Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Bí mật động trời về nàng công chúa “hiếu dâm” bậc nhất nhà Lý

(Kiến Thức) - Dù đã có chồng nhưng quen thói trăng hoa, công chúa Thiên Cực - người đàn bà "hiếu dâm" bậc nhất Lý triều đã khiến hai kẻ nhân tình, nhân ngãi là Phạm Du và Tô Trung Từ vì ham sắc mà hồn lìa khỏi xác. 

Trong sử nước Nam có hai công chúa Thiên Cực được biết đến. Trước hết là Công chúa Thiên Cực Lý thị sẽ được đề cập trong bài viết này. Bên cạnh đó, Kiến Gia Hoàng hậu Trần Thị Dung là vợ của vua Lý Huệ Tông, sang thời Trần nhằm tháng 8 năm Bính Tuất (1226) bị con rể là vua Trần Thái Tông “Truất ngôi Thái hậu nhà Lý là Trần thị xuống làm Thiên Cực công chúa, rồi đem gả cho Trần Thủ Độ” (Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Hậu thế biết nhiều đến Thiên Cực công chúa là Trần Thị Dung, nhưng ít ai biết đến Thiên Cực công chúa Lý thị của nhà Lý. Có chăng là qua những điều không tốt đẹp về bà được sử sách ghi lại.  

Say men mật ngọt, lỡ chuyến đò ngang

Phạm Du (? - 1209) vốn là quan Thượng phẩm phụng ngự dưới triều vua Lý Cao Tông. Tháng 3 năm Đinh Mão (1207), hào trưởng đất Hồng Châu (thuộc Hải Dương, Hải Phòng nay) là Đoàn Thượng nhân nhà Lý suy yếu đã nổi dậy làm loạn. Vua cho tướng đi đánh dẹp, Đoàn Thượng liệu thế không chống được đem của cải đút lót cho Phạm Du, nhờ Du xin với vua Cao Tông tha cho, nhờ đó mà toàn mạng. Cũng từ đó, mối quan hệ của họ Phạm và họ Đoàn trở nên thân thiết.  

Đến năm Kỷ Tỵ (1209), Phạm Du được giao cai quản đất Nghệ An, nhưng lại tụ họp bè đảng làm loạn cướp bóc nhân dân, bị vua Lý Cao Tông sai tướng Phạm Bỉnh Di đem quân đánh trị tội. Phạm Du phải chạy trốn, bị tịch biên gia sản nên thù Di lắm, liền đem của đút cho quan trong triều làm trung thần Phạm Bỉnh Di bị vua Cao Tông hiểu lầm mà giết chết, dẫn đến loạn Quách Bốc nổi dậy trả thù cho chủ, còn vua phải chạy loạn khỏi Thăng Long. Nhà vua sai Phạm Du đến Hồng Châu để liên lạc với bọn hào trưởng Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi huấn luyện quân sĩ hòng dẹp quân Quách Bốc, lấy lại Thăng Long. 

 Đình làng Thân. 
Tuân lệnh vua, Phạm Du lên đường đến đất Hồng Châu. Lại nói, nhà Lý thời ấy thường dùng chính sách “nhu viễn” nhằm ràng buộc và thắt chặt mối liên kết giữa các tù trưởng với vương triều, giữa chính quyền trung ương với các châu mục, địa phương miền núi. Vua Lý thường gả các công chúa cho những tù trưởng miền núi. Việt sử lược thời Trần cho biết, trong Châu Lạng có động Giáp (tức là động của họ Giáp rất to), chúa động là Giáp Thừa Quý lấy con gái vua Lý sau đổi ra họ Thân. Con trai của Giáp Thừa Quý là Thân Thiệu Thái lấy công chúa Bình Dương. 

Năm Bính Ngọ (1066), con trai của công chúa Bình Dương là Thân Đạo Nguyên cưới công chúa Thiên Thành. Năm Đinh Hợi (1167), công chúa Thiên Cực về với quan Lạng Châu là Nội hầu Vương Thượng. Lạng Châu lúc ấy chính là Lạng Sơn bây giờ, bao gồm cả một phần Bắc Giang, lại cũng có tên gọi là Lạng Giang. Công chúa Thiên Cực lấy chồng từ thuở mới tuổi trăng náu, đến năm Kỷ Tỵ (1209) chắc cũng khoảng 45 – 50 cái xuân xanh. Chẳng biết là bậc “kim chi, ngọc diệp” (lá ngọc cành vàng) phải lấy tù trưởng miền núi xa xôi nên không thỏa ý hay chăng mà nàng công chúa đất Kinh kỳ đến tuổi lên bà rồi, vẫn chẳng chịu thôi cái thói phong sương. Thế nên mới có chuyện…

Khi Phạm Du đi đến đất Hồng Châu, phải qua Lạng Châu của nhà Thiên Cực. Vốn là mệnh quan triều đình, lại là võ tướng được vua Cao Tông tin tưởng trên đường đi làm nghĩa vụ quốc gia, nên việc đón tiếp người đất Kinh kỳ được Thiên Cực lấy làm vui lắm. Phạm Du thân là võ tướng, nhưng bụng dạ cũng chẳng tốt đẹp gì, tham nhũng, hối lộ đều đã kinh qua. Nay gặp được Thiên Cực công chúa đang ở cái tuổi hồi xuân, hai bên tâm sự lấy làm tương đắc lắm, lại được dịp Vương Thượng vắng nhà nên kéo nhau vào hậu phủ tư thông. Phạm Du là tên võ biền thô lỗ, được tình tự, “mây mưa” cùng công chúa nhà Lý thì lấy làm đắc ý, quên luôn cả nhiệm vụ vua giao.  

Hương lửa của đôi gian phu, dâm phụ cũng đến lúc phải dứt. Phạm Du khi ấy mới gấp gáp lên đường đến Hồng Châu. Nhưng giờ hẹn gặp ở bến sông Cái với Đoàn Thượng qua từ lâu lắm rồi. Tưởng Phạm Du không đến, Đoàn Thượng đã cho quân duổi thuyền đi. Phạm Du bèn lên chiếc thuyền khác theo đường sông mà đuổi theo, đi đến Cổ Châu mới dừng lại rồi theo đường bộ đến xã A Cảo thuộc vùng Ma Lãng thì bị người ở Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải bắt lại đưa cho Thái tử Sảm. Thái tử Sảm lúc này đã dựa vào nhà Trần lập triều đình riêng, vốn không ưa gì Phạm Du bèn sai người giết đi. Vậy là, vì vài phút hoan lạc bên người đẹp, hồn Phạm Du đã lìa khỏi xác phàm. 

Quyền nghiêng thiên hạ, bị vạ trên giường

Bất ý gieo vạ cho Phạm Du, Thiên Cực công chúa cũng không vì vậy mà tắt lửa lòng. Bao nhiêu khát khao của nhu cầu đàn bà vẫn âm ỉ trong người, chỉ chờ cơ hội là bùng phát. Và dịp ấy lại đến hai năm sau. 

Nhằm năm Tân Mùi (1211), Điện tiền Chỉ huy sứ Tô Trung Từ là cậu của Trần Tự Khánh và Nguyên phi Trần Thị Dung đã được vua Lý Huệ Tông phong cho làm Thái uý từ tháng 3 cùng năm. Quyền hành của quan Thái uý khuynh loát cả triều Lý đang trên con đường suy vi. Tô Trung Từ lúc ấy đã có con lớn rồi, nhưng chẳng rõ quyền cao chức trọng nên sinh lòng tà dâm hay bị Thiên Cực công chúa liếc mắt đưa tình mê hoặc, mà ba tháng sau ngày lên chức phải thân nhục, danh ô. 

Bấy giờ, công chúa Thiên Cực không rõ vì lý do gì mà hai vợ chồng đang có mặt tại đất Gia Lâm. Thiên Cực thường xuyên vào trong hoàng thành để vấn an vua và thái hậu. Trong khi ấy, Tô Trung Từ là mệnh quan triều đình, hai người liên tục giáp mặt nhau. Kẻ có quyền, người có sắc, mối duyên tình của hai người nảy nở dần dần theo thời gian. 

Đình Phi Mô. 
Tháng 6 năm Tân Mùi (1211), Tô Trung Từ ban đêm sang Gia Lâm để cùng với công chúa Thiên Cực làm trò “mèo mả, gà đồng”. Nhưng số của họ Tô đến đây đen đủi, cặp tình nhân đang mê đắm trên giường thì bị chồng của Công chúa Thiên Cực là Quan nội hầu Vương Thượng bắt được. Tức giận vì bị vợ cắm chiếc sừng to lên đầu, chẳng màng tới chuyện tên gian phu quyền thế oai phong tới nỗi “thét ra lửa” đến vua cũng sợ, Vương Thượng mặt đỏ phừng phừng rút gươm lao đến nhằm quan họ Tô mà đâm, Tô Trung Từ chưa kịp hưởng hết một trong cái “Tứ khoái” (ăn, ngủ, tình dục và đại tiểu tiện) của cuộc đời đã nhận trọn lưỡi gươm bén, chết tại trận. Luật pháp nhà Lý khi đó quy định, nếu nam nữ tư thông mà bị bắt quả tang, người chồng có thể kết liễu mạng sống của tình địch mà không bị tội. 

Sử sách không cho biết số phận về sau của Vương Thượng, cũng như sau vụ ngoại tình tày trời ấy, Thiên Cực có bị trách phạt gì không. Nhưng về sau, nàng công chúa làm cho hai tình nhân phải xuống âm ty ác giả thì ác báo, lăng loàn thì cũng có hậu họa lớn nên tháng Giêng năm Nhâm Thân (1212), tất cả gia tài, của cải trong nhà Thiên Cực đều bị cướp sạch khi bọn Đinh Khôi đánh Lạng Châu, hàng phục được nơi ấy, xua quân đến nhà công chúa “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” rồi kéo nhau đi mất. 

Ngày nay, dấu tích của nàng công chúa “hiếu dâm” họ Lý vẫn còn được ghi nhận khi ở đình làng Thân, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam và đình Phi Mô, thuộc xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là hai nơi có thờ bà cùng các công chúa nhà Lý được gả chồng ở xứ này. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét