Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

NGÀY TẾT VIẾNG CHÙA TRƯỜNG THỌ


Trường Thọ Tự tọa lạc tại số 53/524 đường Phan Văn Trị - Phường 7, là ngôi chùa cổ có tuổi thọ gần 300 năm cùng với sự hình thành của Sài Gòn - Gia Định từ năm 1698. Đến thăm Chùa vào những ngày đầu năm, không khí tĩnh lặng, thâm u khác với sự nhộn nhịp, xe cộ ngoài đường phố trong 3 ngày Tết. Hòa thượng Thích Tâm Giác - trụ trì ngôi chùa đời thứ 43 bộc bạch: Phật tử bây giờ chuộng những ngôi chùa mới xây về sau để đến viếng, đây là Chùa xưa chỉ có lớp người cao tuổi biết đến. Chùa được kiến tạo vào năm 1720, trước có tên là Vĩnh Trường được khai sơn tại vùng Đa Kao (Quận 1 ngày nay). Đến năm 1766-1788, chiến tranh xảy ra giữa Chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn nên Chùa bị đổ nát và di dời về chợ Cầu - Quận 12 có tên là Pháp Vũ. Đến năm 1806, Chùa được tái thiết lại tại địa điểm hiện nay và được đổi thành Trường Thọ Tự. Trước đây Chùa có diện tích rất lớn, ăn thông qua phía đường Phan Văn Trị đối diện. Thời Pháp cai trị đã mở đường cắt ngang Chùa, sau này nhà cửa cất lên đã làm mất hẳn phần lớn diện tích Chùa. Trong Chùa bày trí đơn giản, cổ vật không nhiều chỉ còn hai tấm biển sắc tứ của các vua triều Nguyễn: tấm thứ nhất đề “Sắc tứ Pháp Vũ Tự” - Gia Long niên hiệu (1802) và “Sắc tứ Trường Thọ Tự” - Tự Đức niên hiệu thứ 22.
Hai cổ vật khác còn lưu lại làm minh chứng lai lịch ngôi chùa: Đại Hồng Chung được đúc năm 1808 sau năm tái thiết Chùa 1806.Trên ô thứ ba của Đại Hồng Chung có ghi: Gia Định Thành - Tân Bình Phủ - Bình Dương huyện Bình Trị Tổng - Mỹ Hòa Thôn. Cổ vật còn lại là tấm “Khánh” dùng để họp chúng tề tựu vào những ngày rằm, lễ Tết có khắc hình mặt “Nhật” giữa các vầng mây được làm năm Tân Sửu 1721, sau khi xây dựng chùa Vĩnh Trường - Trường Thọ ngày nay (1725) do Hòa thượng trụ trì trân trọng cất giữ. 

Có mặt cùng thời với dòng lưu dân tới khẩn hoang lập ấp định cư tại Phủ Tân Bình - Dinh Phiên Trấn (tỉnh Gia Định), chùa Trường Thọ được Bộ VHTT xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa năm 2000. Trải gần 300 năm lịch sử cùng với sự tàn phá của chiến tranh tang thương, thay đổi, Trường Thọ Tự vẫn trơ gan đứng vững, lưu dấu một di tích cổ của vùng Gia Định xưa. Tuy nội thất đã xuống cấp, phải tu sửa ít nhiều, nhưng nhắc đến sự trưởng thành của Sài Gòn 300 năm, phải kể đến Chùa Trường Thọ là di tích còn sống mãi với thời gian như tên gọi. 

Dạo quanh dưới sân chùa, những cánh mai vàng nở rộ đón xuân sang. Trong Chánh điện, những cụ già đang thắp hương cầu Quốc thái dân an, hy vọng hòa bình, hạnh phúc đến với mọi nhà.
HUYỀN TRÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét