Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Ngoài trời còn có trời nữa

Lê Hoàn đều nhận chiếu rất cung kính nhưng không bao giờ lậy (vọng bái thiên tử), có ý không công nhận vai trò Thiên triều, quyền uy thiên tử. Những sứ giả trí thức Trung Quốc như Lý Nhược Chuyết, Lý Giác, Tống Cảo, Vương Thế Tắc,...đều lấy “lễ” làm đầu, không dám xấc láo, nhũng nhiễu hay hạch sách việc nhận chiếu không đúng quy định thiên triều.

Hoàng Tuấn Phổ

Triệu Khuông Dẫn diệt nhà Hậu Chu lập ra triều Bắc Tống năm 960, phải mất gần 20 năm mới ngồi yên ngôi bá chủ Trung Quốc. Triệu Quang Nghĩa kế nghiệp anh, đang mưu tính mở rộng bờ cõi về phương Nam, nghe tin Lê Hoàn xưng Hoàng đế. Mười đạo quân của Lê Hoàn, các binh sĩ đều xăm trên trán ba chữ “Thiên tử quân”. Quang Nghĩa đùng đùng nổi giận xuống chiếu phát 30 vạn binh mã (quân số hư trương) chia ba đường đánh lấy Đại Việt, trừng phạt tội dám xưng “đế”, lại tự tôn là “thiên tử” ngang hàng vua Tống. 

Đây là dịp tốt để sáp nhập đát đai Nam Việt vào Trung Quốc. Năm 981, quân Tống bị nghiền nát ngay tại cửa Hàm Quỷ, ải Chi Lăng. Thủy binh Tống, đạo quân Lưu Trừng tiến vào sông Bạch Đằng, trong khi cánh quân Trần Khâm Tộ đã đến giang phận Tây Kết. Nghe tin đại tướng Hầu Nhân Bảo đã bị chém rơi đầu, chúng đều rụng rời tay chân, quay thuyền tháo chạy. Lê Hoàn sai Giang thuyền tướng quân Trần Ứng Long chỉ huy thủy binh truy kích địch.
Thủy quân Trung Quốc rất mạnh. Từ đời Tần Thủy Hoàng (250TCN) đã chế tạo được loại thuyền biển lớn, sai người đi về phía đông tìm thuốc trường sinh ở các hải đảo. Nhiều đoàn người không trở về, nghe nói vì họ chán ghét chế độ tàn bạo nhà Tần, thà ở lại nơi hoang đảo.
Cuộc xâm lược Việt Nam năm 981, thủy binh Tống đều dùng thuyền gỗ lớn, đè sóng lướt gió băng băng. Trần Ứng Long đem binh thuyền đón đánh địch ngay từ cửa Nam Triệu, nhưng thuyền nhỏ, lực lượng mỏng không địch nổi thủy quân Tống, đành phải rút lui. Lưu Trừng sai tiền quân nhổ hết những hàng cọc sót lại từ thời Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán, để đại binh tiến thẳng vào sông Bạch Đằng.
Trần Ứng Long vốn quê vùng đồng chiêm trũng Ninh Bình. Nhà ông mấy đời làm nghề đan thuyền thúng dùng gặt hái, bắc ốc trên đồng chiêm. Mỗi người một thuyền vừa chèo bơi, vừa lao động, rất tiện lợi. Ứng Long cải tiến thuyền thúng bơi tay thành loại thuyền nan chống sào và có mái chèo. Chỉ trong vòng nửa tháng, người dân quê ông đã đan xong mấy trăm chiếc, xảm kỹ bằng vỏ cây sắn, nước không thể vào. Mỗi thuyền chở vài ba quân, khi di chuyển, một người vác chạy băng băng. Lúc cần thiết lại có thể dùng thuyền làm chiếc mộc lớn chống lại tên bắn, giáo đâm rất hiệu quả.
Hai bên bờ sông Bạch Đằng mọc nhiều lau lách, cỏ rậm, thuyền nan nấp sẵn trong bụi chờ quân Tống đến lao vụt ra, bất ngờ xông vào giữa đoàn thuyền địch. Thuyền nam khá nhẹ, len lỏi, né tránh nhanh như sóc. Thuyền gỗ to nặng, tiến, lui, quay, trở khó, thành chậm chạp. Những chiếc thuyền nan bị thủng lại hóa thành chỗ ẩn nấp để thủy quân ta tiếp tục chiến đấu. Trong đánh giáp lá cà, những sào chống, bai chèo đều là vũ khí lợi hại.(1) Lưu Trừng bối rối, tiến thoái lưỡng nan, đành cho thuyền co cụm lại, tạm đóng trên khúc sông Phả Lễ gần thượng lưu Bạch Đằng.
Trong khi đó đoàn thuyền Trần Khâm Tộ theo cửa sông Cái vào đến Tây Kết (Khoái Châu) thì dừng lại chờ tin Lưu Trừng để cùng phối hợp chiến đấu. Tin tức Hầu Nhân Bảo bị đánh  tan cả đoàn quân cả mấy chục vạn không còn mảnh giáp, Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ đều quay đầu chạy trước. Lê Hoàn sai dùng thuyền nhẹ truy kích địch đến tận cửa biển, bắt sống hai tướng giặc Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân. Về cuộc chiến đánh bại quân Tống xâm lược năm 981, đại sử gia Lê Văn Hưu viết: “Lê Đại hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt Quân Biện, Phụng Huân, dễ như lừa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà cõi bờ yên tĩnh, cái công đánh lấy tuy nhà Hán nhà Đường (hai đời cường thịnh nhất thời phong kiến Trung Quốc) cũng không hơn được.”
Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái tông) bị đau hơn hoạn, sai giết hết bọn tướng bại trận chạy trốn về nước ! Nhưng không dám đánh báo thù Đại Việt, vì triều Tống biết rõ, đánh nữa càng thua đau hơn ! Lê Hoàn tuy không sợ quân Tống, nhưng ông cũng như các vị quân sư Khuông Việt, Đỗ Thuận đều không muốn chiến tranh, chỉ mong hai nước Trung Hoa-Đại Việt đời đời hòa hảo.
Năm 987, nhà Tống lại sai Lý Giác làm sứ giả sang Đại Việt. Lý Giác hay chữ nổi tiếng, là Quốc tử giám bác sĩ, vua Tống biết Lê Hoàn có tài ăn nói, mà triều đình cũng lắm người giỏi văn chương nên không thể sai những sứ giả không xứng đáng. Lê Hoàn bảo nhà sư Đỗ Thuận làm lái đò đi đón sử giả. Lý Giác tính hay nói văn thơ, nhân thấy một đôi ngỗng trời đang bơi trên sông, chợt nhớ bài thơ nổi tiếng đời Đường của Lạc Tân Vương, cao hứng, hắng giọng ngâm:
Nga ! Nga ! lưỡng nga nga !
Ngưỡng diện hướng thiên nha
(Ngỗng ! Ngỗng ! Ngỗng một đôi
Ngẩng mặt ngóng chân trời)
Lý Giác mới ngâm được hai câu, chưa biết nên chăng thế nào, dừng lại ngắm đôi ngỗng. Đỗ Thuận cầm mái chèo khua mạnh một cái rồi ngâm tiếp:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
(Nước biếc phô lông trắng
Chèo hồng sóng xanh bơi)
Lý Giác giật mình kinh sợ, không ngờ một người lái đò nước Nam cũng thông thạo văn thơ đến thế.
Bài thơ “Vịnh Ngỗng" của Lạc Tân Vương nguyên tác 4 câu:
Nga! Nga! Nga!
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù thủy lục
Hồng chưởng bãi thanh ba.
(Ngỗng ! Ngỗng ! Ngỗng!
Cong cổ ngóng trời kêu
Lông trắng nổi trên mặt nước
Bàn chân hồng khua sóng xanh.)
Bởi trước mắt Lý Giác chỉ có hai con ngỗng, và hai con ngỗng ấy ngóng trông về phía chân trời xa chứ không ngẩng lên trời kêu, ông thêm và chữa mấy chữ để hợp  cảnh hợp tình, là chuyện thường thấy ở người xưa yêu thích thơ văn của nhà thơ nổi danh như Lạc Tân Vương. Ông chưa biết nên sửa tiếp như thế nào, Đỗ Thuận đã đỡ lời ông, thay bằng mấy chữ rất tài tình. Bài thơ “Vịnh Ngỗng” Lạc Tân Vương làm năm mới 10 tuổi, thực ra chưa phải đã thật toàn bích. Đỗ Thuận thay chữ “phù” là nổi bằng chữ “phô” là khoe, thay chữ “hồng chưởng” là bàn chân hồng bằng chữ “hồng trạo” là mái chèo hồnglàm cho câu thơ trở nên tuyệt cú ! Ở đây không hề có chuyện Lý Giác và Đỗ Thuận “đạo” thơ Lạc Tân Vương, mà chỉ là câu chuyện vui về thơ, vì bài “Vịnh Ngỗng” của Lạc Tân Vương đã quá nổi tiếng, mấy ai không biết.
Lý Giác dù sau đó biết Đỗ Thuận chỉ đóng vai ông lái đò, vẫn rất khâm phục nhà sư. Lý Giác về đến sứ quán, gửi cho Đỗ Thuận một bài thơ:
Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa tri thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
(May gặp thời bình được giúp mưu
Một lần hai lượt sứ Giao Châu
Đông đô mấy độ còn lưu luyến
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu
Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu
Ngoài trời lại có trời soi nữa
Sóng lặng khe đầm, bóng nguyệt thâu.
Bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư)
Đỗ Thuận đem bài thơ Lý Giác dâng vua Lê Hoàn. Vua cho gọi Đại sư Khuông Việt xem. Sư Khuông Việt nói: “Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống”. Lê Hoàn khen ý thơ, đặc biệt câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” nghĩa là: Ngoài trời lại có trời nên soi sáng xa...tặng cho các thứ rất hậu. Khi Lý Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn chân. Lý Giác lậy tạ trở về Trung Quốc.
Theo sách “Thơ văn Lý Trần tập I” (NXB Khoa học xã hội-Hà Nội 1977) của Viện văn học:“Theo ý kiến giáo sư Đặng Thai Mai thì hai câu cuối cùng, ngoài nghĩa xưa nay vẫn hiểu là có ý thừa nhận vị trí độc lập của nước Đại Việt và ngôi thiên tử của vua Lê Đại hành (Lê Hoàn) ra còn có thể mang một nghĩa bóng không đẹp đẽ. Và đó chính là thâm ý của viên sứ giả phương Bắc.”
Tôi, người viết bài này thiển nghĩ: Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà nghiên cứu cổ văn uy tín, nhà Hán học uyên bác, ông rất “thâm nho” nên không lạ gì cái “thâm nho” của nhà nho Trung Quốc và người Trung Quốc nói chung. Chúng ta cần cảnh giác khi tiếp cận loại văn bản của họ, nhất là thơ văn thường “ý tại ngôn ngoại”. Tuy nhiên, với bài thơ Lý Giác tôi thấy viên Quốc tử giám bác sĩ họ Lý đã bày tỏ tấm lòng thành thực, hoàn toàn không có dụng ý xấu, xỏ xiên, bóng gió:
Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
(Hai lần từ biệt Đông đô, lòng càng lưu luyến. Đất Nam Việt xa xôi nghìn trùng [tôi] vẫn ngóng trông hoài)
Thiên triều Trung Quốc dù bị đánh cho vỡ mật bay hồn, vẫn cậy nước lớn, mỗi lần sai sứ mang chế sách sang phong, trong đó nội dung hết sức ngang ngược, Lê Hoàn đều nhận chiếu rất cung kính nhưng không bao giờ lậy (vọng bái thiên tử), có ý không công nhận vai trò Thiên triều, quyền uy thiên tử. Những sứ giả trí thức Trung Quốc như Lý Nhược Chuyết, Lý Giác, Tống Cảo, Vương Thế Tắc,...đều lấy “lễ” làm đầu, không dám xấc láo, nhũng nhiễu hay hạch sách việc nhận chiếu không đúng quy định thiên triều.(2)
Bài thơ Lý Giác, đặc biệt nhất câu kết:
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Thì 4 chữ “Thiên ngoại hữu thiên” vốn là câu thành ngữ rất phổ biến của nhân dân Trung Quốc, tương tự câu thành ngữ Việt Nam: Ngoài núi này cao còn núi khác cao hơn(3). Hoàn toàn không có ý Đại Việt là bầu trời nhỏ trong bầu trời lớn Trung Quốc. Sứ giả Trung Quốc cũng như nhà Tống (và Nguyên, Minh, Thanh sau này) đều biết khá rõ Lê Hoàn chẳng những xưng “Đế” mà còn dám ngang nhiên tuyên bố mình là “Thiên tử” chẳng kém gì Thiên tử nhà Tống. Việc vua Lê nhận chiếu nhưng không lậy là một sách lược ngoại giao khôn khéo để tránh gây căng thẳng quan hệ hai nước tới mức đối đầu. Với câu thơ “Thiên ngoại hữu thiên” (Ngoài trời này còn có trời khác) Lý Giác đã dám nói lên một sự thật hiển hiên như quy luật của thiên địa, nhân sinh mà thôi.
                                                                 HTP-30/6/2014


Chú giải:
(1)- Đây chính là nghệ thuật chiến tranh “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”, sự dũng cảm mưu trí của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm lịch sử giữ nước.
(2)-Sở dĩ trí thức “Thiên triều” thể hiện sự tôn trọng này là xuất phát từ thực lực sức mạnh của Đại Việt dưới tài chỉ huy của Lê Hoàn khiến quân Tống bao phen phải kinh hồn bạt vía.

(3)-Trung Quốc còn có các dị bản như: 人外有人 (Nhân ngoại hữu nhân-Ngoài người này còn có người khác,) 山外有山 (Sơn ngoại hữu sơn-Ngoài núi này còn có núi khác)峰外有峰 (Phong ngoại hữu phong-Ngoài đỉnh núi này còn có đỉnh núi khác)...được dùng với ý: Không  có cái nào là nhất (tận thiện, tận mỹ). Cái này đã tốt, còn có cái khác tốt hơn; người này đã giỏi còn có người khác giỏi hơn. Đó là nhận thức về thế giới vô cùng vô tận.(Chú giải của Hoàng Tuấn Công)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét