Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

HUỲNH THỦY LÊ - M.DURAS: CHUYỆN TÌNH VƯỢT THỜI GIAN

Bà hiệu trưởng người Pháp mê áo dài




   
Mối tình ấy được M.Duras kể lại trong tiểu thuyết tự truyện L’Amant (Người tình) và đoạt giải thưởng Goncourt danh giá năm 1984. Tác phẩm đã được dịch thành 43 thứ tiếng để phát hành ra toàn thế giới và chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 1990.
Chuyện tình Huỳnh Thủy Lê và M.Duras 85 năm trước đến nay vẫn còn nhiều điều khiến du khách quốc tế đến Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) để tìm hiểu.
Bà Marie Donnadieu khi làm hiệu trưởng Trường tiểu học Sa Đéc - Ảnh: tư liệu
Nữ văn sĩ M. Duras được sinh ra ở Sài Gòn vào năm 1914 và qua đời năm 1996 tại Pháp. Bà Marie Donnadieu, mẹ của bà, từng làm hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc những năm trước và sau 1930.
Cưới nhau ở Pháp, sinh con ở VN
Vợ chồng bà Marie Donnadieu đều là nhà giáo. Họ rời quê hương sang Hà Nội dạy học sau khi mới lấy nhau. Cả ba đứa con của họ lần lượt chào đời trên đất nước VN. M.Duras là con gái duy nhất, cũng là người được cho ăn học đàng hoàng và thành đạt nhất so với hai người anh của mình.
Tiền lương nghề giáo ít ỏi không đủ trang trải cho gia đình có năm miệng ăn nên chồng bà Marie Donnadieu quyết định bỏ nghề đi khai hoang, lập đồn điền ở Kampot (Campuchia). Nhưng do không có kinh nghiệm và bị chèn ép nên cuối cùng ông bị khánh kiệt, phá sản sau đó lâm bệnh chết.
Bà Marie Donnadieu vẫn tiếp tục với nghề dạy học và được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc (L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec, nay là Trường tiểu học Trưng Vương) từ năm 1924-1932.
Cô Phạm Thị Đẹt, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương, kể Trường nữ tiểu học Sa Đéc được hình thành khoảng năm 1886-1887, nằm ở góc đường Hồ Xuân Hương-Hùng Vương, TP Sa Đéc.
Năm 1924 bà Marie Donnadieu được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Khi ấy trường có năm dãy với bảy lớp học. Trong đó dãy thứ tư dùng để dạy nữ công gia chánh và giặt ủi. Mỗi lớp có từ 30-32 học sinh. Năm 1930 trường được đổi tên thành L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec.
Năm 1932, sau khi bà Marie Donadieu về nước thì một người Việt là ông Trần Văn Kiết lên thay làm hiệu trưởng. Số lượng học sinh học tại trường này ngày càng nhiều nên các phòng dạy nữ công gia chánh và giặt ủi được tận dụng để làm lớp học.
Thế nhưng cũng không đáp ứng đủ nên phải gửi lớp nhì và lớp nhất sang Trường nam tiểu học (nay là Trường Kim Đồng) học tạm. Năm 1940 thì trường mang tên tiếng Việt “Nữ học đường tỉnh lỵ”.
Mấy năm trước cô Đẹt may mắn tìm được người học trò cũ của L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec năm 1930 là bà Nguyễn Thị Mỹ, sống tại TP Sa Đéc. Khi ấy bà đã gần 100 tuổi (nhưng bà đã qua đời sau đó). 
Theo bà Mỹ kể lại, hồi ấy bà giáo Marie Donnadieu là người rất hiền lành, yêu thương học trò. Điểm nổi bật nhất ở bà hiệu trưởng mà các thế hệ học trò của bà không thể nào quên được đó là “bà rất mê nữ công gia chánh và thích mặc áo dài trắng như thiếu nữ người Việt”.
Trường tiểu học Trưng Vương còn lưu giữ được bức ảnh chụp bà Marie Donnadieu mặc áo dài trắng khi làm hiệu trưởng tại Sa Đéc. Những tính cách của bà hiệu trưởng đã in sâu trong tâm trí của cô học trò Nguyễn Thị Mỹ.
Vì thế hình ảnh bà giáo Marie Donnadieu vẫn được cô học trò này nhớ rõ, dù suốt hơn 80 năm qua họ không hề gặp lại nhau. Vì rất yêu nữ công gia chánh, yêu chiếc áo dài VN nên bà Marie Donnadieu quyết định lấy dãy phòng học thứ tư để mở lớp dạy may, thêu cho học trò mình.
Môn nữ công gia chánh do bà Marie Donnadieu sáng lập vẫn được duy trì ở những thời hiệu trưởng sau này.
Bi kịch của bà giáo
Chồng qua đời sau khi đi khai hoang, lập đồn điền ở Campuchia bị thất bại là một cú sốc quá lớn đối với bà giáo Marie Donnadieu.
Một mình phải nuôi ba đứa con nơi đất khách quê người bằng đồng lương nhà giáo ít ỏi có vẻ quá sức với một phụ nữ như bà. Con trai lớn của bà sau khi làm nhân viên kế toán ở Sài Gòn đã về Pháp theo học ngành kỹ thuật.
Nhưng rồi người này cũng bỏ dở việc học. Người con trai kế thì tính tình yếu đuối, nhu nhược. Bà kỳ vọng rất nhiều vào cô con gái út M.Duras nên đã gửi cô về Sài Gòn học nội trú với mục tiêu tốt nghiệp trung học.
Sau này M. Duras mới kể lại rằng cuộc sống của gia đình bà giáo không hạnh phúc, gọi đúng phải là bi kịch. Dù không phải đói, nhưng rất khổ, có lúc họ phải ăn cả đồ lòng cò, vạc, cá sấu. Vào năm 1932 bà đã dắt hai đứa con lên tàu trở về nước sau hơn 20 năm sống ở VN.
Lúc này M.Duras đã tốt nghiệp trung học theo đúng nguyện vọng của bà Marie Donnadieu. Cũng trong tự truyện của mình, M.Duras tiết lộ mẹ của bà sau đó đã trở lại Sài Gòn mở trường Pháp ngữ và ở đây cho đến năm 1949 mới về nước.
Sau khi bà Marie Donnadieu về nước, một hiệu trưởng người Việt được bổ nhiệm làm hiệu trưởng L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec.
Sau đó chẳng còn ai nhắc đến tên của bà ngoài những thông tin ít ỏi được lưu trong hồ sơ nhà trường.
Bỗng dưng vào năm 2002, ông Frédérique (cháu của nữ văn sĩ M.Duras, tức cháu cố của bà Marie Donnadieu) đột ngột xuất hiện tại Trường tiểu học Trưng Vương nói là trở lại thăm nơi của người bà quá cố từng làm hiệu trưởng.
Cô Phạm Thị Ðẹt kể người cháu này nói sở dĩ biết đây là nơi bà cố của mình từng dạy học hơn 80 năm trước là do đọc tiểu thuyết tự truyện L’Amant của bà nội và xem phim Người tình được chuyển thể từ tiểu thuyết này.
Người cháu này đã tặng Trường tiểu học Trưng Vương hơn 20 quyển tiểu thuyết do nữ văn sĩ M. Duras viết khi còn sống, trong đó có tác phẩm L’Amantnổi tiếng thế giới. Những quyển sách này hiện vẫn đang được lưu giữ, trưng bày trang trọng tại trường.
Từ năm 2002 đến nay số lượng du khách Pháp và các nước nói tiếng Pháp tìm đến thăm Trường tiểu học Trưng Vương rất nhiều. Tháng nào cũng có vài đoàn khách đến trường để tham quan vì... đã đọc L’Amant và xem phim Người tình.
Nhà trường đã viết lại lịch sử ngôi trường bằng tiếng Pháp kèm theo nhiều hình ảnh, bút tích của bà giáo Marie Donnadieu để giới thiệu cho du khách.
Trường nữ tiểu học Sa Đéc những năm 1930 - Ảnh: tư liệu
Năm 2006, nhà văn Yann Andréa (người tình cuối cùng của nữ văn sĩ M.Duras) đã đến thăm Trường tiểu học Trưng Vương cũng với lý do tìm về những nơi mà bà Marie Donnadieu và M.Duras từng sống và làm việc khi ở VN.
Cô Lao Thị Tư kể: “Nhà văn Yann Andréa cũng nói thật rằng ông rất muốn biết về đất nước VN mà cụ thể là Sa Đéc. Nơi mà bà M.Duras có mối tình đầu dữ dội và lãng mạn hồi trước năm 1930 đã khiến người Pháp và cộng đồng Pháp ngữ “sôi sùng sục” khi bà kể lại nó trong tiểu thuyết L’Amant.
Trong thời gian sống chung với ông Yann Andrea, bà M.Duras cũng đã kể cho ông nghe về mối tình đầu với một thương gia ở Sa Đéc này tên là Huỳnh Thủy Lê”.

Mối tình sét đánh trên phà

TT - Sẽ không ai biết nếu Marguerite Duras không kể lại mối tình đầu của mình trên chuyến phà từ Sa Đéc qua Vĩnh Long cuối năm 1929. Một mối tình lãng mạn và cũng đầy trái ngang.
Chuyến phà qua sông Tiền - nơi nảy sinh tình yêu giữa Huỳnh Thủy Lê và M. Duras - được tái hiện trong phim Người tình - Ảnh tư liệu
Mối tình ấy được kể lại một cách chân thật trong tiểu thuyết tự truyện L’Amant(Người tình) được Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit xuất bản năm 1984 và ngay lập tức 2,4 triệu quyển được bán sạch.
Chuyến phà định mệnh
Trong tự truyện của mình, M. Duras kể lại chuyến phà qua sông Cửu Long vào cuối năm 1929, khi ấy bà mới mười lăm tuổi rưỡi. Bà được mẹ là giáo sư Marie Donnadieu (hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc) gửi đi học nội trú tại Sài Gòn vì bà chỉ muốn con mình học trung học và có tấm bằng kha khá về toán.
Cuối kỳ nghỉ hè, M. Duras được mẹ đưa ra bến xe đò liên tỉnh tại Sa Đéc để trở về Sài Gòn. Bà dặn dò tài xế trông nom giùm con gái để phòng tai nạn, hỏa hoạn, cướp bóc, hãm hiếp... M. Duras được ngồi hàng ghế đầu, cạnh tài xế.
Khi xe xuống phà để vượt qua sông Cửu Long thì M. Duras bước khỏi xe đến cạnh lan can phà để ngắm dòng sông rộng lớn và hoang dã. Trên phà có một chiếc Limousine to màu đen có tên là Morris Léon-Bollée. Người tài xế mặc sắc phục trắng.
Người chủ ngồi phía sau, có rèm ngăn giữa họ. Chiếc xe đẳng cấp này chỉ dành cho người giàu. M. Duras gọi đó là “chiếc xe tang lớn trong những quyển sách của tôi”, bởi lẽ ngay trên chuyến phà này bà đã ngồi vào chiếc xe ấy sau khi được một thanh niên làm quen.
Chàng trai ấy tên là Huỳnh Thủy Lê, con của một thương gia giàu có ở Sa Đéc, cũng là nơi mẹ bà đang dạy học. Họ đã yêu nhau trên chuyến phà này. Đó là mối tình đầu của cô gái trẻ, rất xinh đẹp sau này trở thành nhà văn nổi tiếng ở Pháp.
Hai người không cùng màu da, nhưng làm quen nhau chóng vánh. Huỳnh Thủy Lê nói mình vừa học ở Pháp trở về và nói chuyện với cô gái bằng tiếng Pháp. Sau khi nghe M. Duras nói mình là con của bà hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc thì Huỳnh Thủy Lê bảo có biết bà Marie Donnadieu.
Nhà ông ở cạnh con sông, cách nơi bà hiệu trưởng làm việc không xa. Rồi Huỳnh Thủy Lê hỏi về những rủi ro mà gia đình bà giáo gặp phải khi đến Campuchia khai hoang, lập đồn điền trước đó. Đến lúc này M. Duras cảm thấy chàng trai lịch lãm đứng bên cạnh không còn xa lạ nữa. M. Duras nhận lời mời đi cùng xe với Huỳnh Thủy Lê về Sài Gòn và được người tài xế chuyển hành lý từ chiếc xe cũ kỹ qua chiếc Limousine màu đen sang trọng.
Cô có cảm giác bất an, nguy hiểm sau khi ngồi vào xe và đóng cửa lại. Nhưng mặt khác cô lại cảm thấy hạnh phúc khi tưởng tượng trong những ngày sắp tới sẽ được đưa đón đi học bằng chiếc xe này, sẽ từ bỏ những chuyến xe đò cũ kỹ lẫn cái “khủng khiếp” của gia đình mình ở Sa Đéc.
Tình cảm của họ đã nảy nở ngay trên chuyến phà định mệnh ấy. Và vào ngày thứ năm, Huỳnh Thủy Lê chính thức nói lời yêu cô gái trẻ hơn mình tám tuổi tại Sài Gòn. M. Duras không nói gì, cũng không từ chối. Và cũng hôm đó M. Duras đã “nếm trái cấm” lần đầu tiên với người tình Huỳnh Thủy Lê.
Gia đình bà hiệu trưởng Marie Donnadieu. Cô bé trong ảnh chính là M. Duras - Ảnh tư liệu
Chia lìa
Nhiều người đọc L’Amant đã rất bất ngờ với M. Duras khi cô nói với Huỳnh Thủy Lê rằng cô đến với anh vì sự giàu có của anh. M. Duras viết: “Chàng nói chàng tội nghiệp cho tôi, nhưng tôi nói không, tôi không đáng được tội nghiệp, không ai đáng được tội nghiệp cả, trừ mẹ tôi.
Chàng hỏi: “Em đến đây là vì anh giàu có phải không?”. Tôi nói đó là lý do tại sao em ham muốn chàng. Vì thế tôi sẽ không nói được là tôi sẽ làm gì nếu như chàng khác đi”.
Vào thời điểm đó, những gì cô gái trẻ này suy nghĩ và hành động là sự thật đáng được trân trọng. Cô nói thật về gia đình nghèo khổ của mình, về người anh cả hay ăn cắp tiền để hút xách và cả chuyện yêu vì tiền. Cô không nói dối để đánh lừa chàng trai giàu có nhằm bòn rút tiền của anh.
Huỳnh Thủy Lê cũng chẳng hơn gì ngoài sự giàu có của gia đình. Anh từng gặp người anh cả của cô ở một nơi hút thuốc phiện lụp xụp tại Sa Đéc và được cha cho sang Pháp học ngành thương mại.
Nhưng cuối cùng anh cũng chẳng được tích sự gì nên bị cha ngưng cung cấp tiền bạc, chỉ gửi cho cái vé tàu để về nước. Cha anh thì nghiện hút, suốt 10 năm trời nằm trên chiếc giường sắt để điều hành việc kinh doanh.
Khi trả lời tuần báo PhápLe Nouvel Observateurvề tiểu thuyết L’Amant,M. Duras nói: “Tôi không thể giải thích được rõ rệt tại sao, chỉ cảm thấy nơi chốn chào đời ấy, với tuổi nhỏ và tuổi trẻ của tôi ở đó, càng về cuối đời càng trở thành hiện tại sáng rỡ trong tôi. Như đó là bản mệnh tôi, như chính phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau nó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như một chiếu sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi viết ra”. 
Khi tình cảm của hai người trở nên sâu sắc hơn thì Huỳnh Thủy Lê nhiều lần mời bà Marie Donnadieu và hai anh trai của người tình lên Sài Gòn chơi.
Thế nhưng điều làm cho cô gái trẻ M. Duras cảm thấy xấu hổ với người tình nhất là trong những lần đi ăn, dù được mời ăn những món ngon nhất, đắt tiền nhất nhưng không một ai trong gia đình cô nói lời cảm ơn.
Hai người anh thì ăn ngấu nghiến, xong thì nằng nặc đòi đi khiêu vũ và uống rượu. Huỳnh Thủy Lê không hài lòng nhưng cũng phải chiều vì muốn bà giáo chấp nhận tình cảm của anh với con gái bà.
Rồi bà Marie Donnadieu cũng biết con gái mình không còn trong trắng nữa. Bà chì chiết con: “Ở đây ai cũng biết chuyện cả rồi. Ở đây con không thể lấy chồng được nữa, vào lúc này. Có phải vì tiền mà con gặp anh ta không?”.
M. Duras do dự một chút rồi thừa nhận: “Vâng, chuyện đó chỉ vì tiền”. Sau khi M. Duras tốt nghiệp trung học ở Sài Gòn năm 1931, bà Marie Donnadieu đã quyết định đưa các con về Pháp.
Thế nhưng lý do chính mà Huỳnh Thủy Lê và M. Duras buộc phải chia lìa nhau chính là việc 10 năm trước ông Huỳnh Cẩm Thuận đã hứa cưới con gái của một người Hoa giàu có khác ở Tiền Giang cho Huỳnh Thủy Lê. Ông không chấp nhận cưới một đứa con gái ngoại quốc không còn trong trắng cho con trai mình.
Khi M. Duras biết chuyện này, cô không trách mà vẫn yêu Huỳnh Thủy Lê. Cô vẫn gặp anh hằng ngày ở Chợ Lớn, nhưng chủ yếu là ở bên nhau, im lặng và khóc đến kiệt sức.
Rồi khi cô lên tàu của Hãng Messageries Martimes ở Sài Gòn để trở về Pháp, chiếc Limousine màu đen cũng có mặt. Cô nhìn thấy người tài xế mặc áo trắng giống như hôm gặp trên bến phà Vĩnh Long - Sa Đéc, thấy Huỳnh Thủy Lê ngồi phía sau. Rồi chiếc tàu lùi xa ra phía biển.
“Nàng biết chàng đang nhìn nàng. Nàng cũng đang nhìn chàng. Nàng không thể nhìn thấy chàng nữa, nhưng nàng vẫn nhìn về phía hình dáng chiếc xe đen. Rồi sau cùng nàng không nhìn thấy nó nữa. Rồi bến cảng nhòa đi, rồi đến đất liền” - M. Duras viết.
M. Duras kể sau chiến tranh nhiều năm (tức sau năm 1954), vợ chồng Huỳnh Thủy Lê đến Paris và có gọi điện cho bà. Lúc đó M. Duras đã trải qua vài đời chồng, vài lần ly dị và đã viết sách.
Đoạn cuối cùng trong tiểu thuyết L’Amant, M. Duras nhắc lại câu nói của Huỳnh Thủy Lê khi gọi điện cho mình ngay tại Paris tráng lệ. Tình cảm của người tình Sa Đéc đã khiến bà xúc động.
Và tất cả những người đọc tiểu thuyết này phải rơi lệ và ngưỡng mộ tình yêu của họ. “Rồi chàng nói với nàng. Nói với nàng rằng cũng như trước kia, chàng vẫn yêu thương nàng, chàng không thể ngừng yêu thương nàng cho được. Không bao giờ chàng có thể ngừng yêu thương nàng, chàng yêu thương nàng cho đến chết”.

Huỳnh Thủy Lê là ai?


TT - Trong tiểu thuyết L’Amant, nữ văn sĩ M. Duras chỉ viết mấy dòng nói về cha của người tình Huỳnh Thủy Lê. 
   
Vợ chồng Huỳnh Thủy Lê - Nguyễn Thị Mỹ lúc còn trẻ - Ảnh tư liệu gia đình
Trong khoảng một năm rưỡi yêu nhau bà cũng không biết gì về gia đình này, chỉ biết họ người Việt gốc Hoa giàu có ở Sa Ðéc.
Trong quá trình tìm hiểu về gia đình Huỳnh Thủy Lê ở Sa Ðéc, chúng tôi đã gặp được ông Phan Thoại Trọng (68 tuổi, gọi Huỳnh Thủy Lê là chú ruột) và nghe kể khá nhiều về gia đình này.
Con nhà giàu
Trong một lần gặp nhau ở Chợ Lớn khoảng năm 1929-1930, Huỳnh Thủy Lê có kể sơ về cha mình cho M. Duras nghe. Mãi đến khi M. Duras viết tiểu thuyết tự truyện L’Amant năm 1984 thì bà vẫn còn nhớ như in chi tiết này.
Và đó là tất cả những gì bà biết về thân thế, sự nghiệp của gia đình người tình đầu tiên của mình.
Bà M. Duras viết trong tự truyện của mình thế này: ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của Huỳnh Thủy Lê) giàu có nổi tiếng ở Chợ Lớn và Sa Ðéc là nhờ nghề xây nhà rồi cho người bản xứ thuê.
Ông khởi sự làm ăn ở Chợ Lớn với nghề này. Ban đầu ông cất 300 gian nhà rẻ tiền, sát vách nhau để cho thuê. Ông làm chủ nhiều tuyến phố như vậy. Ông nói tiếng Pháp giọng Paris không được tự nhiên, nhưng bàn về tiền bạc thì rất dễ chịu, thoải mái. Ông từng làm chủ vài dãy nhà cho thuê, nhưng rồi ông bán đi lấy tiền mua đất xây cất ở phía nam Chợ Lớn.
Một vài thửa ruộng đất ở Sa Ðéc cũng được bán đi. Năm đó ông Thuận cũng vừa xây dựng một loạt nhà cho thuê, có bao lơn nhìn xuống đường. Huỳnh Thủy Lê cho rằng chúng rẻ hơn những khu nhà chung cư và những căn nhà biệt lập, đáp ứng nhu cầu của cư dân lao động. Con người ở đây thích sống gần gũi, đặc biệt là người nghèo, những người từ vùng quê lên.
Cũng theo lời Huỳnh Thủy Lê kể với M. Duras, ông Huỳnh Cẩm Thuận bị nghiện thuốc phiện và suốt nhiều năm liền ông chỉ nằm trên chiếc giường sắt tại căn nhà bên sông Tiền ở Sa Ðéc để hút và điều hành công việc kinh doanh nhà cho thuê, mua bán, xuất khẩu gạo.
Ông Phan Thoại Trọng là con ông Huỳnh Thoại Ngọc - anh ruột của Huỳnh Thủy Lê. Mấy chục năm nay ông trông coi chùa Kiến An Cung (còn gọi là chùa ông Quách - một di tích cấp quốc gia), lo hương khói cho ông bà nội mình và vợ chồng ông Huỳnh Thủy Lê bởi con cháu của họ đều sống ở nước ngoài.
Ông Trọng kể: ông Huỳnh Cẩm Thuận có một người con gái đầu lòng tên Huỳnh Thị Nả và ba người con trai gồm: Huỳnh Lưu Bỉnh (sinh năm 1899), Huỳnh Thoại Ngọc (sinh năm 1901) và Huỳnh Thủy Lê (sinh năm 1906).
Nhưng bà Nả mất sớm khi chưa được 20 tuổi, ông Bỉnh cũng mất trẻ khi chưa có vợ. Cha của ông Trọng là Huỳnh Thoại Ngọc có bốn người con và qua đời từ năm 1948. Do ông Huỳnh Cẩm Thuận chỉ còn lại hai người con trai nên đã sớm chia gia tài ở Sa Ðéc cho con.
Ông Huỳnh Thoại Ngọc được chia đất đai ở vùng Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp bây giờ. Còn Huỳnh Thủy Lê thì được chia khoảng 120 căn nhà phố cho thuê nằm cặp sông Tiền và một số đất đai ở Sa Ðéc.
“Căn nhà cổ Huỳnh Thủy Lê xây dựng năm 1895 được công nhận là di tích cấp quốc gia trên đường Nguyễn Huệ, P.2, TP Sa Ðéc hiện nay là nơi ông nội Huỳnh Cẩm Thuận và chú Huỳnh Thủy Lê từng ở” - ông Trọng nói.
Còn chùa Kiến An Cung mà ông Trọng trông coi bây giờ được xây dựng từ năm 1924, phần lớn tiền của do ông Huỳnh Cẩm Thuận góp vào.
Ông Trọng kể tiếp: “Chú Huỳnh Thủy Lê ngày xưa cũng là người nhân hậu, theo Nho giáo, yêu thương người nghèo và hay góp tiền xây chùa, xây miễu. Trước năm 1975 ở Sa Ðéc có một bệnh viện cạnh bờ sông được chú Huỳnh Thủy Lê xây tặng một dãy phòng để điều trị cho bệnh nhân lao. Nay do sạt lở nên bệnh viện này không còn nữa”.
M.Duras - Ảnh tư liệu Trường Trưng Vương
Nửa trái tim hạnh phúc
Gia đình giàu có, Huỳnh Thủy Lê được cha cho sang Pháp học ngành thương mại để phục vụ công việc kinh doanh sau này. Thế nhưng khi sang Pháp Huỳnh Thủy Lê lo ăn chơi nhiều hơn học nên cuối cùng việc học bị thất bại phải trở về nước.
Huỳnh Thủy Lê thú nhận với M. Duras là trong thời gian ở Pháp, với tiền được cha chu cấp rất nhiều, ông đã có tất cả mọi thứ, kể cả phụ nữ.
Mặc dù vậy Huỳnh Thủy Lê vẫn còn đam mê việc học khi nói rằng sẽ cố gắng lấy được tấm bằng thương mại bằng cách học hàm thụ tại VN.
Năm 1932, sau khi chia tay người tình M. Duras, Huỳnh Thủy Lê về Sa Ðéc cưới vợ theo sự sắp đặt của cha.
Theo ông Phan Thoại Trọng, vợ của Huỳnh Thủy Lê là bà Nguyễn Thị Mỹ (nhỏ hơn ông gần 10 tuổi) cũng là người Việt gốc Hoa sinh sống ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang bây giờ. Ðây cũng là một gia đình giàu có, môn đăng hộ đối với ông Huỳnh Cẩm Thuận nên hai bên đã hứa hẹn cưới vợ, gả chồng cho con từ 10 năm trước.
Dù Huỳnh Thủy Lê yêu M. Duras nhưng văn hóa truyền thống thời đó không cho phép ông làm trái sự sắp đặt của cha nên hai người phải chia tay nhau là đương nhiên.
Khi chiếc tàu chở người tình trở về Pháp đã rời xa bến cảng, Huỳnh Thủy Lê cũng trở về Sa Ðéc để chuẩn bị một đám cưới kéo dài ba ngày đêm, là ngày hội của gia đình ông chủ giàu có Huỳnh Cẩm Thuận.
Có một sự trùng hợp là đám cưới này phải rước dâu qua chuyến phà Vĩnh Long - Sa Ðéc. Trên chuyến phà đó, tình cờ cô dâu Nguyễn Thị Mỹ cũng bước xuống xe, cũng đến ngay chỗ mà M. Duras từng đứng trong chuyến phà về Sài Gòn cuối năm 1929 để ngắm dòng sông mênh mông. Huỳnh Thủy Lê đau thắt trong lòng. Hình ảnh người tình lại hiện về, càng khiến chú rể tan nát cõi lòng.
Lúc này M. Duras vẫn còn lênh đênh trên tàu, trong chuyến hải trình dài một tháng trở về Pháp.
Rồi mọi thứ cũng trôi qua. Huỳnh Thủy Lê phải lo làm tròn chức phận của người chồng và lo quán xuyến sản nghiệp của cha giao lại. Chuyện tình của chàng trai giàu có Huỳnh Thủy Lê và cô nữ sinh người Pháp xinh đẹp cũng rơi vào ký ức sau đám cưới linh đình ấy.
Theo ông Trọng, đám cưới với bà Nguyễn Thị Mỹ là một thành công rực rỡ với cá nhân Huỳnh Thủy Lê. Có thể nói nửa trái tim ông tan nát khi yêu M. Duras, nhưng nửa trái tim còn lại của ông rất hạnh phúc.
Vợ chồng Huỳnh Thủy Lê có năm người con. Con gái đầu lòng là Huỳnh Thị Thủy Tiên (hiện đã hơn 80 tuổi, từng làm lãnh đạo ở Bệnh viện Nhi California, Mỹ), con gái thứ hai Huỳnh Thị Thủy Hà (cũng khoảng 80 tuổi, từng làm giáo sư ÐH Sorbonne, Pháp) và con gái thứ ba Huỳnh Thị Thủy Anh (hiện gần 70 tuổi, con dâu của phó tổng thống chế độ Sài Gòn Trần Văn Hương). Hai người con trai út là Huỳnh Thủy Tuấn và Huỳnh Thủy Tòng (đã hơn 60 tuổi, là kỹ sư sống ở Mỹ).
Cũng theo lời ông Trọng, bà Nguyễn Thị Mỹ đã mất năm 2004 ở Mỹ. Năm người con vẫn còn sống, thỉnh thoảng bà Thủy Tiên về nước thăm gia đình, hỗ trợ tiền để tu bổ chùa Kiến An Cung.
Khi Huỳnh Thủy Lê qua đời thì bà M. Duras mới 58 tuổi và đang là một nhà văn khá nổi tiếng ở Pháp. Nhưng mãi đến năm 1990 bà mới hay tin người tình đã mất. Thế là bà lại cầm bút viết thêm một kiệt tác nói về Huỳnh Thủy Lê, xuất bản năm 1991.
Trong những dòng đầu tiên của cuốn sách, M. Duras viết: “Tôi được biết anh ấy đã qua đời. Ðó là vào tháng 5-1990, cách đây một năm. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến sự ra đi của anh ấy. Người ta còn nói với tôi rằng anh được an táng tại Sa Ðéc, rằng ngôi nhà màu xanh vẫn còn ở chỗ đó, nơi gia đình và con cái anh cư ngụ. Anh được người ta yêu mến ở Sa Ðéc vì lòng tốt, tính giản dị và cũng bởi anh trở nên rất mộ đạo vào lúc cuối đời”.

​Bí ẩn trong ngôi nhà “Người tình”


TT - Mỗi năm có khoảng 30.000 du khách quốc tế tìm đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để tìm hiểu thêm về người tình của nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20 Marguerite Duras. 

Du khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu về “ngôi nhà củaNgười tình”  - Ảnh: V.TR.
Từ khi bộ phim Người tình của đạo diễn Jean-Jacques Annaud được công chiếu, những hình ảnh miền Tây Nam bộ những năm 1930 và ngôi nhà mà Huỳnh Thủy Lê từng sinh sống ở Sa Đéc bỗng dưng có một sức hút đặc biệt với du khách nước ngoài.
Ngôi nhà suýt bị bỏ đi
Mỗi năm có khoảng 30.000 du khách quốc tế tìm đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để tìm hiểu thêm về người tình của nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20 Marguerite Duras.
Theo anh Phạm Anh Khoa (hướng dẫn viên du lịch Công ty Mekong, TP.HCM), có tới 90% du khách được anh hướng dẫn đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là do đã đọc tiểu thuyết L’Amant hoặc xem phim Người tình.
Nhiều đôi tình nhân đã ngủ lại trong ngôi nhà này để trải nghiệm sự lãng mạn và mãnh liệt của tình yêu giữa Huỳnh Thủy Lê và M. Duras 85 năm trước. Trong số đó có con trai của M. Duras, nhà văn Jean Mascolo.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm trên đường Nguyễn Huệ, P.2, TP Sa Đéc, cạnh sông Tiền tấp nập tàu bè chở hoa và nông sản đi TP.HCM và các tỉnh miền Tây.
Đó là một căn nhà cũ kỹ, rêu phong in rõ dấu thời gian. Nếu nói về kiểu dáng mỹ thuật và mức độ hoành tráng thì ngôi nhà này không thể so sánh với nhà cổ Huỳnh Kỳ ở Cầu Kè (Trà Vinh) hay nhà cổ Huỳnh Phủ ở Thạnh Phú (Bến Tre). Thế nhưng, nói về sức hút thì không có nơi nào sánh kịp. 
Căn nhà được ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng năm 1895 với chất liệu gỗ mang phong cách Quảng Châu.
Đến năm 1917, khi văn hóa Pháp bao trùm cả Đông Dương thì ông cho thay đổi phần mặt tiền theo kiểu dáng phương Tây, còn bên trong giữ nguyên với nhiều hoa văn sơn son thếp vàng và thờ Quan Công giữa nhà.
Điểm đặc biệt của ngôi nhà là ở giữa nhà trũng xuống vì ông Huỳnh Cẩm Thuận quan niệm “nước chảy về chỗ trũng”, tiền bạc sẽ đổ về nhà ông. Gạch lát nền nhà kích thước 30x40cm được nhập từ Pháp năm 1917, mặt sau viên gạch ghi rõ nơi và năm sản xuất.
Theo cô Phạm Thị Đẹt (nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương, TP Sa Đéc), nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận được nhà nước quản lý từ năm 1975, sau đó giao các đơn vị công an quản lý, sử dụng.
Sau năm 1990, khi bộ phim Người tình được công chiếu thì rất nhiều du khách nước ngoài đến Sa Đéc tìm ngôi nhà Người tình của M. Duras.
Tuy nhiên do nhà này đang là trụ sở của một đơn vị nên họ hỏi thăm rồi đứng từ xa nhìn.
“Căn nhà tưởng bỏ đi này bỗng dưng nổi tiếng, thu hút du khách đến như vậy là điều rất đáng suy nghĩ. Tôi là đại biểu HĐND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 1994-1999, vài lần muốn vào căn nhà này để nghiên cứu, làm tư liệu cũng không vào được. Trong các kỳ họp HĐND tỉnh, tôi có đề nghị nên giao cho ngành du lịch khai thác thì sẽ rất hiệu quả. Mãi tới năm 2006 tỉnh mới giao cho Công ty CP Du lịch Đồng Tháp quản lý, khai thác. Đến năm 2009 thì Bộ VH-TT&DL công nhận đây là di tích cấp quốc gia”.
Một đôi uyên ương chụp ảnh cưới trong sân ngôi nhà cổ - Ảnh: V.TR.
Mặc dù mặt tiền và khoảng sân nhà cổ Huỳnh Thủy Lê không quá đặc biệt, nhưng đủ sức hấp dẫn các cặp uyên ương đến đây chụp ảnh và quay phim kỷ niệm. Đương nhiên khi chụp ảnh tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê họ sẽ mặc trang phục của những năm 1930 rất ấn tượng. Có những cặp còn đầu tư trang phục giống như M. Duras và Huỳnh Thủy Lê khi yêu nhau để chụp ảnh.
Sức hấp dẫn kỳ lạ
Khoảng 90% cảnh quay bộ phim Người tình được thực hiện tại VN. Khi được mời cố vấn về văn hóa cho bộ phim, nhà văn Sơn Nam nói với đạo diễn J.J. Annaud: “Hãy cố gắng để 50 năm hoặc 100 năm sau, khi hậu thế muốn biết về mảnh đất Nam bộ giữa hai cuộc chiến tranh, người ta sẽ tìm xem phim của ông”.
Và thực tế là trong phim đã có những hình ảnh rất quyến rũ, từ cảnh đồng quê mộc mạc miền Tây đến cảnh chộn rộn Chợ Lớn cuối thập niên 1930.
Trước khi mất (năm 1996), M. Duras sau khi xem phim đã từng nói: “Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng sự nghiệp viết lách của tôi bắt đầu từ đó, giữa những cánh đồng, những khu rừng và trong sự hiu quạnh. Có một đứa trẻ da trắng, gầy còm và lạc lõng mà người đó chính là tôi, giống người Việt hơn là Pháp, lúc nào cũng chân đất, không biết giờ giấc, không biết cách sống, thích ngắm chiều hoàng hôn trải dài trên sông, với khuôn mặt bị rám nắng”.
Theo chị Lê Thị Thanh Tuyền (hướng dẫn viên tiếng Pháp tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê), ngày 7-1-2013 nhà cổ đã tiếp đón một du khách đặc biệt là nhà văn Jean Mascolo, con trai của bà M. Duras.
Ông không giới thiệu mình là ai, chỉ đăng ký ngủ lại một đêm tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (ở đây có hai phòng ngủ, giá 1 triệu đồng/phòng/đêm).
Đến hôm sau, khi trò chuyện với ông mọi người mới “té ngửa” khi biết ông là con ruột của nữ văn sĩ M. Duras - người yêu của Huỳnh Thủy Lê trước đây.
Ông Jean Mascolo tìm đến Sa Đéc là để tìm hiểu thêm về nơi bà ngoại của mình từng sinh sống và làm việc (bà hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc Marie Donnadieu) và đặc biệt là muốn tìm hiểu thêm những bí ẩn trong căn nhà của Huỳnh Thủy Lê - người tình của mẹ ông.
Đến khi rời khỏi Sa Đéc ông cũng không thể nào giải thích được vì sao mẹ của mình, một thiếu nữ da trắng trẻ trung xinh đẹp, lại có thể yêu nhiệt cuồng một thanh niên bản xứ như vậy.
Cuối tháng 12-2014 chúng tôi đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê gặp lúc đôi vợ chồng người Pháp F. Motta đang ăn trưa và bàn tán rôm rả về ngôi nhà, về tiểu thuyết L’Amant. Ông F. Motta nói vợ chồng ông đến đây là vì ngưỡng mộ tài năng của nữ văn sĩ M. Duras và muốn tìm hiểu thêm về người tình đầu tiên của bà tại VN. Khi xem phim Người tình, họ cũng rất thích hình ảnh đẹp của đồng ruộng đồng bằng sông Cửu Long nên muốn đến đây trải nghiệm. 
Chúng tôi cũng đọc được nhiều ý kiến của du khách trong quyển sổ lưu niệm tại nhà cổ.
Ngày 20-6-2013 du khách Mỹ tên Lucilee Suttion viết: “Tôi rất hạnh phúc khi đến một ngôi nhà cổ đẹp, với lịch sử rất đặc biệt. Tôi đã đọc tiểu thuyết L’Amant của M. Duras và tôi có cảm giác rất đặc biệt khi đến đây”.
Ngày 29-3-2010 đôi tình nhân người Đức là Dominique và Angelitea đã ngủ lại một đêm trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để trải nghiệm những gì đã đọc L’Amant và xem phim Người tình.
Trước khi rời khỏi căn nhà đặc biệt này, họ đã viết: “Chúng tôi đã trải qua một buổi tối ở đây và hiểu thêm về lịch sử ngôi nhà, về chuyện tình Huỳnh Thủy Lê và M. Duras. Tôi sẽ nói với những người bạn của mình về điều này và hi vọng mọi thứ trong căn nhà này sẽ được bảo tồn tốt hơn”.

Sa Đéc - nơi hội ngộ tình đầu và tình cuối

TT - Có một chuyện chưa từng được tiết lộ: nhà văn Yann Andréa,
 người tình cuối cùng của nữ văn sĩ Marguerite Duras, đã đến Sa
 Đéc để thăm lại nơi mẹ người tình từng dạy học và tìm hiểu thêm
 về Huỳnh Thủy Lê, người tình đầu tiên của M.Duras. Sự kiện đặc
 biệt này diễn ra vào năm 2006.


           
Cô Lao Thị Tư (giáo viên Trường tiểu học Trưng Vương, Sa Đéc) giới thiệu những quyển sách của M.Duras do người thân của nữ văn sĩ tặng - Ảnh: V.Tr.
Cô Lao Thị Tư (giáo viên Trường tiểu học Trưng Vương, Sa Đéc) giới thiệu những quyển sách của M.Duras do người thân của nữ văn sĩ tặng - Ảnh: V.Tr.
Yêu văn rồi mới yêu người
Cô Lao Thị Tư (giáo viên tiếng Pháp Trường tiểu học Trưng Vương, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) kể vào ngày 21-3-2006 nhà văn Yann Andréa bỗng xuất hiện tại trường này. Ông tự giới thiệu là người tình cuối cùng của nữ văn sĩ M. Duras.
Mục đích ông đến Sa Đéc là thăm lại nơi bà giáo Marie Donnadieu (mẹ của M.Duras) từng làm hiệu trưởng L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec những năm 1924-1932.
Ngoài ra còn để tìm hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Huỳnh Thủy Lê, người tình đầu tiên của M.Duras, từ cuối năm 1929 đến 1931.
Trò chuyện với thầy cô giáo Trường tiểu học Trưng Vương, ông Yann Andréa nói đầu tiên ông yêu tài năng văn chương của bà M.Duras, sau đó tình yêu tự động nảy sinh dù tuổi tác của hai người rất chênh lệch. Họ gặp nhau lần đầu vào năm 1975, lúc đó Yann Andréa mới 22 tuổi, còn M.Duras đã 61.
Lần gặp gỡ đầu tiên ấy đã được Yann Andréa kể lại thế này: “Mùa hè đáng nhớ đó cực kỳ nóng nực. Đám sinh viên chúng tôi nóng lòng chờ đợi ngày công chiếu bộ phim India song (Bài ca Ấn Độ) dựng theo tác phẩm của M.Duras. Chúng tôi kéo nhau vào rạp cả đoàn.
Và không hiểu sao hôm ấy tôi lại tình cờ ngồi vào ngay hàng ghế đầu tiên, gần sát màn ảnh. Và ở cách tôi 3m là nhóm làm phim và... Marguerite Duras! Chúa ơi, công chúng đã đón chào nàng rất nồng nhiệt, tôi ngỡ như đó là một ngôi sao nhạc pop”.
Sau đó Yann Andréa nhiều lần viết thư cho M.Duras và mãi năm năm sau họ mới gặp nhau, tức năm 1980. Hôm đó Yann Andréa đã ở lại nhà của M.Duras theo đề nghị của bà và cuộc đời họ đã gắn với nhau suốt 16 năm sau đó, đến khi M.Duras qua đời.
Cô Lao Thị Tư kể tiếp: “Ông Yann Andréa nói trong thời gian yêu nhau, bà M. Duras có kể cho ông nghe chuyện về mối tình đầu của bà với Huỳnh Thủy Lê - một chàng trai Việt gốc Hoa ở Sa Đéc.
Năm 1984, M.Duras viết tiểu thuyết L’Amant trong lúc đang ở bên Yann Andréa. Ông không hề phản đối hay có ý kiến gì mà rất tôn trọng những chuyện tình cảm riêng tư của bà.
Dù rất muốn sang VN sớm nhưng phải 10 năm sau khi bà M.Duras qua đời ông mới thu xếp được để đi. Những ngày ở Sa Đéc có ý nghĩa thật đặc biệt với cá nhân ông”.
Trước khi rời Trường tiểu học Trưng Vương, nhà văn Yann Andréa đã tặng một số quyển sách do bà M.Duras và ông viết. Ông đặc biệt ký tặng vào quyển M.D do chính ông viết: “Sa Đéc, ngày 21-3-2006. Quyển sách này tặng thầy cô giáo và học sinh Trường tiểu học Sa Đéc. Yann Andréa”.
Theo giải thích của ông, tên chữ “M.D” tức là Marguerite Duras-người tình của ông. Quyển sách kể lại thời gian M.Duras nằm điều trị tại bệnh viện ở Trouville từ ngày 5-8-1982 đến 5-1-1983. Lúc này M.Duras bị nghiện rượu nặng và không tài nào ngủ được. Ở bệnh viện nhưng bà cứ uống rượu suốt ngày đêm và vẫn miệt mài viết sách. M.Duras rất mê viết, bà không muốn nằm nghỉ, không muốn bác sĩ túc trực bên cạnh.
Khi nào cần chăm sóc bà mới để họ vào phòng. Bà viết, đọc, uống rượu rồi lại viết. Ông Yann Andréa ở suốt bên bà và thường xuyên phải đi mua rượu cho bà uống.
Ông đã kể lại những lúc người tình đau đớn tại bệnh viện, ông chỉ biết chia sẻ và an ủi bà. Trong thời gian nằm viện có những lúc sức khỏe M.Duras rất nguy kịch. Ông Yann Andréa đã thông báo cho chồng cũ và con bà đến thăm.
Ông cũng kể khi M.Duras viết quyển sách cuối cùng La maladie de la mort (Bệnh chết), bà cũng kể về những giây phút chờ chết vì bệnh nặng. Sức khỏe bà ngày càng kiệt quệ, nhưng bà cố níu kéo từng giây từng phút để được ở bên người tình cuối cùng - Yann Andréa.
Từng ngày, từng ngày ở bệnh viện, Yann Andréa ngồi nhìn người tình. Còn bà thì đòi uống, uống và uống. Và ông cũng uống cùng để bà vui...
Đôi tình nhân lệch tuổi M.Duras và Yann Andréa - Ảnh tư liệu Trường Trưng Vương
Đôi tình nhân lệch tuổi M.Duras và Yann Andréa - Ảnh tư liệu Trường Trưng Vương
Nữ sĩ đa tình
Chuyện tình cảm của nữ văn sĩ tài ba M.Duras ở ngoài đời chẳng khác gì chúng ta thường thấy trong tiểu thuyết. Nếu như tình đầu với Huỳnh Thủy Lê sống động suốt 85 năm qua thì tình cuối của bà với nhà văn trẻ Yann Andréa cũng lãng mạn không kém.
Mối tình lệch tuổi này ban đầu trở thành đề tài đàm tiếu cho cả Paris những năm 1980. Thế nhưng cuối cùng mọi người lại nể phục tình yêu của họ và không ít người đã ví tình yêu cuối đời của bà xứng đáng để cho ra đời một quyển tiểu thuyết tương tự L’Amant.
Sau khi chia tay Huỳnh Thủy Lê về Pháp năm 1932, M.Duras đã trải qua nhiều mối tình nữa trước khi yêu tình cuối là nhà văn trẻ Yann Andréa và cũng đều rất lãng mạn.
Năm 1939 M.Duras kết hôn với nhà văn Robert Antelme và cùng hoạt động trong một tổ chức kháng chiến tại Paris. Duras và R.Antelme có chung với nhau một con trai. Nhưng cuộc chiến khắc nghiệt lúc đó đã cướp đi sự sống của đứa trẻ vào năm 1942.
Khi đó R.Antelme đang biệt vô âm tín trong các trại tập trung chết chóc, còn Duras thì sống những ngày bi tráng nhất cuộc đời khi bà tham gia một cách tích cực vào phong trào kháng chiến. Sau nhiều biến cố, R.Antelme được tìm thấy trong tình trạng như “bóng ma”. M.Duras chăm sóc chồng đến năm 1946 thì ông bình phục hoàn toàn, nhưng sau đó hai người chia tay.
Khi nhớ về người chồng đầu tiên của mình, Duras đã viết những dòng thấm đẫm thương đau trong cuốn tiểu thuyết La douleur (Nỗi đau).
Sau đó M. Duras đã yêu một người bạn tri âm, một người đồng chí trong tổ chức kháng chiến là nhà thơ, nhà cách mạng Dionys Mascolo. Một số tài liệu nói rằng Dionys Mascolo là người bạn thân với R. Antelme và Franc5ois Mitterrand (sau này trở thành tổng thống huyền thoại của nước Pháp). Trong thời gian R.Antelme bị mất tích, nhiều người nghĩ ông đã chết đâu đó ở những trại tập trung khủng khiếp của phát xít Đức. Khi ấy M.Duras một mình vừa tham gia hoạt động kháng chiến vừa nuôi con nhỏ.
Trong khoảng thời gian đó, D.Mascolo xuất hiện, trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà và tích cực tham gia tìm kiếm R.Antelme. Khi người con trai của M.Duras và R.Antelme chết là lúc bà thật sự rơi vào tuyệt vọng.
Nhưng cũng chính lúc đó, D.Mascolo đã giúp M.Duras đứng vững. Tình cảm giữa họ cũng nảy sinh từ đó. Nhưng khi M.Duras tìm thấy R.Antelme thì bà đã dành toàn bộ thời gian để chăm sóc ông - chồng mình.
Đến khi ông khỏe mạnh, bà đã nói thật cho chồng biết rằng mình đã yêu D.Mascolo. Thật bất ngờ là R.Antelme đã đồng ý chuyện tình cảm của vợ và đồng ý chia tay Duras để bà đến với D.Mascolo. Mặc dù họ không có lễ cưới nhưng đã sống với nhau những năm hạnh phúc.
Kết quả tình yêu của họ là năm 1947 đứa con trai Jean Mascolo chào đời. Sau này Jean Mascolo cũng theo nghiệp viết văn của mẹ và cũng tham gia lĩnh vực điện ảnh.
Và ít ai biết rằng vào ngày 7-1-2013 Jean Mascolo cũng đã tìm đến Sa Đéc để tìm hiểu về ngôi trường mà bà ngoại mình (bà Marie Donnadieu) từng làm hiệu trưởng và ngủ lại nhà của người tình đầu tiên của mẹ mình (ông Huỳnh Thủy Lê) một đêm.
Điều đó cho thấy TP Sa Đéc vẫn là một địa danh hấp dẫn du khách nước ngoài. Mối tình đầu lãng mạn và bi kịch của bà trên chuyến phà qua sông Tiền cách đây 86 năm vẫn còn như mới.
Mỗi ngày đều có rất nhiều người yêu mến nữ văn sĩ M.Duras, trong đó có người thân của bà, tìm đến tận nơi để mong tìm được câu trả lời cho chính mình về một mối tình vượt thời gian


______

“Người tình” của Jean-Jacques Annaud


TT - Tự truyện Người tình của Marguerite Duras đã là kiệt tác, đạo diễn Jean-Jacques Annaud càng làm 
nó trở thành kiệt tác hơn khi chuyển thể đặc sắc tác phẩm văn học lên phim. 
Jean-Jacques Annaud chỉ đạo diễn xuất cho Jane March và Lương Gia Huy đóng cảnh gặp gỡ trên bến phà - Ảnh: MGM
Annaud đã kể lại đúng trình tự câu chuyện Duras đã kể, từ đầu phim cho đến cuối phim, một bài thơ hình ảnh trên nền giọng đọc khàn khàn của nữ minh tinh Jeanne Moreau thay cho lời tự sự của Duras: “Ðể tôi nói thêm với bạn. Năm ấy tôi 15 tuổi rưỡi. Trên chuyến phà qua sông Mekong...”.
Đi tìm chiều sâu
Bến phà nhỏ ven sông Mekong đó được quay tại... Cát Lái (TP.HCM).
Ðạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, một trong ba phó đạo diễn của các cảnh quay tại VN của phim Người tình, cho biết tại bến phà ấy đoàn làm phim chỉ cần dựng thêm một cái cổng, một khu chợ và vài cái nhà nhỏ phía trước là thành cảnh của bến phà qua sông Mekong những năm đầu thế kỷ 20.
“Jean-Jacques Annaud là một nhà văn hóa, một đạo diễn luôn đương đầu với thử thách, tìm những đề tài cũng như cảnh quay hóc búa mà các nhà làm phim thường ngại ngần” - đạo diễn Vinh Sơn nhớ lại hai năm dài theo đuổi đoàn làm phim Người tình hơn 25 năm trước.
Sau vô số thư qua tin lại, một năm trước khi bấm máy, đoàn làm phim của Renn - Films A2 - Burrill từ Pháp sang TP.HCM nhờ Hãng phim Giải Phóng hợp tác làm dịch vụ. Khi họ đến TP.HCM, đi chọn cảnh ở Nam bộ, thì họ đã hiểu lắm vùng đất này rồi.
Nhà văn Sơn Nam, cố vấn lịch sử của phim, kể lại trong cuốn sách ghi chép Theo chân người tình (NXB TP.HCM, 1991): “Khi đạo diễn Annaud chưa qua, tôi làm việc với anh chàng Fredo (Frederic Auburtin - phó đạo diễn), khoảng 28 tuổi, sinh quán miền Nam nước Pháp, lần đầu tiên đến Sài Gòn và Nam bộ, cố xông pha trận mạc xa lạ. Không biết nhóm làm điện ảnh này đã tập ăn đũa từ bao giờ? Ðến Sài Gòn là sành sỏi, phải chăng họ đã mò vào quán Việt bên Pháp vài lần rồi?”.
Vinh Sơn đã phải phát khổ với Annaud khó tính khi đòi hỏi chăm chút chi li từng chi tiết nhỏ làm nên chiều sâu cuốn sách và bộ phim: chiếc nón phớt con trai, đôi giày kim tuyến, chiếc nhẫn kim cương của mẹ chàng trai Hoa kiều...
Annaud đòi Vinh Sơn phải tìm cho được một ông lái đò ngoại hình coi được, biết chèo đò mà lại ca vọng cổ hay để rồi lên phim khi đôi tình nhân ngồi ăn trong nhà hàng, bên ngoài sông chỉ thấy thấp thoáng xa xa chiếc đò ấy với câu vọng cổ văng vẳng.
Annaud còn yêu cầu phải tìm cho ra ông già đóng vai cặm cụi khâu giày có ánh mắt ngước nhìn xa xăm ngồi trước cửa căn nhà trong khu người Hoa mà đôi tình nhân đến khám phá nhau mỗi ngày...
“Annaud đã nghiên cứu khá sâu và dùng trực giác để thâm nhập vũ trụ quan và nhân sinh quan phương Ðông. Diễn đạt bằng hình ảnh và động tác, điều quan trọng là đánh động bằng chất thơ”, nhà văn Sơn Nam từng kể.
Trong một lần đi chọn cảnh cô gái Pháp đưa tình nhân đến xem lại vùng đất phèn mặn mà cha mẹ cô đã mất trắng tài sản vì bị lừa, và cũng trong ánh chiều tà đó cô gái đã quyết định viết sách về cuộc đời mình, Annaud nói đây là cảnh quan trọng nên phải lùng sục các nơi.
Sơn Nam kể khi đi qua Hòn Chông, bỗng dưng Annaud “ra lệnh dừng xe, đến một góc vườn dừa, nhìn ra đồng hoang cỏ dại, lấp loáng vài vũng nước.
Ðây là xóm Trà Ðuốc. Ðạo diễn, các trợ lý, người chịu trách nhiệm thiết kế mỹ thuật kiên nhẫn đứng nhìn mặt trời đang lặn, phía sau những ngọn đồi. Họ muốn tìm chiều sâu của biển phía Tây”.
Mãi mãi là “Người tình”
Jean-Jacques Annaud đã bị dư luận phản ứng dữ dội khi phim Người tình nói tiếng Anh, nhưng ông lý giải: “Tôi là một họa sĩ, tôi có thể dùng màu vẽ, cọ của Anh, nhưng đó là một bộ phim Pháp”.
Việc 90% cảnh Người tình quay ở VN lúc đầu cũng bị Marguerite Duras bất bình, bởi bà muốn Người tìnhđược quay ở một miền quê nước Pháp với quy mô nhỏ như một câu chuyện tình riêng tư của lòng bà mấy mươi năm, như bộ phim Hiroshima tình yêu của tôi năm 1959 của Alain Resnais mà bà viết kịch bản.
Nhưng Annaud muốn có một bộ phim hoành tráng, tầm cỡ thế giới kiểu Hollywood và phải rất VN, mà muốn rất VN thì phải sang nơi đó, dù thời điểm đó đưa cả đoàn làm phim cùng một chiếc tàu lớn, ba chiếc xe cổ cùng vô số đạo cụ vượt đại dương sang VN để quay quả là một thử thách vô cùng lớn.
Về sau, Người tình trở thành bộ phim nước ngoài thấm đẫm chất VN. Ðạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhớ lại ngày đó, do các cảnh quay như Chợ Lớn, bến Nhà Rồng, đường Tôn Ðức Thắng, khách sạn Majestic, Trường THPT Lê Hồng Phong và Lê Quý Ðôn... đều còn giữ nguyên không gian xưa cũ, đi đến đâu cũng được người dân sẵn lòng giúp đỡ nên chi phí làm phim rất rẻ.
Annaud cũng là một người hiểu văn hóa và cư xử đúng mực.
Hôm quay cảnh đám cưới chàng trai Hoa kiều, vào giờ ăn, những người đóng vai ông Tây bà đầm được ngồi ăn trong quán, trong khi những người sắm vai người Việt mặc áo dài khăn đóng, trong đó có con cháu của ông Huỳnh Thủy Lê, thì lại phải ngồi ngoài chợ ăn cơm hộp. Sơn Nam phản đối, vậy là Annaud xin lỗi và đưa toàn bộ vào quán ngồi ăn như nhau.
Bộ phim gây xôn xao dư luận sau đó có phần vì những cảnh yêu đương trong phim quá táo bạo. KhiNgười tình hoàn thành vào năm 1991, Annaud chọn VN là nơi công chiếu đầu tiên như lời thâm tạ với vùng đất đã làm nên Duras, làm nên cuốn tự truyện và bộ phim.
Hôm đó, sau buổi chiếu đầu tiên tại rạp Rex (TP.HCM), nhà báo Nguyễn Ngọc Trân có hỏi Annaud câu mà dư luận khắp nơi lúc đó thắc mắc là diễn viên trong phim có làm tình thật không thì Annaud đã trả lời với câu hỏi ý nhị: “Vậy khi quay phim chiến tranh, diễn cảnh đánh nhau thì diễn viên có chết thật không?”.
Mãi về sau, khi bộ phim đã thu về doanh thu lớn, Annaud mới lên tiếng khẳng định toàn bộ những cảnh tình dục trong phim đều được quay trong phim trường ở Pháp, toàn bộ đều phải nhờ các diễn viên đóng thế.
Năm năm sau Người tình ra mắt, Duras qua đời, khi những tiếng vang của bộ phim vẫn tiếp tục len lỏi khắp nơi trên thế giới.
Ngày ấy, Jane March vào vai cô gái Pháp khi mới 19 tuổi, hơi già hơn khuôn mặt cô gái 15 tuổi rưỡi trong phim nhưng đúng văn của Duras là “tôi có một gương mặt tả tơi”. Lương Gia Huy khi đóng vai chàng Hoa kiều giàu có mới ngoài 30 tuổi.
Còn Annaud năm đó hừng hực sáng tạo ở tuổi 48. Sau Người tình, Jane March tiếp tục đảm nhận những cảnh táo bạo trong Sắc màu của đêm (Color of the night), Lương Gia Huy nổi bật trên bầu trời điện ảnh Hoa ngữ, Annaud tiếp tục đương đầu với các phim thử thách khác như 7 năm ở Tây Tạng (7 years in Tibet), Quân thù trước cổng (Enemy at the gate), Hai anh em (2 brothers)...
Nhưng với họ và êkip làm phim Người tình, những năm tháng gắn bó với bộ phim mãi là những ký ức dai dẳng, dẫu 25 năm đã qua hay hơn nữa, như ký ức người tình.
Annaud cũng phải cúng trước khi quay
Một cảnh quay kỳ công mà đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhớ mãi là cảnh dòng sông Mekong mênh mông đỏ ngầu phù sa xuất hiện ở đầu phim, được quay ở cửa Ðại Ngãi (Sóc Trăng), với lục bình, dừa nước, trâu chết và cây cổ thụ trôi trên sông.
Chủ con trâu đã khóc rưng rức khi bán trâu cho đoàn làm phim dìm nước chết để thả, riêng ba cây cổ thụ thì đoàn yêu cầu phải bứng luôn gốc, nhưng khi quay do gốc nặng nên ba cây chìm không quay được. Ðoàn phải chuyển về Cát Lái, gắn thùng phuy vào dưới gốc để cây nổi.
Nhà văn Sơn Nam yêu cầu đoàn làm phim phải cúng trước khi quay cảnh này, bởi theo Sơn Nam, “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” vậy là trời đất không thuận.
Annaud không chịu nghe vì cho là mê tín. Nhưng cả ba ngày mở máy trời đều mưa và âm u, không quay được. Ðến ngày cuối cùng, nước chảy đẩy thùng phuy cột dưới ba cây chui vào đội sà lan đặt máy quay nổi lên khiến cả đoàn làm phim suýt rớt xuống sông.
Ngay sau đó, ông Annaud đồng ý cúng. Cả đoàn làm phim đứng nghiêm trang bên mâm cúng nhỏ, Sơn Nam mặc áo dài khăn đóng thắp hương khấn nguyện và rải gạo cùng rượu xuống sông...
Trời sau đó bỗng hửng nắng. Sơn Nam rỉ tai với Vinh Sơn: “Tao nói mà không nghe. Giờ thì tụi Tây hiểu thế nào là tâm linh phương Ðông!”.
NGUYỄN TRƯỜNG UY
_____
________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét