Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Chùa An Lạc


Bức hoành “An Lạc tự” giúp ước định tuổi của ngôi chùa cô
Trước kia, chùa An Lạc nằm trong vùng heo hút, lọt thỏm trong khu đất bị dân chiếm dụng làm nơi chôn cất tại phường 4, quận Gò Vấp. Ngoài tên gọi chính thức, dân gian thường gọi là “chùa Mồ Mả”. Chùa được xây dựng theo kiến trúc đặc thù Nam Bộ.
anlac.gif
Bức hoành phi An Lạc tự có đề lạc thành năm Bính Ngọ (1846)
Trong thời gian dài, chùa không người trông nom nên đã bị thất thoát một số pháp khí quý, trong đó có chiếc chuông cổ (lưu lạc và hiện đang được giữ gìn tại chùa Pháp Hoa, Q. Phú Nhuận). Phần xây dựng của các hạng mục cũng lâm vào tình trạng hư hỏng, phần mái bị dột, kèo bị mục nát…
Năm 1992, cố Ni sư TN.Diệu Phương được Giáo hội bổ nhiệm làm trụ trì chùa An Lạc. Từ đó, chùa mới được bảo trì, trùng tu trở nên trang nghiêm như hiện nay. Nhận thấy đây là một ngôi di tích văn hóa cần được bảo vệ, năm 2006 UBND quận Gò Vấp đã có quyết định giải tỏa những ngôi mộ quanh chùa, trả lại không gian cần có cho một ngôi cổ tự hơn 150 năm tuổi.
Theo Sư cô TN.Chơn Hiếu (quản tự chùa), điều không may mắn là hiện nay chùa không còn văn bản gì ghi lại thời gian và người khai sơn, lịch sử chùa chỉ còn biết dựa vào các thông số khảo cổ trên những di chỉ, hiện vật còn lại. Trong đó, đáng lưu ý nhất là bức hoành “An Lạc tự” sơn son thếp vàng, đường viền trang trí hoa văn hình lá cách điệu, lạc khoản có đề thời gian tạo, tức năm Bính Ngọ (1846). Như vậy, chùa An Lạc có thể được xây dựng giữa thế kỷ 19. Tại nhà Tổ hiện tôn thờ nhiều long vị của các bậc trú trì tiền bối, theo truyền thừa của dòng thiền Lâm Tế.
anlac-1.gif
Nét thâm u của ngôi chùa hơn 150 năm tuổi
Trong khuôn viên chùa hiện nay còn lại 5 ngôi tháp cổ, 2 ngôi được xác định là tháp của HT.Chánh Hạnh húy Như Tín, dòng Lâm Tế đời thứ 40 và tháp của HT.Phổ Chiếu, húy Quang Minh, dòng Lâm Tế đời thứ 38. Kể từ lúc HT.Chánh Hạnh viên tịch, gần 40 năm, chùa rơi vào cảnh hoang phế, không người trông nom.
Nhiều hiện vật quý khác
Cùng với nhiều ngôi chùa cổ trên địa bàn quận Gò Vấp như chùa Linh Sơn Trường Thọ, chùa Long Huê, An Lạc vẫn giữ được nét cổ kính với kiến trúc “tứ trụ” thường gặp trong các công trình kiến trúc tín ngưỡng - tôn giáo ở Nam Bộ xưa, nay còn được bảo lưu ở các di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng như chùa Phước Tường, Giác Lâm, Viên Giác (TP.HCM)…
anlac-2.gif
Tượng Đức Thích Ca bằng đồng tại chánh điện
Điều đáng quý, dù trải qua bao biến thiên của thời cuộc và sự tàn phá của thời gian, của nhân tình thế thái, nhưng chùa An Lạc vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, nổi bật là pho tượng Đức Phật Thích Ca bằng đồng tư thế ngồi kiết già trên đài sen, cao 2,4m, dù đã “mặc áo mới” qua các lần trùng tu nhưng vẫn thể hiện rõ những đặc trưng của điêu khắc tượng thờ Việt Nam thế kỷ XIX. Ngoài ra, chùa còn bảo lưu được rất nhiều tượng cổ quý hiếm, là nguồn tư liệu sinh động để nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thế kỷ XIX ở vùng đất Nam Bộ.
anlac-3.gif
Hiện nay, di tích chùa An Lạc do Sư cô TN.Chơn Hiếu chịu trách nhiệm trông coi. Sư cô đã cho xây dựng tường rào kiên cố nhằm gìn giữ di tích tránh sự lấn chiếm của những người vô ý thức, xâm hại đến di tích văn hóa - lịch sử quan trọng của thành phố.
Trước tình trạng di tích bị xâm hại nghiêm trọng, việc bảo tồn, trùng tu di tích không đúng cách như hiện nay, thì việc nghiên cứu, xác định lại trên cơ sở những hiện vật còn lại ở chùa An Lạc để có những hướng dẫn và trùng tu để việc trùng tu, sửa chữa không phá đi những đặc điểm vốn có về kiến trúc và nghệ thuật, nhằm bảo tồn một di tích thuộc loại quý về văn hóa đồng thời đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng đạo Phật của người dân, sự tu tập của Ni chúng nội tự.
Bài, ảnh H.Diệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét