Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Bánh xíu páo nhỏ xinh nức tiếng Nam Định

Bánh xíu páo có nguồn gốc Trung Hoa, nhưng lại rất phổ biến tại mảnh đất Nam Định. Dần già, chiếc bánh nhỏ trở thành đặc sản không thể bỏ qua cho các vị khách đặt chân tới mảnh đất này.   

Bánh xíu páo (xíu báo) theo chân người Hoa tới mảnh đất Nam Định đã từ lâu khi một bộ phận người Hoa không nhỏ tới Nam Định lập nghiệp và sống trên phố Khách (nay là phố Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong). Chiếc bánh giản dị, chẳng hề đắt tiền nhưng mang hương vị khó quên với bất cứ ai đã từng thưởng thức. Khi ăn, lớp vỏ cho cảm giác tương tự chiếc bánh pía, còn phần nhân lại gợi nhiều liên tưởng tới bánh nướng ngày rằm tháng Tám.

Bánh xíu páo nhỏ xinh nức tiếng Nam Định 1
Bề ngoài, xíu páo có hình dạng giống bánh bao chiên.
Xíu páo thường được người Hoa dùng làm quà sáng, nhưng thưởng thức lúc chiều tà cũng làm ấm lòng người đói dạ.Vỏ xíu páo có nhiều lớp, nhìn tương tự bánh nướng nhưng mềm và thơm hơn. Bánh làm hoàn toàn từ bột mì và không hề có bột nở nên sau khi nướng, chiếc bánh vẫn giữ được hình dạng nhỏ xinh, đẹp mắt. 
Bánh xíu páo nhỏ xinh nức tiếng Nam Định 2
Vỏ bánh xíu páo ra lò đạt tiêu chuẩn ngon là khi lớp vỏ giòn mà không vỡ mà vẫn đảm bảo độ mềm chứ không cứng chắc. Nhân được làm từ thịt xá xíu, ngũ vị hương, mật ong, mộc nhĩ, mỡ lợn và nửa quả trứng gà luộc. Nguyên bản của xíu páo thường sử dụng trứng muối nhưng dường như vị mặn của trứng muối không hoàn toàn phù hợp như vị ngậy béo của trứng luộc nên về sau, trong chiếc bánh xíu páo thường có sự xuất hiện của 1/4 hoặc 1/2 quả trứng gà luộc, mang hương vị độc đáo.
Bánh xíu páo nhỏ xinh nức tiếng Nam Định 3
Bánh xíu páo thân thuộc hơn cả với cô cậu học trò. Giờ tan trường, cầm trên tay chiếc bánh nóng hổi, cắn vào lớp vỏ nghe rồm rộp, cảm nhận vị ngậy béo, thơm ngọt của thịt, của trứng, của gia vị quế hồi thơm nức ứa ra từ nhân bánh, nghe nôn nao bồi hồi khó tả. Bởi thế mà qua bao năm tháng, các thế hệ học sinh thành Nam vẫn không thể quên hương vị chiếc bánh quê nhà. Không chỉ đơn giản là món quà vặt quen thuộc, bình dị, dân dã mà nó còn gợi nhắc kỉ niệm về một thời cắp sách tới trường, có chút thương, có chút riêng, có chút gì vương lên nỗi nhớ.
Bánh xíu páo nhỏ xinh nức tiếng Nam Định 4
Ngày nay, về quê hương Nam Định đâu đâu cũng thấy bán xíu páo. Nhưng những chiếc bánh ngon hơn cả, vẫn được những người Nam Định yêu quê hương giới thiệu là ở trên những con đường Hàng Sắt, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong... Nếu có cơ hội tới mảnh đất kì danh này, đừng quên thưởng thức chiếc bánh độc đáo "vỏ bánh bao, nhân bánh nướng" này.


Theo Mask Online



Về Nam Định thưởng thức món cá nướng… úp chậu 



Nếu có dịp ghé qua xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định những ngày đầu xuân, vào bất cứ gia đình nào, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được chủ nhà mời một món cá nướng rất đặc biệt, ăn xong bạn còn muốn… xin về.Món cá nướng này là một đặc sản “hiếm có, khó tìm”, nếu có người thân quen, bạn nên đặt trước, nếu không sẽ chẳng bao giờ được nếm thử.

Đó là món cá nướng úp chậu với phần da cá vàng ươm, giòn dai như mực nướng, phần thịt chắc nịch, thơm phức. Món cá chỉ cần bảo quản trong ngăn lạnh hoặc treo gác bếp có thể để được cả tuần. Khi ăn, chỉ cần nướng qua than hoa dăm mười phút là có thể nhậu hết vài cút rượu.
Không biết món cá này xuất hiện từ bao giờ nhưng theo nhiều người dân trong xã Phương Định, cứ khoảng 25 Tết, nhà nhà lại nô nức đi đánh cá, mua cá để làm món cá nướng có một không hai này.
Loại cá để nướng thường dùng để nướng là cá trắm cỏ (từ 2 đến 5 cân), cá chép (từ 1-1,5 cân).  Cá chép chỉ cần mổ bụng, rửa sạch, còn các loại cá to, chủ nhà thường phải cắt làm 2 hoặc 3 khúc. Sau đó, thâm ướp gia vị, hành, sả, thì là, gừng… để ngấm khoảng 30 phút.
Tiếp đó, những chú cá tươi roi rói sẽ được “nhốt” vào một chiếc… chậu nhôm chuyên dụng, xung quanh xếp gạch và lót một lớp rơm, lá chuối bên dưới. Đến đây, rất nhiều du khách ngạc nhiên vì làm sao cá úp chậu lại có thể chín được? Câu trả lời là nhờ vào sự khéo léo, kiên trì và một “bí  kíp” gia truyền trong việc nướng cá.


Khi đã kiểm tra chậu úp cá chắc chắn, đầu bếp bắt đầu trải rơm đốt xung quanh thành chậu, phía trên chậu liên tục trong 30 phút. Rồi phủ kín chậu bằng một lớp chấu dày, tiếp tục đốt rơm và trấu lẫn lộn trong vòng… 5 tiếng.


Món cá nướng này “ăn đứt” các loại “mầm đá” của Trạng Quỳnh xa xưa, vì đó mới chỉ đi được nửa thời gian để cho ra sản phẩm. Đầu bếp gạt hết lớp chấu và rơm trên chậu, nhẹ nhàng dùng kẹp tre mở chậu để lật cá. Bây giờ, một mặt cá đã chín vàng, khô, mùi thơm ngào ngạt. Cẩn thận lật mặt sau của cá, đầu bếp lại tiếp tục “chiến đấu” với rơm, trấu thêm khoảng 5 tiếng nữa thì món cá nướng úp chậu mới hoàn thành.
Điều quan trọng nhất, theo anh Đức – người đã làm món cá nướng này 5 năm chia sẻ là phải kiên trì và biết “điều lửa” để sao cá chín nhờ nhiệt hấp thụ qua chậu chứ không được để lửa bén vào bên trong, cá sẽ bị chín cháy, hoặc bị chảy nước.
Món cá này giờ trở thành đặc sản của người xã Phương Định, là một món ăn mời khách và món quà biếu dân dã nhưng cũng rất lạ và độc đáo. Nếu có dịp du xuân trên miền đất của các vị vua Trần dịp đầu xuân, bạn nhớ ghé qua đây (cách thành phố Nam Định khoảng 30 km) để thưởng thức món cá đặc biệt này.

Xíu páo: Loại bánh người Hà Nội phải lặn lội về Nam Định để ăn

Xíu páo là một trong những món bánh nổi tiếng của Nam Định được rất nhiều người ưa chuộng.

Ngay cả những người Nam Định gốc cũng không nhớ được chiếc bánh nhỏ xinh mang tên xíu páo này xuất hiện từ bao giờ, họ chỉ biết rằng xíu páo “theo chân” người Hoa du nhập vào nước ta. Rồi chẳng biết từ bao giờ nó đã trở thành một trong những món ăn thơm ngon, hấp dẫn từ hình dáng, màu sắc cho đến hương vị.
Video Player is loading.
Hiện tại 1:17
/
Thời lượng 2:13
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%
Thoạt nhìn hình dáng bên ngoài nhiều người lầm tưởng xíu páo là tên gọi khác của bánh bao chiên hay chiếc bánh pía truyền thống của Sóc Trăng. Thế nhưng cứ phải trực tiếp ăn bạn mới có thể cảm nhận được hương vị đậm đà, mùi hương hấp dẫn đó.
Nguyên liệu để làm nên một chiếc bánh xíu páo nổi danh Nam Định bao gồm: bột mì, thịt lợn thái hạt lựu, tiêu, dầu hào, húng lìu, mật ong, trứng... và gia vị bí truyền của các gia đình.
Để làm nhân bánh, người làm bánh phải chuẩn bị 2 loại thịt. Thịt nạc vai để làm xíu và thịt ba chỉ để tạo độ ngậy cho nhân bánh. Thịt ba chỉ được mua về rửa sạch, thái hạt lựu rồi ướp các loại gia vị gồm tỏi, dầu hào, ngũ vị hương, bột canh nêm nếm vừa phải. Còn thịt xíu cũng thái hạt lựu rồi tẩm ướp các công đoạn như trên, sau đó trộn với mộc nhĩ băm nhỏ cùng một chút hành củ đập dập.
Nếu như các công đoạn làm nhân khá đơn giản thì khâu làm vỏ bánh xíu páo là khó nhất. Cũng chỉ là bột mì, trứng gà và đường nhưng mỗi gia đình lại có các công thức pha bột khác nhau để có thể tạo nên một lớp vỏ sau khi nướng có độ giòn mà không khô, tưởng mỏng mà lại gói gọn được lớp nhân bánh bên trong.
Có một điều đặc biệt mà ngay đến cả những thực khách sành ăn cũng không phát hiện ra, một lớp vỏ bánh xíu páo sẽ gồm 8 lớp vỏ. Cụ thể, sau khi đã chia thành từng phần bột nhỏ, người thợ sẽ cán, nhào bột và “gấp” các lượt bột sao cho vỏ có thể bóc tách, đếm đủ thành 8 lớp khác nhau là hoàn thành.
Lớp vỏ bánh được cán mỏng, bọc bên trong nhân thịt xíu thơm ngon, dậy mùi rồi đặt thêm một miếng trứng luộc hoặc trứng mặn là hoàn thiện.
Có rất nhiều bạn trẻ lầm tưởng bánh xíu páo được chiên, nên lớp vỏ mới có được độ giòn cũng như có độ mỡ màng đặc trưng. Nhưng trên thực tế thì bánh xíu páo lại được nướng trong lò. Lớp vỏ bánh nướng vàng ươm, giòn rụm, không quá dày cũng không quá mỏng quyện trong lớp nhân thịt trứng thơm ngon, thấm đượm trong từng lớp bánh.
Sau khi nặn bánh xong thì sẽ phải quết thêm một lớp dầu cùng lòng đỏ trứng gà để vỏ bánh vàng hơn rồi cho vào lò nướng trong vòng 40 phút mới có thể chín bánh.
Xíu páo đã khiến nhiều người phải lặn lội về Nam Định để đặt mua, nhưng một tin vui dành cho các tín đồ của bánh xíu páo là ngay tại số 105C16 đường Nguyễn Quý Đức, Hà Nội tiệm bánh xíu páo gia truyền của cô Thanh Xuân chắc chắn sẽ làm bạn thỏa mãn.
Quán nhỏ, không có chỗ ngồi, khách hàng đến mua bánh rồi lại ra công viên đối diện hàng bánh để ngồi ăn. Là hàng bánh gia truyền, cô Xuân chia sẻ với iOne: “Tiệm bánh này trước đây là của gia đình cô nhưng giờ thì cô làm tiếp. Từ khâu chuẩn bị nhân cho đến làm vỏ bánh đều làm thủ công nên lượng bánh làm được cũng không được nhiều, làm đến đâu thì bán hết đến đấy”.
Mỗi ngày tiệm bánh của cô Xuân bán được khoảng vài trăm cái với hai loại nhân chính: xíu páo trứng thường và xíu páo trứng mặn. Giá mỗi chiếc xíu páo thường là 7.000 đồng và 14.000 đồng cho một chiếc nhân trứng mặn.
Cửa hàng mở cửa từ 6 giờ sáng cho đến 8 giờ tối.
Thúy Quỳnh
Theo Thanh Phong, ảnh Nguyễn Đức, nguồn ảnh aFamily.vn / MASK Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét