Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

“Nàng tiên chưa tỉnh giấc”

QĐND - Vừa đặt chân đến Lai Châu, Hằng-cô bạn “thổ địa” đã vạch ngay lộ trình du lịch cho tôi: "Bên cạnh chợ phiên thì nhất định phải khám phá vẻ đẹp của Pu Sam Cáp mới thực là đã đến với phố núi này". Sáng sớm, nai nịt gọn gàng, tôi nhảy phắt lên con “ngựa thồ” cũ kỹ chở Hằng leo lên con đèo ngoằn ngoèo với dốc lên vun vút nhưng phẳng phiu nhựa mới. Đi xuyên qua màn sương mù chừng 30 phút, chúng tôi đến lưng chừng núi Pu Sam Cáp. Phóng tầm mắt qua màn sương mỏng, nắng le lói rải trên những bản làng xa tít tắp mờ mờ ảo ảo mới thấy sự hùng vĩ và nên thơ của khu sinh thái độc đáo này.
Cách thành phố Lai Châu chừng 6km về phía Tây Bắc, Pu Sam Cáp được biết đến như một thiên đường trong lòng núi giữa bốn bề mây phủ. Từ “Sam” theo tiếng Thái có nghĩa là “ba” nên nơi đây được người dân quen gọi là “núi ba hòn”. Vùng đất với núi non kỳ vĩ, nên thơ này còn được biết đến với dấu tích quá trình hình thành và phát triển vùng đất Phong Thổ, Tam Đường và những huyền tích về quá trình khai thiên, lập địa của đồng bào nơi đây.
Lối vào động Thiên Môn khuất giữa những tán cây xanh mướt.
Nằm ở độ cao 1.700m so với mực nước biển, dãy Pu Sam Cáp mang trong lòng quần thể hang động nguyên sơ. Từ khi được người dân phát hiện (năm 2006) đến nay, hơn 10 hang động lớn nhỏ đã dần được khám phá. Trong đó có 3 hang động chính đã bước đầu được đưa vào phục vụ du lịch là động Thiên Môn, động Thiên Đường và động Thủy Tinh. Cả quần thể hang động được người dân ví như “Phong Nha-Kẻ Bàng” của Lai Châu, hay nhiều người không tiếc lời ban tặng danh hiệu “Thiên đường hang động" giữa núi rừng Tây Bắc.
Men theo con đường mòn cheo veo trên lưng vách núi, bước vào cửa động Thiên Môn, không gian mở ra giữa lòng núi rộng lớn đến kỳ lạ. Lòng động bằng phẳng được bồi đắp bởi một lớp đất nền rắn chắc. Rộng lớn đến mức, người nào có sức khỏe rảo bước đủ một vòng quanh lòng động cũng phải thấm mệt. Bên trên trần động, thạch nhũ lóng lánh buông xuống như tấm rèm nhung khoác trên đá. Những khối thạch nhũ hình phật, hình thù cây đa, con giống..., hay có hẳn một khối hình lin-ga mọc lên án ngữ ngay phía cửa động khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Hệ thống đèn chiếu sáng, bậc đá và thang dây còn khá thô sơ đã giúp chúng tôi lần theo hang núi và những vách đá khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của hang động.
Xuyên qua động Thiên Môn, vạch lối đi giữa khu rừng nguyên sinh, có lúc phải luồn mình qua rặng cây, đu lên những dây leo, đến với động Thiên Đường và động Thủy Tinh. Khung cảnh hoang sơ, tịch mịch, một tấm biển gỗ được đóng tạm lên thân của khúc dây leo trên vách đá báo cho du khách biết đã đến đích. Lần xuống phía dưới vách đá, không gian động mở ra với cảnh quan kỳ thú. Những bức tranh nhũ đá với đủ hình thù lấp lánh, đặc biệt là hàng vạn viên bi thạch nhũ chứng tỏ sự xuất hiện của dòng chảy trong lòng hang từ hàng ngàn năm về trước. Khi đã thấm mệt, ngồi bên cửa động, giữa cánh rừng nguyên sinh, giở những ống cơm lam thơm phức vừa thưởng thức, vừa nhấm nháp những lá me rừng, ngắm không gian trong lành mà không muốn rời chân và cảm thấy tấm áp-phích của du lịch Lai Châu gọi Pu Sam Cáp là “Nàng tiên chưa tỉnh giấc” càng thêm ý nghĩa.
Bài và ảnh: DUY VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét