Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Chùa Tự Khoát và câu chuyện tu hành của hai công chúa thời Lý

Chùa Tự Khoát còn có tên là “Hưng Phúc tự” (thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) là nơi gắn với việc tu hành của hai công chúa thời Lý.

Chùa đến nay vẫn được coi như một danh thắng đẹp ở phía Nam Thủ đô. Cảnh quan chùa bề thế, nằm giữa một vùng tre trúc vườn cổ thụ và cây ăn quả. Chùa đã được Bộ VHTT công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1988.


Chùa nằm trên đất làng Tự Khoát, đầu thế kỷ XIX làng này là một xã thuộc tổng Nam Phù Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội, từ 1904 là tỉnh Hà Đông). Đầu năm 1946, sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã, làng nhập với các làng: Đông Trạch, Tương Trúc, Việt Yên thành xã Ngũ Hiệp. Theo truyền thuyết, vào cuối thời Lý, Vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224) mắc bệnh nặng mà chưa có con nối ngôi, đất nước loạn lạc, dân chúng cơ hàn. Có hai vị công chúa xin về đất làng Tự Khoát, lấy đỉnh Trúc Lĩnh (núi có nhiều cây trúc) của làng làm nơi nghỉ. Hai bà thấy dân chúng đói khổ, thiếu ruộng tốt để cày cấy, liền xuất hết tiền bạc của mình để mua thóc gạo cứu giúp những người nghèo rồi chiêu tập họ khai hoang để có ruộng cày cấy. Thấy làng có cả một núi trúc bạt ngàn, hai bà tổ chức cho dân làng đẵn trúc để đan lát các loại thúng mủng, nong nia để dùng và bán, từ đó dân làng có nghề đan lát. Hai bà còn cho dựng am Đông Phù để sớm hôm đèn nhang cầu mong cho dân làng được no đủ, hạnh phúc. Được hai năm, nhà Vua bắt hai bà về triều để gả cho quan lang ở biên giới, song hai bà nhất quyết không nghe lời. Không thuyết phục được, nhà vua cho đốt am Đông Phù nhằm triệt chỗ nương thân của hai bà. Song hai bà lại được dân làng Tự Khoát đón về, dựng lại am trên núi Trúc, rồi mở mang am thành chùa, nên gọi là chùa Tự Khoát (chùa mở rộng), trở thành một ngôi chùa lớn trong vùng.

Chùa qua trùng tu nhiều lần, có diện mạo hiện nay là từ thế kỷ XIX thời nhà Nguyễn. Chùa bao gồm tam quan, tiền đường, nhà thiêu hương, hậu cung, nhà Tổ, nhà khách. Toàn bộ kiến trúc được bố trí hài hòa trong một khuôn viên khép kín trên một khu đất cao, rộng rãi...Tam quan chùa Tự Khoát được kết cấu khác hẳn tam quan các chùa khác. Chính giữa là một ngôi nhà vuông, bốn mặt mở bốn cửa vòm lớn. Phần trên bốn góc của ngôi nhà này là bốn bông hoa sen đắp bằng vữa. Một tháp hình bát giác được xây trên đỉnh ngôi nhà vuông. Tháp có bốn tầng, đỉnh tháp là một bông sen đội nậm rượu, hai bên cửa giữa lại có hai nhà vuông nhỏ hơn và có hai tầng. Tam quan còn có hai cột trụ ở hai bên ngoài cùng và đỉnh trụ đắp bốn chim phượng kết hình trái giành.

Trước tam quan của chùa có một doi đất cao, rộng đến hơn 2.000 m2, gọi là gò Đình Yến. Tục truyền, từ khi hai vị công chúa rời bỏ Kinh thành về đây tu hạnh, vào những dịp Tết và Thanh minh, Vuathường về thăm con và vãn cảnh chùa, cho mổ lợn, bò để tế thần linh tại gò này, sau đó ban yến cho triều thần. Về sau, cho dựng một ngôi miếu để thờ thần linh trời đất. Qua tam quan là một khoảng đất rộng dẫn đến chùa chính được kết cấu theo hình chữ Công. Tiền đường được trang trí những bức chạm rồng, phượng, long mã cũng như người bơi thuyền, múa hát rất công phu. Nhà thiêu hương nối liền tiền đường với hậu cung...

Chùa Tự Khoát hiện còn lưu giữ được 52 pho tượng tròn, trong đó có pho Cửu Long bằng đồng phủ nhũ vàng, hai pho hộ pháp đắp vữa cỡ lớn sơn son thiếp vàng; một quả chuông; ba tấm bia đá, nhiều hoành phi, câu đối, kiệu rước, long ngai... mang nét nghệ thuật thời Lê và thời Nguyễn. Đặc biệt, nhà khách chùa còn một bức chạm thời Lê sơ (thế kỷ XV) tả cảnh tát nước, bơi thuyền, đấu vật, đánh kiếm và những bức chạm nổi thời Nguyễn.

Chùa Tự Khoát, cũng như làng Tự Khoát còn in đậm dấu tích của lịch sử đất nước như mùa Xuân năm 1789, quân Tây Sơn đã trú tại chùa để đánh trận Ngọc Hồi, dân làng đem bò, lợn, gạo khao quân. Tại đây cũng đã diễn ra cuộc giằng co quyết liệt giữa quân Tây Sơn và quân Thanh mà một số địa danh còn ghi lại, như Đình Găng (nơi quân lính hai bên giành nhau từng tấc đất), Ao Đường (máu giặc chảy thành ao), Mả Ngô (xác giặc chất cao thành đống). Chùa còn là cơ sở Đảng trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Năm 1967 chùa là nơi chỉ huy của bộ đội tên lửa đánh máy bay đế quốcMỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội. 




Hà Bình
Theo www.ktdt.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét