Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

An Giang có hồ trên núi

Những người mê du lịch khám phá, nhất là rong ruổi bằng xe gắn máy, khi đến An Giang, không thể bỏ qua điểm: hồ trên núi vùng Tri Tôn. Hồ trên núi là "hậu quả" của việc khai thác đá nhưng vô tình tạo nên điểm đến thú vị, thu hút du khách. Khách dừng chân ở huyện miền núi này, dành thời gian lên đồi Tà Pạ ngắm hồ trên núi và những thửa ruộng từ trên cao- danh thắng độc đáo, hiếm có…
Trước đây, người dân Tri Tôn chỉ lên đồi Tà Pạ vào dịp thanh minh vì đó là một nghĩa địa rộng lớn. Còn người Khmer thường xuyên đến Tà Pạ vì trên đỉnh thấp của ngọn đồi có một ngôi chùa Nam Tông cổ kính. Tuy nhiên, những năm gần đây, Tà Pạ nổi lên như một điểm đến của "tín đồ" du lịch khám phá. Khi công trường khai thác đá trên núi ngưng hoạt động đã để lại những dấu vết tạo thành hồ nước. Vách núi bị cắt nham nhở tạo thành những dãy núi trông như một bức tranh thủy mặc rộng lớn giữa thiên nhiên mênh mông.
Hồ trên núi trong veo và quyến rũ bao du khách đến từ phương xa.
Ban đầu, hồ do học sinh, thanh niên ở địa phương phát hiện và lên tắm. Sau đó, ngày càng nhiều người biết và đi bộ lên đồi tập thể dục. Tiếng lành đồn xa, hồ trên núi ở An Giang thu hút giới nhiếp ảnh, hấp dẫn du khách và trở thành một trong điểm đến của Tri Tôn, bên cạnh những di tích, danh thắng như đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc, núi non…
Ở An Giang, có một số hồ do khai thác đá tạo thành, chủ yếu tập trung ở hai huyện Thoại Sơn và Tri Tôn. Nhưng đặc sắc nhất là hồ Tà Pạ. Công trình khai thác đá hiện đã ngừng hoạt động. Phần sâu nhất của công trình tạo thành một hồ nước rộng với những hốc đá. Hồ được bao bọc bởi các vách đá, nước trong xanh, nhìn tận đáy. Những nơi quá sâu, nước hồ có màu xanh thẫm. Một điều rất lạ là màu nước hồ thay đổi tùy thời tiết và độ nông sâu. Khi trời trong xanh, nước hồ có màu xanh ngọc bích, phẳng lì như mặt gương. Những chỗ cạn hơn thì có màu xanh nhạt; lại có chỗ màu kem, màu cam sẫm và màu vàng. Đó là do những mảng đá bên dưới tạo nên. Đá ở đáy màu gì thì nước có màu ấy nên hồ như một bức tranh đầy màu sắc. Đây cũng là nét độc đáo của hồ Tà Pạ.
Ruộng ở thung lũng Tà Pạ và núi Cô Tô là điểm nhấn của Tà Pạ mùa này.
Không gian xung quanh cũng góp phần tạo nên nét riêng cho hồ. Những vách đá dựng đứng dàn hàng ngang như một dãy tường thành che chắn hồ nước. Gần đó là những bức tường lớn hơn, cao hơn, để lộ ra những mảng màu đa dạng của đá núi vốn còn non. Bên trên là những rặng cây xanh um vững chãi bám vào đá núi. Sắc màu của đá, của cây và của màu trời kết hợp hài hòa, đầy quyến rũ.
Có thể nói, khi khai thác đá, con người đã lấy đi của ngọn đồi này một mảng màu xanh vốn có và để lại những "vết thương". Nhưng chính những "vết thương" ấy đã làm nên một vẻ đẹp khác của ngọn đồi. Nếu trước đây, du khách lên đồi để chụp đồng lúa- được xem là ruộng bậc thang duy nhất của miền Tây, hay vãn cảnh ngôi chùa cổ kính thì bây giờ, du khách dừng lại ngọn đồi lâu hơn chỉ vì mặt hồ quyến rũ. Đứng ở những vị trí khác nhau, khách lại cảm nhận một vẻ đẹp khác của hồ.
Từ trên cao nhìn xuống hay từ bên dưới nhìn lên, hồ Tà Pạ như một bức tranh thủy mặc in bóng núi lung linh. Trời càng xanh trong, mặt hồ càng rõ những bóng núi, rặng cây, nhìn rõ những đàn cá tung tăng trong hồ. Mùa này, hồ trên núi càng thêm quyến rũ bởi đứng bên hồ có thể nhìn thấy những ô ruộng bậc thang xanh rì xen lẫn những mảng vàng của lúa chín sớm. Những bờ đê chia nhỏ những thửa ruộng trên cánh đồng nằm giữa Tà Pạ và núi Cô Tô lại tiếp tục tạo ra những mảng màu khác đầy thi vị. Có lẽ, chưa có chỗ nào như đồi Tà Pạ. Từ một góc nhìn, có thể khám phá những mảng màu khác nhau. Quay một góc 180 độ từ hồ Tà Pạ sang thung lũng, những mảng màu lại khác, không gian lại khác.
Hồ Tà Pạ càng thêm đặc sắc và mang nét hoang sơ quyến rũ khi chưa được đưa vào khai thác du lịch một cách triệt để như nhiều điểm đến khác.

Bài, ảnh: ĐỀ QUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét