Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Cây nêu ngày tết, có nên phục hồi?

(TNO) Ở Gia Định xưa, sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: “bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là ”lên nêu”… Có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ. Ngày 7 tháng giêng triệt hạ, gọi là “hạ nêu” phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi”.
Tại sao một mỹ tục đậm đà bản sắc dân tộc với ý nghĩa tốt đẹp như thế, đến nay lại không còn thấy nữa? Họa chăng chỉ còn trong sách báo cùng trong thơ văn với câu đối tết: Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.
 Cây nêu ngày tết, có nên phục hồi? - ảnh 1
Hình dựng cây nêu ngày tết trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger
Người Trung Quốc xưa thường dùng cây đào, lấy tích của cây bàn đào của bà Tây Vương Mẫu, là chỗ quỷ ở, thường có hai con quỷ lớn kêu là Thần Đồ, Uất Lũy, hay bắt các quỷ xấu mà ăn, cũng kêu là đào phù, nghĩa là bùa đào. Cũng theo ý nghĩa trừ tà ấy, những nhà theo đạo Phật treo lên cây nêu nào khánh, nào chuông nhà Phật để cho biết ở đây có Phật Bà Quan âm độ trì, quỷ dữ phải tránh xa, nhà được bình an.
Có lẽ do ý nghĩa mê tín, trừ ma quỷ mà khi Tây đến, rồi Cách mạng nổi lên, dần dần người ta bỏ tục trồng nêu. Bây giờ nghĩ lại thấy mất mát uổng quá!
Trước hết cây tre là biểu trưng cho tính chất, bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tre là thể hiện cương nhu phối triển! Tre có thể uốn cong trước gió. Gió bão cực mạnh có thể làm đổ tất cả các cây cổ thụ, song cây tre chỉ bị uốn rạp xuống mà thôi, không hề bị đổ, bị bật rễ! Tre có thể rất mềm, chẻ thành thanh tre và lạt mỏng để làm mọi vật dụng, kể cả làm liếp che nhà cửa, dùng quạt để làm mát người, dùng đũa để ăn… Song tre lại rất cứng! Từng cây đũa có thể bị bẻ, chứ cả bó đũa thì không! Tre có thể dùng đòn để khiêng, dùng cột chống đỡ nhà cửa và làm cây tầm vông, làm chông đánh giặc. Lũy tre là bảo vệ làng mạc, làm thành lũy lợi hại như chiến lũy Ba Đình chống Pháp năm xưa!
Vậy thì trồng cây tre vào đầu năm mới, để khẳng định tinh thần Việt Nam, cả nước hiện ở đâu cũng có tre, vừa mang tính phổ biến, thống nhất cả nước. Xưa mọi nhà đã trồng cây nêu cũng bởi chỗ nào cũng có cây tre! Như thế, trồng cây nêu tre là cả nước khẳng định “nhà chúng tôi là nhà Việt Nam”. Việt Nam, có tôi đây vào dịp đón mừng vận hội mới trong năm mới!
Trồng cây tre trước cửa nhà trong bảy ngày đầu năm còn là đánh dấu những ngày vui, hạnh phúc nhất trong năm, những may mắn mới, với ước mong những đổi mới mới hơn, những thành đạt mới…
Phải làm sao cho thật vui! Vui như tết, xôm tụ như tết mà! Nhà nhà đều sơn phết mới, người người mặc quần áo mới, tiêu xài tiền mới. Nghèo đến mấy cũng ăn tết ê hề đồ ăn ngon!
Và như thế trên cây nêu phải treo những gì là điềm lành, điềm vui, tránh xui, tránh họa như treo chuông khánh kêu vui leng keng trước gió, có cá chép để hóa rồng, có chim lạc, đàn cò trắng và còn có giỏ tre đựng trầu cau, cũng tùy theo tín ngưỡng, tôn giáo mỗi nhà cứ treo thêm… Trong thời gian bảy ngày dựng nêu, ngoài kiêng đòi nợ nhau, cũng nên kiêng làm điều xấu xa như nói tục, chửi tục, cãi nhau, đánh nhau…
Để chào đón vận hội mới, ngàn năm nay chúng ta mới có một chính quyền chủ trương xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc! Từ ngàn năm nay, nhiều chính quyền chỉ vì quyền lợi riêng của mình, luôn vọng ngoại, rập khuôn văn hóa ngoại lai hết Tàu đến Tây! Trong khi dân gian bao giờ cũng đậm đà bản sắc dân tộc! Có Quốc sử từ thế kỷ XIII, vậy mà thi Hương chỉ thi Bắc sử, đến khi Pháp đô hộ mới cho thi Nam sử, bỏ Bắc sử. Sử Tàu thì các nhà nho thuộc làu làu, còn sử ta thì phải tự học lấy, nếu có tinh thần dân tộc như Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn… thì cũng rất hiếm!
Đã có chủ trương, nói đậm đà bản sắc dân tộc mà chỉ rập khuôn theo cái của người thì cũng như không? Ta phải có chiến lược định hình và phát huy đúng đắn bản sắc dân tộc để thật sự đậm đà bản sắc dân tộc. Dĩ nhiên phải dùng phương pháp nghiên cứu so sánh là thấy được ngay những bản sắc riêng, những độc đáo của mình! Mong tuổi trẻ đi tiên phong trong việc phục hồi mỹ tục trồng cây nêu ngày tết. Nếu có thể bắt đầu từ những năm sắp tới. Mong có sự trao đổi ý kiến của các bạn thanh nhiên xa gần.
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Sáng lập viên Trường Đại Học Hùng Vương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét