Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Đô thị vươn mình ra biển

Đêm, đứng trên cầu Sông Hàn, thấy thiên nhiên ưu ái ban cho Đà Nẵng những bãi biển dài mướt mát và đẹp mê hồn. Nhưng ở chiều ngược lại Đà Nẵng cũng đã thực hiện thật xuất sắc tư cách một Thành phố bên bờ Biển Đông. Không phải chỉ vì mấy cây cầu độc đáo bắc qua sông Hàn xoá nhoà khoảng cách giữa đất liền và ven biển, không phải chỉ vì trung tâm hành chính Thành phố đang sắp hoàn thành mang dáng hình một ngọn hải đăng, mà chính là ở toàn bộ diện mạo của một đô thị đẹp lung linh kiêu hãnh vươn mình ra biển…


Trung tâm hành chính Thành phố mang hình ngọn hải đăng

1. Hoàng Sa

Đi trên đường Phạm Văn Đồng đoạn rẽ vào phố Dương Đình Nghệ bên quận Sơn Trà – nơi có công viên Biển Đông, có bãi biển Mỹ Khê đẹp vào top đầu của những bãi biển đẹp nhất hành tinh - có thể nhìn thấy một khách sạn mini mang tên Hoàng Sa Hotel. Anh bạn giảng viên một học viện ở Hà Nội tỏ vẻ bình thản khi thấy tôi ngạc nhiên: Đà Nẵng còn có đường Hoàng Sa, Trường Sa, cũng ở ngay trên bán đảo Sơn Trà này mà. Tôi bảo rất biết rằng không chỉ Đà Nẵng có tên đường Hoàng Sa, Trường Sa mà một vài thành phố khác cũng có, nhưng đó là việc làm của chính quyền, điều ngạc nhiên ở đây là một khách sạn tư nhân không lớn, thế mà thay vì đặt những cái tên rất "câu khách” như thường thấy, ví dụ "biển nhớ” hay "hoàng hôn”, "chiều tím” gì đó…người dân đặt tên cho một thương hiệu kinh doanh của họ là Hoàng Sa. 

Quần đảo giữa lòng Biển Đông từ nhiều đời nay vẫn thân thiết và gần gũi trong lòng người dân ở đây. 


Hoa vàng rực rỡ

2. Biển là bạn và bạn là biển

Nói về chuyện rác, thì khắp dọc bờ biển Việt Nam hiếm nơi mà khi tắm biển, du khách gần như tuyệt không vướng phải một chút rác rưởi nào như các bãi tắm ở Đà Nẵng. Chính khách sẽ cảm thấy xấu hổ nếu để rơi rác ra bãi cát. Bởi vì bản thân những người bán hàng cười tươi như hoa luôn đặt giỏ rác trước mặt khách nếu bạn gọi đồ ăn. Và trên loa phóng thanh của Ban quản lý bãi biển luôn lặp đi lặp lại câu nói: Đừng vứt rác ra biển, vì biển là bạn và bạn là biển. 

Dịp nghỉ lễ vừa qua, du khách đến Đà Nẵng rất đông vậy mà mấy buổi chiều liền ngồi trên các bãi tắm Mỹ Khê, nơi có công viên Biển Đông đông nghịt người không thấy cảnh tượng rác rưởi bừa bãi vương ra bãi biển. Trong một nhóm khách nếu có người trót vứt rác bừa bãi sẽ có người khác nhắc nhở ngay. Khi bản thân người dân bản địa tôn trọng không gian sống, cũng chính là để tôn trọng du khách thì khách đến cũng sẽ tự ý thức về hành vi của mình. Có lẽ nguyên nhân chính để Đà Nẵng quản lý được môi trường biển trước hết phải quản lý được khu vực dịch vụ. Không có hàng rong, chỉ có những gian hàng kinh doanh có phép, khách không bị chèo kéo, chặt chém, làm phiền. Bãi biển đông người mà vẫn có thể ngắm biển một cách bình yên, thư thái. Ngay cả khi trong lòng cảm thấy chút bực vì gọi một quả dừa nửa tiếng mới thấy mang ra, lại có chút dịu lại ngay khi cô chủ quán ăn mặc rất đẹp (khác với các hàng quán dịch vụ ở các bãi biển phía Bắc, nhân viên bán hàng trông thường "bô nhếch”) cười tươi như hoa, giọng rất ngọt: Xin lỗi, thông cảm vì nhà em hôm nay đông khách.

3. Hoa vàng mấy độ

Buổi trưa hôm ấy trong lòng cảm thấy khá khó chịu khi giữa cái nắng nóng chói chang, chờ đợi mãi ở Bà Nà Hills mà không thể đến lượt lên cáp treo đành phải quay về. Nhưng đến buổi chiều, khi đi dọc con đường Dương Đình Nghệ ra bãi tắm Phước Mỹ, bao nhiêu bực dọc lại tan biến khi nhìn những bờ rào hoa nở rất đẹp bên ngoài những biệt thự, nhà vườn. Lại nhớ lúc trưa mấy anh lái xe khuyên nhủ mà như thanh minh cho Đà Nẵng: Lần sau đừng đi vào ngày lễ, chỉ vì đông quá nên mới vất vả thế này chứ mọi hôm thì không có vấn đề gì. Ừ, thì đúng, quá tải ở các khu vui chơi dịp lễ  dường như là chuyện năm nào cũng gặp. Mà ở Đà Nẵng, thành phố rộng dài, lại có nhiều bãi tắm, nhiều khu nghỉ dưỡng tiện lợi (trong đó riêng biển Mỹ Khê là tên gọi chung của dải bờ biển kéo dài chừng 10km từ chân bán đảo Sơn Trà đến tận Non Nước Ngũ Hành Sơn đã bao gồm nhiều bãi tắm khác nhau), nên trừ Bà Nà và một vài điểm tham quan, không khí chung của cả Thành phố lẫn các khu bãi tắm tuy có đông hơn, vui hơn mà cũng vẫn thật bình yên. 

Như khi đi dọc đường Dương Đình Nghệ này, bất kể sáng, trưa, chiều vẫn là một không gian rất đẹp giống như trong phim: những biệt thự, nhà vườn bình yên, kín cổng, chẳng có cảnh cứ nhà mặt đường là trổ ra buôn bán, hoa râm bụt đỏ hoặc vàng rực rỡ quấn quýt bên bờ rào. Đặc biệt là từng chùm hoa bò cạp vàng rực cả con đường thả xuống một vẻ đẹp rất khó tả. Lạ nhất trên con đường này là đến gần tối, đột ngột mọc lên những quán nhậu hải sản vỉa hè vừa rẻ lại vừa ngon. Khách rất đông. Vậy mà đến sáng mai khi tỉnh dậy, cứ như đêm qua ở đây chưa có chuyện gì, không còn chút rác rưởi hay dấu hiệu gì cho thấy đêm qua khách nhậu tưng bừng ở đây cả. 

Vẫn chỉ là từng chùm hoa vàng rực rỡ. Da diết và sâu lắng như nhạc Trịnh Công Sơn.

4. Một nghìn đồng tắm tráng

Ở khu vực công viên Biển Đông, nơi bãi tắm Phước Mỹ thuộc bãi biển Mỹ Khê mà người dân vẫn quen gọi thân thiết là bãi tắm Phạm Văn Đồng này, Thành phố đã đầu tư tới 12 tỷ đồng để xây dựng đài phun nước, 6  hồ chứa nước ngọt, 26 dãy vòi sen và các phòng thay quần áo bằng composit. Đây có lẽ là công cuộc đầu tư đáng được học tập để nhân rộng trên các bãi biển cả nước. Chính là nhờ các bể chứa nước để tráng chân khi bước từ biển lên, chính là nhờ các dãy vòi sen tắm tráng mà sau đó bước chân ra phố của du khách không hề mang theo cát. Không phải là những "chòi” tắm tráng tạm bợ được tư nhân tự dựng lên để "chặt chém” như ở các nơi khác, khu vực tắm tráng công cộng này mỗi người tắm xong được bảo vệ ở cổng nhắc bỏ vào chiếc xô nhựa một nghìn đồng, không mang theo tiền thì thôi. Mà độ văn minh của bãi tắm cũng giống như việc chính người bán hàng không vứt rác ra bãi biển, khiến khách nếu vứt rác sẽ tự thấy xấu hổ, không ai lại nỡ "quỵt” một nghìn đồng.

Cũng ở đây, điện được thắp sáng cả đêm để phục vụ khách tắm đêm. Hệ thống cứu hộ bảo vệ an toàn cho khách khá dày: chòi canh, phao cứu sinh, cờ báo hiệu vùng nước xoáy và lực lượng cứu hộ túc trực ngày đêm, không rời mắt lúc nào. Chỉ cần có người bơi gần ra khu vực có cờ báo hiệu vùng nước xoáy, những tiếng còi lại vang lên.

5. Bản tổng phổ của một đô thị biển

Đà Nẵng có tới 6 cây cầu bắc qua sông Hàn: Cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý hình cánh buồm, cầu dây võng Thuận Phước lớn nhất Việt Nam và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Vào đúng những ngày chúng tôi đang trải qua kỳ nghỉ ở Đà Nẵng, thấy báo chí đưa tin cây cầu bắc qua sông Hàn mang hình con rồng vươn ra biển vừa được trao Giải thưởng lớn của Giải thưởng kỹ thuật xuất sắc Engineering Exellence Award (EEA) diễn ra tại Mỹ. Những cây cầu bắc qua sông Hàn xoá nhoà khoảng cách bờ Đông, bờ Tây, đêm xuống soi bóng xuống dòng sông rực rỡ ánh sáng. 

Nhưng Đà Nẵng đâu chỉ có thế. Đà Nẵng không phải chỉ là một đô thị sông ôm trọn sông Hàn vào lòng. Đêm xuống đứng bên trung tâm Thành phố nhìn sang bờ bên kia thấy rõ vóc dáng của một đô thị biển với những công trình đã vươn ra và vẫn không ngừng vươn ra biển. 
Dường như không có chút khoảng cách giữa biển và bờ. Chính là nhờ ở tâm thế người dân của một thành phố biển, tự nhân dân làm nên và giữ gìn thương hiệu cho đô thị này, từ những việc tưởng rất vụn vặt được kể lể từ đầu bài viết tới giờ.

Tượng Phật Bà ở chùa Linh Ứng vẫn đang dõi mắt ra Biển Đông, ở đó có huyện đảo Hoàng Sa của Thành phố biển.

Cẩm Thuý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét