Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Viếng đền thờ Hai Bà, thăm ngôi làng phụ nữ 'tự quản'

(iHay) Đã gần hết tháng 3, tháng có ngày lễ của phụ nữ, tôi muốn ghi lại những mảnh ghép nhỏ này, như lời cảm ơn, chia sẻ với những phụ nữ quê tần tảo, nơi có đền thờ hai vị nữ anh hùng của dân tộc: Hai Bà Trưng.


Nơi phụ nữ “tự quản” 1Ngôi đền thờ nhìn từ xa
Có một địa danh hiếm thấy trong quy hoạch tour tham quan du lịch về làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội là đền thờ Hai Bà Trưng. Ngôi đền này được xây tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là ngôi đền thời Hai Bà lâu đời và lớn nhất ở Việt Nam. Điều đặc biệt là tại vùng Hát Môn này, năm 40, căm giận vì chồng bị giết bởi thái thú Tô Định, Bà Trưng Trắc đã cùng Trưng Nhị phát tích cuộc khởi nghĩa đánh quân Hán xâm lược.
Từ Hà Nội, theo quốc lộ 32, qua cầu Phùng, đi hết thị trấn Phùng gặp xã Hát Môn thuộc huyện Phúc Thọ. Theo bảng chỉ dẫn trên đường, bạn quẹo phải đi vào khoảng 2km, sẽ nhìn thấy ngôi đền này phía bên trái.
Nơi phụ nữ “tự quản” 3 
Xưa, đền nằm ngay bên bờ sông Hát (hay còn gọi là Hát Giang, đoạn sông Đáy nối với sông Hồng). Tuy nhiên, sau thời gian bồi đắp và cả sự lấn ép của con người, dòng sông Hát ngày nào nay bị thu hẹp nhỏ như con kênh. Theo đó, ngôi đền cũng được lùi sâu vào trong đất liền.
Nơi phụ nữ “tự quản” 4Dòng sông Hát nay đã đổi dòng, nằm sâu trong đất liền và cạn, nhỏ như thế này
Đã có nhiều sách sử và nhiều nhà nghiên cứu sử đưa ra về nguyên nhân cái chết của hai vị nữ anh hùng này, nhưng khi đến vùng đất này, đứng trước đền thờ Hai Bà một cách cung kính, tôi chỉ muốn lịch sử thuộc về một truyền thuyết đầy kiêu bạc.
Rằng vì chống trả không nổi đội quân hùng hậu hung hãn của nhà Hán, Bà rút quân về vùng Hát Giang và đã trẫm mình xuống sông để giữ trọn khí tiết, theo lời khuyên của một bà bán nước ven sông ngày ấy. Và ngày nay, trước cổng đền thờ Hai Bà, có một ngôi miếu nhỏ thờ bà bán nước, người mà ngày trước khuyên bà Trưng nên trẫm mình để giữ trọn khí tiết.
Nơi phụ nữ “tự quản” 6Cổng đền có 2 câu ca ngợi công lao của Hai Bà do Cao Bá Quát viết: Tùng bất kim đao, thiên khai vận. Ưng vô đồng trụ, đá phân cương (Nghĩa là: Nếu không có kim đao do Hai Bà (ví như trời) mở vận thì đâu có được đất nước này một bờ cõi riêng) 
Gọi là truyền thống, hay như có sự trùng hợp, một sự nối tiếp lạ kỳ nào đó, mà ngày nay, ở vùng quê này, người phụ nữ cũng đang gánh vác những việc nặng khi nhà vắng bóng đàn ông.
Trên các nẻo đường quê, nơi có đền thờ Hai Bà, có những chi tiết cứ đeo bám lấy tôi, cảm giác bần thần suốt đường vào tiếp Đường Lâm sau đó là hình ảnh “phụ nữ tự quản”. Dọc đường làng ít thấy bóng dáng người đàn ông.
Nơi phụ nữ “tự quản” 7
Nơi phụ nữ “tự quản” 8Những tấm bảng này không khó để tìm thấy trên các nẻo đường quê thôn Hát 
Một chị đang đẩy xe lúa vừa gặt xong để về nhà vừa nói vừa cười: “Đàn ông ở làng vào Nam làm ăn hết rồi. Gần hơn thì lên Hà Nội, lên Lạng Sơn đi hàng. Nhưng đa số là vào Nam, chúng em ở đây phải làm thế việc các anh ấy”, nói xong, chị lại cười giòn tan.
Chị cười rồi đẩy chiếc xe chở lúa, áo ướt đẫm mồ hôi.
Nơi phụ nữ “tự quản” 9
Nơi phụ nữ “tự quản” 10
Nơi phụ nữ “tự quản” 11
Nơi phụ nữ “tự quản” 12
Nơi phụ nữ “tự quản” 13
Nơi phụ nữ “tự quản” 14Những người phụ nữ này, không chỉ “tự quản” mà “cán” hết việc đồng áng, thay thế cho những người đàn ông vì cuộc mưu sinh tại các thành phố lớn 
Từ việc gặt hái, dẫy cỏ ngoài đồng đến nặng hơn là cuốc đất, cày bừa đều một tay các chị làm, bóng dáng nam thanh niên trên đồng càng hiếm hoi hơn. Lý do như chị phụ nữ giải thích với tôi ở trên.
Trưa, lại có chị vội vã băng đồng đạp xe đến nhà trẻ đón con, rồi tất tả chở về nhà làm cơm cho con ăn. Chiều lại ra đồng làm tiếp. Chị nào không vướng bận con nhỏ, lại thong thả lên bờ làm sạch xe cày chuẩn bị cày đồng.
Đến xã Hát Môn bằng xe gắn máy, không chỉ viếng đền thờ Hai Bà, bạn có thể chứng kiến những việc đồng áng nặng nhọc là thế, với những phụ nữ “tự quản” nơi đây, là những việc làm tất nhiên và… nhẹ tựa hoa hồng. Đây cũng là vùng đất còn mang đậm nét làng quê mộc mạc, trù phú của đồng bằng Bắc Bộ.

Nơi phụ nữ “tự quản” 16Hiếm hoi gặp được người đàn ông ngoài 70 này đang dẫn bò lên đê ăn cỏ
Nơi phụ nữ “tự quản” 17
Đây cũng là vùng đất còn đậm nét làng quê mộc mạc, trù phú của đồng bằng Bắc Bộ
Theo Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, lúc xuất quân, tang chồng chưa hết, Bà trang điểm rất đẹp, các tướng hỏi, Bà trả lời đại ý: Việc binh không để ảnh hưởng. Nếu giữ lễ mà làm xấu dung nhan, thì nhuệ khí tự nhiên suy kém, cho nên ta mặc đẹp để mạnh thêm màu sắc của quân và khiến bọn giặc trông thấy đắng lòng. Lợi là chí tranh đấu, thì dễ giành phần thắng... Lời lẽ đanh thép đầy chí khí thế này, nhưng ai dám bảo thiếu “tính nữ” ở vị nữ anh hùng trận mạc?
Phượt ký của Nguyên Nga
Di tích lịch sử Đền Hát Môn
(LV) - Đền Hát Môn, thuộc địa bàn xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Theo một số tài liệu ghi lại, vùng Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu. Đây cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại.
Có thể thấy, truyền thuyết về Hai Bà Trưng - người anh hùng dân tộc đã lắng đọng ngàn năm ở vùng đất cổ xứ Đoài. Nó đã sống mãi với thời gian và trong tâm thức dân gian. Vì vậy trong suốt diễn trình lịch sử của dân tộc, ngôi đền vẫn luôn được bảo tồn. Cho đến nay, quần thể đền gồm các hạng mục: Quán Tiên (Miếu Các Cô), cổng Tứ trụ, Nghi môn, đền chính, nhà Tạm ngự, nhà Ngự dội (Mộc dục), nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, khu nhà khác và không gian lễ hội rộng lớn.
Dọc đường vào đền và xung quanh các hạng mục chính có nhiều cây đại thụ bao trùm không gian mát rượi. Ngày thường, quang cảnh trầm mặc, u tịch gợi cho khách chiêm bái tâm tình hoài cổ; ngày hội, tưng bừng, náo nức cả một vùng, xứng là nơi di tích lịch sử, danh thắng quốc gia.
Mở đầu khu di tích là Quán Tiên được nhân dân dựng lên để thờ tiên thánh đã hiển linh thành bà lão bán hàng nước âm phù giúp Hai Bà Trưng. Bên cạnh đó là nhà Tạm ngự có nền cao bằng mặt đê, kết cấu kiểu chữ đinh (chuôi vồ) để rước hai bà lên ngự những năm nước lớn. Tiếp đó là cổng vào được làm theo kiểu tứ trụ có niên đại ở thời Nguyễn. Có thể nghĩ rằng, đây là những tứ trụ thông linh, mà hai trụ giữa lớn hơn với đỉnh trụ là bốn con phượng theo kiểu lá lật, vì phượng tượng trưng cho bầu trời, với đầu đội công lý và đức hạnh, mắt là mặt trời - mặt trăng lưng cõng bầu trời, đuôi là tinh tú, cánh là gió, chân là đất, lông là cây cỏ... Trong tư cách này, phượng như hội tụ sinh lực của bốn phương trời truyền qua cột mà tràn về trần gian. Hai trụ nhỏ hơn với đỉnh là đôi lân trong thế ngồi nhìn xuống tượng trưng cho trí tuệ, sự trong sáng của tầng trên. Thân trụ biểu lớn ghi đôi câu đối bằng chữ Hán với nội dung khẳng định sự bền vững của đất nước cùng chủ quyền dân tộc.
Quán tiên
Quán Tiên.

Từ cổng đền, rẽ tay trái là đến Nghi môn (nhân dân thường gọi là Tam quan) được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng mái tượng cho âm - dương đối đãi và biểu trưng cho “Tam tài” là Thiên - Địa - Nhân nhất thể trong “Dịch học”. Nghi môn tuy không cao lớn nhưng được làm theo hình thức cổ truyền nên mang nét ấm cúng, trữ tình để cho du khách khi bước tới đây sẽ dẹp bỏ được những lo toan, giữ lòng thanh tịnh mà hướng tới cõi thiêng liêng.
Qua khỏi Nghi môn là đến sân rồng thoáng rộng có hai ban thờ nhỏ. Tương truyền, trước khi hoá Hai Bà Trưng đã được dân làng đến dâng bánh trôi và muỗn ngự. Hạt muỗm Hai Bà để lại trở thành hai cây đại thụ, dân làng lấy đó làm hướng lập đền thờ. Về sau hai cây muỗm không còn, dân làng lập hai ban thờ nhỏ thờ thần Mộc tại đó.
Nghi môn (Tam quan)
Nghi môn (Tam quan).

Đăng đối nhau qua sân rồng là hai dãy Tả Hữu mạc, mỗi dãy gồm 5 gian tường hồi bít đốc với bốn hàng chân cột, vì nóc theo kiểu giá chiêng, cốn kèo ngồi, quá giang trốn hai hàng cột giữa. Hạng mục kiến trúc này được tu bổ gần đây với kỹ thuật chủ yếu là bào trơn đóng bén vừa giản dị, bền chắc, vừa tạo sự thông thoáng, thuận tiện cho nhân dân khi nghỉ chân sửa lễ trước khi vào đền dâng lễ Hai Bà.
Hạng mục kiến trúc được quan tâm nhất là đền chính được dựng theo kiểu tiền nhất, hậu đinh. Bằng vào khảo sát thực địa và qua nghệ thuật kiến trúc có thể thấy rằng toà Đại bái có phần sớm hơn Thiêu hương và Hậu cung, với phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Niên đại ghi trên cầu đầu cho biết đền được tu bổ lớn vào năm Gia Long 18 (1819), sau đó còn được tu bổ nhiều lần nữa mà gần đây nhất là năm 2004-2006.
Kiến trúc Đại bái đền được dựng theo kiểu năm gian tường xây hồi bít đốc, bốn hàng chân cột đặt trên một nền thấp với hai mái chảy lợp ngói ri. Kết cấu bộ khung gỗ trong lòng nhà gồm bộ vì nóc với kiểu giá chiêng kết hợp chồng rường, cốn mê, bẩy hiên và bẩy hậu.
Đại bái còn được tô điểm bằng các cửa võng gỗ chạm cùng các bức hoành phi chữ Hán có nội dung biểu dương sự nghiệp của Hai Bà Trưng đã nối lại nền chính thống của các vua Hùng ngày trước như: Lạc Hùng chính thống (chính dòng Hùng Lạc, Trì tiết hành nghĩa (giữ tiết làm việc nghĩa)...
Đại bái đền (Đền chính)
Đại bái đền (Đền chính).

Thiêu hương và Hậu cung phía trong đều được làm chồng diêm hai tầng mái, tường hồi bít đốc. Bộ vì nóc ở Thiêu hương được làm kiểu giá chiêng kiêm chồng rường với bốn hàng chân, còn ở toà Hậu cung có kết cấu chính là các bộ vì kiểu ván mê mang phong cách nghệ thuật giữa thế kỷ XIX. Ngoài ra, đền còn có thêm một số hạng mục mới như Khu đàn thề, Thủy đình.
Nổi lên trong kiến trúc đền Hai Bà Trưng ở Hát Môn là những mảng chạm khắc. Có thể nói rằng, hiện tượng chạm dày đặc ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió... dưới dạng chạm nổi, lộng như đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật, trong đó nổi lên là các đề tài gắn với rồng với nhiều dạng thức khác nhau như: Những con rồng ở đầu dư với mũi đao mác vát chéo hoặc gọt tròn, mà không nhọn là sản phẩm của thế kỷ XVIII; tiếp đó là những con rồng của thời Nguyễn (thường đi liền với hệ thống tứ linh) thuộc giai đoạn đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, điển hình là rồng trên cốn mê ở đại bái hay rồng chầu mặt trời trên ván mê ở Hậu cung. Nhìn chung, chúng ta vẫn đọc được ở đây, thông qua những con rồng, là ước vọng cầu mưa, cầu mùa, cầu sự sinh sôi. Ở đây còn có những con phượng hàm thư như nhắc nhở đến ý thức coi trọng Nho học; rồi long mã và đặc biệt là đôi lân đá ở bậc thềm Đại bái như biểu hiện về khả năng cõng không gian và thời gian chuyển động - vì vậy còn tượng trưng cho tư cách của bậc thánh nhân.
Thủy đình
Thủy đình.

Trong đền còn có nhiều đồ thờ tự như: Hương án, bát bửu, hạc, kiệu song loan... với nhiều chất liệu: gỗ, đồng, giấy, vải, sành, sứ...gắn với các triều đại từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn và của cả thế kỷ XX. Các đồ thờ tự này là sản phẩm văn hoá vật thể, chứa đựng ý nghĩa phi vật thể, đó là ước vọng truyền đời của tổ tiên, qua đó như để cầu nguồn hạnh phúc cho con người, cho vạn vật. Đặc biệt, các tư liệu Hán nôm trong đền gồm 6 bia đá, 22 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến và rất nhiều câu đối, hoành phi, đại tự cổ do các quan chức, nhân sĩ trong vùng tỏ lòng bái ngưỡng Hai Bà từ các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây và bản hạt đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý giá về công đức của Hai Bà và quá trình xây dựng, tu tạo ngôi đền qua các thời kỳ.
Hội đền Hát Môn được tổ chức hằng năm vào ngày 6 tháng 3 (Âm lịch), với các nghi lễ và trò diễn dân gian thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Đặc biệt, tục làm bánh trôi và lễ rước bánh trôi dâng Hai Bà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Đền Hát Môn được chọn làm nơi sinh hoạt, luyện tập của dân quân du kích địa phương. Những sự kiện lịch sử và hệ thống di tích quanh vùng sông Hát góp phần làm giàu thêm nội dung và tôn cao giá trị của đền thờ Hai Bà Trưng.
Với những giá trị đặc biệt, di tích Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).
Kim Nương
Đền thờ Hai Bà Trưng
(LV) - Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội được xây dựng trên vùng đất thiêng đắc địa, ngay chính nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô ngay từ những năm 40 - 43 SCN. Đây là một di tích lịch sử quan trọng được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1980 và di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2013.

Người con ưu tú của quê hương Mê Linh
Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, sinh ngày 01/8 năm Giáp Tuất (tức năm 14 Sau Công nguyên), mất ngày 8/3 năm Quý Mão (tức năm 43 Sau Công nguyên). Hai Bà Trưng là “Anh hùng, hào kiệt thế gian khó sánh”, được nhân dân suy tôn làm Trưng Thánh Vương “Danh thơm muôn thuở vọng cõi trời nam”, Người đã ghi công đầu trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Hai Bà sinh ra trong một gia đình dòng dõi các Vua Hùng, cha là ông Trưng Định (Hùng Định), một hiền sĩ, văn võ toàn tài, được cử làm quan lạc tướng đất Mê Linh. Khi ông Trưng Định về đất Cổ Lai (nay là làng Hạ Lôi, xã Mê Linh) ẩn thân dạy học đã gặp bà Trần Thị Đoan, con gái cụ Trần Minh (cũng là cháu chắt bên ngoại của Vua Hùng, một gia đình phong lưu lệnh tộc cao môn), ông đã xin đính ước cầu hôn cùng bà.
Cổng vào đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh
Cổng vào đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
Hai Bà đã ghi công đầu trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc bằng cuộc khởi nghĩa Mê Linh mùa xuân năm 40 (Sau Công nguyên), đánh đuổi giặc Đông Hán ra khỏi bờ cõi nước ta, giành lại độc lập chủ quyền cho non sông đất nước, lập triều đại Trưng Vương tên nước Lĩnh Nam, đóng kinh đô tại Mê Linh.
Để tỏ lòng biết ơn công đức của Hai Bà Trưng, nhân dân nhiều nơi đã lập đền, miếu thờ phụng Hai Bà và các tướng của Hai Bà. Đền thờ Hai Bà ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội được toạ lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng, nhìn ra đê sông Hồng. Trên cửa chính của Tam môn nội có bức hoành phi mang dòng chữ “Ly chiếu tứ phương” (ví Hai Bà như ánh sáng chiếu toả bốn phương). Theo thuyết phong thuỷ, khu đất này có hình dáng giống như hình của một con voi trắng đang uống nước (Bạch tượng yển hồ). Ban đầu ngôi đền được dựng bằng tre, lá. Đến triều Đinh (968 - 980), đền được xây lại bằng gạch. Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1881-1889, đền được trùng tu lớn và đổi hướng lại ban đầu như hướng ngày nay
Quy mô kiến trúc bề thế, khang trang
Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền Nhất hậu Đinh, chữ Nhất là toà Tiền tế, chữ Đinh là toà Trung tế và Hậu cung. Xung quang là tường gạch, hai bên là Tả mạc và Hữu mạc bao lấy khu sân rộng. Hai cây muỗm bên hồ Bán Nguyệt cùng các cây cổ thụ khác trong khu nội vi đền toả bóng mát càng làm tôn thêm cho đền vẻ cổ kính, uy linh. Từ đền nhìn ra hướng Tây qua lạch vòi voi là Tam môn nội, cột đá thề, Tam môn ngoại và đường Kéo quân dấu tích một thời, hướng Nam có hồ Mắt Voi, hướng Bắc có hồ Tắm Voi. Trông lên toà Thượng điện, một không gian tĩnh lặng, thâm nghiêm. Những cột lim tròn, các đầu hồi bít đốc, đầu đao, mái cong cổ truyền và phần kiến trúc gỗ trong đền hợp nhất thành một thể thống nhất đầy sức sáng tạo mang tính biểu tượng cao. Đặt trước Trung tế là đôi rồng đá với nghệ thuật điêu khắc thời Lê, rất ít nơi có. Sự kết hợp đăng đối của ngôi đền khiến cho người viếng thăm, chiêm bái cảm nhận được sự tôn nghiêm, thành kính.
Trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý: hai cỗ kiệu Bát Cống, Long Đình từ thế kỷ XVII, gươm trường, bát bửu, cửa võng, hương án, chuông đồng (đúc năm 1803), bia đá (khắc năm 1889) trùng tu cải chính hướng đền. Đặc biệt, trong Tiền tế và Hậu cung còn có nhiều hoành phi, câu đối mang ý nghĩa tự hào dân tộc ca ngợi công đức Hai Bà. Đó là bức hoành: Nam Quốc Sơn Hà và Hoàng Đế Từ.
Tam toà chính điện nơi thờ Hai Bà Trưng
Tam toà chính điện nơi thờ Hai Bà Trưng.
Phía bên trái Tam toà chính điện có đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách và ông Thi Sách; đền thờ các nam tướng của triều Trưng; nhà bia ghi dấu tích hoạt động cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh (Hộp thư bí mật). Vào những năm 1943-1945, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng đã lấy đền Hai Bà Trưng làm một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 1945. Hiện nay, đền còn lưu giữ 23 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, sắc phong sớm nhất là từ đời Vua Lê Hiển Tông Niên hiệu Cảnh Hưng 44 (ngày 26 tháng 7 năm 1783) cho đến sắc phong triều Nguyễn năm Khải Định 9 (ngày 25 tháng 7 năm 1924) bao gồm sắc phong tôn hiệu cho Hai Bà và các sắc chỉ cho dân làng Hạ Lôi cùng các vùng lân cận phải chăm sóc, giữ gìn đền thờ Hai Bà Trưng.
Phía bên phải Tam toà chính điện là đền thờ thân phụ, thân mẫu, sư phụ, sư mẫu của Hai Bà Trưng; đền thờ các nữ tướng triều Trưng; miếu thờ thổ thần.
Đây là những kiến trúc bằng gỗ lim được chạm trổ những hoạ tiết sinh động và tinh tế. Tượng thờ, nội thất, hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng hài hoà, lộng lẫy, thâm nghiêm.
Phía trước chính điện là sân trên, sân trong, sân ngoài đều được lát bằng đá phiến. Sân trong còn gọi là sân nghi lễ, được lát đá theo hình chiếc chiếu hoa lớn ở giữa và hình chiếc chiếu hoa nhỏ ở hai bên để chồng kiệu và bài trí voi, ngựa, cờ sí… khi có lễ tiệc và tế lễ uy nghiêm. Hai bên trong là hai nhà Tả mạc và Hữu mạc bề thế, kết cấu đầu hồi, bít đốc và lầu chuông, gác trống.
Sân ngoài có kiến trúc hình “ngũ phúc” bởi ngọn đá thề giữa sân và bốn bồn hoa hình con dơi ở bốn góc sân đá. Lời thề của Hai Bà Trưng khi làm lễ tế cờ được khắc vào ngọn đá. 18 cỗ voi đá đặt ngay ngắn thành hai hàng bên sân đá hướng vào giữa sân, tượng trưng cho voi của 18 đời Vua Hùng. Hai bên của sân ngoài là khu vườn hoa cây cảnh, thảm cỏ, núi đá bon sai, cây bóng mát, đường dạo và khu trồng cây lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. 
Lời thề của Hai Bà Trưng khi làm lễ tế cờ được khắc vào ngọn đá
Lời thề của Hai Bà Trưng khi làm lễ tế cờ được khắc vào ngọn đá.
Kết nối giữa sân nội và sân ngoại là Tam môn nội, đây là công trình kiến trúc có từ thời nhà Nguyễn (1889). Năm 2005, Tam môn nội được tu bổ lại với chất liệu gỗ lim, hệ thống cột to tròn nâng đỡ 4 mái và 4 đầu đao uốn cong mềm mại bởi những con kìm hoá rồng uyển chuyển.
Tam môn ngoại được dựng bằng những khối đá tạo nên tứ trụ vuông và hai mái cổng phụ, chạm trổ những đường nét, hoạ tiết hình những con giống trong “Tứ Linh”: Long, Ly, Quy, Phượng ở bốn mặt phía trên của cột đá. Ở mỗi mặt cột đá có khắc câu đối ngợi ca công đức của Hai Bà Trưng.
Đan xen trong khu nội vi còn có hồ Bán nguyệt, hồ Mắt Voi, lạch Vòi Voi, hồ Tắm Voi cũng được trùng tu. Đối xứng với hồ Tắm Voi có đồi đất cao trồng các cây gỗ quý, cây bóng mát, cùng với hệ thống đèn đá, đèn cao áp đặt khắp khu nội vi toả ánh sáng lung linh, huyền ảo vào ban đêm, khiến cho khu di tích trông như một cung điện tuyệt mỹ.
Hệ thống tường bao cùng Tam môn ngoại khép kín khu nội vi rộng 4ha. Khu ngoại vị rộng hơn 7ha là khu vực tái hiện không gian lịch sử diễn ra các trò chơi dân gian trong lễ hội như vật dân tộc, đu tiên, chọi gà, bịt mắt bắt dê, cờ bỏi, cờ người…
Điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn
Từ bao đời nay, đền thờ Hai Bà Trưng đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Hạ Lôi và khách thập phương. Những khi vui, buồn, họ thường đến đây thổ lộ trước anh linh của Hai Bà với mọi lời thỉnh cầu để được linh ứng. Trong tâm thức của nhân dân, Hai Bà Trưng là hiển thánh của bách gia trăm họ. Với đức độ và tấm lòng trong sáng, Hai Bà đặt nợ nước lên trên thù nhà, tạm giấu khăn tang trước giờ ra trận để khỏi xúc động trước ba quân. Công lao to lớn của Hai Bà trong cuộc khởi nghĩa, giành độc lập dân tộc, không có lời nào để ca ngợi tuyệt đối, mà chỉ có lòng kính trọng: “Vua chị, Vua em hào kiệt thế gian khó sánh”.
Hàng năm, khu di tích đền Hai Bà Trưng Mê Linh mở hội chính từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, là ngày Hai Bà tế cờ khởi nghĩa. Đặc biệt cứ 5 năm một lần, vào dịp lễ hội mồng 6 tháng giêng âm lịch (với những năm có số cuối là 0 và 5), Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu Thánh Cốt Tung là một danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi.
Di tích Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc,.... Đây là nơi gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, sự cố kết cộng đồng… của cư dân Hạ Lôi. Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ -TTg, ngày 09 tháng 12 năm 2013).
Kim Nương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét