Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

MỘ VÀ ĐỀN THỜ ÔNG PHẠM VĂN CHÍ – DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP THÀNH PHỐ


 
          Ông Phạm Văn Chí sinh trưởng tại làng Bình Đông (Chợ Lớn), xuất thân là một hương chức làng. Khi giặc Pháp xâm chiếm miền Đông Nam Việt, tuy chức phận nhỏ nhưng chí khí cao, ý thức được nhiệm vụ của công dân đối với quốc gia nên ông đã gia nhập phong trào chống xâm lăng của Trương Công Định và lãnh nhiệm vụ hoạt động trong vùng Chợ Lớn với nhiều chiến công oanh liệt. Sau trận công miền Tây Nam Việt, ông bị giặc bắt vào tháng 3/1862. Vì nghĩa khí cao, không chịu khuất phục quân thù, ông bị giặc xử tử hình tại làng Bình Đông vào tháng 2 năm Quý Hợi (1863). Dân làng kính phục chí khí cao của ông, lập miếu thờ trước ngôi mộ và thường niên quý tế vào này rằm, ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch. Năm 1927, mộ ông được cải táng về số 703 đường Thơ Ký (tức đường Phạm Văn Chí ngày nay).

          Việc thờ cúng ông có tổ chức, đó là “Bình Hòa hội” thành lập chính thức vào năm 1938, cơ sở thờ cúng ông là miếu Bình Hòa (nay gọi là đình Bình Hòa), tọa lạc tại số 703 đường Phạm Văn Chí, phường 7 quận 6 thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/06/2001, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/09/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa cùng các quy định khác của pháp luật về tín ngưỡng dân gian. Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân quận 6 và Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 10/10/2008, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4301/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố đối với Mộ và Đền thờ ông Phạm Văn Chí.
 
Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ ông Phạm Văn Chí là nơi để nhân dân ghi nhớ, thờ phụng, tôn vinh công đức của tiền nhân; là nơi để nhân dân tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị về lịch sử, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm và truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc.
                                                                                            Hà Nguyễn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét