Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Bánh tằm cay

Một trong những món ăn lót lòng làm nên danh tiếng xứ Cà Mau là bánh tằm xíu mại bọc tàu hủ ky. Nhưng, bây giờ về thành phố quê tràm đước, khách phương xa sẽ ngỡ ngàng khi nhìn thấy những bảng hiệu quảng cáo món bánh tằm cay.
Bánh tằm là món ăn chơi khá thông dụng vùng ĐBSCL. Người dân miệt nầy ai cũng có thể làm bánh tằm phục vụ gia đình những lúc nhàn rỗi. Để làm bánh tằm, người ta trộn đều bột năng và bột gạo, vừa châm nước sôi chầm chậm vào vừa dùng đũa đảo nhẹ rồi dùng tay nhúng dầu nhồi bột thành khối mịn dẻo để xe giữa hai lòng bàn tay thành sợi dài như ý. Sau đó đem hấp chừng vài phút là sợi bánh trong đục, bánh chín.
Thưởng thức bánh tằm cay - món mới đặc sản thành phố Cà Mau.
Để có món bánh tằm cay, người Cà Mau kết hợp bánh tằm với món cà ri gà. Bột cà ri được hình thành từ khá nhiều hương liệu: đại hồi, đinh hương, hạt mùi khô, bột nghệ, quế chi, ớt khô rang cho thơm rồi nghiền thành bột mịn trộn chung với nhau cho ra một loại bột màu vàng, mịn, có mùi đặc trưng. Người ta dùng bột nầy nấu với gà làm sạch thành món cà ri gà.
Khách đến quán bánh tằm cay sẽ được dọn ra một dĩa bánh tằm với một phần thịt gà, mề gà và huyết gà cùng nước cà ri sền sệt. Nếu thích, khách có thể gọi cho riêng mình cái phao câu gà. Cho giá sống và lá rau quế vào dĩa bánh tằm, trộn cho nước cà ri thấm đều rồi gắp miếng thịt gà chấm vào dĩa muối ớt đã nặn sẵn miếng chanh. Cho vào miệng, nhai, sẽ cảm nhận được vị cay của cà ri hòa trộn khắp vòm họng. Tùy khẩu vị, bạn cho chủ quán biết mình thích cay vừa hoặc thật cay. Nhưng thưởng thức cà ri Chà (Ấn Độ) chánh gốc phải như học giả Vương Hồng Sển đã từng ăn, là: "Phải rán mà nuốt lúc đầu, vì họ nấu cà ri cay xé miệng, vừa ăn vừa nước mắt nước mũi tuôn ròng ròng như khóc ông cha chết đã ba đời" mới đúng "điệu"!

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU
Bánh tằm xíu mại tàu hủ ky

Bánh tằm là món ăn điểm tâm phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long từ nhiều thập niên trước. Lúc bấy giờ, và cho tới bây giờ, bánh tằm luôn “chung thủy” với bì và nước cốt dừa. Cọng bánh tằm hồi đó luôn được xe bằng tay, lớn hơn bây giờ, với loại gạo pha chế riêng biệt. Sau đó một vài năm, bánh được ép khuôn thành từng giề, cũng bự cọng và bằng thứ bột gạo riêng biệt đó. Khi có khách, người bán cầm bánh xé rời từng cọng, cho vào dĩa trước khi rải bì, rau sống rồi chan nước mắm chua ngọt và nước cốt dừa đặc kẹo bốc hơi nóng hổi. Ngày nay, bánh tằm được làm bằng bột gạo, chỉ là cọng bún hơi lớn một chút mà thôi và được ép bằng máy, đều trân. Chính vì vậy mà cái “chất” của bánh đã suy suyển đi khá nhiều.

Dĩa bánh tằm xíu mại tàu hủ ky. 
Ở Ngan Dừa (Hồng Dân, Bạc Liêu), có loại bánh tằm đặc sắc. Đó là bánh tằm “nguyên thủy” được thêm viên xíu mại tròn dẹp một bên góc dĩa. Bánh tằm “quê”, xíu mại “quê”, là món ăn sáng dân dã nhưng đã “hớp hồn” những ai một lần đến đây và được thưởng thức nó.
Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) cũng được ví von là “cái nôi” của bánh tằm, có nhiều hàng quán bán loại bánh điểm tâm này, ngon có tiếng. Ở đây còn có một vài nơi bán bánh tằm xíu mại gói trong miếng tàu hủ ky. Đây là phong cách ẩm thực vừa Việt vừa Hoa độc đáo của địa phương. Khách đến, chủ quán cầm dĩa bánh tỏa hơi nóng nghi ngút trên nền nước cốt dừa và những sợi bánh tằm trắng tinh như e thẹn trong nền rau xà lách xanh ngắt, mấy cọng giá sống trắng tươi và nhúm đậu phộng rang vàng vàng làm mặt. Nhưng “nhân vật” quan trọng là “cái anh” xíu mại gói kín trong miếng tàu hủ ky nằm một góc dĩa. Xíu mại được làm từ thịt nạc băm với củ sắn, ướp gia vị vừa ăn trước khi gói vào tàu hủ ky thành miếng hình chữ nhật dẹp. Trộn đều bánh, chan nước mắm giấm ớt pha đường, cho vô miệng, gắp miếng xíu mại tàu hủ ky, cắn, nhai. Vị ngọt của thịt và củ sắn hòa trong nhiều hương vị đã ướp tan hòa chân răng trong cái dai dai sừn sựt với hương vị lạ của miếng tàu hủ ky. Cứ vậy mà ăn cho tới no mà vẫn thấy thòm thèm!
Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Về Cà Mau ăn bánh tằm

Về Cà Mau ăn đâu không biết nhưng không ăn bánh tằm cay hẻm Vĩnh Quang coi như chưa ăn bánh tằm Cà Mau.

Về Cà Mau, chân trần bước trên đất mà thương quá người dân xứ biển bồi từng gánh đất, chắt chiu nước ngọt trồng rau trên đất nhiễm mặn. Cà Mau vẫn là xứ “quê mùa” nhưng không như cảnh “Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu” mà ca dao đã họa. Có lẽ đó là Cà Mau của 300 năm trước. Cà Mau bây giờ vẫn trẻ, thành phố vẫn pha trộn những khối kiến trúc không đồng nhất kiểu dáng rất đồng bằng, vẫn những con người châu thổ thật như đếm…
Cà Mau những ngày này bạn dễ dàng tìm được các quán xá bề thế, bài trí sang trọng nhưng lại thiêu thiếu cái vị miền Tây dân dã. Tìm “chất miền Tây” trong món ăn bạn phải tìm ở những quán ăn nho nhỏ ngay trên vỉa hè, dưới hiên nhà, trong một chòi lá với vài ba cái bàn, vài cái ghế cóc hoặc các món đặc sắc ấy “trốn” trong những nhà dân. Ví như bánh tằm bà Sẫm nức tiếng nhưng nằm sâu tuốt luốt trong hẻm Vĩnh Quang dưới chân Cầu Mới…
Bánh tằm bà Sẫm nức tiếng đất Cà Mau
Bánh tằm bà Sẫm nức tiếng đất Cà Mau
Lê Minh Nhựt, nhà văn, Hội VHNT Tỉnh Cà Mau nói: Về Cà Mau ăn đâu không biết nhưng không ăn bánh tằm cay hẻm Vĩnh Quang coi như chưa ăn bánh tằm Cà Mau.
Gọi là món ăn dân dã nhưng bánh tằm được chế biến khá cầu kì, cầu kì từ sợi bánh. Ngày trước bánh được làm từ gạo xay thành bột, rồi hòa với nước mà đem hồ trên lửa liu riu. Khi hồ đã nguội thì rắc bột khô trên cái mâm lớn và se thành từng sợi (đó là cách chế biến thủ công). Bây giờ làm bánh tằm tương tự như làm bún nhưng sợi bánh tằm to và dai hơn sợi bún, trắng bong mập mạp như những con… tằm (tên bánh có lẽ xuất phát từ đây chăng?). 
Bánh tằm bà Sẫm nức tiếng đất Cà Mau
Bánh tằm bà Sẫm nức tiếng đất Cà Mau
Quán bánh tằm hẻm Vĩnh Quang nổi tiếng vì bánh tằm có vị ngon không đụng hàng và cay… xé lưỡi. Dù quán nằm trong một con hẻm khuất nhưng rất đông. Khách du lịch rỉ tai nhau phải “truy” cho bằng được quán. Để rồi lần sau có về Cà Mau thì lại tìm đến bánh tằm hẻm Vĩnh Quang bởi “món ngon nhớ lâu”.
Có 4 kiểu bánh tằm phổ biến: Bánh tằm xíu mại, bánh tằm thịt nướng, bánh tằm cà ri và bánh tằm xíu mại tàu hũ ky. Mỗi kiểu đều có vị ngon riêng và được bán rất phổ biến ở Cà Mau. Đây là món ăn sáng, bán từ 6h đến 9h là… dẹp quán! Sau giờ đó, muốn ăn chịu khó tìm xa hơn vì chỉ còn một vài nơi bán cả ngày.
Bánh tằm xíu mại
Bánh tằm xíu mại
Bánh tằm xíu mại
Bánh tằm được ăn với giá đậu xanh, cải xà lách và rau thơm cắt khúc rồi chan nước mắm chua ngọt có chút ớt bằm đỏ tươi hoặc nước sốt cà. Trong 4 kiểu bánh tằm, bánh tằm xíu mại tàu hũ ky được thực khách ưa chuộng hơn cả. Những viên xíu mại hấp dẫn được chế biến từ thịt nạc (cũng có nơi làm bằng thịt ba rọi) bằm nhuyễn ướp hành tiêu cho thấm rồi gói bằng miếng tàu hũ ky đã được chiên sơ rồi đem vào xửng hấp chín. Sau đó thả từng viên xíu mại vào nồi nước sốt cà, đun lửa liu riu giữ nóng cho đến khi hết xíu mại thì thôi. 
Bánh tằm khi mới làm xong
Bánh tằm khi mới làm xong
Bánh tằm ngọt
Bánh tằm ngọt
Bắt đầu từ khi chủ quán thả những sợi bánh còn nóng hổi vào chiếc dĩa sứ trắng, thả rau ăn kèm lên rồi rưới nước sốt cà với những viên xíu mại thơm phức thì thực khách khó lòng đợi lâu hơn nữa. Thật không dễ để mà nói hết cái sự hấp dẫn khó mà cưỡng lại ấy. Dĩa bánh tằm có đủ cả vị bùi, béo, chua, cay, ngọt và hương cà ri thoang thoảng; màu trắng của bánh, màu xanh của rau, màu đỏ của nước sốt cà, của xíu mại và của mấy lát ớt tươi tạo nên bức tranh đồng quê sinh động ngay trên chính dĩa bánh tằm ở vùng “cuối đất” này. 
Bánh tằm ngọt
Cà Mau “mặc thêm áo mới” nhưng Cà Mau vẫn là xứ bưng biền. Ngay cả món ăn cũng mang hơi thở của cánh đồng, của những dòng sông muôn đời bồi đắp phù sa.
Về Cà Mau, bạn đừng quên món bánh tằm đặc trưng xứ sở, để thấm vào lòng không chỉ là vị ngon mà còn là cái tình của người Cà Mau đậm đà trong đó.
PV
Bánh tằm - món ngon ở Cà Mau

Đến với Cà Mau, nhiều du khách không quên thưởng thức món bánh tằm. Đây là món ăn khá dân dã, nhưng không kém phần hấp dẫn. Ở Cà Mau có rất nhiều hàng quán bán bánh tằm, tuy không sang trọng như những nhà hàng có nhiều món ăn đặc sản được chế biến cầu kỳ, song mang lại cho thực khách cảm giác gần gũi, mộc mạc đậm chất quê, nhất là khi thưởng thức bánh tằm ở những quán ăn nơi phố thị.

Dĩa bánh tằm cay, món ăn bình dị như tình người vùng miền sông nước Cà Mau.

Món ăn dân dã nhưng hấp dẫn cả với thực khách nước ngoài. 

Lựa chọn thịt gà cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên món bánh tằm ngon.

Là món ăn dân dã, nhưng không phải ai cũng có thể nấu được và nấu ngon, bởi cầu kỳ các công đoạn từ khâu làm bột cho đến lúc nấu nước sốt.

Đến Cà Mau, nhiều du khách không quên thưởng thức món bánh tằm. 

Bánh tằm Cà Mau đãi khách. 
NGHI ĐÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét