Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân xinh đẹp, giỏi song kiếm

Chuyện xưa kể: Một hôm trong vùng núi Thuận Ninh ở trong vùng Tây Sơn ở phía Bắc sông Côn, Bùi Thị Xuân gặp một tráng sĩ đương đánh mãnh hổ. Tráng sĩ mình đầy máu me, sức đã sắp đuối. Nữ tướng hét lên một tiếng, rút song kiếm xáp vào cứu tráng sĩ.
Hổ bỏ tráng sĩ, đánh cùng Bùi Thị Xuân, cuối cùng bị một nhát kiếm nơi vai, gầm lên một tiếng bỏ chạy. Bùi Thị Xuân trở lại băng bó cho tráng sĩ. Tráng sĩ đó là Trần Quang Diệu. Sau đó hai người trở thành vợ chồng và cùng giúp nhà Tây Sơn dựng nghiệp. Bùi Thị Xuân là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư và là một Đô đôc của vương triều Tây Sơn. Bà quê ở thôn Xuân Huề, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  
Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân ở Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định .
Trong trận đại phá quân Thanh năm 1789, bà chỉ huy đội tượng binh của đạo Trung quân của nhà vua Quang Trung. Bà cũng có tấm lòng thương dân, lúcnhiều phủ huyện ở trấn Quảng Nam mất mùa, sinh loạn, quan quân địa phương không kiềm chế nổi. Đến nơi, bà tự mình đi thị sát khắp các hạt, rồi cho mở kho phát chẩn. Thấy viên quan nào chiếm công vi tư, ăn của hối lộ... bà đều thẳng tay cách chức, chọn người tài đức lên thay. Ngoài ra, bà còn ra lệnh bãi bỏ các cuộc truy lùng những nhóm người nổi dậy, và mạnh dạn ra tuyên cáo rằng: Ai vác cày bừa, nông cụ thì được coi là dân lành...
 
 
Vẻ đẹp kiều diễm và uy nghiêm của Bùi Thị Xuân qua bức tượng tạc hình Bà.
Sau khi quân Tây Sơn bị đại bại ở Nhật Lệ và Trấn Ninh, thì đất Thuận Hóa từ Hải Vân đến Linh Giang thuộc về nhà Nguyễn, ngày 2 tháng 7 năm 1802, Nguyễn Ánh xứng đế, đem vua tôi nhà Tây Sơn ra báo thù, riêng đối với Bùi Thị Xuân, phải chịu hình phạt khốc liệt nhất, tuy nhiên Bà vẫn giữ thái độ hiên ngang con nhà tướng khi bị hành hình.
Người ta còn truyền rằng khi nghe Bùi Thị Xuân bị bắt, Chúa Nguyễn gằn giọng: Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh? Bà đáp: Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc Hà.
Du khách viếng thăm đền thờ Đô đốc và dâng hương.
Với công đức của mình, đô đốc Bùi Thị Xuân được đưa vào điện thờ Tây Sơn nơi thờ Hoàng đế Quang Trung và văn thần võ tướng nhà Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung. Ngoài ra tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định còn có đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Ca ngợi tinh thần quyết chiến thắng của Bùi Thị Xuân, danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1854-1922) có thơ:
Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều/ Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc
Mộc Lan tòng quân Hoàng Hà Khúc/ Thùy ngôn cân quắc bất như nhân?
Nghĩa là:
Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung/ Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân.
Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà/ Ai bảo khăn yếm không bằng người?
Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân thờ ở Điện thờ Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung.
Hình tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân cưỡi voi ra trận ở Festival Tây Sơn .
  
  
  Con gái Bình Định bên song kiếm mà Đô Đốc Bùi Thị Xuân thường đánh rất giỏi.

(Theo Nhà Tây Sơn của Quách Tấn, Quách Giao)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét