mức tưởng như cắt lát ra vẫn cứ màu trắng ấy.
Bùi ngùi, xúc động, thật đáng tự hào khi được đứng dưới tượng đài Chiến thắng - một công trình lịch sử uy nghiêm, tráng lệ, khắc tạc cả một quá khứ hào hùng! Trời đất, sông núi như giao thoa, rất đỗi nên thơ, hữu tình.
Chiều hoàng hôn, khi làn khói bếp lan tỏa mờ ảo nơi thôn bản nhỏ ẩn mình e ấp bên sườn núi, hình ảnh những cô gái Thái thon thả, duyên dáng trong trang phục truyền thống, rất đáng yêu, dễ mến qua tiếng hát tiễn bạn lên đường đầy lưu luyến, vấn vương…
Cánh đồng Mường Thanh
Cánh đồng Mường Thanh
Buổi trưa và chiều, nắng tươi lung linh chứ không vàng rực rỡ, lại được tiếp viện thêm màu khói đốt nương rẫy của đồng bào.
Cô thuyết minh viên nghẹn ngào khi nói về chiến tích Điện Biên: Người ta thường ví tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một con nhím, thì hầm chỉ huy của tướng De Castries là bộ não, sân bay Mường Thanh là chiếc dạ dày, còn đồi A1 là cuống họng của con nhím đó. Ba cứ điểm cách nhau khoảng 500m, tạo thành một tam giác đều, phòng thủ vững chắc bởi những bức tường lửa.
Sau khi đào hầm xuyên qua sân bay, chia cắt và vô hiệu hóa sân bay, quân ta lại đào hầm xuyên núi đặt khối thuốc nổ nặng 900kg, đánh sập hầm chỉ huy đồi A1. Toàn bộ đường hầm đào trong lòng đất ở chiến dịch Điện Biên Phủ dài khoảng 500km, tương đương với quãng đường từ Hà Nội lên Điện Biên. Đã có khoảng 2.500 cán bộ, chiến sĩ của ta đã nằm lại trước cửa cứ điểm đồi A1. Người tìm được xác còn không rõ tuổi tên, huống là những người vùi sâu trong lòng đất đá núi đồi...
Thế là 60 mùa xuân đã trôi qua nhưng âm vang của Chiến thắng Điện Biên vẫn làm nức lòng nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Đó là một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa... của thời đại Hồ Chí Minh vẫn vang lên hào hùng.
Cánh đồng Mường Thanh
Điện Biên hôm nay, cảnh vật và con người nơi đây như bức tranh thủy mặc, làm ngây ngất lòng người với vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc đến bình dị, đậm đà bản sắc của núi rừng Tây Bắc!
Cùng với những câu chuyện lịch sử, ẩm thực Điện Biên cũng để lại cho du khách những trải nghiệm khó quên. Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm…
Gạo tám vừa thơm vừa dẻo nên đồng bào thường dùng nấu cơm lam hay làm khẩu cắm (như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng), khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp).
Nếp nương thì khắp các tỉnh Tây Bắc đều có, nhưng nếp nương Điện Biên là vang danh không đâu sánh bằng. Nếp vừa tròn, to, căng mọng, vừa ngọt thơm vừa mềm, dẻo. Chỉ cần một chén nhỏ muối mè, bạn có thể ăn hết cả một âu xôi đầy.
60 năm đã qua, nhưng cảnh vật ở Điên Biên, không khí ở Điên Biên mãi sẽ đọng lại trong mỗi người những cảm xúc không bao giờ quên khi lên thăm vùng đất lịch sử oai hùng này.
Minh Phan
Ảnh: Internet

Động Xá Nhè hoang sơ, kỳ bí

Động Xá Nhè nằm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của vùng rừng núi Tủa Chùa (Điện Biên). Hệ thống thạch nhũ trong hang đẹp lộng lẫy, nhưng cho tới nay vẫn chưa nhiều người khám phá được đến tận cùng của hang động dài 700m này.

Độc đáo nhũ đá
Theo các bậc cao niên trong bản Pàng Dề B, xã Xá Nhè (Tủa Chùa, Điện Biên), hang động Xá Nhè được người dân ở đây tìm ra từ lâu lắm rồi. Động Xá Nhè nằm dưới chân một vách núi cao dựng đứng, cách trung tâm xã Sáng Nhè khoảng 1km. Hang nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, cửa hang rộng 5m, cao khoảng 18m.
Với 5 khoang lớn nhỏ kéo dài khoảng 700m, hang Xá Nhè sở hữu nhiều nét đẹp kỳ thú, độc đáo ở hệ thống nhũ đá bên trên và rừng măng đá, nhũ đá phía dưới. Tháng 3.2014, hang động Xá Nhè đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Dong Xa Nhe hoang so, ky bi
Hệ thống nhũ đá đẹp kỳ vĩ trong hang động Xá Nhè. (Ảnh: H.N)
Ông Sùng A Hồng, cán bộ văn hóa xã Xá Nhè cho biết: “Trước đây khách tới thăm động chưa đông, từ khi được xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, khách từ các tỉnh ngoài, thậm chí là cả khách quốc tế mỗi khi tới Điện Biên đều tìm đường lên thăm động”.
Toàn động Xá Nhè được chia làm 5 khoang, mỗi khoang đều có một vẻ đẹp kỳ bí riêng. Trần khoang có hình vòm cung, trên trần động là những khối nhũ đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi thì mềm mại, uyển chuyển như thác nước, lúc mang dáng vẻ sắc nhọn như san hô biển. Từng khối thạch nhũ như những dòng thác đang tuôn chảy với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ.
Càng vào sâu, động càng lộng lẫy bởi hằng hà sa số những đường nét, hình dáng do thạch nhũ, măng đá tạo nên. Tuy đều là những tác phẩm điêu khắc tự nhiên làm từ đá nhưng vẻ đẹp của mỗi khoang động không hề giống nhau, tạo cho người xem sự thú vị và kích thích trí tò mò, đam mê khám phá.
Tạo thêm nhiều sức hút
Mặc dù động Xá Nhè có những thế mạnh thu hút du khách đã thấy rõ, nhưng có một thực tế là các sản phẩm khác cũng như việc kết hợp với các thắng cảnh khác trong khu vực để phát huy thế mạnh du lịch vùng còn chưa thực sự phong phú.
Ông Nguyễn Viết Điển- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh, trách nhiệm quản lý nhà nước hang động Xá Nhè được giao cho UBND xã. Tuy nhiên để phát huy được hết thế mạnh của động, địa phương cần sớm đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông vào cửa hang, đường đi, cầu trong hang cũng như các công trình phụ trợ để phục vụ du khách. Ngoài ra chúng tôi sẽ phải nghiên cứu kết hợp với các sản phẩm du lịch khác như chợ phiên Xá Nhè, trình diễn khèn Mông, giới thiệu ẩm thực độc đáo của người Mông để níu giữ du khách ở lại với Tủa Chùa”.
Chợ phiên xã Xá Nhè họp ở trung tâm xã Xá Nhè được hình thành từ vài năm nay, cứ 6 ngày lại có một phiên chợ. Cứ đến phiên chợ, đồng bào các dân tộc: Mông, Thái, Dao, Phù Lá… từ các thôn, bản tấp nập đổ về chợ. Chợ họp từ sáng sớm đến xế chiều, hàng mang xuống chợ chủ yếu là nông sản thực phẩm, dụng cụ lao động sản xuất, trang phục các dân tộc. Nếu các tour du lịch đến thăm hang động Xá Nhè kết hợp thêm được với chợ phiên Xá Nhè, chắc chắn trong tương lai, Xá Nhè sẽ thu hút khách nhiều hơn.
Đến với huyện vùng cao Tủa Chùa, bên cạnh thắng cảnh động Xá Nhè, du khách còn có thể thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên hoang sơ của cao nguyên núi đá Tủa Chùa.
Đến với Xá Nhè, du khách sẽ được khám phá văn hóa ẩm thực Tủa Chùa với rượu nồng nàn, ăn dê Tủa Chùa, uống chè Tuyết san và thưởng thức những điệu khèn, tiếng sáo dặt dìu của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Hoài Nam (Dân Việt)