Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Hội An - hồn xưa phố cổ

Đăng Bởi  -
Hội An - hồn xưa phố cổ
Bước chân vào khu phố cổ Hội An, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thế giới dường như biệt lập. Vẫn còn đó những mái nhà xưa cũ, chùa Cầu uy nghi, những giếng nước cổ đã được sử dụng từ cách đây hơn ba thế kỷ… mặc những thử thách của thời gian và tạo hóa, khiến du khách như lạc trong quá khứ hàng trăm năm về trước.
Nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam, Phố cổ Hội An là một điển hình đặc biệt về thương cảng truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn suốt hàng trăm năm, dù trải qua biết bao nhiêu biến cố, và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1999.
Độc đáo kiến trúc Phố cổ Hội An
Xưa kia, Hội An đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia... biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông. Hội An từng nổi tiếng trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo Hoài Phố, Hội An…
Từ cuối thế kỷ 19, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái dần và mất hẳn, nhường vai trò lịch sử của mình cho ”cảng thị cơ khí trẻ” ở Ðà Nẵng. Nhưng cũng nhờ đó, Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng của một thành thị trung – cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo, tuyệt vời.
Đặc trưng kiến trúc của Hội An là “phố xinh, nhà nhỏ, đường hẹp”. Nhà thường hình ống, một đến hai tầng, gồm 2 đến 5 gian, kết cấu khung gỗ quý, tường gạch chịu nước, có 3 chức năng là buôn bán, sinh hoạt và thờ cúng. Giữa nhà chính và nhà phụ có giếng trời lát đá, bể nước, non bộ, cây cảnh... Không gian thờ cúng tuy chiếm diện tích nhỏ nhưng quan trọng, thường được đặt ở gác lửng hoặc tầng 2. Ngói lợp nhà làm bằng đất nung, mỏng, thô, bền, có hình vuông dạng cong, mỗi cạnh hơn 2 tấc. Khi lợp, từng hàng được lợp sấp ngửa, kiểu âm dương, cố định thêm bằng vữa, mang tính thẩm mỹ cao mà vẫn cứng cáp.
Khu Phố cổ Hội An chỉ rộng khoảng 2km2 nhưng mang đủ nét kiến trúc của một thương cảng hưng thịnh xa xưa, thể hiện rõ từ nhà cổ đến bến thuyền, giếng nước, chùa chiền, nhà thờ tộc, thương điếm, hội quán... Di sản thế giới này có 1360 di tích cổ gồm 1068 nhà, 11 giếng nước, 19 chùa, 38 nhà thờ tộc, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ và chùa Cầu.
Đến thăm Hội An, điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách chính là chùa Cầu - biểu tượng của Hội An. Đây là công trình kiến trúc độc đáo vào bậc nhất ở Phố cổ Hội An. Chùa Cầu vốn được một thương nhân Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ thứ 17. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu khiến nó không thể quẫy đuôi gây ra những trận động đất. Cầu dài 18m, có mái che lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu, chân xây bằng gạch, phần thân cầu bằng gỗ sơn son được chạm trổ rất công phu, phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở được tạc bằng gỗ. Trên cửa chính của Chùa Cầu có tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều” (cầu bạn phương xa đến).
Kiến trúc Hội An là tổng hòa văn hóa của các nước từng giao thương nhưng chủ đạo vẫn là văn hóa Việt Nam. Mỗi công trình nơi đây đều là một chứng nhân, một bảo tàng sống động về lịch sử phát triển của Hội An.
Phát triển du lịch theo hướng bền vững
Bên cạnh nét kiến trúc độc đáo, điều hấp dẫn du khách nhất lại chính là từ điều giản dị nhất. Đó chính là nụ cười của những người dân phố Hội. Dường như những xô bồ, ồn ào nơi phố thị không hề tồn tại trong tiềm thức người dân nơi đây. Hàng trăm năm qua, từ đời này sang đời khác, người dân nơi đây gắn bó với phố Hội và trở thành một mảnh ghép không thể thiếu, tạo nên sự độc đáo riêng có của Hội An trong lòng du khách. Đằng sau nụ cười “rất Hội An” ấy là những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, các món ăn truyền thống… được lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ qua nhiều thế kỷ. Tình trạng đeo bám, chèo kéo, ép giá du khách rất hiếm gặp ở nơi đây. Ẩm thực đêm phố Hội rất biết cách khiêu khích vị giác của thực khách bằng đủ món đặc sản quen thuộc như: cao lầu, mỳ Quảng, bánh bao, bánh vạc, hoành thánh, chè bắp, bánh đập… hay đơn giản chỉ là bếp than hồng có ngô, khoai nướng... cũng đủ thơm lừng cả góc phố.
Đặc biệt, du khách tới Hội An sẽ không thể nào quên được vẻ đẹp lãng mạn, sâu lắng và bình yên của phố cổ trong lễ hội hoa đăng. Nhằm bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa này, người dân phố Hội ngừng sử dụng các thiết bị điện như tivi, radio, đèn đường, đèn neon vào mỗi đêm Rằm Âm lịch hằng tháng. Thay vào đó, toàn bộ khu phố cổ sẽ được khoác lên mình một lớp ánh sáng đa sắc, ấm áp phản chiếu từ những dải lụa màu qua các ô cửa kính và những chiếc đèn lồng giấy treo dọc con phố.
Trong đêm Rằm, được thả bộ giữa khu phố cổ với ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng thắp hai bên đường và lắng nghe giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo... vẳng lên từ con thuyền dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố... là những điều làm nên sức cuốn hút kỳ lạ của Hội An đối với du khách. Không quá trang nghiêm như Cố đô Huế, không quá sôi động như Chợ Lớn, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn yêu lãng mạn của những ngày xa xưa.
Việc làm này không những bảo tồn được giá trị cổ, mà còn là cách làm du lịch độc đáo của người dân Hội An khi biết tận dụng khai thác tiềm năng sẵn có để hấp dẫn du khách. Cũng vì thế mà nơi đây luôn là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Xác định loại hình du lịch Hội An là du lịch văn hóa, các lễ hội truyền thống lớn nhỏ được lãnh đạo thành phố tổ chức hầu như quanh năm. Đặc biệt, có một số hoạt động văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu riêng của Hội An như: Lễ hội Hành trình Di sản, Lễ hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản; nhất là việc tái hiện "Đêm Phố Cổ", “Phố không động cơ”… đã khiến cho Hội An càng thêm trầm mặc và huyền ảo. Bức tranh Hội An vì thế lại càng trung thành với không gian văn hóa cổ cách đây hơn 3 thế kỷ.
Với đường hướng phát triển du lịch đã được xác định rõ ràng, Hội An hôm nay và trong tương lai vẫn sẽ đi con đường tìm về với những giá trị xưa đích thực, là chốn ngưng đọng thời gian trong không gian cổ kính chân thực đang được lấp đầy theo từng ngày.
Theo tạp chí Quê Hương online

"Điểm danh" các công trình cổ ở Hội An

Đăng Bởi  
"Điểm danh" các công trình cổ ở Hội An
Đô thị cổ Hội An nằm cách thành phố Đà Nẵng 30 km về phía Đông Nam, cách thành phố Tam Kỳ 60 km về phía Đông Bắc. 
Từ cuối thế kỷ 16, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông - Tây, là một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong - Việt Nam trong triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, ... thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hóa. 
Khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ,... những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hóa phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản,... làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.   
Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích.
Tháng 12.1999, UNESCO đã công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới.
Một số di tích tiêu biểu của đô thị cổ Hội An 
1. Chùa Cầu - Biểu tượng của Hội An
Nằm tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, Hội An, Chùa Cầu (hay còn gọi chùa Nhật Bản) là công trình kiến do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Do ảnh hưởng của thiên tại địch hoạ, Chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu và dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt, Trung.
 
Chùa Cầu là tài sản vô giá và đã chính thức được chọn là biểu tượng của Hội An.
Chùa Cầu có dáng hình chữ Công, mặt cầu bằng ván gỗ cong vòng ở giữa, bắt qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu có mái che uốn cong mềm và được chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo. Trên cửa chính của Chùa Cầu có chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến) - tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An vào năm 1719. Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ - thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Trung Hoa.
Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó bằng gỗ ngồi chầu. Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù - một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản và mỗi lần Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thủy quái, giữ cho cuộc sống yên bình.
2. Nhà cổ Quân Thắng (77 đường Trần Phú, Hội An)
Là một trong những nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ - Trung Hoa. Qua năm tháng, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào lối sống của các thế hệ chủ nhân, những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây. Được biết, toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế của ngôi nhà này đều do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng - Hội An thực hiện.


Đây là một điểm tham quan chính trong hành trình khám phá di sản văn hóa thế giới Hội An của du khách.
3. Nhà cổ Tấn Ký (10 đường Nguyễn Thái Học, Hội An)
Được xây dựng cách đây gần 200 năm, nhà cổ Tấn Ký có kiểu kiến trúc hình ống - đặc trưng của loại nhà phố Hội An, với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất, nhập hàng hóa. Vật liệu trang trí nội thất ngôi nhà chủ yếu là các loại gỗ quý và được trạm trỗ, điêu khắc rất tinh xảo các hình về giao long, hoa quả, bát bửu, dải lụa... thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân.
 
Ngày 17.2.1990, nhà cổ Tấn Ký đã được cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
4. Nhà cổ Phùng Hưng (04 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An)
Với tuổi thọ hơn 100 năm, nhà cổ Phùng Hưng có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Đông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây. Ngôi nhà chứa đựng nhiều thông tin về lối sống của tầng lớp các thương nhân ở thương cảng Hội An xưa. Mặc dù cũng được thực hiện bằng chất liệu quý nhưng nhà cổ Phùng Hưng không trạm trỗ, điêu khắc cầu kỳ mà được giữ thô một cách cố ý.

Nhà cổ Phùng Hưng được cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào tháng 6.1993

5. Hội quán Phúc Kiến (46 đường Trần Phú, Hội An)
Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà Chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài ... hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người.


Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng Âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 Âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 Âm lịch) ... tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.
Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia ngày 17.2.1990.
6. Hội quán Triều Châu (157 đường Nguyễn Duy Hiệu, Hội An)
Hội quán được Hoa Kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện - vị thần giỏi chế ngự sóng gió giúp cho việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm xuôi gió, đắc lợi.

Hội quán có giá trị đặc biệt về kết cấu kiến trúc với bộ khung gỗ trạm gỗ chạm trổ tinh xảo cùng những họa tiết, hương án trang trí bằng gỗ và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.

7. Hội quán Quảng Đông (17 đường Trần Phú, Hội An)
Hội quán được Hoa Kiều bang Quảng Đông xây dựng vào năm 1885. Thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang.

Với nghệ thuật sử dụng hài hào các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và hoạ tiết trang trí đã đem lại cho hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng Âm lịch), vía Quan Công (24 tháng 6 Âm lịch) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.
8. Hội quán Ngũ Bang (64 đường Trần Phú, Hội An)
Hội quán Ngũ Bang còn có tên là hội quán Dương Thương hay Trung Hoa hội quán. Hội quán do các thương khách người Hoa gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng xây dựng vào năm 1741. Đây là nơi thờ  Thiên Hậu Ngũ Bang và sinh hoạt đồng hương để giúp nhau làm ăn buôn bán. Hội quán Ngũ Bang mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa.


9. Chùa Ông (24 đường Trần Phú, Hội An)
Chùa Ông được xây dựng năm 1653, đã qua 6 lần trùng tu vào các năm: 1753, 1783, 1827, 1864, 1904, 1906. Chùa Ông có kiến trúc uy nghi, hoành tráng, tại đây thờ tượng Quan Vân Trường (một biểu tượng về trung - tín - tiết - nghĩa) nên còn có tên gọi là Quan Công Miếu. Chùa Ông đã từng là trung tâm tín ngưỡng của Quảng Nam xưa, đồng thời cũng là nơi các thương nhân thường lưu đến để cam kết trong việc vay nợ, buôn bán, làm ăn và xin xăm cầu may.


10. Quan âm Phật tự Minh Hương (số 7 đường Nguyễn Huệ, Hội An)
Đây là ngôi chùa thờ Phật duy nhất còn lại giữa khu phố cổ. Quan âm Phật Hương có kiến trúc và cảnh quan xinh đẹp đồng thời còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sản do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Chùa thờ Phật Quan Thế Âm Bồ Tát và một số chư vị Phật, Bồ Tát khác, vì vậy trong những ngày lễ, ngày rằm thường có rất nhiều người đến khẩn cầu.


11. Nhà thờ tộc Trần (số 21 đường Lê Lợi,  Hội An)
Do một vị quan họ Trần (một dòng họ lớn từ Trung Hoa di cư đến Hội An vào những năm 1700) xây dựng năm 1802 theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Tạo lạc trên một khu đất rộng khoảng 1,500m2, có nhiều hạng mục: nhà thờ tự ông bà và trưng bày các di vật liên quan đến dòng họ, nhà ở ... Đây là nơi tụ họp con cháu vào dịp lễ bái, tri ân tổ tiên và giải quyết những vấn đề trong dòng tộc.

Nhà thờ tộc Trần là một trong những điểm tham quan điểm tham quan được nhiều du khách quan tâm.
Nguồn: Quảng Nam tourist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét