Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Chùa Phước Tường



Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII, tính đến nay chùa Phước Tường đã trải qua 11 đời trụ trì. người sáng lập ra ngôi chùa này là Hòa Thượng Linh Quang Phật Chiếu. Đây là ngôi chùa có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được bộ văn hóa ký Quyết định công nhận là một Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 7.1.1993. 
Chùa Phước Tường tọa lạc tại ấp Tăng Phú xã Tăng Nhơn Phú (nay thuộc khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú A quận 9) trên một khu đất rộng gần 5 ha. Cổng chùa được xây dựng theo kiểu tam quan, quanh khuôn viên chùa có tường rào xi măng bao bọc. Kiến trúc chùa được xây dựng theo hình chữ L ngược là một kiểu công trình kiến trúc tôn giáo phổ biến ở thành phố Hồ Chí Minh vào thế kỷ 18, 19. Công trình chùa Phước Tường được thiết kế xây dựng gồm 2 phần: trục chính và trục phụ. Trục chính bao gồm: tiền điện, chánh điện, tổ đường, giảng đường, sân thiên tỉnh và tăng đường. trục phụ gồm có đông lang  nằm bên phía trái trục chính.
Tiền điện chùa có bố trí tượng Hộ Pháp, Kim cang và các bao lam được chạm theo đề tài tùng hạc. Tác phẩm điêu khắc độc đáo có giá trị lịch sử là bức hoành phi treo ở tiền điện mang dòng chữ ‘Phước Tường Tự’ có niên đại từ đời vua Minh Mạng 1834. tiếp nối tiền điện là chánh điện. Chánh điện là khu vực thờ cúng chủ yếu và được trưng bày khá nhiều tượng Phật cổ. Chính giữa chính điện là một bao lam lớn, rất đẹp được chạm theo đề tài tứ linh: Long-Lân –Qui-Phụng. Trước chánh điện có hàng cột chạm khắc thân hình rồng vàng uốn lượn theo những câu đối sơn son thiếp vàng. Sát với chánh điện là Tổ đường. Nơi đây có đặt bàn thờ tổ, thờ tượng Tổ sư Đạt Ma và bài vị của các vị sư trụ trì của chùa. Nơi tiếp khách và học tập của các thầy trong chùa là giảng đường. Nơi đây có bố trí bàn thờ 9 bà mẹ Thai Sanh mà dân gian thường gọi là ‘Mẹ sinh mẹ độ’ và một đôi liễn ‘ Long giáng’ bằng gỗ hiếm thấy ở các ngôi chùa khác trong thành phố. Tiếp nối giảng đường là sân thiên tỉnh. Đây là nơi dùng để hứng nắng, gió, nước mưa, tạo bầu không gian mát mẻ, thông thoáng cho bên trong chùa. Phần cuối của trục chính là trai đường. Đây là nơi các tu sĩ nghỉ ngơi. Trục phụ gồm có động lang được sử dụng để làm nhà kho và bếp.
Có thể nói quang cảnh chùa Phước Tường rất thóang mát, yên tĩnh với nhiều lọai cây xanh, thảm cỏ. Cảnh quan kiến trúc của ngôi chùa Phước Tường được thiết kế hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên, vừa nên thơ vừa cổ kính, rất thích hợp để làm nơi thờ cúng, tìm sự thanh thản cho tâm hồn. Tại chùa còn bảo tồn rất nhiều tượng cổ, câu đối, hòanh phi là những hiện vật vô giá trị nhận bề dày lịch sử văn hóa và nếp tín ngưỡng tôn giáo truyền thống bao đời của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét