Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Đình Thần Linh Tây - Di tích kiến trúc nghệ thuật

Trong những ngày đầu tháng năm này, chúng tôi có dịp về thăm Đình thần Linh Tây - Quận Thủ Đức. Đây là ngôi đình đã được UBND Thành phố công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật, có những nét kiến trúc khá độc đáo.
Đình thần Linh Tây tên cũ là Đình Linh Chiểu Tây hay còn gọi là Thích Lý Thần Từ hay Thìch Lý Tây Đình. Biệt danh này do vua Tự Đức ban tặng cho đình làng Linh Chiểu Tây. Theo các nhà nghiên cứu thì “Thích Lý”có nghĩa là bên ngoại, còn “Thần Từ”là đền thần hay Tây Đình là Đình thần Linh Tây.
Chuyện kể rằng, vào thời vua Gia Long ở làng Linh Chiểu Tây này có một người con gái đẹp người đẹp nết,hiếu thảo trinh thuận là Hồ Thị Hoa(con gái của Phúc Quốc Công Hồ Văn Vui, phụ tá của vua Gia Long) đã được vua Gia Long chọn làm vợ cho hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm tức vua Minh Mệnh sau này. Bà chính là”Thanh Tổ Tá Thiên Hoàng Hậu “, mẹ ruột của vua Thiệu Trị và là bà nội của vua Tự Đức (1848 -1883), nhà vua đã ban tặng cho ngôi đình của làng Linh Chiểu Tây biệt danh “Đình thần họ ngoại” để tưởng nhớ về quê ngoại của ông.
Toạ lạc trên một khu đất rộng khoảng 1 ha, ở khu phố 2, phường Linh Tây, đình thần Linh Tây vẫn giữ được nét cổ kính uy nghiêm, giữa màu xanh thiên nhiên kỳ vĩ, giữa khu dân cư sầm uất của một quận đang trên con đường đô thị hoá. Từ cổng Tam Quan đầu tiên được xây dựng bằng gạch uốn cong, trên mái gắn một cặp lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh ngọc và đến bức bình phong được ốp vào một lớp gốm sứ có phù điêu hoạ tiết, trên mỗi trụ đều có gắn cá chép hoá rồng v.v… vẫn giữ nguyên được kiến trúc Việt Nam là dàn trải theo phương ngang, không lấy chiều cao làm trọng, hoà nhập với thiên nhiên một cách hữu tình và nhờ vẻ đẹp tự nhiên mà tôn lên nét đẹp kiến trúc công trình. Các yếu tố nhân tạo trong tạo hình đã được khai thác triệt để tạo cho ngôi đình thêm uy nghiêm, độc đáo.
Vẻ đẹp bên ngoài của Đình thần Linh Tây không chỉ có nét đẹp cổ kính mà còn phải kể đến sự rực rỡ, qui mô của bộ mái đình. Đó là kiểu kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố hiện đại và truyền thống. Phần chánh điện mái lợp ngói vảy cá, nhưng phần hậu điện giữ nguyên mái ngói âm dương như cũ. Riêng phần mái nhà chánh điện được gắn một cặp lưỡng lonh tranh châu bằng gốm men xanh, dưới cặp lưỡng long tranh châu là bức phù điêu bằng gốm men tả cảnh. Ơ hai đường gờ của mái có gắn hai tượng lân, hai tượng cá chép hoá rồng, hai tượng chim trĩ bằng gốm men xanh, tạo nên bức tranh phù điêu hết sức kỳ vĩ…trong nội thất, với sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại tạo nên một không gian mờ ảo trên những đường trang trí tuyệt mỹ càng làm tăng thêm sự trang nghiêm, u nhã vốn có của một cơ sở tín ngưỡng cộng đồng.
    Trên nền kiến trúc độc đáo của Đình Thần Linh Tây, nghệ thuật trang trí đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tôn tạo thêm vẽ đẹp nguy nga và cổ kính cho khu di tích. Trước hết phải kể đến nghệ thuật khảm gốm men xanh. Từ những mảnh gốm tự nhiên, các nghệ nhân đã tạo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo: Rồng, lân, phụng, cá chép…. Bên cạnh đó là những đường nét tự nhiên thanh thoát bay bổng của những bờ mái và cũng như thế bằng nghệ thuật chạm trổ tinh vi mà bốn cây cột ở tiền điện vừa đảm nhận chức năng kiến trúc vừa thể hiện vai trò trang trí độc đáo. Trên thân hai cây cột cuốn thư chạm hình Cúc- Phụng; Mai- Điểu làm cho cấu trúc của đình vừa thanh thoát bay bổng vừa uy nghiêm tráng lệ.
Điều thú vị nữa cần phải đề cập khi nói đến giá  trị văn hoá của di tích thể hiện qua nghệ thuật trang trí ở đây là sự ghi dấu những  tâm tư tình cảm và cảm niệm cuộc sống, vũ trụ của người Nam bộ, của người Thủ Đức nói riêng, sự khao khát của một nền hoà bình, quốc thái dân an, mơ ước về một cuộc sống ấm no được khắc ghi ở bàn hương án thờ tiên sư:”Nguyện cầu được hai chữ bình an; ơn dày mong đợi  xuân sắc”. Ở tất cả các kiểu thức của đình, các hình tượng trang trí đều chứa đựng và chuyển tải một cách ý nhị sâu sắc những tình cảm, khát vọng rất thực của  con người, ý chí kiên cường không ngừng vươn lên của dân tộc Việt Nam.
Đình Linh Tây là một cơ sở tín ngưỡng dân gian không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Từ xưa đến nay, đình vẫn luôn là ngôi nhà chung của dân làng Linh Chiểu Tây, là nơi đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân ta sở tại. Cũng từ mái đình này, tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết xóm ấp được củng cố và phát triển bền vững. Hàng năm, vào dịp đại lễ kỳ yên, người dân Linh Tây lại cùng nhau ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công lập làng, lập đình. Âu cũng là đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của  dân tộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét