Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Báu vật của người Hà Lăng

(TNTS) Người Hà Lăng làng Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei (Kon Tum) ngày xưa sống giữa rừng, lấy vỏ cây làm quần áo để mặc ấm, vừa làm “áo giáp” để chiến đấu chống lại kẻ thù, hay chinh phạt tìm chiến lợi phẩm, lương thực.

Ngày nay người Hà Lăng vẫn còn giữ quần áo vỏ cây hàng trăm năm này, xem như báu vật, biểu tượng của dân tộc tộc mình, dù ngàn vàng cũng không hề bán...
Đi tìm cây làm quần áo
Chúng tôi về làng Đăk Ôn, hỏi người Hà Lăng về quần áo bằng vỏ cây, bà con bảo: “Ô, nó quý như thân thể mỗi người Hà Lăng. Dù người có mất đi, nhưng đồ này không bao giờ mất”. Trưởng thôn A Xen cho biết, để có được các tấm áo vỏ cây này, thế hệ ông cha mình phải rất vất vả mới có được những tấm áo. Phải đi xa hàng chục cây số, vào tận mãi rừng sâu để tìm cho được cây loong phoong to cỡ bằng bắp chân, sau đó, chặt cây thành từng khúc dài khoảng 1,5 đến 2 mét, bóc lớp vỏ bên ngoài rồi dùng dao lột lấy lớp lụa giữa phần thân cây và vỏ, ngâm lớp lụa dưới dòng suối hoặc trong xoong to khoảng 2 tháng. Khi vớt ra, dùng chày răng cưa đập nhuyễn vỏ cây rồi phơi khô trong bóng râm. Công đoạn tiếp theo là tách vỏ cây này thành từng cọng nhỏ, se thành sợi dệt tấm áo.
 Báu vật của người Hà Lăng - ảnh 1
Anh A Xen gói gém cẩn thận các bộ trang phục bằng vỏ cây
Tìm cây loong phoong đã khó, tìm chỉ la plâh để may quần áo vỏ cây này lại càng khó hơn. Vì chỉ duy nhất dây la plâh mới làm được chỉ để đan áo. Loại dây này vừa trơn vừa chắc nhưng lại rất hiếm, rất khó khăn mới tìm được. Công việc tìm loại cây này đã khó nhưng công đoạn làm chỉ cũng rất công phu. Khi có dây la plâh, phải chẻ nhỏ cho vào ống nứa đun sôi liên tục vài tiếng đồng hồ trên bếp lửa nhà sàn, đun càng lâu thì sợi chỉ càng chắc chắn. Sợi chỉ bằng dây la plâh xỏ xuyên qua từng sợi loong phoong, kết thành áo.
Hỏi vì sao có bộ đồ “đặc dị” này, Trưởng thôn A Xen kể: “Mình nghe ông cố kể lại, trước đây giữa bộ tộc mình với bộ tộc khác, có sự tranh giành đất đai, nhờ các tấm áo vỏ cây này mà dân làng mình luôn giành phần thắng. Khi mặc tấm áo này vào, gươm, dao chặt khó đứt... Trước đây dân làng nghèo lắm, không đủ áo để mặc. Cha ông mình đã tìm tòi, sáng tạo ra loại áo bằng vỏ cây này, vừa để mặc ấm, vừa làm tấm đắp. Ai có được tấm áo, tấm đắp bằng vỏ cây là thuộc hạng người giàu có của làng...”.
 Báu vật của người Hà Lăng - ảnh 2
A Xen tự hào mặc bộ trang phục bằng vỏ cây của người Hà Lăng
Muốn sở hữu được một tấm đắp thì người Hà Lăng phải đổi con heo một thước (dài một mét) cùng nhiều vật dụng khác, còn muốn có áo thì phải đổi 30 ly vàng (khoảng 3 chỉ vàng ròng). Mỗi tấm áo vỏ cây nặng khoảng 2 kg, không dùng khuy cài áo mà dùng sợi dây để choàng, quấn chặt thân người. Người Hà Lăng còn sử dụng tấm áo vỏ cây với nhiều công dụng khác nhau như tấm đắp, mặc ấm, làm chiếu trải giường... Đây là “phát minh” độc đáo chỉ có người Hà Lăng ở Kon Tum là duy nhất có được gìn giữ mãi đến giờ.
Báu vật của làng
Trong số 12 bộ trang phục bằng vỏ cây hàng trăm năm tuổi gần như còn nguyên vẹn của người Hà Lăng ở làng Đăk Ôn đang gìn giữ, có 10 bộ dành cho người trưởng thành và 2 bộ dành cho thiếu niên. A Xen cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, ông cố của tôi đã dặn dò con cháu phải cất giữ các bộ trang phục cẩn thận, đây là báu vật, là tài sản quý giá của tộc người Hà Lăng. Do vậy, nhiều người từ nơi xa đến đây gạ bán, đổi con trâu, con bò, song tôi quyết không bán. Bây giờ nhiều người giàu biết làng có đồ này đến gạ mua. Tôi bảo: ngàn vàng không đổi. Thế là họ về”.
 Báu vật của người Hà Lăng - ảnh 3
Người Hà Lăng mặc trang phục áo vỏ cây biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Ngọc
A Xen lại bảo, vàng, tiền rồi cũng hết, nhưng quần áo vỏ cây này còn giữ lại, con cháu sau này sẽ được nhìn thấy báu vật của dòng họ, của tổ tiên mình để lại. Đưa đôi bàn tay vuốt thẳng nếp áo, lấy từng tấm áo cây được gói ghém cẩn thận, A Xen khoe: “Tấm áo này chỉ được đồng bào mình mặc, sử dụng trong các nghi lễ trọng đại của dân tộc như mừng nhà rông mới, mừng lúa mới... Trước khi dân làng đem áo ra mặc phải làm lễ tế yàng. Nhờ có các tấm áo này mà khi tham gia lễ hội cồng chiêng tại Kon Tum, làng mình đều giành được các giải thưởng, nhiều người đến tò mò quan sát nên mình rất tự hào”.
Nguy cơ thất truyền
A Xen tay mân mê tấm áo vỏ cây dùng cho tuổi thiếu niên mà ông nội đã làm cho, đôi mắt buồn nhìn xa xăm: “Cả làng Đăk Ôn có 100 hộ, 515 khẩu, song không còn người biết dệt tấm áo vỏ cây này”. Già A Côi tiếp lời: Ở đây chỉ có già làng Y Địa biết làm quần áo này. Sợ thất truyền nên cách đây hơn một năm, già Y Địa họp làng lại và cử 5 người làng mang cơm đùm cơm nắm băng rừng, lội suối để tìm cây dệt cho già Y Địa đan áo. “Vậy mà ròng rã suốt nhiều ngày liền, Y Địa cùng những người già lặn lội vào rừng tìm kiếm nguyên liệu để đan áo nhưng cũng không tìm ra. Bây giờ Y Địa theo yàng rồi, không còn ai đan đồ vỏ cây nữa”, già Y Côi tiếc nuối.
A Xen đôi mắt nhìn như xoáy vào rừng thẳm lục tìm đâu đấy cây loong phoong, dây la plâh. “Mấy loại cây này to cỡ bằng bắp chân người lớn không còn trên rừng nữa rồi. Đi vào mãi tận rừng sâu tìm cũng không có. Còn chỉ bằng dây la plâh cũng không có, đi mãi vào tận rừng Ơ Ngơn, ở mãi Nơ Lào (phía bên Lào) cũng không tìm thấy...
Ông A Blăng, nguyên Chủ tịch UBND xã Đăk Long, nói: “Người ta đến hỏi mua quần áo bằng vỏ cây, giá đắt mấy cũng không được bán, bán là mất bản sắc của dân tộc mình, có tội với yàng, với thần linh. Do vậy, mình quyết giữ các tấm áo vỏ cây này lại”.
Phạm Anh - Hoàng Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét