Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Kỹ thuật canh mai nở đúng Tết

Để có cây mai nở đúng giao thừa, sáng mùng một tết do chính chúng ta chăm sóc thì còn gì thú vị hơn. Cần lưu ý những điểm chính sau đây:
1. Bón phân đúng lúc, đúng loại. 

2. Tưới nước đúng thời gian: 

Cây trồng chậu: Mùa khô tưới 2 lần/ngày, mùa mưa mỗi ngày tưới 1 lần. Cây trồng đất: Mùa khô, ngày tưới 1 - 2 lần, mùa mưa có thể 1 - 2 ngày tưới/lần. 


Ảnh minh họa ( Nguồn: Internet)

Cần lưu ý trong cả hai trường hợp khi mùa mưa sắp dứt, phải tưới đẫm nước mỗi ngày cho đến tháng 12 âm lịch mới giảm dần lượng nước tưới: 2 ngày tưới một lần chuẩn bị lặt lá mai. Cần lưu ý tưới nước đều vào cuối mùa mưa đến Tết Nguyên đán theo hướng dẫn, nếu đến giữa tháng 10- 11 bộ lá còn xanh là tốt nhất, nếu lá đã chuyển sang vàng, hoa nở lác đác cần hãm hoa lại bằng cách tăng nước tưới pha ít urê để cây đâm tược lá, chậm quá trình nở hoa. 

3. Xem nụ: Đến rằm tháng 8 âm lịch cây mai đã có nụ non nếu thấy ít nụ cần tăng cường bón thúc thêm một lần phân NPK 15-30-15 là 100 gr/gốc để mai có nụ nhiều hơn. 

4. Lảy lá: Thông thường ta lảy lá vào rằm tháng Chạp, tuy nhiên có thể lảy lá sớm hay trễ tuỳ thuộc vào: 

• Nụ lớn: Thường lảy lá vào 17,18,19 tháng Chạp. 

• Nụ nhỏ: Lảy lá vào 13 - 14 tháng Chạp. 

• Mai ghép nhiều cành như: 

Mai giảo: Lảy từ 10-13 tháng Chạp. 

Mai 24 cánh lảy từ 8-12 tháng Chạp. 

Mai 100 cánh lảy từ 6-10 tháng Chạp. 

• Tình trạng sức khoẻ của cây mai: Cây khoẻ lảy lá sớm, cây yếu lảy lá trễ và cắt bớt nụ hoa. 

• Thời tiết trở lạnh: Lảy lá sớm hơn 5-7 ngày hoặc tưới nước ấm 35-42 độ C, ngày 2 lần. 

• Thời tiết nóng: Lảy lá trễ hơn 1-3 ngày, sau khi lảy lá đến 23 tháng Chạp nếu thấy nụ mai tróc vỏ lụa nhiều, nở đúng tết, nếu chưa tróc vỏ lụa có thể: 

• Tưới nước vào buổi trưa . 

• Phun thuốc kích thích như: Aron 1-2% phun 2 lần, mỗi ngày 1 lần. Hoặc Dekamon 1% phun 3 lần, mỗi ngày 1 lần 

Nếu đến 23 tháng Chạp nụ xanh, lớn, hoa nở sớm có thể dùng lòng trắng trứng vịt phun lên nụ để giữ hoa không nở, sau đó tưới nước rửa vào trưa 29 tháng Chạp. Cần lưu ý biện pháp này chỉ giúp cây chậm nở hoa 1-2 ngày nếu kéo dài cây sẽ bị rụng nụ.
KS Đỗ Hữu Gia (Theo NNVN)

Đôi dòng về món phở ở Nam Bộ

Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức , xuất bản năm 1931, chữ phở được giải nghĩa như sau: "Phở do chữ phấn mà ra. Món đó ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò: phở xào, phở tái".
Trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, không rõ nghĩa lắm về món phở có từ bao giờ. Chỉ biết qua nhiều nguồn sách sử ghi lại, vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII không thấy có chữ phở. Trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, nhà xuất bản Rey, Curiol & Cie, năm 1896, có chữ phở nhưng đó không ... phải là món ăn! (Phở: Nổi tiếng tăm. Mầng phở lỡ: Mầng lắm, tome II, trang 200). Cũng như quyển Việt Pháp tự điển của J.F.M. Génibrel, nhà xuất bản De la Mission à Tân định, tái bản lần thứ hai năm 1898, có chữ "phở" đồng nghĩa với Paulus Của (phở lỡ: Bruyamment, trang 614).
Mãi đến năm 1931, trong cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức, xuất bản năm 1931, chữ phở xuất hiện theo giải nghĩa như sau: "Phở do chữ phấn mà ra. Món đó ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò: phở xào, phở tái".
Còn trong Sài gòn tạp pín lù của nhà nghiên cứu lão thành Vương Hồng Sển, thì: ... “hủ tíu, theo ông bạn quá cố Lê Ngọc Trụ là hủ mộc phấn thổ, người Quảng Đông cũng gọi là phảnh. Và danh từ này, đồng bào miền Bắc Việt Nam gọi là phở”.
Phở bò nấu tái (Nguồn ảnh: Internet)
Nếu theo trong Tự vị tiếng nói miền Nam “Phở là món ăn quốc túy, do đồng bào ngoài Bắc chế biến, được người dân trong Nam hoan nghinh nhứt và đánh đổ thay thế tô hủ tíu: phở tái, phở áp chảo,..."
Cũng có thuyết cho rằng Phở do chữ Tây: Pot au feu mà ra, vì Pot au feu có mùi vị na ná phở Việt, và vì đọc nhấn mạnh chữ feu riết nên thành chữ phở! Xem ra không ổn lại hơi tức cười bởi cách suy diễn khá ngộ nghĩnh!
Trở lại chữ ngưu nhục phấn, trong Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, nhà xuất bản Minh Tân, năm 1931, ngưu nhục chính là thịt bò, nhưng nhấn mạnh một điều rằng chữ ngưu không nên lầm là trâu, vì Trâu là thủy ngưu. Riêng chữ phấn: Vật nghiền ra rất nhỏ (quyển hạ, trang 108), ông không nói gì đếnphở.
Bánh phở đã thái nhỏ (Nguồn ảnh: Internet)
Theo thứ tự thời gian xuất hiện chữ phở trong các tự điển như nói ở trên, chúng ta có thể đặt giả thiết rằng món phở chỉ có thể sinh ra đời khoảng đầu thế kỷ XX, tức là lúc có người ăn quà ngoài đường phố. Tiếp theo đó, bắt đầu thịnh hành vào thập niên 20, và theo nhà văn Vũ Bằng, đến năm 1952, công việc chế biến món phở đã đến chỗ tuyệt đỉnh, nghĩa là không thể thêm hoặc bớt một món gì nữa.
Chúng ta đều biết điều quan trọng nhất làm cho phở ngon là nước dùng (nước lèo) ngon ngọt độc đáo, kế tiếp mới đến bánh phở trắng ngà, dẻo dai.
Phần thịt trong nước dùng, ngoài thịt bò, xương bò, xương heo, người ta còn cho đuôi bò. Điều này, cuối chợ, khi sắp đóng cửa hàng, phần xí quách ấy là một món ăn còn có thể nói là quá tuyệt vời dành riêng cho những người lao động lai rai khi công việc đã hoàn thành! Những khẩu ngữ dân gian cũng hết sức độc đáo khi dùng cụm từ hết xí quách theo nghĩa chuyển để chỉ những người không còn khả năng …
Có người cầu kỳ, cho thêm tôm khô hay đầu mực, bảo rằng như thế thì nước đậm hơn. Điều cần phải nhớ là không được bỏ đường, nhưng chắc rằng phải có một chút bột ngọt.
Theo các người có kinh nghiệm nấu phở thì muốn cho nước trong, khi nồi nước bắt đầu sôi thì phải hớt bọt luôn tay cho tới bao giờ hết mới thôi. Sau khi hớt bọt rồi, cho vào nồi củ cà rốt và củ cải trắng, vừa thêm ngọt nước, rồi vớt vứt các củ ấy đi, chứ không dùng đến.
Trong nồi nước dùng, ngoài mắm muối ra, phải nướng hành củ và nướng gừng, cho vào nồi cùng với đinh hương, quế và hồi hương, có nơi còn cho thảo quả. Tất cả cho vào miếng vải mùng bọc lại rồi bỏ vào nồi nước. Các vị này tính ôn, bởi thế nhiều người cho rằng ăn phở thì trong người cứ bị nóng trong người.
Khi ăn, xếp bánh phở vô to, thịt bò nạc xắt miếng mỏng xếp lên trên, chan nước phở vào cho thịt vừa tái mới ngọt, ngon. Thịt chín quá sẽ dai lại lạt miệng.
Người bình dân Nam bộ khi ăn phở luôn có đĩa rau sống gồm: giá trút từ đậu xanh, ngò om, ngò gai, húng quế,… chanh, ớt. Nước chấm ăn kèm là tương hột xay nhuyễn. Nhiều khi người ta còn bằm tỏi thật nhuyễn rồi sấy qua mỡ heo rưới lên cho thơm, béo.
Út Tẻo (Dân Việt) 

Những lý do bạn nên ăn dâu tây vào mùa đông

Màu đỏ trong dâu tây có chứa anthocyanins, giúp đốt cháy chất béo tích tụ trong cơ thể. Trong một nghiên cứu trên động vật, những loài được cho ăn một chế độ ăn uống nhiều chất béo cùng với anthocyanins, đã giảm được hơn 24% trọng lượng so với các loài động vật ăn chế độ ăn giàu chất béo mà không thêm anthocyanins.

Những lý do bạn nên ăn dâu tây vào mùa đông
Kích thích giảm cân
Dâu tây chứa ít calo và nhiều chất xơ. Một chén dâu tây chỉ chứa 53 calo, và chất xơ trong đó giúp bạn no lâu hơn. Dây tâu cũng có chứa vitamin C, giúp đẩy mạnh sự trao đổi chất của bạn và giúp cơ thể bạn đốt cháy calo nhanh hơn.
Tăng cường trí nhớ
Dâu tây có chứa fisetin, một flavonoid có trong tự nhiên giúp tăng cường trí nhớ bằng cách kích thích các dẫn truyền thần kinh. Ăn dâu tây còn giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức.
Giảm viêm nhiễm
Một nghiên cứu của Trường Sức khỏe cộng đồng Harvard đã chỉ ra rằng những phụ nữ ăn 16 quả hoặc nhiều dâu tây hơn mỗi tuần có thể giảm 14% nguy cơ có protein C-reactive (CRP) nồng độ cao trong máu của họ, đó là một dấu hiệu của tình trạng viêm trong cơ thể.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Các chất flavonoid có trong dâu tây ngăn ngừa cholesterol chặn các động mạch của bạn. Các quả dâu còn chứa các hợp chất khác giúp điều hòa huyết áp, thúc đẩy sự ổn định mảng bám, cải thiện chức năng của các tế bào nội mô và giúp ngăn ngừa mảng bám bị vỡ và nghẽn mạch.
Tăng miễn dịch
Dâu tây hàm chứa vitamin C, giúp tăng khả năng miễn dịch của bạn và giúp bạn chống lại nhiễm trùng. Chỉ ăn một chén dâu tây có thể đáp ứng nhu cầu vitamin C của bạn trong cả ngày.
Củng cố xương
Dâu tây có chứa các chất dinh dưỡng như kali, magiê và vitamin K, tất cả đều quan trọng cho sức khỏe của xương. Ăn dâu tây thúc đẩy phát triển xương ở trẻ và giúp xương lớn mạnh.
Ngăn ngừa ung thư
Dâu tây có chứa chất chống oxy hóa như lutein và zeathanacins, ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Các Vitamin C trong dâu tây làm tăng khả năng miễn dịch của bạn và cho phép cơ thể chống lại các tế bào ung thư.
Điều tiết và ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Dâu tây có chỉ số đường huyết là 40, tương đối thấp, do đó bệnh nhân tiểu đường có thể ăn mà không cần lo lắng quá nhiều. Các quả dâu tây còn chứa những hợp chất có tác động tích cực đến mức độ glucose và lipid ở những người mắc bệnh tiểu đường. Ăn dâu tây cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Giúp bạn tươi trẻ
Biotin, một hợp chất được tìm thấy trong dâu tây, giúp tóc và móng tay của bạn chắc khỏe. Dâu tây cũng chứa một chất chống oxy hóa được gọi là axit ellagic, giúp duy trì các sợi đàn hồi trong da của bạn và ngăn ngừa chảy xệ. Dâu tây cũng giúp cơ thể bạn chống lại các thiệt hại gây ra bởi các gốc tự do và ngăn ngừa nếp nhăn.
Chữa táo bón
100 gram dâu tây có chứa 8% nhu cầu chất xơ hàng ngày của bạn. Chất xơ tăng cường sức khỏe tiêu hóa của bạn, điều hòa nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón.
Có lợi cho phụ nữ mang thai
Dâu tây hàm chứa folate, một chất dinh dưỡng giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi và thúc đẩy sự phát triển của não, tủy sống và xương sọ của bé.
Cải thiện sức khoẻ của mắt
Các chất chống oxy hóa trong dâu tây giúp ngăn chặn đục thủy tinh thể trong khi hàm lượng vitamin C giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi các tia cực tím từ mặt trời.
Giúp tóc của bạn khỏe mạnh
Axit folic, vitamin B5, vitamin B6 và axit ellagic trong dâu tây ngăn chặn tóc của bạn khỏi tình trạng gãy rụng. Dâu tây cũng chứa các khoáng chất như đồng, magiê giúp ngăn gàu và nhiễm trùng da đầu do nấm.
Ngăn ngừa cao huyết áp
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ vitamin C khi bạn đang căng thẳng có thể làm giảm huyết áp của bạn và làm bạn bình tĩnh hơn, do đó làm giảm nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp. Dâu tây cũng chứa ít đường và natri, là hai trong số những thành phần chính làm tăng huyết áp.
Theo Gia đình Việt Nam

Những người tuyệt đối không ăn trứng vịt lộn

Những người tuyệt đối không ăn trứng vịt lộn để tránh gây tổn hại tới sức khỏe là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ăn trứng vịt lộn cần hết sức lưu ý, dù đây là món ăn ngon và bổ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.
Những người tuyệt đối không ăn trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn là một món ăn nhẹ bình dân và bổ dưỡng của người Việt Nam. Sau khi vịt đẻ trứng, cho ấp 19 - 21 ngày rồi đem luộc sôi khoảng năm phút, đập vỏ, ăn phần bên trong ngay lúc còn nóng với một số gia vị như rau răm, gừng tươi thái chỉ, muối tiêu vắt chanh hay tắc (quất) và ớt...

Những người tuyệt đối không ăn trứng vịt lộn
Một quả trứng vịt lộn cung cấp 182 kcal năng lượng; 13,6 gram protein; 12,4 gram lipid; 82 mg canxi; 212 gram photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt…
Những người bị bệnh gút tuyệt đối không ăn trứng vịt lộn
Ăn nhiều trứng vịt lộn làm tăng lượng protein, không tốt cho người có bệnh gút.
Những người tỳ vị hư tuyệt đối không ăn trứng vịt lộn
Trứng vịt tính lạnh, mát, người tỳ vị hư ăn vào dễ đầy trệ, không tiêu, gây báng bụng.
Những người bệnh cao huyết áp tuyệt đối không ăn trứng vịt lộn
Những người có bệnh cao huyết áp cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Những người bệnh suy gan, thận tuyệt đối không ăn trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn chứa nhiều chất đạm và nội tiết tố kích thích chuyển hoá trong cơ thể người ăn, không tốt cho người bệnh suy gan, thận.
Những lưu ý khi ăn trứng vịt lộn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng, tránh ăn vào buổi tối vì hàm lượng dinh dưỡng trong đó cao, do vậy, là món ăn khó tiêu. Nếu bạn ăn trứng vào buổi tối, khi đi ngủ sẽ bị khó chịu, đôi khi dẫn tới đầy hơi, không tiêu hóa được.
Vì là món ăn rất bổ, giàu dinh dưỡng nên việc ăn trứng vịt lộn mỗi ngày có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Mỗi người lớn khỏe mạnh tốt nhất chỉ nên ăn 2 trứng vịt lộn mỗi tuần.
Theo Phương Vũ/GĐVN

Những người không nên ăn móng giò

Móng giò là một trong những thực phẩm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng không phải ai cũng có thể ăn nhiều móng giò.

Những người không nên ăn móng giò là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Những người không nên ăn móng giò
Móng giò là một trong những thực phẩm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, chủ yếu là protein và chất béo. Theo dinh dưỡng học hiện đại, móng giò lợn khá giàu chất dinh dưỡng. Người ta ước tính cứ trong 100g móng giò lợn có chứa 15,8g protit; 26,3g mỡ; 1,7g chất tổng hợp.
Ngoài ra, móng giò còn có một hàm lượng can xi, lân, sắt, vitamin A, vitamin B, vitamin C nhất định. Đặc biệt, chất keo protit trong móng giò lợn không kém gì móng gấu. Chất keo protit trong móng giò sau khi đưa vào cơ thể sẽ có tác dụng hiệu quả trong việc cải thiện chức năng sinh lý của các cơ quan nội tạng, làm cho các tế bào da giữ được nước nên đỡ bị khô nhăn, khiến cho da bóng và căng.
Phụ nữ sau khi vượt cạn một phần mất rất nhiều năng lượng và nước, một phần do quá trình mang thai khiến cơ thể mất rất nhiều chất nên cần phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho quá trình hồi phục, cũng như có sữa nhiều hơn cho con bú. Các món nấu từ móng giò chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, nhờ đó giúp kích thích sữa và tăng lượng sữa.
Tuy nhiên, nếu bạn mắc một số bệnh dưới đây thì không nên ăn móng giò.
Người bị sỏi thận không nên ăn móng giò
Sỏi thận là căn bệnh thuộc đường tiểu - sinh dục phổ biến thứ 3 sau các bệnh viêm nhiễm và tuyến tiền liệt. Nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn trao đổi chất khoáng, những cái lẽ ra phải tan lại không tan mà kết tủa và tích tụ trong cơ thể, dần dần hình thành sỏi. Một nguyên nhân quan trọng gây bệnh sỏi thận là nạp vào cơ thể quá nhiều chất béo. Trong móng giò có nhiều chất béo, vì thế người bị sỏi thận không nên ăn món ăn này.
Người bị viêm gan mãn tính không nên ăn móng giò
Viêm gan mạn tính là gan bị viêm dẫn đến việc tế bào gan bị hoại tử, bệnh kéo dài trên 6 tháng có thể được coi là vêm gan mạn tính . Nguyên nhân phát bệnh viêm gan mạn tính rất nhiều, thông thường có liên quan đến sự tồn tại liên tục của virus viêm gan, chức năng miễn dịch của cơ thể suy yếu, chức năng trao đổi chất và hệ thống vi tuần hoàn của gan bị rối loạn. Khi bị viêm gan mãn tính, người bệnh không nên ăn móng giò vì nó chứa nhiều chất béo, khiến bệnh trầm trọng hơn.
Theo Gia đình Việt Nam

Lang y già với biệt tài chữa bệnh từ 36 cây thuốc

Nhờ vào các bài thuốc học được trong thời chiến tranh loạn lạc, ông đã cứu giúp cho hàng trăm người thoát khỏi “tử thần”.
Thảo dược kỳ quái ngừa ung thư:
Ông là Phùng Văn Khang (SN 1937, trú xóm Bản Kính, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) là lương y có thâm niên 32 năm bốc thuốc chữa bệnh, cứu người.
Người lính cụ Hồ và cơ duyên với nghề thuốc
Căn nhà cấp bốn được xây bằng đá và đất đỏ gắn kết của lương y Phùng Văn Khang tọa lạc dưới chân núi Phja Rác cao vút, nằm ngay ven đường Quốc lộ 3, cách thành phố Cao Bằng 35km. Đến trước cửa nhà ông Khang, chúng tôi được “mục sở thị” kho nguyên liệu dùng làm thuốc chữa bệnh xếp ngay ngắn bên hiên nhà.
Bên trong ngôi nhà đã nhuốm màu thời gian, chủ nhân – lương y Khang giản dị trong bộ quần áo Nùng bạc màu đang cẩn thận chế thuốc. Năm nay đã ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy”, mái tóc cũng đã ngả màu bạc nhưng đôi mắt ông vẫn còn tinh anh lắm. Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân, bố mẹ đều biết ít nhiều về y học nhưng do chiến tranh loạn lạc nên ông Khang không thể nối tiếp nghề.
Lấy vợ năm lên 19 tuổi, sau khi sinh được đứa con đầu lòng, tháng 2.1966 chàng thanh niên Khang lên đường nhập ngũ vào miền Đông Nam Bộ. Năm 1968, ông xuống tham gia công tác, chiến đấu tại Phòng Hậu cần B3, Lữ đoàn 11, thuộc lính Bộ binh ở Lục Ninh, Bình Phước. Tuy nhiên, một năm sau ông theo lữ đoàn lên Gia Lai chiến đấu. Trong những tháng ngày chiến đấu ác liệt ấy, không may ông trúng đạn của giặc Mỹ, bị thương nặng ở đầu và bụng.
Lương y Phùng Văn Khang đang chế thuốc.
  Năm 1971, ông Khang lại cùng lữ đoàn sang các tỉnh miền đông Campuchia như Stoeng Trêng, Krâcchéh, Kâmpóng Cham… làm công tác tuyên truyền chống lại quân (Xiêm) Khơme đỏ. Khi đó, trong lữ đoàn có rất nhiều bộ đội bị bệnh và bị thương, ở trong rừng lại không có bác sỹ, không thuốc để chữa trị, cả đơn vị lo lắng.
Lúc đó, có một ông lương y ở tỉnh Stoeng Trêng, tên là Hoàng Tiến Sình, người gốc Hoa tình nguyện lên đơn vị chữa bệnh cho anh em đơn vị. Do làm Lữ trưởng Lữ đoàn 11, phòng hậu cần, ông Khang được tiếp xúc thường xuyên với lương y Sình. Ông vô cùng kinh ngạc về tài y thuật của vị lương y này.
Chỉ bằng những lá, rễ, thân cây hái trên rừng đem về sao lên, đắp bôi, sắc uống mà ông Sình đã chữa cho bộ đội trong các trường hợp cầm máu, liền viết vết thương, gẫy chân, tay và bệnh sốt rét ác tính, ho, thương hàn…
Tuy làm Lữ trưởng, nhưng hàng ngày ông Khang vẫn cùng ông Sình lên núi tìm cây thuốc, chiều tối về nhặt thuốc, sao thuốc và chữa cho anh em bị thương. Mấy lần đi rừng tìm cây thuốc, do sơ ý bị quân Xiêm truy kích ông và lương y Sình phải trốn trong rừng mấy ngày mới tìm được đường về.
Vì trọng tài y thuật của lương y Sình và nhờ ham học hỏi mà ông Khang được chọn làm truyền nhân. Mỗi lần lên rừng theo thầy hái lá thuốc, ông đều ghi chép tỉ mỉ, cách làm, cách dùng đối với từng loại bệnh.
Thầy Sình nhiệt tình chỉ bảo ông rất cẩn thận và dặn rằng: “Bộ đội Cụ Hồ Việt Nam sang đây cứu nhân dân Campuchia, tôi có ít bài thuốc sẽ cố gắng chữa trị cho bộ đội. Anh cũng nên học để biết chữa bệnh cho anh em đơn vị còn tiếp tục hành quân làm nhiệm vụ. Sau này, tôi không thể đi theo đơn vị mãi để chữa bệnh. Biết bốc thuốc chữa bệnh phải làm y đức, hết lòng cứu người”.
Mỗi ngày ở bên thầy Sình đi hái cây thuốc chữa bệnh cho anh em đơn vị là một ngày vàng để ông Khang học nghề. Bệnh nhân bị thương bộ phận nào, mắc bệnh gì, bắt mạch đoán bệnh, dùng lá thuốc và cách chữa với từng loại bệnh, thầy Sình đều dắt tay chỉ việc tận tình và truyền cho ông Khang bí kíp dùng 36 cây thuốc chữa được nhiều bệnh khác nhau. Sau gần 1 năm, ông đã chữa được bệnh cho anh em đơn vị theo hướng dẫn của thầy Sình.
Ông tâm sự: “Quãng thời gian ở Campuchia 3 năm, tôi hầu như đã học thuộc hết các bài thuốc chữa bệnh bằng phương pháp đông y do thầy Sình truyền dạy. Tôi thực sự cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi được thầy chọn làm truyền nhân”.
Biệt tài chữa bệnh từ 36 cây thuốc
Tháng 10.1974, ông Khang xuất ngũ trở về quê hương. Năm 1980, ông Khang làm Bí thư Đảng ủy xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh). Về quê, làm cán bộ xã, đi và gặp nhiều người bị bệnh, hoàn cảnh khó khăn, ông không cam lòng và bắt đầu công việc bốc thuốc chữa bệnh, cứu người.
Ông bỏ nhiều công sức tìm hiểu cây thuốc địa phương, gặp lương y cao niên học, nghiên cứu thêm bài thuốc rồi so sánh với cây thuốc, bài thuốc được học từ thầy Sình ở Campuchia. Kết hợp từ các cây thuốc, bài thuốc chữa bệnh, ông tìm ra một công thức chữa bệnh hiệu quả.
Từ 36 cây thuốc, căn cứ vào tiền sử, bệnh án xét nghiệm của bệnh nhân, ông có một bài thuốc riêng. Bệnh nhân được ông chia làm 4 nhóm bệnh: Nhóm mắc các bệnh về nội tạng, bệnh thần kinh, bệnh về ung thư và bệnh ngoài da. Phương thức chữa bệnh của ông đã chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân.
Bệnh nhân Vương Thị Sơn đang trong thời gian theo dõi, điều trị bệnh ung thư vòm cổ  Năm 1994, ông được kết nạp vào Hội Đông y Việt Nam. Nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian, tâm sức, chuyên tâm vào nghiên cứu bốc thuốc chữa bệnh, cứu người. Biệt tài của ông là chữa bệnh tim và gan, dựa vào kết quả bệnh án của bệnh viện. Nhiều người mắc trọng bệnh, chạy đôn đáo khắp nơi chữa trị mà không chuyển biến nhưng khi tìm đến ông chữa trị lại khỏi.
Ông Hứa Huýnh Hoàng – người ở xã Phi Hải (huyện Quảng Uyên) bị suy tim độ 4, đi nhiều bệnh viện không khỏi, đi tìm ông chữa trị đến bây giờ vẫn sống khỏe mạnh. Anh Huỳnh – Chi cục Hải quan tỉnh Cà Mau có vợ bị bệnh tim sang Nhật Bản điều trị không khỏi. Biết tin ông, lặn lội lên Cao Bằng gặp ông bốc 8 thang thuốc về uống đã khỏi hẳn.
Ông còn chữa được các bệnh xơ gan cổ chướng, viêm gan B, gan nhiễm mỡ… Đối với các bệnh nan y như ung thư vòm cổ, cổ tử cung ở giai đoạn đầu phát hiện, ông cũng có bài thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Cô Vương Thị Sơn (50 tuổi, huyện Hòa An) bị ung thư vòm cổ, trước đây đã vào Bệnh viện u bướu Đà Nẵng và Hà Nội chữa trị một thời gian nhưng không thuyên giảm. Sau đó, kinh tế gia đình kiệt quệ, năm 2011, cô tìm đến ông Khang chữa trị, đến nay đã thấy đỡ, ít bị ù tai và ho khạc ra máu. Ngoài ra, ông còn chữa khỏi được bệnh phổi, đại tràng, trĩ, dạ dày, thần kinh…
Chữa bệnh vì chữ tâm
Xem qua sổ sách ghi chép chữa bệnh của ông chỉ trong hai năm nay đã có đến gần nghìn lượt người tìm tới nhờ giúp đỡ. Trong đó, không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, xơ gan cổ chướng, suy tim nặng…
Ông Khang cho biết: “Nếu lấy tiền thuốc từ tiền trăm, tiền triệu/người bệnh thì tôi đã có số tiền kha khá. Nhưng làm nghề bốc thuốc tôi không được phép đoán bệnh ra giá tiền. Người có bệnh tìm đến mình là vinh dự và trách nhiệm. Bệnh nhân trọng bệnh, nhà nghèo tôi chỉ chữa bệnh làm phúc. Tôi luôn giữ lời hứa với thầy Sình – người truyền nghề cho tôi”.
Vợ chồng ông Khang có hai con và bốn cháu. Cuộc sống gia đình trông vào mấy trăm mét đất trồng lúa, khoai, rau. Hiện nay, ông không còn đủ sức sức leo núi tìm cây thuốc nên dành dụm từng đồng lương hưu mua cây thuốc hoặc nhờ con cháu, lương y thân quen tìm cây thuốc.
Vì vậy, vào mỗi dịp lễ, tết, nhà ông đông vui như trẩy hội, những người từng được ông chữa khỏi đến thăm nhiều đến nỗi căn nhà nhỏ hẹp của ông không có đủ chỗ ngồi. Căn nhà tuy nhỏ bé nhưng ấm áp tình người, lúc nào cũng rôm rả tiếng cười đùa. Ông bảo, mỗi dịp như vậy ông cảm thấy vui lắm. Ông không mong gì hơn ở họ ngoài tình cảm quý mến.
Anh Lưu Văn Tung – Bí thư Chi bộ xóm Bản Kính tâm sự: “Ông Khang là lương y có tâm, sống chan hòa với mọi người. Bà con trong xóm có bệnh gì ông đều chữa trị tận tình nên ai cũng yêu quý”. Chị Sơn – bệnh nhân bị ung thư cổ vòm họng ở huyện Hòa An chia sẻ: “Tôi may mắn gặp được thầy Khang, khi điều trị thấy đỡ hẳn, không phải đau đớn, mất sức như đi trị xạ. Tôi sống thêm ngày nào là nhờ ơn của thầy Khang”. Còn ông Khang lại nói: “Làm phúc đức cho người thì tôi và gia đình, con cháu mới khỏe mạnh, yên ấm thế này” 

Loại hạt bổ gấp 9 lần sữa, 5 lần trứng, ăn vào "trường thọ"

Hồ đào được các y gia cho là loại quả “trường sinh bất lão”. Dân gian cũng nói ăn hồ đào có thể cải lão hoàn đồng.


34-13-1320297658-63-0111-no3-1422590935332-67-0-271-400-crop-1422590968500
Sách Bản thảo cương mục có kể một câu chuyện liên quan đến hạt hồ đào: “Có một người tên là Hồng Mại mắc bệnh hen suyễn, đêm ngủ không ngon giấc.
Ông này tìm ra một bài thuốc: trước khi đi ngủ, lấy quả hồ đào, đập nát, cắn ăn, rồi nhai 3 lát gừng tươi, sau đó uống mấy ngụm nước, rồi lại tiếp tục ăn hồ đào, gừng tươi với số lượng như lần trước. Sau đó đi ngủ, thì ông ngủ rất ngon giấc.
Hôm sau tỉnh dậy thì bệnh hen suyễn cũng đã cao chạy xa bay”.
Hồ đào được các y gia cho là loại quả “trường sinh bất lão”. Dân gian cũng nói ăn hồ đào có thể cải lão hoàn đồng. Vì vậy hồ đào được coi là thức ăn kéo dài tuổi thọ, bồi bổ sức khỏe lý tưởng nhất, còn được gọi là quả trường thọ.
Hồ đào rất giàu dinh dưỡng. Trong hồ đào chứa 16% protein, 63,9% chất béo, các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần như: vitamin A, vitamin B, vitamin E, vitamin PP và các nguyên tố vi lượng như: canxi, phốt pho, sắt, kẽm, magiê, crôm.
Đồng thời hồ đào cũng rất giàu chất acid béo Omega-3, chất chống oxy hóa… tốt đối với sức khỏe của những bệnh nhân mắc các bệnh xơ cứng động mạch, tim, não…
Nếu làm một phép so sánh, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng 1kg nhân hồ đào = 5kg trứng = 9kg sữa bò = 4kg thịt bò. Nhìn vào phép so sánh này có thể đánh giá được giá trị của hồ đào nằm ở đâu.
Loại hạt bổ gấp 9 lần sữa, 5 lần trứng, ăn vào "trường thọ" 1
Những công dụng của hồ đào:
Ngừa ung thư vú
Hạt hồ đào rất giàu axit oleic, loại axit béo có khả năng ức chế hoạt động của một gen trong các tế bào gây ra ung thư vú.
Tốt cho tim
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Loma Linda ở California và New Mexico ở Las Cruces, đã xác nhận rằng ăn hạt hồ đào hàng ngày giúp giảm mức độ cholesterol “xấu” trong máu và giảm nguy cơ bệnh tim.
Trong 100g hồ đào nhân sinh 642 calori, có 14g protein, 62g chất béo. Nếu tính ra calori, 8% do chất béo bão hòa, 55% do chất béo chưa no nhiều nối đôi, 20% do chất béo một nối đôi.
Như vậy chất béo cuả hồ đào nhân tương đối tốt, gần bằng dầu hướng dương.
Ăn quả hồ đào có thể cải thiện chức năng não, phòng trị xơ cứng mạch máu não, có thể bổ não dưỡng sinh, acid béo không bão hòa nhiều giá trị chứa trong quả hạch đào còn có tác dụng giảm cholesterol.
Trong hồ đào còn chứa nhiều nguyên tố vi lượng như: canxi, magiê, crôm, những chất này tham gia vào nhiều quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Canxi có tác dụng đối kháng cadmin chất gây nên cao huyết áp. Crôm có thể xúc tiến việc lợi dụng đường glucô và bài tiết cholesterol, bảo vệ tim mạch. Crôm và magiê còn có tác dụng tăng cường chức năng của cơ tim.
Vì vậy, nếu mỗi ngày ăn mấy quả hồ đào có thể cải thiện tình trạng tim mạch, có tác dụng rất tốt đối với việc phòng trị bệnh tim mạch như chứng xơ cứng động mạch.
Theo thử nghiệm, dùng liên tục mỗi ngày 3 quả hồ đào, sẽ giảm được 50mg cholesterol, người bị bệnh vành tim sẽ giảm được nguy hiểm.
Ngừa ung thư tuyến tiền liệt
Hợp chất tự nhiên cung cấp cho quả hồ đào năng lượng làm giảm cholesterol,  đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
Ngoài ra, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây của Đại học Purdue nhận thấy gamma-tocopherol, các loại vitamin E được tìm thấy trong hạt hồ đào, có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Học viện Davis, Đại học California, Mỹ, cho chuột mang khối u tiền liệt tuyến trong người dùng hàng ngày, vào khoảng 68g hồ đào nhục.
Sau 18 tuần thực nghiệm, so với những con chuột không ăn hồ đào, tốc độ phát triển của những khối u trong người những con chuột này giảm xuống 30 – 40%.
Kiểm soát cân nặng
Một nghiên cứu từ Đại học Harvard Trường Y tế công cộng phát hiện ra rằng chế độ ăn kiêng có chứa hạt hồ đào như nguồn bổ sung chất béo giúp giảm cân dài hơn so sới chế độ ăn kiêng giảm cân truyền thống.
Hạt hồ đào là một sự lựa chọn hoàn hảo cho những người có kế hoạch giảm cân.
Loại hạt bổ gấp 9 lần sữa, 5 lần trứng, ăn vào "trường thọ" 2
Những bài thuốc từ hồ đào chữa bệnh liệt dương:
Một trong những công dụng nổi bật để hồ đào xứng danh là loại hạt cải lão hoàn đồng là khả năng giúp tráng dương, ích tinh.
Theo Đông y, hồ đào vị ngọt, tính ôn, không độc, bổ can thận, cường tráng, bổ khí, nuôi huyết, nhuận táo, tăng sức chống rét…
Tính về công dụng bồi bổ khả năng tình dục, hồ đào tốt cho cả nam lẫn nữ.
Một số bài thuốc từ hồ đào chữa bệnh liệt dương cho quý ông:
Chữa liệt dương: 150g hồ đào, 50g nhộng tằm. Rang hồ đào, xào nhộng tằm rồi cho hai thứ vào hấp cách thủy 2 tiếng. Chia 2 lần, ăn 2 ngày trước bữa cơm.
Bổ thận tráng dương: 250g hồ đào tán bột, 10 con tôm to tươi, lòng trắng trứng gà, dầu ăn, rượu vang, muối đường, hồ tiêu, bột nở, hành gừng… Tôm ướp gia vị, tẩm bột trứng, nhúng bột hồ đào để rán.
Kiện tinh chữa di mộng tinh: Hồ đào cả vỏ lụa ăn lúc đói hoặc lấy vỏ lụa màng ngăn cách 12g, sắc uống.
Bổ thận tráng dương, ích tinh, bổ tủy, chữa liệt dương: Nhân hồ đào 50g, rau hẹ 250g, dầu vừng, nước. Cho dầu vừng nóng, đảo rau hẹ (thái nhỏ), gia muối, xào chín. Khi ăn rắc nhân hồ đào lên, ngày 1 lần vào bữa cơm.

Bổ thận chữa thận hư đi tiểu nhiều, di tinh, suy nhược: Nhân hồ đào 50g, khoai mài 500g, bột mì 500g mật ong, dầu vừng, muối. Củ mài hấp chín, ép vụn trộn bột mỳ, nặn thành bánh, rắc nhân hồ đào đem hấp chín. Dùng ăn bữa sáng.

Cách giảm tóc bạc tự nhiên hiệu quả

Tóc bạc không chỉ là dấu hiệu của tuổi tác, nó còn khiến nhiều người mất tự tin và phiền toái khi phải thường xuyên dùng thuốc nhuộm phủ bạc. Áp dụng một vài cách tự nhiên có thể giúp bạn ngăn chặn tình trạng này hiệu quả.
Lá rau dền giúp ngăn ngừa tóc bạc
Rửa sạch lá rau dền, sau đó giã thật nhuyễn, ép lấy nước. Bạn thoa đều nước ép lá rau dền lên tóc từ gốc đến ngọn, ủ trong khoảng 10 - 15 phút, gội sạch. Cách này giúp giữ lại sắc tố cho tóc, đồng thời giúp tóc khỏe mạnh và mềm mại.

Cách giảm tóc bạc tự nhiên hiệu quả
Nước cốt chanh giúp trị tóc bạc hiệu quả
Trộn nước cốt chanh với dầu dừa và đun nóng. Thoa hỗn hợp này vào chân tóc mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Gội sạch tóc với dầu gội và nước lạnh vào sáng hôm sau.
Trị tóc bạc hiệu quả bằng vừng đen
Đây là bài thuốc dân gian của người xưa đặc trị hiệu quả chứng tóc bạc sớm, kiên trì trong một thời gian sẽ thấy tóc đen trở lại và chắc khỏe, dày dặn hơn. Bạn chỉ cần lấy bột vừng đen, bột hà thủ ô mỗi loại 150g. Cho lượng đường thích hợp với bột vừng đen, bột hà thủ ô vào nồi đun lên thành hỗn hợp đặc. Mỗi ngày uống một bát nước cốt hòa với nước đun sôi để nguội vào mỗi tối kiên trì sau 6 tháng sẽ có kết quả tốt.
Bơ giúp giảm tóc bạc tự nhiên
Ăn bơ thường xuyên có thể giúp bạn ngăn chặn lão hóa tóc. Bên cạnh đó, bạn dùng bơ xay massage chân tóc rồi gội lại, thực hiện ít nhất hai lần/tuần.
Trà đen giúp giảm tóc bạc tự nhiên hiệu quả
Với nguyên liệu này bạn pha một cốc trà đen với 2 thìa sữa tươi và môt nhúm muối, xoa đều hỗn hợp lên tóc, ủ trong vòng1 giờ rồi gội sạch đầu bằng nước bồ kết. Làm liên tục cho đến khi tóc trở về màu đen óng mượt.
Gừng và mật ong giúp giảm tình trạng tóc bạc
Cho một ít bột gừng vào ½ chén mật ong, trộn đều,cất vào tủ lạnh dùng dần, mỗi lần xúc ra 1-2 muỗng xoa đều và ủ tóc trong 1 giờ sau đó gội sạch lại bằng nước bồ kết.
Theo Gia đình Việt Nam

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

"Điểm danh" 6 loại giò ngon nức tiếng của Việt Nam

Việt Nam có rất nhiều loại giò ngon, trong đó giò lụa, giò me, giò bò... là các món giò ngon nức tiếng, với mùi vị thơm ngon và nét đặc trưng riêng của từng nguyên liệu chế biến.


Giò được xem là món ăn truyền thống của người Việt Nam bởi nó vừa dân dã mà lại không kém phần ngon miệng và sang trọng khi tiếp khách. Đặc biệt, vào những ngày lễ Tết hay trong mâm cỗ, đám tiệc thì món ăn này càng không thể thiếu. 

Cùng khám phá loại giò ngon nức tiếng với mùi vị thơm ngon và nét đặc trưng riêng của từng nguyên liệu chế biến.

1. Giò lụa 

Giò lụa (miền Bắc) hay chả lụa (miền Nam) là món ăn quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam, vừa thân thuộc lại vừa sang trọng khi bày biện. Giò được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. 

"Điểm danh" 6 loại giò ngon nức tiếng của Việt Nam 1
Ảnh: internet

Thành phẩm được đánh giá là ngon khi khoanh giò có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt mịn màng, không khô rắn cũng không mềm nát hay bị bã. Khi được bóc khỏi lá chuối, giò có hương thơm đặc trưng của thịt tươi luộc cộng với lá chuối tươi, ăn có vị giòn ngọt, đậm đà.

"Điểm danh" 6 loại giò ngon nức tiếng của Việt Nam 2
Ảnh: internet
2. Giò ngựa 

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ buôn ngựa ở xã Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang) đã chuyển sang làm giò ngựa để cung cấp cho thị trường dịp giáp Tết. 

"Điểm danh" 6 loại giò ngon nức tiếng của Việt Nam 3
Ảnh: internet

Thịt ngựa có đặc điểm nạc và ngọt, không dai, rất lạ miệng. Món giò từ thịt ngựa cũng vì thế mà nhanh chóng trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng và đặt hàng. Phần thịt chọn làm giò là phần thịt ngon, không có gân. Để giò không bị khô, người ta rất chú ý đến việc trộn thêm mỡ heo với tỉ lệ phù hợp do thịt ngựa vốn ít mỡ. 

3. Giò bì
 
Nhắc đến đặc sản Hưng Yên, người ta sẽ nghĩ ngay đến món giò nổi tiếng - giò bì phố Xuôi. Nguyên liệu gồm bì heo, thịt nạc, nước mắm nhĩ loại ngon. Phần bì sau khi làm sạch sẽ được luộc chín, xắt mỏng như sợi chỉ, thịt nạc bỏ vào cối quết nguyễn bằng tay, sau đó trộn chung với các loại gia vị cho thấm. Những chiếc giò bì sau khi luộc, để nguội sẽ trở nên săn chắc trong tấm lá chuối xanh cùng mùi thơm thoang thoảng. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc.

"Điểm danh" 6 loại giò ngon nức tiếng của Việt Nam 4
Ảnh: internet
4. Giò me (giò bê) 

Từ lâu, giò me Nam Đàn (me là tiếng địa phương chỉ con bê) đã nổi danh mảnh đất Nghệ An bởi độ thơm ngon hấp dẫn của mình. Giò me có nguyên liệu chính là thịt bê (bê vùng Nam Nghĩa dưới 1 năm tuổi), trứng gà ri (gà ác), kết hợp với các loại gia vị, đặc biệt là nước mắm nguyên chất đặc sản Cửa Lò. Giò được hấp cách thủy trong vòng 12 tiếng đồng hồ, mỗi lát cắt ra có màu hồng của thịt bê đã chín đều, không bị khô. Vì thế, du khách về thăm quê Bác đều tìm mua giò me để làm quà cho bạn bè, người thân.

"Điểm danh" 6 loại giò ngon nức tiếng của Việt Nam 5
Ảnh: internet
5. Giò bò 

Đến Đà Nẵng - “thành phố của những cây cầu” - để du lịch và thưởng thức ẩm thực, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua đặc sản giò bò (còn gọi là chả bò). Món ăn giòn sực, đậm đà, mang hương vị đặc trưng của mảnh đất xứ Quảng. 

"Điểm danh" 6 loại giò ngon nức tiếng của Việt Nam 6
Ảnh: internet

Giò được làm từ thịt bò loại ngon, kèm theo rau thì là thơm thoang thoảng, vị cay nồng của hạt tiêu. Giò càng ngon hơn khi được ăn kèm với dưa món, nem, tỏi sống, tương ớt… Nó cũng được ăn kèm với bún mắm nêm, cháo chả hay bánh mì kẹp thịt…

6. Giò thủ (giò xào)

Giò thủ (hay còn gọi là giò xào) được xem là món ăn truyền thống bắt nguồn từ miền Bắc nước ta. Giò thủ được làm từ các bộ phận của đầu lợn (thủ lợn) như tai, mũi, lưỡi, má... xắt mỏng, xào chín, trộn chung với thịt nạc quết nhuyễn cùng chất kết dinh của bì lợn. 

"Điểm danh" 6 loại giò ngon nức tiếng của Việt Nam 7
Ảnh: internet

Những nguyên liệu giòn sực, lại kết hợp cùng với mộc nhĩ sần sật, ăn kèm dưa muối nên giò thủ ăn rất dễ ăn, lâu ngán. Món ăn này khá đơn giản nên hầu như từ Bắc vào Nam, gia đình nào cũng sử dụng để bày trong mâm cỗ ngày Tết.
 
Theo Thùy Linh / Trí Thức Trẻ

Các loại bánh lâu đời, nổi tiếng của miền Bắc

Bánh tẻ, bánh gai, bánh đúc, bánh gio... đều là các loại bánh thân thuộc, gắn bó với đời sống và con người miền Bắc.


1. Bánh cuốn
Bánh cuốn là loại bánh được làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, ăn khi còn ướt, bên trong có nhân thịt hoặc mộc nhĩ, nấm hương, hành lá... Miền Nam cũng có một món bánh với cách chế biến tương tự nhưng không có nhân gọi là bánh ướt. Bánh cuốn thường được ăn với nước chấm pha nhạt từ nước mắm. Nước chấm bánh cuốn đúng chuẩn không thể thiếu tinh dầu cà cuống.
Các loại bánh lâu đời, nổi tiếng của miền Bắc 1
  
Mỗi địa phương ở miền Bắc đều gia giảm một chút "màu sắc" cho món bánh nhưng có tiếng nhất là bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Làng Kênh (Nam Định), bánh cuốn trứng (Lạng Sơn), bánh cuốn Hải Dương, bánh cuốn Phủ Lý. Bánh cuốn dễ ăn, ngon miệng, thích hợp ăn quanh năm.
2. Bánh tẻ
Bánh tẻ có nơi gọi là bánh răng bừa, cũng là một thứ bánh truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, nổi tiếng hơn cả là bánh tẻ làng Chờ (Bắc Ninh), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây), bánh tẻ Văn Giang (Hưng Yên)... Bánh có hình thuôn dài, làm từ bột tẻ bọc lá chuối, nhân có thịt thái chỉ, mộc nhĩ, hành lá... Bánh tẻ có vị đậm nên có thể ăn không hoặc chấm cùng nước mắm, nước tương đều rất ngon miệng.
Các loại bánh lâu đời, nổi tiếng của miền Bắc 2
3. Bánh đúc lạc
Khác với món bánh đúc làm từ bột năng của miền Nam, bánh đúc lạc miền Bắc làm từ bột gạo. Bánh đúc lạc chấm tương ăn giòn, mịn, mát; là thức quà quê giản dị chân chất gắn bó với người miền Bắc từ xa xưa. Bánh đúc thuần túy được làm từ bột gạo pha nước vôi trong, thêm lạc rồi đóng miếng, ăn nguội. Một số nơi còn dùng thêm chút cơm dừa xắt miếng mỏng hoặc nhuyễn trộn lẫn bột trong nồi bánh trước khi đổ ra khuôn.
Các loại bánh lâu đời, nổi tiếng của miền Bắc 3
4. Bánh gai
Bánh gai có vị ngọt đậm, là món bánh đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Bánh có dạng hình vuông, màu đen, gói trong lá gai xám. Nhân có dừa, đỗ xanh, bí đao, đôi chỗ còn cho thêm lạc, vừng, sen, mỡ lợn thái nhỏ. Vỏ bánh có màu đen độc đáo là màu của lá cây gai được phơi khô, luộc kỹ, giã nhỏ trộn cùng bột gạo nếp. Cũng chính vì vậy, bánh có tên gọi là bánh gai.
Các loại bánh lâu đời, nổi tiếng của miền Bắc 4
Bánh gai ngọt bùi, thơm ngậy, dẻo dai, thường dùng làm đồ tráng miệng sau bữa chính. Một số nơi làm bánh gai ngon nổi tiếng có thể kể tới bánh gai Tứ Trụ (Thanh Hóa), bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), Bánh gai Làng Giá (Hoài Đức, Hà Nội)...
5. Bánh gio
Các loại bánh lâu đời, nổi tiếng của miền Bắc 5
  
Bánh gio (hay bánh tro) cũng là thứ bánh dân dã, mộc mạc của miền Bắc. Sở dĩ bánh có tên gọi như vậy là vì nước dùng để ngâm gạo làm bánh và luộc bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Bánh gio có màu vàng trong suốt như hổ phách, vị dẻo mát, thơm thoảng mùi vôi dễ chịu. Khi ăn, bánh được chấm cùng mật mía. Ngoài bánh gio Phủ Từ thì bánh gio Yên Thái cũng rất có tiếng.
6. Bánh khúc
Bánh khúc hay xôi khúc, xôi cúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, làm từ lá rau khúc (có hai loại là rau khúc tẻ và rau khúc nếp có khi còn được gọi là khúc Ông và khúc Bà, nhưng khi làm bánh, người ta thường chọn lá rau khúc nếp, bởi lá khúc nếp thơm ngon hơn nhiều), gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ. Bánh thường được làm vào mùa rau khúc - dịp tháng 2, tháng 3 Âm lịch.
Các loại bánh lâu đời, nổi tiếng của miền Bắc 6 
Ở Hà Nội, những tiếng rao bánh thường được rao "Xôi nóng bánh khúc đê, xôi nóng bánh khúc nào..." hay “Ai bánh khúc nóng đây!” đã trở thành một nét rất đặc trưng của người Thủ đô.
7. Bánh trôi - bánh chay
Bánh trôi - bánh chay, có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng ngày nay đã trở thành hai loại bánh cổ truyền tại miền Bắc Việt Nam. Hai loại bánh này thường đi liền với nhau, phổ biến nhất trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, còn gọi là "ngày bánh trôi bánh chay".
Các loại bánh lâu đời, nổi tiếng của miền Bắc 7
Cách làm bánh trôi - bánh chay khá đơn giản, cùng nguyên liệu bột nước của gạo nếp lẫn gạo tẻ, thêm viên mật vê tròn luộc chín là thành bánh trôi; đổi nhân đậu xanh, nhân dừa, đặt trong bát nước đường quấy bột sắn sánh sệt, thêm chút hương liệu thơm tho là được bát bánh chay. Từng viên bánh trắng muốt, ngọt ngào, phảng phất hương hoa bưởi khiến món bánh luôn có sức hấp dẫn lòng người.
8. Bánh cốm
Các loại bánh lâu đời, nổi tiếng của miền Bắc 8
Bánh cốm là đặc sản của Hà Nội, là thứ lễ không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp, và là món quà được ưa chuộng của du khách thập phương. Bánh cốm làm từ Cốm, nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần, thường dùng cho lễ ăn hỏi. Áo cốm vuông vức màu xanh lá lúa mát mắt, ôm lấy nhân ngọt ngào bên trong. Ăn bánh ngoài vị ngọt thanh còn thấy vị thơm của cốm, là món quà riêng có của mùa thu Hà Nội.
 
Theo Depplus.vn/MASK

8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam

Đi dọc đất nước, ta dễ dàng bắt gặp một món ăn tuy chung tên gọi nhưng khác nhau về cách chế biến và mang đặc trưng rất riêng của mỗi vùng miền: món mắm.


1. Mắm tôm
Mắm tôm là thứ đặc sản đất Bắc, có mùi vị vô cùng đặc trưng. Mắm được làm từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo màu tím thẫm và mùi nồng đặc trưng đến nỗi "mùi mắm tôm" trở thành một từ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người yêu thích mắm tôm nhưng cũng có không ít người chỉ ngửi thấy mùi mắm tôm đã "chạy làng".
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 1  
Mắm tôm có thể ăn sống là một loại nước chấm, đánh với rượu trắng và cốt chanh để giảm mùi gắt. Mắm cũng có thể dùng với bún, tạo thành món bún đậu mắm tôm ngon nổi tiếng hay gia tăng hương vị cho bún riêu, bún thang. Trong các món nấu, mắm tôm là thức không thể thiếu để pha chế các món giả cầy và rựa mận.
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 2
2. Mắm cáy
Nếu ai không chịu được mùi mắm tôm, thì chắc chắn còn phải hoảng hốt hơn nhiều với hương mắm cáy. Mắm cáy được làm từ cáy, một loài cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Mắm cáy có màu nửa xanh nửa nâu, vị nồng hơn mắm tôm rất nhiều. Song nếu vượt qua được mặc cảm ban đầu, không ít người phải công nhận mắm cáy không chỉ ngon và còn rất dễ nghiện. Mắm cáy chấm rau khoai lang là món ăn bình dị quen thuộc của người dân vùng duyên hải Bắc Bộ.
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 3
3. Mắm cái
Mắm cái còn được gọi là mắm nêm, là loại được làm từ cá như mắm nước nhưng có cách chế biến hoàn toàn khác. Nếu mắm nước lấy mắm từ nước chắt ra ở thân cá và muối thì mắm cái sử dụng cả xác cá. Sau quá trình ướp muối, lên men, cá được trộn một số phụ liệu như thính, thơm, đường...để tạo hương vị đặc trưng.
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 4  
Mắm cái thường có hai dạng: dạng nguyên con (cá cơm, cá sơn đỏ...) và dạng xay nhuyễn (cá trích, cá nục, cá liệt...). Mắm nêm là loại nước chấm đặc trưng của miền Trung Việt Nam.
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 5
4. Mắm ruốc
Mắm ruốc được làm từ ruốc - một loại tôm nhỏ nhưng màu sắc và mùi vị khác hoàn toàn mắm tôm. Mắm ruốc có vị tanh vừa phải, thơm nhẹ, không quá mặn, màu đỏ hồng. Đây là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân xứ Huế.
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 6
5. Mắm tôm chua
Một loại mắm cũng được chế biến từ tôm, cũng là một món đặc sản đặc biệt tại Huế khác là mắm tôm chua. Mắm được làm từ tôm rảo tươi ủ chua. Khác với mắm tôm mặn có màu nâu và con tôm đã bị giã nhuyễn, mắm tôm chua có màu đỏ và con tôm còn nguyên hình, hương vị chua ngọt, pha chút vị cay nhẹ của riềng, ớt rất dễ chịu, dễ ăn hơn mắm tôm. Mắm tôm chua dùng chấm các món thịt luộc rất ngon.
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 7
6. Mắm rươi
Mắm rươi là món mắm ngon nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên, cách chế biến mắm rươi ở một số tỉnh duyên hải miền Bắc lại khác biệt hoàn toàn so với mắm rươi vùng Trà Vinh, đồng bằng sông Cửu Long.
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 8
Mắm rươi miền Bắc
Người miền Bắc làm mắm rươi thành dạng đặc với sự phối trộn cả vỏ quýt, gừng, muối rang vàng, rượu nếp và thính gạo. Món ăn từng được thị dân Hà Nội yêu thích đặc biệt một thời. Ngay đến tác giả cuốn "Ẩm thực Hà Nội" - nhà văn Vũ Bằng nhận xét thì "mắm rươi ăn với tôm he bông không có rau cần và rau cải cúc thì hỏng kiểu".
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 9
Mắm rươi Trà Vinh
Người vùng Trà Vinh thường làm rươi thành nước mắm. Công thức chế biến mắm rươi của cư dân Trà Vinh rất đơn giản, chỉ gồm rươi, muối ăn, nước sạch nhưng cho thành phẩm là loại nước mắm tương đối sánh đặc được các vua chúa triều Nguyễn vô cùng yêu thích. Vì vậy mắm rươi Trà Vinh còn có tên gọi vương giả là nước mắm ngự.
7. Mắm cá miền Tây
Ở miền Tây, bất kỳ loại cá nào cũng có thể làm mắm. Tiêu biểu hơn cả có thể kể tới mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm bò hóc...
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 10
Mắm lóc Châu Đốc.

8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 11  
Mắm cá lóc là món mắm tiêu biểu của vùng Châu Đốc, An Giang và là nguyên liệu làm nên món bún cá Châu Đốc nổi tiếng. Nổi lầu mắm đất Cần Thơ lại không thể thiếu món mắm cá linh vàng ươm, thơm lựng. Mắm bò hóc là đặc sản của người Khmer, có mùi rất nồng nhưng lại là gia vị quen thuộc trong hầu hết các món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh...
8. Mắm thái
Mắm thái cũng là một loại mắm đặc sắc ở miền Tây. Đây là món ăn được biến tấu dựa trên món mắm ruột (làm từ ruột cá lóc rất ngon và đắt tiền) bằng cách thái nhỏ thịt mắm cá lóc trộn với dưa đu đủ bào sợi, ướp thêm đường và gia vị. Có nhiều cách thưởng thức mắm thái nhưng ngon nhất là một mâm đầy đủ với bún tươi, rau xanh, thịt luộc, bánh tráng.
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam 12
 
Theo Depplus.vn/MASK