Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Ngôi mộ của thủy tổ nước Việt ở đâu?

Rất nhiều người không biết rằng, ngôi mộ Kinh Dương Vương, thủy tổ nước Việt nằm ngay bên bờ sông Đuống, thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Mộ giản dị, đắp trên một gò đất nhìn ra bờ sông, xung quanh là những cây cổ thụ quanh năm xanh tốt. Nhân dân không xây thành lăng mà chỉ xây cao lên bằng gạch cổ, có mái nhỏ che mưa nắng. Rêu xanh màu thời gian. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là ngôi mộ cổ do nhân dân chọn địa thế đẹp, có tụ khí phong thủy, dựng lên như một biểu tượng.
Điều quan trọng là ngôi mộ nằm ở trung tâm thời dựng nước, từng là một thánh địa do chính Kinh Dương Vương chọn. Trên đường đi kinh lý, qua trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành), nhận ra thế đất quý, có tứ linh long, ly, quy, phượng, có sông núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục, ngài đã đem những cư dân Việt cổ quy tụ về lập nên xóm làng đầu tiên.
 Cổng đền thờ Kinh Dương Vương có bốn chữ Hán đắp nổi Thủy tổ đài môn (cửa đền thờ Đức Thủy Tổ). 
Vùng đất Phúc Khang bắt đầu trỗi dậy sức sống Việt và trở thành vùng đất mang tinh hoa Việt, sau là vùng Luy Lâu nổi tiếng cho đến ngày nay. Ngài còn cho xây nhiều hành cung ở chốn này để quy tụ những hiền tài khắp vùng luận bàn việc non sông xã tắc (theo tác giả Nguyễn Thế Bình).
Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam, Trung Quốc), đóng tại đó rồi lấy con gái bà Vụ Tiên sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương.
Theo sử sách nước Việt thì Kinh Dương Vương làm vua và cai trị từ khoảng năm 2879 TCN cách đây 4892 năm. Địa bàn quốc gia dưới thời Kinh Dương Vương rộng lớn, phía Bắc là miền đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp hồ Động Đình, phía Nam giáp Lâm Ấp (Chiêm Thành cũ), Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông. Ngay cái tên Kinh Dương Vương đã phản ánh vùng miền nói trên: Kinh là châu Kinh, Dương là châu Dương (nay thuộc Trung Quốc).
Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sau này Sùng Lãm kế vị, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ.
Huyền thoại Âu Cơ sinh trăm con trai, bắt nguồn từ một sự thật là vùng đất sinh ra người con gái xinh đẹp hiền hòa làm vợ Lạc Long Quân thuộc địa phận quận Ích Dương thời xưa có nhánh sông Âu Giang, nơi sinh sản giống chim Âu, có hàng đàn chim Âu bay lượn trên trời. Nhân dân lấy tên chim Âu đặt tên cho nàng.
Chim Âu đẻ trứng. Người đời sau lấy việc đẻ trứng của chim Âu làm hình ảnh triết học để tả vị quốc mẫu Âu Cơ đã sinh ra các thế hệ “trăm họ” về sau mang tên “Bách Việt”. Cứ theo truyền thuyết trên thì vua Hùng đầu tiên là cháu nội của Kinh Dương Vương. (Theo các tác giả Lê Quang Châu, Hoàng Tuấn, Nguyễn Thế Bình).
Giáo sư Lê Quang Châu biệt hiệu Hồng Nguyên Tử ngồi chơi bên bờ sông Đuống, dưới chân mộ tổ, kể rằng, trẻ con có trò chơi, bắt đầu từ bài đồng dao “Chi chi chành chành. Cái đanh thổi lửa. Con ngựa chết trương. Ba vương ngũ đế. Chấp chế đi tìm. Ú tim bắt được. Ù à ù ập!”.
Xin giải mã bài đồng dao như sau: Chi chi là chi nọ (trong một tộc họ) nối chi kia. Chành chành là nếu không có chi kế tiếp thì “chành” sang họ trực hệ hoặc đồng tông. “Cái đanh thổi lửa” là biểu hiện thời cổ xưa có ông Toại Nhân dùng dùi đá lấy lửa.
“Con ngựa chết trương” là hình ảnh chuyện nhân vật Hiên Viên phản vua Thần Nông, giết vua và mười bốn người, cướp ngôi, tự xưng chính mình là hậu duệ, phạm vào lời nguyền “Bắc Nam không xâm phạm nhau”, gây nên cảnh “người và ngựa chết trương đầy đồng nội”.
“Ba vương Ngũ đế”, nói trước về ngũ đế là năm vị tổ của Kinh Dương Vương gồm Đế Thiên (Phục Hy), Đế Thích (Thần Nông), Đế Khôi (Viêm Đế, viêm là lửa), Đế Tiết (Hoàng Đế, vị vua đã phạm lời nguyền), Đế Thức (Thần Đế). Ba vương là ba vua anh em ruột dòng dõi Đế Thức: Vua Minh, vua Lai và vua Long Cảnh. Vua cả tên Minh đã đặt tên nước ta thời ấy là Xích Quỷ, xích là đỏ, màu lửa để chỉ rằng đây là dòng dõi của Viêm Đế, quỷ là một trong 28 ngôi sao, tượng trưng phương nam (không phải quỷ là ma quái).
“Chấp chế đi tìm” kể từ Ba vương ngũ đế đã chấp nhận đi tìm một thể chế để có thể xây dựng cơ đồ bền vững. “Ú tim bắt được”, bắt được chế độ liên hiệp trăm họ lại, tạo dựng nên nhà nước Văn Lang. “Ù à ù ập” là tán thán từ tỏ dấu hiệu vui mừng.
Đây là trò trẻ con chơi đã mấy nghìn năm, nó là cách người Việt ghi nhớ chuyện cổ sử. “Uống nước nhớ nguồn” là như thế.

Chuyện thú vị ở lăng Thủy tổ nước Nam

(Kiến Thức) -  Câu chuyện về lăng mộ cổ cùng ngôi đền được mọi đời vọng kính còn lắm những thú vị.
Dễ đến mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.
Đất thiêng lập làng
Từ cầu Hồ cứ men theo con đê nhỏ ven dòng sông Đuống vài cây số sẽ thấy một gò đất cao um tùm cây cối. Truyền rằng, đó là gò đất rồng gắn liền với vận số nước Nam, bởi mạch khí ấy hòa linh cốt Nam Bang Thủy Tổ.
Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh rất ấn tượng với ngôi đền thờ và lăng mộ của Thủy tổ Kinh Dương Vương. Ông Nga nói lại về sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rõ về thời kỳ này: "Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp một nàng tiên, lấy nhau, sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, tự xưng là Kinh Dương Vương.
Kinh Dương Vương làm vua năm Nhâm Tuất (2879 TCN), lập nước lấy quốc hiệu là Xích Quỷ, đóng đô ở Ngũ Lĩnh (Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh ngày nay). Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân (còn có tên là Thần Long) là Long Nữ, đẻ ra Sùng Lãm.
Bốn chữ Hán "Thủy Tổ Đài Môn" trên cổng đền thờ Kinh Dương Vương.  
Sau này Sùng Lãm kế vị, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, đẻ một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó".
Vợ chồng từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền biển, phong cho con trưởng là Hùng Vương, nối ngôi vua. Cứ theo truyền thuyết ấy, thì vua Hùng, là cháu nội Kinh Dương Vương. Sinh thời, Kinh Dương Vương đi kinh lý khắp núi cao, rừng sâu, biển xa nước Việt. Vương trông nom, gây dựng, mở mang, gìn giữ bờ cõi giang san.
Vương lấy đức mà cảm hóa dân. Trên đường đi kinh lý, Ngài qua đất Phúc Khang (làng Á Lữ ngày nay) phát hiện ra thế đất quý, có tứ linh: long, ly, quy, phượng, có sông núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục. Ngài đã đem những cư dân Việt cổ quy tụ về lập nên những xóm làng đầu tiên. 
 Ông Biện Xuân Phẩm và một sắc phong cổ ở đền thờ.
Bất Vong
Khi vua Kinh Dương Vương qua đời, thi hài được táng tại gò đất thiêng ven dòng sông Đuống. Người dân lập miếu thờ để con cháu đời đời ghi nhớ. Bởi thế ngôi đền Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, thiết kế thờ cả tam vị Thánh Tổ.
Ông Nga cho biết: "Hiện giới sử gia chưa xác định được ngôi đền thờ tam vị Thánh Tổ có từ bao giờ, chỉ biết nó được trùng tu, tôn tạo lại thời Lê - Trịnh. Sau đó, đến thời vua Gia Long, trùng tu lại đền Kinh Dương Vương. Năm 1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai đại tự".
Ông Biện Xuân Phẩm, Thủ nhang đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương cho biết, đến nay các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định lăng và đền thờ Kinh Dương Vương phải có từ rất lâu đời dựa vào những dấu tích như những sắc phong, thần phả, câu đối, đồ thờ từ các triều đại.
Mâm Rồng cổ của đền. 
Ông Phẩm cũng tiết lộ, hiện xã Đại Đồng còn lưu giữ 18 sắc phong, trong đó có hai sắc phong đời Trần và 16 sắc phong triều Nguyễn. Ngoài ra, còn có một số đồ vật được các đời vua Nguyễn dâng lên tổ tiên như bát đời vua Lê cùng mâm đồng cổ.
Lăng và đền Thủy tổ Kinh Dương Vương cách xa nhau chừng vài trăm mét. Đền ở bên trong đê, còn lăng ở ngoài đê sông Đuống. Chưa ai rõ lăng được xây dựng thời nào nhưng còn bia đá ghi 4 chữ nho: Kinh Dương Vương Lăng. Trên lăng còn 2 chữ Hán viết lối khải thư: Bất Vong, tức không bao giờ mất.
Người trông coi lăng mộ vua Thủy tổ bây giờ là ông Biện Xuân Sam. Ông Sam bảo, dòng họ Biện ở địa phương cứ truyền đời qua đời khác trông coi lăng mộ và đền thờ Thủy tổ. Trải qua bao nhiêu nghìn năm, vùng gò đất cao ven dòng sông Đuống vẫn không bị bào mòn, đúng như 2 chữ Hán viết trên lăng Thủy tổ.
Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, về dâng hương tại đền, lăng Thủy tổ Kinh Dương Vương và để lại bút tích: "Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và trân trọng cám ơn nhân dân và lãnh đạo địa phương đã giữ gìn, tôn tạo một di tích lịch sử, một trong những cội nguồn dân tộc để đời đời con cháu mai sau chiêm ngưỡng, học tập".
Chiếc bát thời vua Lê - chúa Trịnh dâng lễ tại đền. 
Đất có ba Thủy tổ
Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh bảo: "Có điều mà nhiều người không tinh nên không biết, Thuận Thành chính là vùng đất hiếm của Việt Nam có ba Thủy tổ. Thứ nhất là vua Thủy tổ Kinh Dương Vương; thứ hai là Thủy tổ sự học Sĩ Nhiếp; thứ ba là Tổ chùa Phật giáo Việt Nam".
Trong câu chuyện với ông Nga, mỗi Thủy tổ đều có những tích truyện ly kỳ. Nhưng có lẽ, những câu chuyện ở đền và lăng Thủy tổ Kinh Dương Vương là thú vị và đậm đặc bản sắc Việt nhất.
Trong đó có tục rước nước ở sông Đuống về thờ. Phong tục này duy trì xuân thu nhị kỳ, tức là hai lần ở hai mùa xuân - thu. Tuy cũng là rước nước nhưng không giống ở những nơi khác. Ngoài nghi thức, quan niệm thì tục rước nước ở Đại Đồng còn có giai thoại.
Rằng xưa kia cha Lạc Long Quân đem 49 người con xuống biển, còn người con cả ở lại phong vua xưng họ Hùng lập nhà nước Văn Lang. Khi các con Lạc Long Quân làm nghề chài lưới, gặp sóng lớn và thuyền bị đánh đắm, Lạc Long Quân đã hóa phép xuống Thủy phủ giúp các con siêu thoát. Cha Lạc Long Quân dặn lại: Nếu ta không về, các con trên trần cần gì thì đóng bè chuối ra khơi gọi cha về, cha sẽ cứu các con.
Theo ông Biện Xuân Phẩm, Thủ nhang đền thờ Kinh Dương Vương cho biết: "Truyền thuyết đó có để lại một câu thần chú. Vì thế, khi đã ra khơi xin nước, người chủ lễ sẽ phải đọc "Bô hô! bô hô!", nghĩa là: Bố ơi, bố ơi, bố về cứu chúng con".
"Lâu nay, chúng ta mới chỉ biết đến đất Tổ vua Hùng ở Phú Thọ với ngày giỗ là mùng 10/3 âm lịch. Rất ít người biết đến nơi chôn cất và thờ tự vua Thủy tổ Kinh Dương Vương. Thậm chí, có nhiều khách đến đây còn không biết Kinh Dương Vương là ai. Từ năm 2012, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ hội trong 3 ngày của tháng Giêng. Đó cũng là cách để người dân hiểu về lịch sử nước nhà".
Ông Biện Xuân Phẩm (Ban Quản lý đền thờ Kinh Dương Vương)
Trần Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét