Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Cỏ chỉ hỗ trợ chữa bệnh trĩ

Đông y cho rằng, rễ cỏ gà có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; tác dụng lợi tiểu, giải độc, lọc máu, giải nhiệt, giải khát, tiêu đờm, giảm ho.
Cỏ chỉ hỗ trợ chữa bệnh trĩ
Cỏ chỉ có tên thường gọi là cỏ gà, hay nhiều tên khác như cỏ ống, cỏ Bermuda (Mỹ), cỏ giường (green couch- Australia), cỏ "dhoub" (Bangladesh), cỏ Bahama (Nam Phi), hierba-fina (Cuba), hay Peru gọi là gramilla blanca..., danh pháp khoa học là Cynodon dactylon (L. Pers.), là một loài thực vật lưu niên thuộc họ Hòa thảo (lúa) Poaceae...
Tên thuốc Rhizoma cynodoni là thân rễ phơi hay sấy khô của cây cỏ chỉ. Là loại cỏ sống dai và mọc hoang ở những vùng đất ẩm thấp ven bờ sông, sườn đê, bãi cỏ, ưa nóng nên thích hợp ở vùng có khí hậu ấm và phát triển kém vào mùa đông. Được cho là có nguồn gốc từ châu Phi hoặc châu Á và thấy mọc nhiều nơi trên thế giới.
Thân có nhiều cành, cứng, bò, thỉnh thoảng lại phát ra những thân đứng, bất thụ. Lá phẳng, ngắn, hẹp, nhọn dài 3 – 4cm. Cụm hoa gồm 2 – 5 bông, hình ngón tay, gầy, dài từ 2,5 – 5cm, màu xanh hay tím, tỏa trên đỉnh một cuống gầy. Quả đỉnh, hình thoi thường dẹt, không có rãnh, tự do trong các mày nhỏ.
Thành phần hoá học chủ yếu của thân rễ cỏ gà chứa một chất kết tinh (cynodin) có thể là asparagin, còn có tinh bột, đường, các muối kali. Trong lá có vitamin C (64mg/100g lá tươi).
Đông y cho rằng, rễ cỏ gà có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; tác dụng lợi tiểu, giải độc, lọc máu, giải nhiệt, giải khát, tiêu đờm, giảm ho, dùng dưới hình thức thuốc sắc hoặc cao lỏng hay kết hợp với những vị thuốc khác trong trị liệu được chỉ định trong các bệnh nhiễm trùng và sốt rét; các trường hợp rối loạn tiết niệu, viêm thận và bàng quang, vàng da, sỏi thận, sỏi gan, sỏi mật; thấp khớp, thống phong; phụ nữ kinh nguyệt không đều; trẻ em sốt cao, tiểu ít hay bí đái; viêm mô tế bào hay rắn cắn.
Cụ thể cách bào chế thuốc và cách dùng là dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm. Có khi dùng toàn cây hay thân rễ sắc uống; lấy 20g cho vào 1 lít nước sắc kỹ, ngày uống 2 chén, liên tục trong 3 – 4 ngày.
Nếu hãm uống, dùng 20g rễ hãm 1 phút trong 1 lít nước đun sôi, loại bỏ nước này, bóc vỏ thân rễ đi rồi lại cho vào 1 lít nước khác đun sôi trong 10 phút, có thể thêm 1 nắm cam thảo, 1 nắm bạc hà, 1 quả chanh, mỗi ngày uống 2 chén. Có thể dùng dịch tươi. Ðể trị rắn cắn, dùng thân rễ nhai nuốt nước, lấy bã đắp vào chỗ bị cắn.
Dưới đây xin giới thiệu cách trị liệu thường được sử dụng để làm thuốc lợi tiểu tiện cụ thể là:
* Thuốc lợi tiểu: Cỏ chỉ 20g, sắc trong 1.000ml chia nước này uống nhiều lần trong ngày. Có thể nấu thành dạng cao lỏng pha trong nước với tỷ lệ 20%0 (tức 20g trong 1.000ml nước).
* Hỗ trợ chữa bệnh trĩ: Hàng ngày lấy cỏ chỉ rửa sạch ép lấy nước cốt uống, ngày 2 lần, mỗi lần 12ml.
Share Facebook Share Google Share Twitter Share Zingme  
BS HOÀNG XUÂN ĐẠI

"Yêu khỏe" nhờ tôm càng xanh

Trứng tôm càng xanh 20g nấu canh với trứng chim sẻ (2 – 3 quả), ăn trong ngày là một trong 3 bài thuốc kích thích sinh dục, chữa liệt dương, mộng tinh.
Yêu khỏe nhờ tôm càng xanh
Tôm càng xanh là loài giáp xác thuộc bộ mười chân (Decapoda), còn gọi là tôm đồng, tôm nước ngọt, tên tiếng Anh Giant river prawn, Scampi, Giant freshwater Shrimp, tên khoa học Macrobrachium rosenbergii, họ Tôm càng (Palaemonidae), là loài tôm nước ngọt có nguồn gốc ở vùng Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và Bắc Úc. Ở nước ta chúng thường sống ở các thủy vực nước ngọt và nước lợ thuộc ĐBSCL… Không chỉ là thực phẩm, tôm càng còn là vị thuốc quý trong Đông y.
Tôm càng xanh với tên thuốc là hà ngư hay hà mễ, Đông y cho rằng vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ dương khí, lợi sữa, giải độc, chống nôn. Chủ yếu dùng tươi, có thể phơi khô, tán bột làm thuốc.
Đặc biệt gần đây với kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Tây Ban Nha và Israel ở loại tôm càng xanh nhỏ trên biển Địa Trung hải, với tên khoa học là Hyppolyte Inermis, có khả năng phá huỷ hoàn toàn khối tế bào ung thư mà cơ thể không hề bị ảnh hưởng.
Tại một hội thảo quốc tế về y học tổ chức ở thành phố Naoli (Italy), nhóm bác sĩ trên còn cho biết họ đang nghiên cứu việc sử dụng tính năng đặc biệt này của tôm càng xanh vào việc tiêu huỷ các tế bào ung thư và các tế bào gây ra căn bệnh Alzeimer.
Giáo sư Va-le-ri-ô Xu-pô, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, khả năng đặc biệt này của tôm càng xanh phát triển mạnh vào thời kỳ tôm phát dục.
Dưới đây là những phương thuốc từ tôm càng xanh
* Kích thích sinh dục, chữa liệt dương, mộng tinh: Chọn 1 cách thích hợp.
- Tôm càng xanh 20g, ngài tằm đực 7 con (sao giòn), giã nát rồi trộn với trứng gà 2 quả rán hoặc hấp chín ăn. 10 ngày là một liệu trình.
- Tôm càng xanh tươi 100g xào với lá hẹ 25g hoặc quả ớt ngọt 50g thêm chút rượu 40 độ.
- Trứng tôm càng xanh 20g nấu canh với trứng chim sẻ (2 – 3 quả), ăn trong ngày.
* Giảm đau lưng: Tôm càng tươi 100g (lột vỏ, rút chỉ lưng) ngâm vào rượu nếp trong 10 – 15 phút, vớt ra, xào chín ăn hằng ngày. Dùng liên tục 3 – 5 ngày.
* Chữa chứng cận thị, trẻ em đái dầm: Rang tôm với dầu vừng ăn hằng ngày.
* Làm thuốc bổ: Tôm càng xanh 12 con bóc vỏ, băm nhỏ, cùi dừa 15g nạo sợi, lòng đỏ trứng gà 3 quả. Tất cả trộn đều, đổ dầu lạc vào chảo rán mỏng thành bánh, để ăn trong ngày.
* Phụ nữ sau đẻ thiếu sữa: Tôm càng xanh tươi (nửa bát) bóc bỏ vỏ, giã nát, tẩm rượu nếp và muối, hấp chín, ăn trong ngày. Hoặc tôm càng xanh tươi 100g xào với 20ml rượu trắng ăn hằng ngày hoặc rang tôm rồi đảo với rượu ăn trong ngày.
* Chữa vô sinh do thận dương hư: Bởi dương hư không thể làm ấm tử cung, từ cung hư lạnh, dẫn đến không thể tụ tinh và thụ thai.
Triệu chứng, sau kết hôn đã lâu mà không có con, kinh nguyệt ít, nhạt màu, hoặc kinh nguyệt thưa, tắc kinh, sắc mặt tối, eo lưng đau mỏi, chân tay bủn rủn, giảm ham muốn tình dục, nước tiểu trong dài, phân lỏng, lưỡi nhạt rêu trắng mỏng, mạch trầm tế (trầm và mảnh) hoặc trầm trì (trầm và chậm).
Thích hợp sử dụng cách trị liệu là ôn thận bổ khí dưỡng huyết, điều dưỡng bồi bổ bằng món ăn thuốc “tôm càng xanh xào rau hẹ”. Tôm càng xanh 250g, rau hẹ 100g. Rửa sạch tôm và rau hẹ, rau hẹ cắt khúc; xào qua tôm với dầu thực vật, sau đó cho bơ, xì đầu, dấm, gừng thái sợi vào xào cùng, cuối cùng thêm rau hẹ vào là được. Công dụng “Bổ hư tráng dương, rất hiệu quả đối với chứng vô sinh do thận hư”.
* Chữa báng bụng: Tôm càng xanh tươi nấu canh ăn hằng ngày dần dần sẽ khỏi đau.
Share Facebook Share Google Share Twitter Share Zingme  
HOÀNG TUẤN LINH

Mộc nhĩ chữa mỡ máu cao

Ăn mộc nhĩ sẽ giúp ngăn chặn được bệnh tắc hoặc vỡ mạch máu ở người tăng huyết áp, hạn chế tai biến nhồi máu cơ tim.
Mộc nhĩ chữa mỡ máu cao
Hình ảnh mộc nhĩ
Nấm mèo còn gọi là nấm tai mèo, mộc nhĩ, có tên khoa học là Auricularia auricula, thường mọc trên cây gỗ mục ẩm ướt, hình nấm giống tai người vì vậy gọi là mộc nhĩ (tai của gỗ).
Theo Đông y, nấm mèo vị ngọt tính bình, đi vào các kinh tỳ vị, đại tràng, can, thận. Tác dụng làm mát máu, làm ngừng chảy máu do va đập, bị thương. Chữa trị các bệnh trường phong hạ huyết, nhuận táo, lợi trường vị, lỵ ra máu, đái dắt, đái ra máu, trị lở, bổ khí, bền cơ, hoạt huyết.
Nấm mèo là thức ăn, vị thuốc bổ dưỡng cho người khí huyết suy kém và chữa trị được nhiều bệnh nan y về tim mạch. Liều dùng mỗi ngày từ 15 đến 20g bằng hình thức: Xào, nấu, sắc nước hoặc nghiền nhỏ uống.
Ăn nấm mèo sẽ giúp ngăn chặn được bệnh tắc hoặc vỡ mạch máu ở người tăng huyết áp, hạn chế tai biến nhồi máu cơ tim; nấm mèo giúp máu lưu thông toàn thân, đưa máu lên não đầy đủ hơn nên duy trì trí nhớ tốt.
Nấm mèo cũng có tác dụng giảm cholesterone trong máu, và góp phần kiểm soát cân nặng, rất tốt với những người thừa cân, béo phì. Làn da bạn sẽ trở nên hồng hào, tươi sáng, mịn màng hơn nếu thường xuyên sử dụng mộc nhĩ trong các món ăn. Sau đây là một số tác dụng của nấm mèo:
- Chữa mỡ máu cao, chống nghẽn mạch: Dùng nấm mèo (10g), thịt lợn nạc (50g), 5 quả táo tàu đen, 3 lát gừng, đổ vào 6 chén nước, sắc như sắc thuốc bắc, chỉ còn 2 chén, thêm vào ít muối, tí bột ngọt, rồi ăn như canh, mỗi ngày 1 lần, ăn liên tục hằng ngày.
- Chữa chứng ho hen, đờm suyễn, miệng khô, sắc mặt tái xanh, tay chân lạnh: Dùng nấm mèo (20g), đường phèn (15g) nấu với lượng nước vừa đủ để uống trong ngày.
- Chữa hư lao khạc ra máu: Nấm mèo (50g), nấu nhừ, thêm đường phèn ăn thường xuyên, hoặc xào chín ăn.
- Chữa đại tiểu tiện ra máu: Nấm mèo (50g), sao thán tồn tính, tán nhuyễn để uống.
- Chữa tăng huyết áp, bệnh mạch vành: Nấm mèo (10g), ngân nhĩ (10g), ninh nhừ nêm đường phèn vừa đủ, ăn trước khi ngủ.
- Chữa trĩ ra máu: Nấm mèo (10g), quả hồng khô (30g), cùng nấu nhừ để ăn.
- Chữa kinh nguyệt ra nhiều, máu kinh không cầm, sắc màu tươi rói, tâm phiền miệng khát, tiểu tiện vàng ít, cũng như huyết nhiệt rong kinh, dầm dề, trường phong ra huyết: Nấm mèo (30g), đường cát (15g). Nấm mèo xào bằng lửa nhỏ, thêm nước khoảng 300ml, sau khi chín nêm đường dùng.
- Chữa đại tiện không thông: Nấm mèo (30g), hải sâm (30g), phèo lợn (200g). Phèo rửa sạch, cắt đoạn nhỏ, cùng nấm mèo, hải sâm nấu chung, sau khi nêm nếm gia vị thì dùng.
- Chữa bệnh mạch vành, di chứng tai biến mạch máu não, chứng cao mỡ máu và tình trạng máu đông nhiều: Dưa chuột (150g) rửa sạch, thái lát. Nấm mèo, nấm tuyết mỗi thứ 100g (đã ngâm nở), rửa sạch, xé nhỏ. Nấm chần qua nước sôi, vớt ra, dội qua nước lạnh làm nguội, để ráo nước, đặt vào đĩa to, rưới lên dầu ăn, cho vào lò hầm vài giây, nêm gia vị vừa ăn.
Lưu ý, tuyệt đối không ngâm nấm mèo khô bằng nước nóng mà phải ngâm bằng nước lạnh, không được ăn nấm mèo tươi. Không nên sử dụng nấm mèo cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, cũng như những người có ý định sinh con.
     
DS. MỸ NỮ

Chuyện tình một đêm của Thái thượng hoàng chưa từng làm vua trong sử Việt

Trần Thừa (1184-1234) thường gọi là Trần Thái Tổ, là Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần và cũng là một trong hai Thái thượng hoàng chưa từng làm vua trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông là con cả của Trần Lý, anh ruột của Trần Tự Khánh và Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, cha của vua Trần Thái Tông.
Khi Lý Huệ Tông qua đời, truyền ngôi cho con gái nhỏ là Lý Chiêu Hoàng, Thái sư Trần Thủ Độ lúc ấy nắm giữ hầu hết quyền bính trong tay. Độ mới nghĩ ngay đến việc truyền ngôi cho Trần Cảnh, con trai thứ của Trần Thừa, bèn thưa với Trần Thừa việc ấy.
Thừa ban đầu còn nghi ngại: "Chúng ta với Thái hậu và Chiêu Hoàng là chỗ họ ngoại chí thân, nay làm cái việc tranh đoạt ấy tôi e chẳng khỏi mang tiếng với hậu thế". Tuy nhiên, thấy Thủ Độ kiên quyết, Thừa cũng đồng ý theo: "Mọi việc tuỳ ý chú định liệu, làm sao cho thành sự thì làm. Hoá nhà làm nước hay đến phải diệt tộc cũng ở một chuyện này đó".
Dù bao biện thế nào, Trần Thừa cũng phải chịu trách nhiệm. (Tranh minh hoạ)
Cuối năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi vua khi mới chỉ 8 tuổi, mở đầu cho triều đại nhà Trần. Trần Thừa trở thành nhiếp chính cho con trai mình. Tháng 10 năm 1226, ông được tôn làm Thái thượng hoàng. Lúc Cảnh mới lên ngôi, nhiều loạn đảng mượn cớ "phù Lý chống Trần" nhũng nhiễu ở khắp nơi, Trần Thủ Độ mải dẹp loạn mới trông cậy ở Trần Thừa do việc giúp Thái Tông điều khiển việc triều đình để rảnh tay thanh trừng các đảng loạn.
Không đầy một năm, Thủ Độ đã vừa đánh dẹp vừa thu phục được các đảng giặc để trở lại nắm triều chính. Thượng hoàng Trần Thừa yên vị có người tài năng hơn mình trông coi việc nước, mặc sức lao vào thú săn bắn. Cũng chính vì vậy mới có câu chuyện trái ngang giữa vị Thái thượng hoàng triều Trần với cô gái đẹp đất Cổ Pháp, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Chuyện là sáng hôm ấy, Trần Thừa cùng lính tuỳ tùng về châu Cổ Pháp để săn chim. Xế chiều, Trần Thừa bắn trúng một con bạch trĩ. Mũi tên không trúng vào chỗ hiểm nên bạch trĩ vẫn đủ sức sà xuống bay chuyền từng đoạn. Trần Thừa phi ngựa đuổi mãi đến nỗi đám lính tuỳ tùng bị lạc. Đến khu rừng quang, không thấy bóng chim nữa, thấy vọng định quay về thì ở một đồi sắn gần đó có một cô thôn nữ khoẻ mạnh, xinh đẹp đang vừa làm vừa hát. Trần Thừa tìm đến.
Khi thấy Trần Thừa, cô gái sợ hãi, luống cuống về sự ăn mặc trễ tràng của mình. Sự e lệ càng khiến cô gái thêm vẻ quyến rũ. Cô biết Trần Thừa là người quyền quý. Niềm tin vào người quyền quý khiến cô gái không lấy làm lo lắng sợ hãi. Vị Thái thượng hoàng đắm đuối cô gái, hỏi thăm gia cảnh cô. Cô tên là Tần, cha mất sớm, chỉ còn mẹ già. Khi Trần Thừa thổ lộ tình yêu nồng nàn của mình, cô gái phần vì khiếp nhược chỉ e lệ mà không dám chối từ.
Chiều ấy, đám lính tuỳ tùng không tìm thấy chủ, bởi vì Trần Thừa đã về nhà Tần, ép cô gái phải chiều chuộng mình. Trong nhà chỉ có mẹ già và cô con gái, phần vì khiếp đảm trước Thừa, phần thân cô thế cô, Tần không thể chống cự lại được. Sáng hôm sau, Trần Thừa dậy sớm rồi lên ngựa trở về, cô gái sợ hãi chạy theo khóc như mưa, nói về trách nhiệm của Thừa. Thừa thề thốt sẽ quay lại tìm cô, sẽ có trách nhiệm với cuộc đời cô, thậm chí còn dùng kiếm cắt một vạt áo tía đang mặc đưa cho cô…
Về đến kinh sư, vị Thái thượng hoàng nhanh chóng quên bẵng câu chuyện ở khu rừng vắng. Còn Tần, điều cô lo sợ đã xảy ra, cô có mang và 9 tháng sau sinh ra một bé trai bụ bẫm. Không chồng mà có chửa, cô phải chịu búa rìu dư luận hết sức hà khắc, lầm lũi đi làm thuê cuốc mướn để nuôi đứa trẻ nên người. Vì biết con thuộc tôn thất nhà Trần nên cô đặt tên con là Trần Bà Liệt. Cũng biết là Trần Thừa đã quên mình nên cô không về kinh sư tìm người đã bỏ rơi trách nhiệm với mẹ con cô.

Bà Liệt lớn lên khỏe mạnh, theo học một lò vật và nhanh chóng trở nên không có đối thủ. Năm ấy kinh sư có giải vật lớn nhằm tuyển chọn nhân tài ra giúp nước. Vua Thái Tông và Thượng hoàng đều đích thân đến xem.  Đô Liệt cũng về dự, sau cả tuần thi vật đô Trâu (khoẻ như trâu) đã lần lượt hạ hết các đối thủ. Đô Liệt xin vào tỉ thí. Ngay từ đầu, đô Trâu đã phải gờm sức khoẻ của đô Liệt. Trống thúc dồn dập, keo vật sôi động. Bỗng sau miếng đánh trượt, đô Liệt bị đô Trâu dùng miếng hiểm vít được cổ xuống, mong giết chết địch thủ đáng gờm.
Trong cơn vật lộn điên cuồng để thoát khỏi chết ngạt, chiếc khăn trên đầu đô Liệt tung ra. Một vạt áo tía rất lạ nằm trên thảm cỏ bê bết đất. Thái thượng hoàng Trần Thừa đã nhận ra vạt áo ấy. Ông hạ lệnh ngừng ngay keo vật, quên hẳn địa vị của mình đến ôm lấy Liệt, đứa con mà ông đã phũ phàng bỏ rơi mẹ nó. Trần Bà Liệt được giữ lại kinh sư và được công nhận là con của Thượng hoàng.
"Cuộc tình một đêm" của Trần Thừa đã để lại hậu quả cho cô thôn nữ là một đứa con rơi tên Trần Bà Liệt - Tranh minh họa.
Là một trong số hiếm hoi những vị Thái thượng hoàng được phong lúc còn sống mà chưa một ngày làm vua, Trần Thừa là cái tên được sử sách nhắc đến khá nhiều. Tuy chưa một ngày làm vua nhưng ông cũng đã nhiều năm lo giúp việc triều chính giúp con trai mình là Thái Tông Trần Cảnh. Nhưng có lẽ, ở vị Thái thượng hoàng này, cái chất đa tình của những con người sống quanh vùng sông nước của tông thốc nhà Trần đã ăn sâu vào máu. Bỏ bên ngoài thân địa vị và quyền tước có thể thâu tóm thiên hạ, ông chỉ lo việc rong ruổi và tận hưởng vẻ đẹp của quê hương, đất nước, sống một cuộc sống nhàn hạ, ngao du khắp nơi. Cũng có lẽ vì vậy mà trong cuộc đời thong dong về sau của mình, ông đã gặp không ít những mỹ nữ, những cuộc tình rơi rớt trên đường phong lưu của mình.

Câu chuyện về nàng thôn nữ tên Tần có lẽ cũng chỉ là một trong số ít những mảnh phong lưu vắt ngang đời ông.
 (Theo NĐT) 

Chuyện đời kỳ lạ của đại thiền sư, trạng nguyên nước Việt

Là vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thiền sư Huyền Quang được hậu thế tôn xưng là một Đại thiền sư Việt nam, có vị trí ngang hàng với sáu vị tổ của Thiền tông Trung Quốc và 28 vị tổ của Thiền Ấn Độ.
Ngoài một vài giai thoại được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, cho tới tận ngày nay câu chuyện về cuộc đời của vị thiền sư từng là trạng nguyên nước Việt này vẫn còn là một bí ẩn với rất nhiều người.

Vị trạng nguyên một lòng hướng Phật

Thiền sư Huyền Quang sinh năm 1254, mất năm 1334, vốn tên thật là Lý Đạo Tái, người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là làng Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Cha của Huệ Quang là Tuệ Tổ, có công đánh dẹp Chiêm Thành nhưng không chịu ra làm quan, sớm tối chỉ vui thú với sách vở và công việc đồng áng, sống một cuộc sống an nhiên tự tại. Còn mẹ Huyền Quang là bà Lê thị là một người hiền lành, chịu thương chịu khó. Câu chuyện về sự ra đời của Huyền Quang đã là một câu chuyện đậm tính truyền kỳ và vẫn được lưu truyền cho tới tận ngày nay. 

Theo ghi chép của sách “Tam tổ thực lục”, bà Lê thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm Giáp Dần, năm 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy "các toà trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa”. A-nan-đà vâng lệnh ra đi. Đúng năm ấy, bà Lê thị có thai sinh ra một người con trai, đặt tên là Lý Đạo Tái. Vì vậy, nhiều người cho rằng, Huyền Quang chính là tôn giả A-nan-đà đầu thai mà thành.

Không may, lớn lên Lý Đạo Tái lại có dung mạo vô cùng xấu xí. Vừa nghèo lại vừa xấu nên Lý Đạo Tái thường xuyên bị những người xung quanh hắt hủi. Ông từng đi hỏi vợ ở nhiều nơi nhưng đều bị người ta từ chối vì dung mạo ông quá xấu xí. Tuy nhiên, bù lại với vẻ bề ngoài không lấy gì làm khôi ngô tuấn tú của mình, Lý Đạo Tái lại sở hữu một trí thông minh hơn hẳn người thường. Tư chất thông minh cộng thêm tính cần cù hiếu học nên Lý Đạo Tái học rất giỏi.
Tượng thiền sư Huyền Quang.
Năm ông 20 tuổi, Lý Đạo Tái đỗ thi Hương rồi năm sau đỗ thi Hội. Tới năm Bảo Phù trong khoa thi Giáp Tuất 1274, Lý Đạo Tái đã đỗ trạng nguyên ở tuổi 28. Tới lúc này, nhiều gia đình giàu có mới lân la tới nhà ông để xin gả con gái cho vị tân khoa trạng nguyên, song Lý Đạo Tái đều từ chối. Thậm chí, vua Trần thấy ông là người tài năng, đức độ, đỗ đạt cao, muốn gả công chúa Liễu cho nhưng ông không nhận. Người ta nói rằng, khi đó, Lý Đạo Tái đã chua chát viết hai câu thơ rằng: “Khó khăn thì chẳng ai nhìn; Đến khi đỗ trạng trăm nghìn nhân duyên”. 

Kể từ đó, trên dưới 30 năm, ông làm quan tận tụy nơi viện Nội Hàn. Với trí thông minh, giỏi đối đáp ứng xử cộng với sự uyên bác của mình, Lý Đạo Tái từng nhiều lần được giao nhiệm vụ tiếp sứ giả phương Bắc. Một hôm, Lý Đạo Tái cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh. Khi nghe những lời giảng của Pháp Loa, bỗng nhiên, vị đại quan triều Trần bỗng thấy “chạnh lòng”, bèn thốt lên rằng: “…Phú quý vinh hoa thích thú, đáng lo như lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hè, sao ta có thể lưu luyến lâu dài được ?…”. 

Cũng kể từ đó, Lý Đạo Tái bắt đầu ý định xuất gia theo Phật. Nhiều người nói rằng, chính bài giảng của thiền sư Pháp Loa đã khiến Lý Đạo Tái, vốn là hiện thân của tôn giả A-nan-đà nhớ lại “duyên xưa” theo lời dặn của Phật Tổ. Dẫu là vì lý do gì thì việc Lý Đạo Tái quyết tâm từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý của một vị đại quan nơi triều đình để xuất gia theo Phật thì hoàn toàn là sự thực.

Lúc bấy giờ, nhà Trần rất sùng tín đạo Phật, vì thế chỉ sau vài lần dâng biểu xin từ quan để đi tu, Lý Đạo Tái đã được vua Trần chấp thuận. Năm 1305, Lý Đạo Tái chính thức xuống tóc xuất gia. Năm đó ông đã 51 tuổi. Ban đầu, Huyền Quang đến học đạo với thiền sư Bảo Phác, một học trò giỏi của Pháp Loa, nơi chùa Lễ Vĩnh. 

Năm Hưng Long thứ 14 (1306) Trần Nhân Tông trụ trì chùa Siêu Loại lập Pháp Loa làm giảng chủ, Lý Đạo Tái theo Bảo Phác đến nghe giảng, được Nhân Tông cho làm thị giả. Sau đó ông theo Trần Nhân Tông khoảng 2 năm để giúp việc biên soạn kinh sách, được vị sơ tổ của dòng thiền Trúc Lâm hài lòng khen: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, khảo đính thì không thể thêm bớt được một chữ nào nữa”.

Vị tổ thiền lừng danh nước Việt

Khi Trần Nhân Tông viên tịch, Huyền Quang lại theo Pháp Loa làm đồ đệ người thầy trẻ hơn mình đến 30 tuổi (Pháp Loa sinh năm 1284, mất năm 1330). Năm 1309, niên hiệu Hưng Long thứ 17, Huyền Quang được Pháp Loa cho về trụ trì chùa Vân Yên trên đỉnh núi Yên Tử, nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm. Hằng ngày ông giảng đạo cho các đệ tử, biên tập kinh… và gần như không còn liên hệ với chốn quan trường. Đây cũng là thời gian xảy ra câu chuyện mà người thời này vẫn còn truyền tai nhau về nỗi oan của Huyền Quang với nàng Điểm Bích.

Theo sách “Tổ gia thực lục” sự việc này xảy ra thời vua Trần Anh Tông năm Quý Sử 1313. Lúc bấy giờ, dù mới đi tu chưa được bao lâu song Huyền Quang đã trở thành một tôn giả lừng danh, tiếng đồn truyền tới tai triều đình.

Một hôm vua Anh Tông hỏi các quan hầu cùng đạo tăng: “Huyền Quang lão sư sống như tấm gương trong không mờ bụi, thế là dồn lấp tình dục hay không có dục tình?”. Đại thần Mạc Đĩnh Chi bước ra tâu: “Vẽ hổ chỉ vẽ ngoài da, khó vẽ trong xương, xin hãy cho thử mới biết…” Vua Anh Tông nghe theo, liền ngầm cho cho mời cung nhân Điểm Bích, đẹp người lại thông kinh sử đến dặn dò: “Vị tăng kia vốn giới hạnh cao nghiêm, ngươi hãy đến Yên Tử tìm hiểu cho trẫm. Nếu quả vị tăng ấy còn quyến luyến dục tình thì ngươi hãy tìm cách xin một thoi vàng về đây cho ta”.

Điểm Bích vâng lệnh lên chùa rồi chờ tới khuya thì xin vào nghỉ nhờ một đêm. Ban đầu Huyền Quang không đồng ý nhưng vì trời đã khuya, Điểm Bích lại hết mực kêu xin nên ông đã đồng ý. Đêm đó, khi Huyền Quang đang ngồi đọc kinh trong phòng thì Điểm Bích tìm tới. Ban đầu, Điểm Bích chỉ hầu chuyện, đối đáp thơ ca với Huyền Quang nhưng sau đó đã giở trò ong bướm hòng quyến rũ ông. Sư Huyền Quang giật mình vì bỗng nhiên bị ôm chầm liền vùng ra. Điểm Bích thấy vậy càng níu kéo. Hai bên giằng co một hồi làm đổ đèn dầu bắn tung tóe cả vào yếm của Điểm Bích. 

Khi giằng được ra khỏi tay Điểm Bích, Huyền Quang giận run người đuổi Điểm Bích về phòng. Sự việc ấy khiến Điểm Bích hiểu rằng, Huyền Quang là người giữ giới hạnh khó có thể dùng sắc đẹp quyến rũ được. Tuy nhiên, vốn là người thông minh, Điểm Bích nảy ra một kế. Sáng sớm hôm sau, Điểm Bích lại tìm đến gặp sư Huyền Quang giả vờ than khóc nói là con nhà khoa bảng, cha làm quan thu thuế bị cướp sạch bạc tiền, nếu không hoàn trả, cả nhà sẽ bị tội nặng. Vốn giàu lòng từ bi, Huyền Quang lấy vàng do vua ban tặng đưa cho Điểm Bích… 

Sau khi có được vàng, Điểm Bích trốn về cung tâu dối với vua rằng: “Thiếp vâng mệnh bệ hạ đến Yên Tử, lên chùa Vân Yên, tự xưng là con gái nhà dân tới xin học đạo. Sư già ở chùa đó thường sai thiếp bưng trà lên hầu Huyền Quang. Một tháng liền, Huyền Quang chẳng hề hỏi han, đoái hoài đến thiếp. 

Một buổi tối, vào khoảng canh ba, khi các tăng ni đã đi nghỉ hết, thiếp bèn tới phòng tăng của Huyền Quang thì thấy ngài đang thao thức và ngâm một bài kệ rằng: “Vằng vặc trăng mai ánh nước,  Hiu hiu gió trúc ngâm sênh, Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ, Mâu thích ca nào thử hữu tình”. 

Huyền Quang ngâm đi ngâm lại mấy lần. Thấy vậy thiếp đánh bạo vào phòng tăng cáo từ nhà sư trở về quê thăm cha mẹ và xin sang năm sẽ trở lại học đạo. Sư bèn giữ thiếp lại một đêm rồi ban cho thiếp một nén vàng... Nghe hết những gì mà Điểm Bích bịa ra và kể lại, vua Anh Tông than: “Nếu việc ấy có thực thì ta đã đạt được mưu kế giăng lưới bắt chim, mà nếu việc ấy không có thì Huyền Quang cũng không tránh khỏi sự nghi ngờ qua ruộng dưa mà sửa giầy”. 

Để kiểm chứng chắc chắn Huyền Quang vẫn chưa thoát khỏi thất tình lục dục như người ta đồn đại, vua Anh Tông liền sai mở hội Vô Già ở phía Tây đô thành và sai sứ đi Yên Tử mời Huyền Quang về làm án pháp. Huyền Quang tới, thấy trên án bầy biện vàng lụa, các món tạp vật liền biết vua Anh Tông có ý thử thách mình.

Truyện kể rằng, khi đó, sư Huyền Quang thở dài, lên xuống đàn ba lần rồi bái vọng ra mười phương. Ngay lúc ấy, một đám mây đen xuất hiện, gió nổi lên, các tạp vật bay đi hết, chỉ còn lại đèn nhang và đồ cúng. Vua thấy Huyền Quang đạo pháp thấu đến trời đất liền vái tạ lỗi với Huyền Quang và bắt phạt, không cho Điểm Bích làm cung nhân nữa mà đi quét chùa Cảnh Linh trong cung điện. 

Sau vụ giải oan ở Thăng Long, Huyền Quang trở về miền Đông Bắc, tiếp tục viết sách, giảng kinh, trở thành học trò xuất sắc của Pháp Loa. Năm 1330, Pháp Loa viên tịch, Huyền Quang được truyền làm tổ thứ ba cua dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Bốn năm sau đó, vào năm 1334, vị thiền sư lừng danh của Việt Nam qua đời ở tuổi 81. 
 (Theo NĐT) 

Anh tiều phu lập công một ngày thăng liền ba cấp

Sự kiện đặc biệt đó gắn liền với tên tuổi Trần Xuân Soạn (1849-1923), một vị tướng giữ chức Đề đốc quân vụ và chính là người chỉ huy trực tiếp cuộc tấn công đồn Mang Cá ở kinh thành Huế trong sự kiện phe chủ chiến nổi dậy đêm 4 rạng 5.7.1885. Sau đó ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị mở đầu phong trào Cần Vương chống Pháp.
Ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương lần thứ nhất, kêu gọi đồng bào, sĩ phu cả nước đứng lên “đánh đuổi bọn Tây Dương cứu nguy cho xã tắc”. 
Được giao nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo phong trào kháng Pháp ở Thanh Hoá, Trần Xuân Soạn cùng với Hoàng Đình Đởn cho lập nhiều cứ điểm quân sự, lấy Thạch Thành làm căn cứ chính và tiến hành hoạt động ở nhiều vùng, liên lạc với nghĩa quân khắp nơi. Ông trực tiếp chỉ huy cánh quân ở Quảng Hoá (thuộc huyện Vĩnh Lộc) để hỗ trợ các căn cứ Ba Đình và Mã Cao (Yên Định, Thanh Hoá) do Đinh Công Tráng, Phạm Bành đóng giữ để án ngữ cửa ngõ miền Trung.
Tranh minh họa

Để tạo thanh thế, Trần Xuân Soạn đã tổ chức đánh thành Thanh Hoá vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 3 năm 1886 (tức là ngày 7 tháng 2 năm Bính Tuất) nghĩa quân dùng 300 cảm tử quân của Tú Phương (tên thật là Nguyễn Phương) từ hai huyện Tĩnh Gia và Nông Cống kéo ra. Một số nghĩa quân khác được ém sẵn trong làng Vĩnh Yên, ở ngoại ô để hỗ trợ cho Nguyễn Phương.
Ngoài ra còn có cánh quân của Đỗ Mậu từ Quảng Xương lên; cánh quân của Lê Ngọc Toản chỉ huy phục sẵn ở làng Phù Lưu; cánh quân của Tống Duy Tân xuôi theo dòng sông Mã, chặn quân tiếp viện của giặc ở các huyện kéo về; cánh quân của Lãnh Phiên bao vây huyện lỵ Quảng Xương ở Hương Lễ (nay thuộc xã Quảng Cát); cánh quân của Lê Khắc Tháo, Nguyễn Hữu Hạnh từ núi Nhồi tiến đánh Phủ Đông Sơn, sát cạnh tỉnh lỵ; cánh quân của Nguyễn Đôn Tiết án ngữ ở làng Yên Vực (Hoằng Hoá) nhằm chặn đường tiếp viện của giặc từ ngoài Bắc vào; lực lượng của nghĩa quân Nguyễn Xuân đóng ở Tào Xuyên; lực lượng của Lê Trí Trực bố trí ở làng Phú Khê và vùng Nghĩa Trang, (Hoằng Hoá).
Cuộc tấn công khiến lính Pháp, lính Nam Triều bị bất ngờ, nhiều kẻ bị giết khi không kịp trở tay, tên Chánh văn phòng toà sứ là Pie (Piert) và trung uý Phơrăngcơ (Franck) bị trọng thương; khắp thành Thanh Hóa lửa cháy rực trời, trống mõ khua vang, tiếng nghĩa quân reo hò như sấm. Đến gần sáng, tính liệu không thể chiếm được thành nên nghĩa quân rút lui để giữ gìn lực lượng. Tuy không đạt được mục đích nhưng trận này đã làm cho kẻ thù khiếp đảm, đồng thời cũng đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng Cần Vương và tạo nên một phong trào khởi nghĩa hợp nhất ở xứ Thanh.
Vừa để trả thù, vừa nhằm khủng bố tinh thần và lung lạc ý chí hòng buộc Trần Xuân Soạn phải đầu hàng, giặc Pháp và tay sai đã đào mộ lấy hài cốt của thân phụ ông đặt ở giữa đường mà thiêu huỷ, nhưng hành động hèn mạt ấy không làm ông lay chuyển mà càng quyết tâm chống lại Pháp quyết liệt hơn. Trong thời gian chiến đấu chống giặc, em trai Trần Xuân Soạn là Trần Xuân Huấn cũng hy sinh, người con trai thứ hai của ông là Trần Xuân Kháng cũng bỏ mình vì nước.
Trần Xuân Soạn từng làm một bài thuật hoài tỏ chí của mình:
Ly Hương khức quốc thậm quai kỳ/ Nam Bắc lưỡng hồi thảo mọc tri
Biến tình cảm ngôn thiên quy nguyệt/ Thu tông tạm dị tị hiềm nghi
Hiền thê mạc quái phu tình bạc/ Hiếu tử hữu đàm phu đạo khuy
Tân phó biệt hoài đồng thuý khứ/ Hận tiên lưu lạc thất tâm tư.
 Nghĩa là:
 Dời nhà, xa nước trót sai kỳ/ Nam Bắc hai phen cây có ghi
Đối họ dám đâu rằng dối trá/ Náu mình tạm để lánh hiểm nghi
Vợ hiền chớ trách chồng đen bạc/ Con hiếu đừng chê bố lỗi nghì
Trút sạch nhớ thương dòng biển cả/ Trước sau lưu lạc một tâm tư.
Cuối năm Bính Tuất (1886) đầu năm Đinh Hợi (1887) giặc Pháp tăng cường binh lực, dồn sức tấn công phong trào Cần vương ở Thanh Hóa, các căn cứ Ba Đình, Mã Cao lần lượt thất thủ, Trần Xuân Soạn rút quân lên Điềm Lư, châu Quan Hoá (nay là huyện Bá Thước) xây dựng lại lực lượng. Ít lâu sau, ông sang Trung Quốc gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ nhưng vì tình thế biến động nên không thể trở về đành ở lại Long Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) cùng Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật. 
Những lãnh tụ này dù thân nơi đất khách vẫn nỗ lực làm những gì có thể, họ đã cùng các đồng sự khác tổ chức liên lạc với các cuộc kháng chiến chống Pháp trong nước; quyên góp tiền bạc mua sắm vũ khí, đạn dược chuyển về cho nghĩa quân. Thậm chí còn tổ chức nhiều toán vũ trang hoạt động chống Pháp từ năm 1891 – 1895 ở vùng biên giới Việt-Trung, mạnh nhất là ở khu Đông Triều, Hoành Mô (Móng Cái, Quảng Ninh).
Năm Quý Hợi (1923) Trần Xuân Soạn lâm bệnh, mất tại Long Châu, thọ 74 tuổi.
Sự nghiệp và ý chí của Trần Xuân Soạn được nhắc đến rộng rãi, được lưu truyền ca tụng trong dân gian, nhưng xuất thân của vị anh hùng này cũng như con đường binh nghiệp của ông thì chưa nhiều người biết rõ.
Trần Xuân Soạn quê ở làng Thọ Hạc, xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (nay thuộc phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá) sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông anh em, ông phải đi làm thuê cho một nhà giầu trong làng. Mặc dù vất vả nhưng Trần Xuân Soạn rất chăm đọc binh thư, luyện tập võ nghệ nên thao lược cả văn lẫn võ. 

Do hoàn cảnh khó khăn nên khi triều đình bắt lính, ông tình nguyện đi thay người làng để lấy tiền giúp gia đình sinh sống. Sau đó trong quân xét duyệt lại thấy ông không hợp cách bèn loại ra; phẫn chí Trần Xuân Soạn xin vào làm người hầu bếp cho Nhuệ vũ quân phó quản thành Bắc Ninh. 
Bấy giờ tàn dư của quân Thái Bình thiên quốc bị nhà Thanh đánh bại nên một bộ phận trốn sang nước ta trở thành những toán phỉ đi cướp bóc khắp nơi ở miền thượng du phía Bắc, dân gian gọi chúng là “giặc Khách”. Vì sự nhiễu nhương gây khổ cực cho nhân dân, triều đình đã cử nhiều vị tướng trong đó có Tôn Thất Thuyết đem quân đi tiễu phỉ, nhưng do chúng đông, dữ tợn nên quan quân đánh dẹp gặp rất nhiều vất vả.

Chân dung Trần Xuân Soạn trên tem bưu chính.

Cuộc đời của Trần Xuân Soạn được đánh dấu bằng một sự kiện diễn ra tại Đồng Mỏ (nay thuộc huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), đó là trận đánh giữa quân triều đình và bọn giặc Khách. Khi ấy Trần Xuân Soạn làm phu gánh cơm cho toán lính đang truy kích phỉ, nhưng khi đuổi đến Đồng Mỏ thì bọn chúng kéo ra rất đông, sau một hồi giao chiến, người chỉ huy toán quân là Tán Lập bị giặc giết chết, quân triều đình hoảng hốt bỏ chạy tán loạn. Trần Xuân Soạn vứt bỏ gánh cơm nhưng chạy không kịp, nghĩ rằng đằng nào cũng chết bèn quay lại cầm lấy thanh đao rồi nhặt lá cờ của quân ta cắm lên. Bọn giặc thấy vậy liền kéo đến, ban đầu chúng rất coi thường tưởng có thể “quả địch bất chúng”, một người sao địch nổi số đông nhưng không ngờ Trần Xuân Soạn trổ tài nghệ của mình, múa đao xung sát chém gục hơn chục tên. 
Lúc đó, Tán tương quân vụ Tôn Thất Thuyết đang đứng trên núi theo dõi toàn bộ chiến trường, thấy phía xa có người một mình cự giặc bèn sai ghi công và cho quân đến tiếp ứng. Được quân triều kéo tới giúp, Trần Xuân Soạn khí thế càng hăng, tung hoành đâm chém khiến bọn giặc kinh hồn. Kết cục cả toán giặc bị phá, thế trận đang thua trở thành thắng.
Khi trở về doanh trại, Trần Xuân Soạn còn mang theo 18 cái đuôi sam cắt từ tóc giặc; ông được Tôn Thất Thuyết rất khen ngợi và thăng liền một lúc 3 cấp: Suất đội, phó quản, Chánh quản. Thế là từ một anh phu nhưng nhờ lập công lớn, trong một ngày Trần Xuân Soạn được thăng đến 3 cấp là một việc có một không hai. Từ đó ông tham gia nhiều cuộc tiễu phỉ, lập thêm công trạng rồi lên đến chức Lãnh binh Bắc Ninh năm Đinh Sửu (1877), năm sau được thăng Phó đề đốc, năm tiếp theo có công đánh tan giặc Khách ở khu vực sông Sỏi (thuộc huyện Yên Thế, Bắc Giang) được đặc cách thăng làm Đề đốc Nam Định. 
Năm Nhâm Ngọ (1882) Trần Xuân Soạn được về kinh đô giữ chức Đề đốc Hộ thành; khi vua Hàm Nghi lên ngôi, ông được thăng chức Tả quân đô thống và trong phong trào Cần vương kháng Pháp bùng nổ sau đó không lâu ông được phong làm Đô thống phủ Chưởng phủ chưởng vệ Trung dũng tướng quân.
Lê Thái Dũng (Dân Việt)

Lưu giữ, bảo tồn ngôi làng cổ Dịch Diệp

Ở Việt Nam ta, có rất nhiều làng cổ nổi tiếng. Mỗi làng cổ mang một phong cách và dấu ấn riêng biệt, làng cổ Dịch Diệp ( xã Trực Chính – huyện Trực Ninh – tỉnh Nam Định) là một trong những làng cổ có tên tuổi nổi tiếng gần xa.
Được hình thành từ đầu TK 11, làng cổ Dịch Diệp xưa kia có tên gọi là Dịch Diệp Trang thuộc huyện Tây Chân – Chấn Sơn Nam, nay thuộc xã Trực Chính – huyện Trực Ninh – tỉnh Nam Định. Làng hình thành theo phong cách chung của làng văn hóa Việt cổ truyền thống với nhiều nét đẹp cổ kính, đi vào lòng người nhiều dấu ấn khó phai.

Cổng làng bên cạnh cây cầu cuốn
Cổng làng bên cạnh cây cầu cuốn

Đầu làng đến cuối làng đều có cổng làng, có đường đi qua các làng bên. Trải qua thời gian dài, làng cổ Dịch Diệp chỉ còn duy nhất 1 cổng làng phía Nam đứng bên cạnh cây cầu cuốn bắc qua con sông thơ mộng. 

Bên cạnh đó, làng vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà và cổng nhà cổ, cây Bồ Đề có tuổi đời 700 – 800 năm tuổi. Nó như một minh chứng cho sự tồn tại của làng Dịch Diệp cổ cho đến nay, thể hiện sự sống lâu đời.

Một góc làng cổ Dịch Diệp
Một góc làng cổ Dịch Diệp

Theo các cụ cao niên trong làng, thì Làng cổ Dịch Diệp được hình thành từ thời nhà Lý, dưới thời vua Lý Thái Tổ, thuở ban đầu làng tập chung làm nghề canh nông, sau này mở thêm nghề dệt cửi, lúc này nghề dệt cửi bắt đầu hình thành và phát triển trên vùng đất Dịch Diệp cổ.

Với nghề dệt cửi truyền thống nổi tiếng, tên tuổi của làng đã nhanh chóng được vang xa hơn. Đặc biệt, năm 1947 làng đã may áo chấn thủ gửi tặng bộ đội và may tấm áo lụa gửi tặng Bác Hồ, được Người gửi thư khen.

Một trong những ngôi nhà cổ của làng vẫn còn được lưu giữ
Một trong những ngôi nhà cổ của làng vẫn còn được lưu giữ

Thế nhưng qua thời gian dài, những nét Việt cổ của làng Dịch Diệp dường như đang phai nhạt theo năm tháng cùng với sự phát triển của xã hội nên nhu cầu công việc của con người cũng thay đổi. Nghề dệt không được trú trọng nhiều bởi thu nhập không cao.

Để bảo tồn và lưu giữ những gì mà làng vẫn còn tồn tại, rất mong các cấp chính quyền cần có những giải pháp thích hợp để lấy lại vẻ đẹp cho làng Việt cổ Dịch Diệp, đồng thời lưu giữ lại nghề dệt đã bao đời nay gắn bó với bà con.
Trực Chính (Dân Việt) 

Nghìn năm xưa khó rửa tiếng nhơ: Cõng rắn cắn cả nhà

Lê Mẫn Đế (1765 – 1793), tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên là Lê Duy Kỳ, là vị vua thứ 16 và là cuối cùng của nhà Lê trung hưng.
Tháng Bảy năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ với ngọn cờ phù Lê diệt Trịnh đã mang quân ra Bắc Hà đánh đổ Trịnh Khải. Quyền bính khi đó ở cả trong tay Nguyễn Huệ. Vua Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ là Nguyên soái phù chính dực vận Uy Quốc Công, sau đó gả công chúa Lê Ngọc Hân cho.
 Khi đó Bắc Hà rối loạn, lòng người tản mát, vua Lê yếu hèn nhu nhược, chúa Trịnh thì đã bị đánh đổ, tạo ra khoảng trống quyền lực. Tuy nhiên, Nguyễn Huệ ra Bắc Hà lần này là lần đầu, giới sĩ phu Bắc Hà, do tư tưởng chính thống nên còn rất nghi kỵ và nhìn chung có thái độ chống đối với quân Tây Sơn. Từ đó, việc chọn người nối ngôi vua Lê, Nguyễn Huệ tham khảo ý kiến vợ là công chúa Ngọc Hân.
Công chúa Lê Ngọc Hân khen Duy Cận là người hiền, nhưng sau đó do ý kiến từ các hoàng tộc nhà Lê, Ngọc Hân xin lại với Nguyễn Huệ lập Duy Khiêm. Nguyễn Huệ đồng ý, đưa Duy Khiêm lên ngôi vua. Vua mới đổi tên là Duy Kỳ, đặt niên hiệu là Chiêu Thống. Năm đó, Chiêu Thống 21 tuổi.
Bìa sách Hoàng Lê Nhất thống chí, trong đó có nội dung lên án mạnh mẽ hành động bán nước của vua lê chiêu Thống (Nguồn Internet, ảnh mang tính minh họa cho bài viết)
Tình trạng "bằng mặt mà không bằng lòng" giữa Chiêu Thống và Trịnh Bồng thể hiện qua sự kiện bổ nhiệm và đặt tên gọi quan lại sau đó. Chiêu Thống tìm cách nắm lấy binh quyền, nhưng Đinh Tích Nhưỡng, câu kết với Hoàng Phùng Cơ, mượn tiếng đem quân từ Sơn Tây về bảo vệ kinh thành, gây áp lực buộc nhà vua phải trở lại hệ thống cai trị cũ trước kia với quyền hành thực sự nằm cả trong tay chúa Trịnh.
Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục nhận xét: Từ đấy, chính quyền trong nước lại về tay họ Trịnh, nhà vua rất tức giận, mọi việc đều giằng co hạn chế, trong triều rối beng, không biết thế nào là chuẩn định.
Tháng 12 năm Bính Ngọ, (1786), sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh đánh tan quân họ Trịnh, vào Thăng Long, Chiêu Thống bèn bổ dụng Chỉnh là Đại tư đồ, phong tước Bằng trung công. Chiêu Thống từ đấy dựa cả vào Hữu Chỉnh. Chỉnh nắm binh quyền, dần dần ép Chiêu Thống cả trong việc bổ nhiệm quan chức, sắp đặt chính sự.
Lược đồ chiến thắng giặc Thanh do Quang Trung chỉ huy. (Nguồn Internet, ảnh mang tính minh họa cho bài viết).
Tháng 11 năm Đinh Mùi, Chiêu Thống thứ nhất (1787). Quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tấn công Bắc Hà tìm diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Sau đó, Chiêu Thống thân chinh cầm quân ngự chiến, nhưng thua trận, Nguyễn Hữu Du chết tại trận, Nguyễn Hữu Chỉnh bị bắt giải về kinh, rồi bị Văn Nhậm xử tử, quân nhà vua tan vỡ. Dương Đình Tuấn hộ vệ vua chạy sang trại Sơn Lộc. Chiêu Thống lẩn quất ở mạn Bắc sông Nguyệt Đức, khi thì ở huyện Gia Định, lúc lại đi Chí Linh, Thủy Đường, Vị Hoàng. Nhậm lại kiêu ngạo, tiếm quyền, có ý đồ phản Tây Sơn. Tháng tư năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lại ra Bắc, vào thành Thăng Long, bắt giết Vũ Văn Nhậm, cho Ngô Văn Sở cai quản binh quyền, đặt Lê Duy Cận làm giám quốc coi việc thờ cúng tôn miếu nhà Lê. Chiêu Thống chạy ra Kinh Bắc lần thứ hai.
Trước kia, khi thái hậu là mẹ vua đến Cao Bằng, bị các thế lực cát cứ địa phương uy hiếp, bầy tôi nhà Lê là Đốc đồng Nguyễn Huy Túc, phiên thần Địch quận công Hoàng Ích Hiểu, tụng thần Lê Quýnh và Nguyễn Quốc Đống bảo vệ thái hậu và con trai Chiêu Thống qua cửa ải Thủy Khẩu chạy sang Long Châu nhà Thanh, gặp Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh cầu xin cứu viện.
Nhà Thanh bèn nhân dịp đấy định thôn tính luôn An Nam. Cương mục viết:Thái hậu đưa nguyên tử (con trai Chiêu Thống) đến yết kiến ở trong sân, gào khóc xin cứu viện. Bọn Sĩ Nghị tâu với vua Thanh rằng tự hoàng nhà Lê đương phải bôn ba, đối với đại nghĩa, ta nên cứu viện. Vả lại, An Nam là đất cũ của Trung Quốc, sau khi khôi phục nhà Lê, ta nhân đó, đặt lính thú để đóng giữ. Thế là vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam: thật là làm một chuyến mà được hai lợi.
Vua Thanh thuận cho, Sĩ Nghị bèn điều động quân bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu kéo sang Đại Việt, sai Lê Quýnh, Nguyễn Quốc Đống về tâu lại với Chiêu Thống. Vua bấy giờ mới biết, bèn sai Tham tri chính sự Lê Duy Đản và Hàn lâm hiệu thảo Trần Danh Án đi đường tắt lên đón quân nhà Thanh
Quân Thanh sang, quân Tây Sơn không đón đánh mà bỏ Thăng Long lui về giữ Tam Điệp. Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đưa Chiêu Thống về Thăng Long. Nhà Thanh phong cho Chiêu Thống làm An Nam quốc vương. Kể từ đây, Chiêu Thống tin tưởng hoàn toàn vào nhà Thanh. Dù trở lại ngôi vua, Chiêu Thống thực sự chỉ là bù nhìn của quân Thanh. Việc chủ yếu của vua lúc đó là luận công những người hộ giá và trị tội những người theo Tây Sơn. Ngoài ra, việc trong ngoài đều trong tay Sĩ Nghị.
Cương mục nhận xét: Bấy giờ hào kiệt bốn phương đua nhau trổ sức để làm việc, nhưng nhà vua chủ yếu chỉ dựa vào người Thanh. Khi chia ban quan chức, nhà vua chỉ trao cho các bầy tôi đi theo hộ giá và theo hầu ở hành tại, còn cựu thần và hào kiệt đều không được bổ dùng. Các bầy tôi cũng không ai nói đến việc ra quân để phục thù. Trong kinh và ngoài các trấn thảy đều chán nản và rời rạc. Cái cơ thành hay bại chỉ một mực tùy theo người Thanh mà thôi. Thế là việc nước không thể xoay xở được nữa.
Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung (Nguyễn Huệ khi đó đã xưng hoàng đế) kéo quân ra Bắc Hà, chỉ một trận quét sạch 29 vạn quân Thanh, Chiêu Thống lại phải theo bại quân nhà Thanh chạy sang Trung Quốc, và tiếp tục xin nhà Thanh cho quân cứu viện. Nhà Thanh, phần sợ Quang Trung, phần đã ngán ngẩm việc chinh chiến, chỉ hứa hão với Chiêu Thống mà không cho quân sang. Thân vương nhà Thanh là Phúc Khang An hứa giúp quân cho Chiêu Thống, nhưng lại tâu với vua Thanh Càn Long rằng Chiêu Thống không còn muốn trở về. Tháng tư năm đó, theo lời tâu của Hòa Thân và Phúc Khang An, Càn Long phong Nguyễn Huệ là An Nam quốc vương và nhận tiếp sứ của nhà Tây Sơn.
Tháng 5 năm Nhâm Tý, tức năm Càn Long thứ 57 (1792), con trai chết, Chiêu Thống thất vọng và chán nản, lâm bệnh rồi qua đời ngày 16 tháng 10 năm 1793 tại Yên Kinh.
Lê Chiêu Thống bị giới làm sử đời sau phê phán gay gắt. Các tác giả Ngô gia văn phái trong tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí viết: Tuy vua Lê đã được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. Vì có Nghị ở đấy nên không dám dùng niên hiệu Chiêu Thống. Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng: Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?
Út Tẻo (Dân Việt)

Nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân xinh đẹp, giỏi song kiếm

Chuyện xưa kể: Một hôm trong vùng núi Thuận Ninh ở trong vùng Tây Sơn ở phía Bắc sông Côn, Bùi Thị Xuân gặp một tráng sĩ đương đánh mãnh hổ. Tráng sĩ mình đầy máu me, sức đã sắp đuối. Nữ tướng hét lên một tiếng, rút song kiếm xáp vào cứu tráng sĩ.
Hổ bỏ tráng sĩ, đánh cùng Bùi Thị Xuân, cuối cùng bị một nhát kiếm nơi vai, gầm lên một tiếng bỏ chạy. Bùi Thị Xuân trở lại băng bó cho tráng sĩ. Tráng sĩ đó là Trần Quang Diệu. Sau đó hai người trở thành vợ chồng và cùng giúp nhà Tây Sơn dựng nghiệp. Bùi Thị Xuân là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư và là một Đô đôc của vương triều Tây Sơn. Bà quê ở thôn Xuân Huề, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  
Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân ở Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định .
Trong trận đại phá quân Thanh năm 1789, bà chỉ huy đội tượng binh của đạo Trung quân của nhà vua Quang Trung. Bà cũng có tấm lòng thương dân, lúcnhiều phủ huyện ở trấn Quảng Nam mất mùa, sinh loạn, quan quân địa phương không kiềm chế nổi. Đến nơi, bà tự mình đi thị sát khắp các hạt, rồi cho mở kho phát chẩn. Thấy viên quan nào chiếm công vi tư, ăn của hối lộ... bà đều thẳng tay cách chức, chọn người tài đức lên thay. Ngoài ra, bà còn ra lệnh bãi bỏ các cuộc truy lùng những nhóm người nổi dậy, và mạnh dạn ra tuyên cáo rằng: Ai vác cày bừa, nông cụ thì được coi là dân lành...
 
 
Vẻ đẹp kiều diễm và uy nghiêm của Bùi Thị Xuân qua bức tượng tạc hình Bà.
Sau khi quân Tây Sơn bị đại bại ở Nhật Lệ và Trấn Ninh, thì đất Thuận Hóa từ Hải Vân đến Linh Giang thuộc về nhà Nguyễn, ngày 2 tháng 7 năm 1802, Nguyễn Ánh xứng đế, đem vua tôi nhà Tây Sơn ra báo thù, riêng đối với Bùi Thị Xuân, phải chịu hình phạt khốc liệt nhất, tuy nhiên Bà vẫn giữ thái độ hiên ngang con nhà tướng khi bị hành hình.
Người ta còn truyền rằng khi nghe Bùi Thị Xuân bị bắt, Chúa Nguyễn gằn giọng: Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh? Bà đáp: Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc Hà.
Du khách viếng thăm đền thờ Đô đốc và dâng hương.
Với công đức của mình, đô đốc Bùi Thị Xuân được đưa vào điện thờ Tây Sơn nơi thờ Hoàng đế Quang Trung và văn thần võ tướng nhà Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung. Ngoài ra tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định còn có đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Ca ngợi tinh thần quyết chiến thắng của Bùi Thị Xuân, danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1854-1922) có thơ:
Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều/ Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc
Mộc Lan tòng quân Hoàng Hà Khúc/ Thùy ngôn cân quắc bất như nhân?
Nghĩa là:
Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung/ Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân.
Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà/ Ai bảo khăn yếm không bằng người?
Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân thờ ở Điện thờ Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung.
Hình tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân cưỡi voi ra trận ở Festival Tây Sơn .
  
  
  Con gái Bình Định bên song kiếm mà Đô Đốc Bùi Thị Xuân thường đánh rất giỏi.

(Theo Nhà Tây Sơn của Quách Tấn, Quách Giao)

Bà đỡ đẻ làm nội ứng, hạ đồn quân cướp nước

Góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, đánh đuổi giặc Minh xâm lược hồi thế kỷ XV, bên cạnh những tài năng của các văn thần võ tướng còn có những người dân thường thầm lặng nhưng vô cùng vĩ đại. Người phụ nữ đỡ đẻ trong câu chuyện dưới đây là một trong số những người vĩ đại ấy.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ vào mùa Xuân năm Mậu Tuất (1418), từ đó cho đến năm Qúy Mão (1423), quân Lam Sơn chỉ hoạt động quanh quẩn ở vùng núi Thanh Hoá, bị quân Minh nhiều lần đánh bại, tình thế vô cùng khó khăn.
Đúng thời điểm đó, tướng Nguyễn Chích đã hiến kế với Lê Lợi rằng: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thuộc đường đất. Nay hãy đánh trước lấy Trà Lân, chiếm cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.

Bà đỡ đẻ.
Chấp thuận kế hoạch của ông, Lê Lợi quyết định tiến vào Nghệ An và công việc quan trọng bậc nhất là phải tiêu diệt được đồn Đa Căng (nay thuộc xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, Thanh Hoá). Đây là đồn lũy trấn giữ vị trí hiểm yếu nên quân Minh bố trí lực lượng rất mạnh do tên chủ tướng Lương Nhữ Hốt chỉ huy.
Bọn giặc rất cảnh giác, chúng không cho bất kỳ ai đến khu vực quanh đồn, canh giữ nghiêm ngặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. Muốn chiếm được đồn giặc này cần phải có lực lượng lớn, nếu hạ được tổn thất sẽ không thể tính được, điều đó khiến bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn lo lắng, phân vân.
May mắn thay, trong số nghĩa quân hoạt động ở vùng này thời đó cho biết, có một người có thể làm nội ứng giúp chiếm đồn Đa Căng, người đó là một bà lão làm nghề đỡ đẻ, thường được gọi là mụ Vườn. Thấy bà già yếu không có khả năng làm gì hại chúng được nên giặc Minh cho phép bà ra vào đồn trại để lo việc hầu hạ, chăm sóc vợ con tướng giặc khi sinh nở. Chúng đâu ngờ rằng bà cụ lại là cơ sở tình báo của nghĩa quân, thường xuyên liên lạc cung cấp thông tin trong đồn cho quân ta.
Khi nhận được lệnh phải để ý cách canh phòng, bố trí lực lượng phục vụ cho cuộc tấn công sắp tới, mụ Vườn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Biết rõ được nội tình của giặc, quân Lam Sơn do Lê Lợi trực tiếp chỉ huy tổ chức đánh úp đồn Đa Căng ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn (tức ngày 12.10.1424), giành được thắng lợi lớn.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa Thu, tháng Chín, ngày 20, vua chỉ huy quân và voi đánh úp đồn Đa Căng, phá được đồn này. Tham chính nhà Minh là Lương Nhữ Hốt chỉ chạy thoát được thân mình, ta thu hết khí giới, đốt phá đồn giặc. Đô chỉ huy sứ nhà Minh Nguyễn Suất Anh đem quân đến cứu viện, nhưng đồn đã mất. Anh chưng hửng, không chỗ bấu víu, vua lại đánh bại chúng. Anh chạy vào thành Tây Đô. Vợ con của Anh bị ta bắt được, vua đều tha cho về cả”.

Vua Lê Lợi
Theo sách Lam Sơn thực lục, trong trận này “ta đánh thắng, giặc thua to, chạy vào Tây Đô”, “giặc bị chém đầu và chết đuối hơn 1.000 tên”. Chiến thắng đó đã khai thông đường tiến vào Nghệ An, giúp quân ta liên tiếp hạ được các thành lũy, đồn trại của giặc và chỉ trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi thực hiện kế hoạch của Nguyễn Chích, quân Lam Sơn làm chủ cả vùng rộng lớn từ Thanh Hóa vào Thuận Hoá, cho thấy hiệu quả của việc thay đổi chiến thuật này rất lớn.
Chuyện kể rằng sau trận hạ đồn Đa Căng, Lê Lợi ban thưởng lớn cho nghĩa quân, công đầu thuộc về "mụ Vườn". Ông còn cho đổi tên Đa Căng có nghĩa là khoe nhiều như bọn giặc từng tự đắc về lực lượng của chúng, đặt lại thành tên gọi Bất Căng nghĩa là không sợ, cũng có nghĩa là không khoe được.
Ngày nay tại làng Bất Căng còn một số dấu tích liên quan như cồn Bà Già là nơi chôn cất "mụ Vườn" sau khi bà mất, nền đồn lính của quân ta gọi là Phong Bái, đường quân ta đi gọi là Vân Lộ đều mang ý nghĩa phong vân đắc lộ, đường mây gặp gió, thênh thang tiến bước đi đến chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn.
Lê Thái Dũng (Dân Việt)

Truyền đời chuyện ngôi mả “chôn đứng” ở Tiền Giang

Lần theo dấu chân người dong duổi đất phương Nam, người bình dân miệt này còn lưu truyền câu chuyện "Đứa con giết mẹ bị Trời trồng chết đứng".
Truyện đại thể rằng: Có một tên cố nông, nhà nghèo nhưng không biết lo làm ăn lại hay ngỗ nghịch với mẹ. Ngày kia, hắn được bạn bè rủ đi nhậu. Hắn giao đứa con chừng 3 – 4 tuổi cho mẹ hắn trông coi. Bà mẹ già lẩm cẩm đã để đứa con của hắn té sông mà chết. Khi hay tin, hắn trở về hung hăn cầm phảng rượt chém mẹ, bà già hoảng hốt bỏ chạy. Chẳng may, chân vấp phải bờ đất té nhào. Hắn giơ phảng lên khỏi đầu thì cũng là lúc Trời hóa phép “trồng” đứng hắn như vậy. Hắn đau đớn rên la mấy ngày rồi chết. Dân làng thương tình nên dùng xi măng trét lại thành cái mả đứng. Ở vùng Tiền Giang có cái mả đứng như thế.
Song, trong dân gian còn một cách lý giải về chuyện mả đứng – trời trồng gắn với chủ nhân của của nó là tên Việt gian khét tiếng Trần Bá Lộc. Dân gian tin rằng do tên này quá ác, nên trước khi qua đời hắn sợ bị “đào mồ cuốc mả” nên trối lại phải chôn nhiều ngôi mộ giả để… không ai biết. Còn việc mả chôn đứng là bởi Trần Bá Lộc cao ngạo đòi chôn đứng để “chống mắt nhìn đời”. Sự thật thì không biết sao, có điều bia miệng về sự gian ác của hắn để lại đến nay vẫn chưa hề mai một.
Trong số những "đại Việt gian" theo thực dân Pháp giết hại nhân dân, đàn áp các phong trào khởi nghĩa ở Nam Bộ, thì Trần Bá Lộc là tay sai tàn ác nhất. Trần Bá Lộc là con Trần Bá Phước, người Quảng Bình, đỗ tú tài vào Nam dạy học tại Cái Nhum Rau Má (Vĩnh Long), sau đó đổi lên cù lao Giêng (Châu Đốc).
Trần Bá Lộc (Nguồn: Internet)
Khi thực dân Pháp xâm chiếm, Lộc đem gia đình lên Mỹ Tho, làm nghề bán cá cho quân Pháp, rồi nhờ một ông cố đạo gọi là cha Marc giới thiệu để xin vào làm lính mã tà.
Lộc lập nhiều thành tích nhờ do thám, chỉ điểm cho Pháp bắt các thân hào nhân sĩ ủng hộ nghĩa quân, nên được thăng chức làm cai, rồi lên đội rất nhanh. Mới 26 tuổi, Lộc được bổ làm tri huyện, tức chủ quận Cái Bè năm 1865, cũng là người Việt Nam đầu tiên được Pháp bổ làm chủ quận Nam Kỳ.
Hai năm sau, Lộc được thăng Đốc Phủ Sứ (ngạch công chức cao nhất dành cho người Việt Nam dưới thời pháp thuộc. Với ngạch này có thể làm tới chức Phó chủ tỉnh).
Trên một tấm bia gắn trên mộ Lộc, chính quyền thuộc địa đã ghi nhận “công” của Lộc đã tham gia trong hầu hết những cuộc đàn áp nghĩa quân ở Nam Kỳ.
Lộc chém giết các nghĩa quân dã man hơn cả quân Pháp rất nhiều, nên dân chúng oán hận. Để dẹp tan các cuộc khởi nghĩa và dụ hàng, Lộc bắt cha mẹ, vợ con các lãnh tụ phải chỉ chỗ họ ẩn nấp, kêu họ ra đầu thú. Nếu không đạt mục đích, Lộc sẵn sàng hạ sát họ.
Chính từ sự tàn ác của Lộc, năm 1886, Lộc được Pháp điều ra Bình Định để đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng. Nhà văn Sơn Nam phân tích: "Khi Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa, Trần Bá Lộc ở xứ Nam Kỳ lại hăng máu, xin đem quân ra đánh dẹp.
Việc này xúc phạm đến tự ái của quân Pháp, các công sứ Pháp và Nguyễn Thân, tay Việt gian đắc lực ở miền Trung. Vì cho rằng tại sao dẹp một cuộc khởi loạn ở miền núi xứ An Nam, lại cần đến chi viện?.
Mộ đứng là của Trần Bá Lộc, ngôi mộ thấp hơn là của Trần Bá Thọ (con trai Lộc) (Nguồn: Internet).

Nhưng vài tên Pháp đầu sỏ đã ủng hộ việc ấy. Thế là Trần Bá Lộc huênh hoang, cho khắc con ấn với chữ Tổng đốc Thuận Khánh để sử dụng, đồng thời lại chiêu mộ hơn ngàn lính mã tà, đưa vào trại Ô Ma ở Sài Gòn để tập dượt”.
Với thủ đoạn từng áp dụng ở đảo Phú Quốc khi vây bắt nghĩa quân Nguyễn Trung Trực năm 1868, đàn áp cuộc khởi nghĩa Thủ Khoa Huân năm 1875 ở Mỹ Tho, Lộc bắt bớ rồi tra tấn thân nhân của nghĩa quân và của chính Mai Xuân Thưởng...
Trần Bá Lộc cho bắt người thân nghĩa quân rồi trói bỏ vào cối đá cho lính dùng chày giã để lung lạc tinh thần của các thủ lĩnh kháng Pháp, …
Nhiều quan chức người Pháp không ưa Lộc vì sự tàn ác đến man rợ, nhưng cũng thừa nhận rằng: "Lộc là người dùng phương tiện cẩu thả, nhưng đạt mục đích chắc chắn".
Tham Biện Mỹ Tho phê bình Lộc như sau: "Người ta có thể phàn nàn lão già này về hành động dã man lúc trước, nhưng tôi nghĩ trong hàng ngũ viên chức bản xứ hiện nay, khó tìm được người biết kính bề trên và tận tụy với quyền lợi của nước Pháp như hắn".
Toàn quyền Paul Doumer vào Nam lần nào cũng xuống nhà thăm Lộc. Để tưởng thưởng “công lao” của Lộc, năm 1899, Doumer cho Lộc làm thành viên của phái đoàn, tháp tùng Doumer viếng thăm Bangkok.
Ân huệ đó làm cho Lộc rất hãnh diện. Ngoài ra Doumer còn cất nhắc Lộc, trước khi chết được vào Hội đồng tối cao Đông Dương, có nhiệm vụ lo về an ninh lãnh thổ.
Lộc chết năm 1899, đám ma của Lộc quàn đủ 100 ngày, mỗi ngày đều làm heo, bò đãi khách khứa rần rần. Lễ động quan có binh lính bồng súng chào và đưa tới huyệt.
Sĩ phu Cái Bè có câu đối mai mỉa Trần Bá Lộc như sau: “Tả quân quốc ư lưỡng kỳ, Nam tảo Bắc trừ, thứ nhật niễu hùng nan dụng võ/ Bão lê dân ư Ngũ Hiệp, tư qui sinh ký, kiêm triêu chấp phất hận vô văn”.
Tạm dịch nghĩa: “Giúp việc cho thực dân Pháp và triều đình Huế; đánh phá trong Nam ngoài Bắc, ngày ấy niễu hùng này hết đường dùng võ/ Cai trị dân Ngũ Hiệp, sống ở chết về, muốn nhắc đến công nghiệp mà không có cái văn nào tả xiết”.
Út Tẻo (Dân Việt)