Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đà Lạt và truyền thuyết loài hoa trinh nữ vàng

Có một loài hoa dại mọc hoang dã giữa cao nguyên lộng gió đã vượt lên muôn vạn những sắc màu kiêu sa để trở thành biểu tượng của cả vùng đất này, biểu tượng của tình yêu và nỗi nhớ, biểu tượng cho nét đẹp trinh nguyên thuần khiết của người thiếu nữ.
“Thành phố ngàn hoa” là cái tên mà nhiều người âu yếm dành tặng cho Đà Lạt. Ở đây, suốt bốn mùa xuân - hạ - thu - đông ngàn vạn bông hoa khoe sắc. Hoa mang hơi thở của tình yêu và cuộc sống và hoa cũng chính là tâm hồn của một Đà Lạt mộng mơ.
Có một loài hoa dại mọc hoang dã giữa cao nguyên lộng gió đã vượt lên muôn vạn những sắc màu kiêu sa để trở thành biểu tượng của cả vùng đất này, biểu tượng của tình yêu và nỗi nhớ, biểu tượng cho nét đẹp trinh nguyên thuần khiết của người thiếu nữ. Mimosa, loài hoa “Trinh nữ” vàng của cao nguyên Đà Lạt.

Hoa Mimosa (Acacia podalyriaefolia, họ Mimosaceae) có hoa hình cầu giống hoa trinh nữ (Mimosa pudica L) nên còn gọi là trinh nữ hoa vàng - nguồn gốc từ Australia du nhập về Đà Lạt không rõ từ bao giờ. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, ở vùng đất Australia nằm giữa biển khơi đầy nắng ấm, có một đôi tình nhân yêu nhau say đắm.

Chàng là con của một ngư dân, có thân hình vạm vỡ, nước da đen bóng và trí thông minh tuyệt vời. Nàng là con gái của một gia đình quý tộc đẹp rực rỡ, đài các, yêu màu vàng và được Chúa ban cho một tấm lòng nhân hậu. Họ đã trao nhau những nụ hôn say đắm và cả cuộc đời trên cảng biển thơ mộng. Nhưng rồi, gia đình nàng lại ép gả cho một Công tước Hoàng gia.

Sau bao phen phản đối không thành, nàng đành chấp nhận lên xe hoa. Chàng buồn phiền từ giã biển khơi, bỏ nghề chài lưới, lên vùng núi cao hiểm trở làm nghề giữ rừng để quên đi mối tình tuyệt vọng. Khi đặt chân đến nơi, thì một trận hỏa hoạn dữ dội xảy ra. Một mình chàng bất chấp hiểm nguy đã cứu những cánh rừng xanh và những loài muông thú tội nghiệp. Và rồi, ngọn lửa quái ác kia đã cướp đi cuộc sống của chàng trai.

Khi hay tin chàng trai bỏ thành phố biển tìm lên ngàn quên mối tình đầu dang dở. Trong đêm tân hôn, cô gái đã bỏ trốn đi tìm người yêu. Nhưng, hỡi ơi! khi gặp được thì nàng không còn tin vào mắt mình nữa khi nhìn thấy thân xác chàng bên đống tro tàn. Nàng quỳ xuống và gục chết bên người yêu.

Từ đó, trên vùng núi cao thơ mộng, nơi cặp tình nhân đã chết cho tình yêu xuất hiện một loài cây hoang dại thân mộc, lá màu xanh biếc, lấp lánh hoa vàng thơm ngát. Người địa phương đặt cho loài cây này một cái tên thật đẹp, Mimosa! Mimosa không đẹp rực rỡ như các loài hoa khác nhưng cũng không kém phần kiêu sa bởi sắc vàng quyến rũ.

Mimosa chỉ là một loài cây hoang dã, mọc ở rừng hoặc ven đường như bao loài hoa dại khác, nhưng Mimosa lại ngát hương thơm. Mùi hương Mimosa thơm ngát, nhẹ nhàng quyến rũ, một sắc vàng quý phái, kiêu sa. Điều mà chẳng loài hoa dại nào có được.
 
Đà Lạt
Ở Đà Lạt, hoa Mimosa mọc nhiều nhất ở Thung lũng Tình yêu và đặc biệt nhiều ở đèo Mimosa, con đèo trên đường Quốc lộ 20 cũ dẫn vào thành phố. Đèo Mimosa mới được làm lại không cao như đèo Prenn nhưng lại có những khúc cua uốn lượn như cánh võng. Những khúc lượn mở ra góc nhìn bao la của vùng cao nguyên thơ mộng. Con đèo nhỏ vắng vẻ, nên thơ như thể nó được tạo nên chỉ dành cho những câu chuyện tình yêu, không hề vướng bận dấu chân lữ khách. Đèo mang tên một loài hoa đẹp và loài hoa ấy vẫn ngày ngày ấp ôm lấy con đèo như một mối lương duyên huyền thoại.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt cho loài hoa này cái tên “Trinh nữ”. Hoa “Trinh nữ” đẹp tự nhiên, nhẹ nhàng giữa thiên nhiên hoang dã, thoang thoảng đưa hương. Dù có hai loài khác nhau (lá kim và lá tròn) nhưng lại có đặc tính rất giống nhau. Hoa chỉ nở vàng khi tiết trời ấm áp.

Còn khi tiết trời lạnh giá, hoa sẽ tàn phai, lá cũng bạc màu như phủ một lớp bụi phấn trắng. Mimosa nở không vàng hoang dại như Dã quỳ, cũng không kiêu sa như hoa cúc. Hương “Trinh nữ” nhẹ nhàng nhưng ngây ngất chứ không nồng đượm như hương hoa hồng. Và dù ở mùa nào, lá hoa dù bạc hay xanh biếc cũng sẽ cụp lại, e ấp ngượng ngùng như người con gái mỗi khi có ai đó lỡ tay chạm phải.
(Theo ANTĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét