Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Chót vót Sì Lờ Lầu

Nhìn trên bản đồ Tổ quốc, ngay trên hình chữ S có hai nhánh cong cong vững vàng như thể sừng trâu và chót đầu nhánh bên trái là mảnh đất địa đầu Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu).

 Đường lên Trạm kiểm soát biên phòng Gia Khâu, thuộc Đồn Sì Lờ Lầu
Đường lên Trạm kiểm soát biên phòng Gia Khâu, thuộc Đồn Sì Lờ Lầu
Gian khó địa đầu
Sì Lờ Lầu, theo tên gọi của đồng bào Dao đỏ nghĩa là “12 tầng dốc”, cao so với mặt nước biển khoảng 2.000 m, mở mắt ra là đụng núi vướng mây và xa tít xa tắp nên rất ít người, kể cả người bản địa Lai Châu biết đến địa danh này.
Đồn biên phòng 289 - Sì Lờ Lầu (trước đây mang phiên hiệu Đồn 1, Công an vũ trang Lai Châu) đứng chân ở trung tâm xã Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) và có hai cái nhất so với các đồn biên phòng trên cả nước và nằm gần đường biên giới nhất. Đứng trong đồn, nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ nhà cửa, người xe đi lại trong bản San Cô San (Kim Bình, Vân Nam, Trung Quốc).
Thượng tá Vũ Cao Hãn, Trưởng ban Bảo vệ nội bộ - Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu, nguyên là Chính trị viên Đồn biên phòng 289 - Sì Lờ Lầu, kể: “Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ gần 100 km, song trước năm 2005, để đến được Sì Lờ Lầu người ta phải đi bộ 40 km từ trung tâm cụm xã biên giới Dào San. Rồi từ Dào San lại phải ròng rã đi bộ và nghỉ qua đêm lấy sức, sáng ra ngửa mặt lên, mới nhìn thấy Sì Lờ Lầu ẩn hiện trong mây. Vượt qua dốc Tả Páo, người khỏe phải mất 2-3 tiếng đồng hồ vừa đi vừa bò, còn người yếu thì mất... cả ngày để qua 12 tầng dốc đứng, chạy hình chữ chi với chiều dài trên 5 km, chiều cao tuyệt đối tới trên 600 m.
“Chuyện cán bộ miền xuôi, khi đến Sì Lờ Lầu phải bò qua 12 tầng dốc, có khi kiệt sức nằm giữa đường, chờ người xuống cáng lên là bình thường!”, thượng tá Hãn bảo vậy và lắc đầu: “Hồi ấy, cán bộ chiến sĩ có khi vài năm mới dám trả phép về nhà, vì đường xa và đi lại vất vả - tốn kém quá!”.
“Bây giờ thì sao?”. Thấy tôi háo hức, đại tá Đào Quang Mạnh, Chính ủy BĐBP Lai Châu, gật đầu: “Đường nhựa mở đến chân tầng dốc thứ nhất rồi, nhưng đường cũng thường tắc vì sạt lở vào ngày mưa nên cứ đi bộ là chắc nhất”. Nói xong, vị Chính ủy phân công một cán bộ Phòng Chính trị của BĐBP tỉnh đi cùng tôi lên địa đầu Sì Lờ Lầu “xem thay da đổi thịt so với hồi mới tách tỉnh thế nào”.
Từ TP.Lai Châu muốn ngược lên Sì Lờ Lầu, phương tiện hữu dụng, cơ động và an toàn nhất là xe máy. Chạy xe từ đầu giờ chiều đến tối mới đến được Dào San. Trung tâm Dào San - nơi có chợ phiên của đồng bào các dân tộc 8 xã biên giới H.Phong Thổ vào ngày chủ nhật đông đúc, náo nhiệt là thế - giờ vắng ngơ vắng ngắt với đúng một quán ăn chỉ bán mì tôm trứng, bên cạnh nhà nghỉ mang tên Bình Yên cũng duy nhất, kiêm thêm sửa xe máy và bán tạp hóa, dưới sự “điều hành” của một ông chủ dưới xuôi lên.
Đại úy Nguyễn Ngọc Ánh, Phó đồn biên phòng Dào San, nằng nặc: “Tối rồi, đề nghị các anh ở lại đồn nghỉ giữ sức, sáng mai hành quân. Đi đêm trong điều kiện thời tiết này, anh em không yên tâm”.
Thời oanh liệt
Câu chuyện buổi tối ở Đồn Dào San, loanh quanh cũng lại quay về những tháng năm giữ đất biên cương của người lính mang quân hàm xanh. Thiếu tá Vũ Mạnh Cường, Đồn trưởng Dào San, chỉ ra hàng cây sa mu ngay trước sân đồn, kể: “Hồi năm 1979, quân Trung Quốc tấn công vào Dào San, bị cán bộ chiến sĩ Đồn Dào San đánh trả quyết liệt. Khi anh em bị thương vong, phải rút lên điểm cao gần đó, không mang được thi hài liệt sĩ, lính Trung Quốc tràn vào, buộc các liệt sĩ lên cây và bắn trả thù hèn hạ!”.
 Vệ sinh cột mốc biên giới - Ảnh: L.L
Vệ sinh cột mốc biên giới - Ảnh: L.L
Sau Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu có một quả đồi, được gọi là đồi cao. Trên đỉnh đồi, sừng sững một cây to đã khô tự bao giờ, toàn thân với cành xương xẩu in trên nền trời cao biên giới.
Anh em bộ đội bảo: Nghe các cựu chiến binh và người già kể lại thì đồi cao là nơi những người lính biên phòng Đồn 1 đã rút lên cố thủ trong những ngày đánh trả quân xâm lược và tất cả họ đều hy sinh. Rất nhiều người không tìm được thi hài do đạn pháo của địch nã cấp tập. Cái cây cũng chết vì pháo trong những ngày tháng 2.1979, thân còn găm đầy mảnh đạn.
Lịch sử BĐBP Việt Nam ghi rõ: "Đồn Sì Lờ Lầu phụ trách đoạn biên giới Việt - Trung, phía bắc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Trong địa bàn có 8 xã, với 9 dân tộc ít người, thuộc H.Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, sáng 17.2.1979, địch có pháo yểm trợ tấn công. Đồn Sì Lờ Lầu ngoan cường chiến đấu, đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch, đẩy lui các đợt tấn công của chúng. Cùng ngày, tổ công tác cơ sở của đồn đã phối hợp với một trung đội dân quân của hai xã Si Lờ Lầu và Vàng Ma Chải liên tục chặn đánh địch, diệt 45 tên, phá tan âm mưu của chúng định câu kết với bọn phản động địa phương gây bạo loạn. Ngày 6.3.1979, đồn đã phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu, đánh trả quyết liệt một trung đoàn địch ở khu vực Dào San, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của chúng, diệt 100 tên… Ngày 19.12.1979, Đồn 1 Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"...
Thế nhưng, có những điều mà nhiều người chưa biết: Ngay trong những ngày đầu tiên đánh trả quân xâm lược, bảo vệ biên cương, bảo vệ đồn và địa bàn phụ trách, những cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu đã bắn đến viên đạn cuối cùng, phải dùng đến lưỡi lê - báng súng đánh trả địch và tất cả họ đều ngã xuống. Sau này, khi khởi công xây dựng lại doanh trại mới, trên nền đất cũ khi đào móng nhà, người ta tìm được rất nhiều di vật của những người lính biên phòng đã ngã xuống năm xưa.
Ước mong của người lính
Hôm tôi lên Sì Lờ Lầu, đại úy Trần Văn Kiên, đồn phó bần thần: “Chỉ mong huy động được chút tiền để xây dựng bia tưởng niệm các anh, các chú đã nằm xuống sau gần 35 năm!”.
Về lại Lai Châu, nghe hỏi chuyện, đại tá Phan Hồng Minh, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, đau đáu: “Vận chuyển vật liệu quá xa, thời tiết khí hậu lại khắc nghiệt nên việc xây bia tưởng niệm đội giá gấp đôi so với dưới xuôi. Nhưng không vì thế mà không làm, Bộ Chỉ huy đã quyết rồi, phải xây cho các anh!”.
Đúng. Nhất quyết phải xây. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược, đã có biết bao xương máu - nước mắt - chia ly - gian khó - chịu đựng của những cán bộ - bộ đội - người dân, đổ xuống mảnh đất địa đầu Sì Lờ Lầu để giữ đất, giữ dân và sự toàn vẹn lãnh thổ. Một tấm bia đá ghi tên những người đã ngã xuống, những người mà thân xác đã tan vào cát bụi, không chỉ người chết được ngậm cười mà những người sống cũng phải trách nhiệm hơn với Tổ quốc.
Và nữa, những người chưa từng biết đến khái niệm biên cương, có dịp lên với Sì Lờ Lầu cũng hiểu được lịch sử của một vùng đất hoang sơ nhưng oai hùng, gian khó mà thân thương.
Nơi ấy, là chót vót Sì Lờ Lầu...   
Chợ phiên 'có sừng'
Được giao phụ trách 2 xã (Sì Lờ Lầu, Ma Ly Chải), với 28,5 km đường biên giới, 8 cột mốc (từ mốc 70 đến mốc 78), công việc của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu vất vả nhất là vận động quần chúng. Thiếu tá Lù Văn Chung, Chính trị viên đồn, dí dỏm: “Trên này, mình là người dân tộc thiểu số, chứ không phải đồng bào” và phân tích: “99% dân tộc trong xã Sì Lờ Lầu là đồng bào Dao, tương tự 99% đồng bào xã Ma Ly Chải là người Hà Nhì, Mông. Còn lại là bộ đội, một số giáo viên dưới xuôi lên dạy học”.
Sì Lờ Lầu là nơi giao thương nhộn nhịp qua biên giới (sau cửa khẩu Ma Lù Thàng cũng thuộc H.Phong Thổ, Lai Châu), với chợ phiên “có sừng”  rất độc đáo: họp vào ngày con có sừng (Dê, Trâu) theo lịch 12 con giáp. Từ buổi sáng sớm, khắp các đường mòn xuống chợ, bà con mặc những bộ trang phục đẹp nhất, đem những sản vật tự làm, tự kiếm như khoai, sắn, ớt, chuối, nấm, mật ong xuống bán đổi và mua những nhu yếu phẩm cho cuộc sống thường nhật. Ngoài ra, còn có vài chục thương nhân từ Trung Quốc mang hàng hóa sang bán, thu mua lâm thổ sản địa phương.
Linh Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét