Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đình Doãn Thượng – di sản văn hóa vô giá

Đình làng Doãn Thượng thuộc địa phận xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây thờ những nhân vật lịch sử có công với dân với nước. Những hiện vật còn lưu giữu tại đình là những di sản văn hoá vô giá của địa phương và dân tộc. Nó là những minh chứng lịch sử cho sự trường tồn của ngôi đình qua tháng năm và nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hoá của các thời đại trước.
Ngôi đình chung Doãn Xá (của hai thôn Doãn Thượng và Doãn Hạ) vốn được khởi dựng từ thời Lê. Tấm bia đá của đình là chứng tích lịch sử của ngôi đình này. Đến cuối thời Nguyễn (thời Khải Định), làng xã nơi đây có sự biến đổi về hành chính. Doãn Xá tách thành Doãn Thượng và Doãn Hạ. Ngôi đình Doãn Thượng được dựng lại vào thời kỳ này nhưng được thừa hưởng bộ khung gỗ lim của ngôi đình chung trước đây.
Đình Doãn Thượng nhìn từ bên ngoài
Đến nay, đình Doãn Thượng chỉ còn lại toà Tiền tế ngoài và toà Đại đình, hướng đông nhưng vẫn gìn giữ được một lượng cổ vật khá lớn của hai thời Lê, Nguyễn như: Tấm bia đá hai mặt chạm nổi hình "lưỡng long chầu nguyệt" có tên "sự tích thần bi ký; hệ thống sắc phong (10 sắc phong), mỗi vị thần được phong 5 sắc; khám thờ, sập thờ, hương án, kiệu bành trong đình, mui rước... là những tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc có niên đại thời Nguyễn và khá nguyện vẹn.

Văn bia Đình Doãn Thượng 
Hàng năm cứ đến 12 – 15 tháng 3 âm lịch là những ngày hội của đình Doãn Thượng. Tục truyền rằng: lễ hội đình ngày xưa rất lớn. Ngoài hai thôn Thượng và Hạ, còn có nhân dân các làng "chạ" thuộc xã Liễu Lâm sang tham dự. Ngoài phần tế lễ ra còn có "Rước thần" từ đình ra nghè, từ nghè quanh làng rồi lại trở về đình. Vài năm một lần lại rước sang các làng chạ. Đám rước rất đông, đi đầu là cờ, biển, biểu, tán lọng, theo sau là các kiệu của thần, những đội tế và dội dâng hương hoa và dân làng theo sau. Những đội múa sư tử, kỳ lân và trống nhạc vây quanh.

Một cảnh tế trong ngày hội làng 
Phần hội có nhiều trò dân gian như: Hát tuồng cổ, hát quan họ, vật, cờ, đu cây, leo cầu, bắt trạch trong chum, bắt vịt... Đến tận ngày nay, nhân dân địa phương vẫn giữ được tục tế lễ và "rước thần" sang các làng chạ.
Bức hoành phi “Nhất môn trung liệt”
Tại điện thờ chính trong Đình Doãn Thượng có treo bức hoành phi lớn tại chính giữa, trên đó có ghi bốn chữ đại tự : “Nhất môn trung liệt”
Bức hoành phi "Nhất môn trung liệt"
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện sự ghi nhận của đất nước và nhân dân trước những đóng góp, hy sinh của gia đình Đức Thành Hoàng. Một nhà ba cha con đều chống giặc tuẫn quốc, bảo vệ bờ cõi và nhân dân.
Bốn chữ “Nhất môn trung liệt” có thể dịch là một nhà trung liệt. Điều này rất hiếm thấy trong các di tích liên quan đến việc phong Thần trên vùng đất Kinh Bắc nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Thông thường, các Thần tích của những anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì đất nước được thờ tại các di tích lịch sử là cá nhân hoặc một số các vị anh hùng tuẫn quốc cùng nơi, hoặc có thể là thân thích. Nhưng cả một gia đình, từ Đinh Công, Đức Thành Hoàng và Bảo Ngọc Công Chúa đều trọn vẹn nghĩa vụ cao cả với non sông đất nước.
Trong hậu cung, còn có một bức hoành phi khác có ba chữ “Trung liệt từ” – nơi thờ những người trung liệt. Ngoài ra trên hai tấm nghi biểu trong bộ nghi trượng cũng có hai chữ “Trung liệt”. Tất cả những điều đó phần nào nói lên công lao to lớn của một gia đình công thần viễn cổ, là niềm tự hào và tấm gương của con cháu các dòng họ Đinh, Trương, Tô cùng nhân dân Phù Hoa, Ngô Đồng, Doãn Xá nói riêng và người dân đất Việt nói chung.
Nghi trượng và miện hài tại đình Doãn Thượng
Trong các cổ vật còn được lưu giữ và bảo quản rất tốt tại Đình Doãn Thượng, có một bộ mũ miện chạm hai rồng chầu mặt trời và một đôi hài cũng chạm rồng vàng rất tinh xảo. Các hiện vật đó không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có ý nghĩa rất đặc biệt.
Đó là biểu tượng rồng thể hiện mức độ cao quý của Đức Thành Hoàng. Bởi lẽ, biểu tượng rồng chỉ được dùng cho hoàng thất phong kiến, từ tước Vương đến Hoàng đế. Chi tiết này có lẽ liên quan đến việc Đức Thành Hoàng được phong Vương như trong thần tích đã chép.
Điều cần chú ý, trong thời phong kiến, triều đình không cho phép lưu trữ các trang phục như mũ, áo, hài… có chạm rồng. Dân gian lưu giữ đều khép vào tội làm phản, có thể tru di tam tộc. Những cổ vật nói trên trải qua thời gian, được lưu trữ tại Đình Doãn Thượng cho tới ngày nay thể hiện rất rõ sự kính trọng của các triều đình phong kiến xưa đối với Đức Thành Hoàng Doãn Xá.
Tương tự, bộ nghi trượng cũng có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi hai tấm nghi biểu mặt trước có khắc hai chữ Trung liệt, nhưng mặt sau còn khắc tiếp hai chữ Khâm phụng (theo ý chỉ của nhà vua để làm việc). Điều này có nghĩa là đoàn nghi trượng của Đức Thành Hoàng khi ra ngoài, dân gian nhìn thấy phải có trách nhiệm tôn kính như nhìn thấy nhà vua. Ý nghĩa của bộ nghi trượng này rất khác biệt với nhiều nơi khác. Và đây cũng là niềm tự hào đặc biệt của người Doãn Xá về Đức Thành Hoàng của quê hương mình.
H.T (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét