Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Tầm vóc Lê Hoàn

Mệnh nước

(TNO) "Có người hỏi Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn ? Xin thưa : Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với nhà Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn…" - Sử gia Lê Văn Hưu.

Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 1 : Mệnh nước - ảnh 1
Hình ảnh Lê Hoàn trong sách giáo khoa và trên sân khấu cải lương
Hình ảnh Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trong sách giáo khoa và trên sân khấu cải lương - Ảnh tư lieu
Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, là vị hoàng đế đầu tiên mở đầu nền độc lập tự chủ của nước ta. Tuy nhiên, do “không biết phòng xa”, nên Đinh Tiên Hoàng chỉ làm vua được 12 năm thì bị Đỗ Thích sát hại. Ấu chúa Đinh Toàn (Tuệ) nối ngôi khi mới 6 tuổi. Vương triều nhà Đinh chưa có thời gian củng cố thì bên trong nội loạn diễn ra, bên ngoài thì Trung Quốc đang rắp tâm thôn tính. Nền độc lập non trẻ của nước nhà lâm vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm nhiếp chính, nhìn lại lịch sử ta có thể khẳng định ông có đủ tài năng và tư cách hơn ai hết để đảm nhận trọng trách đó. Thế nhưng ở trong nước, một số công thần trung thành với nhà Đinh nhưng  do đầu óc thiển cận lo sợ Lê Hoàn quyền to lấn át ấu chúa, đã cùng nhau khởi binh nhằm tiêu diệt ông, bất chấp hiểm họa ngoại xâm cận kề sát nách. Cầm đầu cuộc chống đối không phải là những kẻ tầm tường mà là Định quốc công Nguyễn Bặc (chức vụ như tể tướng) cùng các đại thần khai quốc nắm trong tay nhiều binh lực như Ngoại giáp Đinh Điền, Vệ úy Phạm Hạp.
Nhà Tống lúc này căn bản đã dẹp xong các thế lực cát cứ, tái thống nhất Trung Quốc. Cho nên đối chọi với ngoại xâm lúc này không phải là thứ quân Nam Hán “cóc nhái” thời Ngũ Đại thập quốc mà là một đội quân xâm lược của một nước Trung Hoa thống nhất tương đối hùng mạnh dưới sự trị vì của Tống Thái tông Triệu Quang Nghĩa, một ông vua tiếng là “văn trị” nhưng rất hiếu chiến. Khi Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo đang trấn thủ Ung Châu dâng lên vua Tống “Đắc Giao Châu sách” (kế sách lấy Giao Châu), kiến nghị đây là thời cơ tốt nhất để đánh chiếm nước ta và xin được về triều tâu bày trực tiếp. Vua Tống định triệu Hầu Nhân Bảo về, nhưng Tể tướng Lư Đa Tốn thâm độc hơn, cho rằng nước ta đang có nội loạn, nên phải bất ngờ đem quân sang đánh úp “như sét đánh không kịp bịt tai” và đề nghị không nên triệu Hầu Nhân Bảo về, vì như thế tin tức sẽ bị lộ. Tống Thái Tông y lời, cử  Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Trần Khâm Tộ, Tôn Toàn Hưng, Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn…  đem đại quân hội từ bốn hướng chia hai đường thủy bộ “hẹn cùng sang xâm lược”.
Chưa hết, ở phía Nam, phò mã Ngô Nhật Khánh (con rể Đinh Tiên Hoàng) làm phản, dẫn quân Chiêm Thành với hơn 1000 thuyền chiến do đích thân vua Chiêm cầm đầu theo đường biển tiến thẳng vào kinh đô Hoa Lư, rắp tâm xâm chiếm nước ta, may mà đội quân này chưa tới nơi đã bị bão dìm chết, chỉ còn vua Chiêm sống sót.
Trong tình thế hiểm nghèo như thế, dưới sự hậu thuẫn của thái hậu Dương Vân Nga, Lê Hoàn một mặt nhanh chóng dẹp yên nội loạn, một mặt ráo riết chuẩn bị đối phó với quân xâm lược.
Được tin quân Tống sắp kéo sang, “khi triều đình bàn kế hoạch xuất quân, Phạm Cự Lượng cùng các tướng quân khác mặc áo trận đi thẳng vào nội phủ nói : "Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho. Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn’. Quân sĩ nghe vậy đều hô "vạn tuế!". Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế” (Đại Việt sử ký toàn thư - ĐVSKTT).
Đọc lại những trang sử thời Tiền Lê, chúng ta kinh ngạc về lòng khoan dung và đạo dùng người của Lê Hoàn (chúng tôi xin nhấn mạnh, “đạo dùng người”, chứ không phải “thuật dùng người”). Đối với lực lượng làm binh biến, ông bất đắc dĩ phải giết những người cầm đầu nhưng không sát hại bất cứ một ai trong gia đình và phe nhóm của họ. Nhân vật Phạm Cự Lượng vừa nêu chính là em ruột Vệ úy Phạm Hạp. Phạm Hạp không thể không giết, nhưng giết Phạm Hạp ông lại dùng em ruột Phạm Hạp là Phạm Cự Lượng làm đại tướng quân, rồi thăng đến Thái úy thống lĩnh quân đội. Nguyễn Bặc không thể không giết, nhưng con trai Nguyễn Bặc là Nguyễn Đê lại được Lê Hoàn dùng làm tướng và thăng đến chức Hữu Điện tiền chỉ huy sứ thời Tiền Lê. Dùng người một cách chí công vô tư như thế, chỉ nghĩ đến sự tồn vong của đất nước mà không nghĩ đến sự an nguy của bản thân và dòng họ, trước đó không thấy và sau này cũng chưa từng thấy.
Và Lê Hoàn đã không phạm sai lầm. Phạm Cự Lượng tài đức vẹn toàn, được nhân dân đời đời ngưỡng mộ, là một vị thần ghi trong Việt điện u linh tập; và  không phải vô cớ mà vào đời Lý, vua Lý Thái Tôn cũng chính thức phong ông là một vị thần chuyên coi về hình ngục, tôn là “Hồng Thánh đại vương” , thờ tại đền Ngự sử; hiện nay ở các địa phương vẫn còn đến 4 di tích thờ ông. 
Còn Nguyễn Đê, chính là “Nhị tổ” của hoàng tộc nhà Nguyễn sau này, có người cho rằng Lê Hoàn đã “mất cảnh giác” khi sử dụng nhân vật này, vì chính Nguyễn Đê sau khi Lê Long Đĩnh mất đã cùng với Đào Cam Mộc giúp Lý Công Uẩn “cướp ngôi”. Nhận xét như vậy là thiển cận. Nguyễn Đê trước sau tận trung với nước và lịch sử không ghi nhận bất cứ một dấu hiệu “ăn ở hai lòng” nào của ông đối với Lê Hoàn, còn việc phò nhà Lý là phù hợp với lợi ích của dân tộc và xu thế lịch sử, hoàn toàn không phải để trả thù cha.
Việc Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu, lẽ ra là một chuyện bình thường, mấy trăm năm sau các sử gia thời Trần cũng coi là bình thường. Ta không thấy Lê Văn Hưu chê trách gì , Đại Việt sử lược - một cuốn sử cổ nhất viết vào thời nhà Trần còn truyền bản - cũng không bình luận. Mãi đến thời Lê về sau, các sử gia Nho giáo mới bắt đầu “lên cơn”. Câu nệ vào quan niệm “tam cương ngũ thường”, Ngô Sĩ Liên đã lên án Lê Hoàn và Dương Vân Nga “thông dâm” và coi cuộc hôn nhân này là “đáng hổ thẹn”,  Ngô Thì Sĩ còn mắng nhiếc thậm tệ hơn, gọi mối quan hệ này là “cầm thú”, cho đến thế kỷ 20 Trần Trọng Kim và một số nhà nghiên cứu khác vẫn còn lên giọng phụ họa. Ấy là do cho tới giữa thời Trần, Nho giáo ảnh hưởng đến nước ta không nhiều, cho nên thời đó một phụ nữ tái giá là chuyện bình thường, dù là hoàng hậu hay công chúa. Đầu thời Trần, bà Trần Thị Dung là hoàng hậu nhà Lý cũng tái giá làm phu nhân của Trần Thủ Độ đó thôi. Bởi vậy mà trong một thời gian dài nhân dân khi bày tỏ lòng tôn sùng hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đều không quên tôn sùng bà Dương hậu, thậm chí tại kinh đô cũ Hoa Lư người dân còn dựng tượng thờ hai vua ngồi hai bên và bà Dương hậu ngồi giữa, mãi cho đến thời Lê, khi Nho giáo trở thành chính thống, triều đình mới cho là “trái đạo” nên bỏ đi, triều đình bỏ nhưng dân thì không, sau năm 1945 dân lại thờ bà như cũ.
Chuyện tình ái giữa Dương Vân Nga và Lê Hoàn khi ông chưa làm vua mà Ngô Sĩ Liên gọi là “thông dâm” chỉ là sự suy diễn vô căn cứ. Ngày nay các văn nghệ sĩ cứ mặc sức tưởng tượng để thêu dệt về mối tình này, nhưng dù có thêu dệt thế nào đi chăng nữa thì với  việc “lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi hoàng đế”, Dương Vân Nga có chen chút tình riêng hay không không ai dám chắc, điều chắc chắn là hành động dứt khoát này của bà đã thuận theo lòng dân và mệnh nước, kịp cứu nước Việt ta thoát khỏi một hiểm họa. Và không phải ngẫu nhiên mà Lê Hoàn có tới 5 hoàng hậu nhưng nhân dân chỉ thờ mỗi bà Dương Vân Nga.

Định yên bờ cõi

(TNO) "Vua (Lê Đại Hành) đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy" - sử thần Ngô Sĩ Liên.


Hình ảnh Lê Hoàn trong sách giáo khoa và trên sân khấu cải lương
Hình ảnh Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trong sách giáo khoa - Ảnh tư liệu
Lên ngôi không bao lâu, Lê Hoàn đã phải ra trận. “Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên” (Đại Việt sử ký toàn thư - ĐVSKTT).
Đây là trận thắng đầu tiên của cuộc chiến tranh vệ quốc giữa một nước Việt độc lập nhưng bé nhỏ và non trẻ chống lại cuộc xâm lăng của một nhà nước Trung Hoa thống nhất, thắng lợi mà sử gia Lê Văn Hưu cho rằng “dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được”.
Chiến thắng lịch sử đó, cùng với những nỗ lực củng cố quốc lực của Lê Hoàn, đã giúp cho đất nước giữ được nền hòa bình gần 100 năm. Đây là bài học quý giá cho công cuộc vệ quốc ngày nay của một nước Việt lớn hơn và dày dạn trận mạc hơn, trước mưu đồ không đổi của một nhà nước Trung Quốc hiện đại hùng mạnh nhất trong lịch sử của họ. Tiếc là ngày nay chúng ta biết quá ít chi tiết về cuộc chiến, mặc dù mấy chục năm gần đây các nhà nghiên cứu đã có nhiều nỗ lực tái hiện.
Sau khi thắng quân Tống, mặc dù biết rõ Chiêm Thành vẫn nuôi ảo mộng xâm chiếm nước ta nhưng Lê Hoàn vẫn tỏ ra hòa hiếu bằng cách cử sứ giả sang Chiêm. Do vua Chiêm bắt giữ sử giả với ý đồ gây chiến, ông tức giận sai đóng chiến thuyền, sửa sang binh khí, rồi thân chinh đi đánh Chiêm Thành, giết chết vua Chiêm, sang phẳng thành trì, đúng 1 năm mới kéo quân về nước. Từ đó Chiêm Thành mới không quấy nhiễu nữa. Ngoài ra, ông còn dễ dàng dẹp yên mọi âm mưu phiến loạn ở trong nước.
Xung quanh cuộc kháng chiến chống Tống có nhiều điều thú vị. Mặc dù tình thế rất ngặt nghèo gấp rút, nhưng Lê Hoàn đã chuẩn bị rất chu đáo, không chỉ về nhân tài vật lực mà còn về tư tưởng. Trong bộ tham mưu của Lê Hoàn, ta thấy có ba vị thiền sư nổi tiếng trong lịch sử: Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh.
Như trên đã nói, Lê Hoàn không nghĩ đến “nhà”, tức không lo làm sao cho họ Lê của ông “hưởng nước lâu dài” như các sử gia thường nhắc tới, mà chỉ lo cho sự tồn vong của đất nước. Bởi thế ông đã hỏi thiền sư Pháp Thuận rằng vận nước dài hay ngắn, làm thế nào để đất nước tồn tại dài lâu. Pháp Thuận đã trả lời ông bằng một bài thơ - bài Quốc tộ (Vận nước) nổi tiếng, là bài thơ có tác giả sớm nhất được biết trong văn học sử:
Quốc tộ như đằng lạcNam thiên lý thái bìnhVô vi cư điện cácXứ xứ tức binh đao
(Vận nước như mây cuốnTrời nam mở thái bìnhVô vi trên điện cácXứ xứ hết binh đao- bản dịch của Lê Mạnh Thát)
Bài Quốc tộ được coi là “Tuyên ngôn hòa bình” của Lê Hoàn, một tuyên ngôn hòa bình giữa lúc đang có chiến tranh.
Lịch sử còn một bài thơ Thần được coi là “Tuyên ngôn độc lập” lần đầu tiên của nước ta, là bài Nam quốc sơn hà được ĐVSKTTghi là xuất hiện trong thời gian Lý Thường Kiệt đánh Tống. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu sau khi khảo sát các tài liệu có liên quan, đã đề nghị “trả” bài thơ này về cho thời kỳ Lê Hoàn (*). Quả vậy, Ngô Sĩ Liên ghi bài thơ này vào ĐVSKTT với lời dẫn từ nguồn “thế truyền” (lời truyền trong dân gian), nhưng nguồn thông tin đầu tiên về bài thơ đã xuất hiện trong Lĩnh Nam chích quái(cũng là cuốn sách cổ nhất viết vào thời Trần còn truyền bản), trong đó ghi câu chuyện vua Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng đóng quân giữ lũy ở sông Đồ Lỗ để chống quân Tống, cũng là chuyện anh em Trương Hống, Trương Hát hóa thần ứng mộng về hỗ trợ vua đánh giặc, sau đó thần xuất hiện đọc bài thơ Nam quốc sơn hà, khiến cho quân Tống “đại bại rút lui”. Hai cuốn sử viết bằng quốc âm vào thế kỷ thứ 16 và 17 là Việt sử diễn âm và Thiên Nam ngữ lục cũng ghi nhận như vậy. Do đó có thể Ngô Sĩ Liên đã nhầm lẫn.
Giáo sư Lê Mạnh Thát khẳng định bài thơ Thần chắc chắn xuất hiện vào thời Lê Đại Hành trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 981, nhưng theo ông, dù là thơ Thần đi chăng nữa cũng nhất định phải do con người làm ra, vậy ai có khả năng làm ra bài thơ đó? Trong bộ tham mưu của Lê Hoàn không ai gần gũi vua hơn thiền sư Pháp Thuận, người viết bài thơ Quốc tộ, đồng thời cũng là người giúp vua soạn các văn bản ngoại giao. Đối chiếu với hệ tư tưởng chính trị thời Lê Hoàn và bài thơ Quốc tộ, Giáo sư Thát cho rằng có khả năng chính vua Lê Đại Hành đã đề nghị thiền sư Pháp Thuận viết bài thơ trên để khẳng định chủ quyền nhằm động viên tinh thần quân sĩ và dân chúng ra sức giữ nước.
Điểm cuốn hút nữa, theo Thiền uyển tập anh (một trong những cuốn sách cổ nhất viết vào thời Trần còn truyền bản), trước khi xuất binh Lê Hoàn đã nhờ thiền sư Khuông Việt đến đền thờ Tì Sa Môn Thiên Vương ở núi Vệ Linh để cầu nguyện. “Quân giặc kinh hãi, bèn rút về giữ sông Hữu Ninh. Lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”. Ta nên bỏ qua điều linh thiêng ghi trong sách, mà cần biết núi Vệ Linh, cũng có tên là núi Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), chính là nơi tương truyền Phù Đổng  thiên vương sau khi đánh xong giặc Ân đã bay lên trời. Tì Sa Môn thiên vương hay Sóc thiên vương, theo Giáo sư Lê Mạnh Thát, chính là Phù Đổng thiên vương. Mọi người Việt Nam ngày nay đều biết truyện thần thoại Phù Đổng thiên vương thể hiện sức mạnh kỳ diệu toàn dân đánh giặc. Truyện được Ngô Sĩ Liên đưa vào ĐVSKTT, trước đó xuất hiện sớm nhất trong Việt điện u linh tập và Lĩnh nam chích quái. Đáng lưu ý, theo Việt điện u linh tập, Phù Đổng thiên vương “hiển thánh” trước thiền sư Đa Bảo, mà Đa Bảo thì trụ trì chùa Kiến Sơ (Hà Nội) trong khoảng những ngăm 980 - 985, thời kỳ đầu vua Lê Đại Hành. Bên cạnh chùa Kiến Sơ hiện nay vẫn còn đền thờ Phù Đổng. Như vậy có thể thấy, truyền thuyết về Phù Đổng thiên vương có thể có từ trước, nhưng đến cuộc chiến tranh vệ quốc năm 891, mới được dựng thành một câu chuyện hoàn chỉnh, có khung thời gian, có đền thờ, nơi đức Phù Đổng sinh ra và nơi ngài về trời. Điều này có ý nghĩa gì? Nó cho thấy Lê Hoàn là ông vua đầu tiên biết sử dụng sức mạnh của hùng thiêng sông núi để huy động toàn dân đánh giặc, đồng thời cũng cho thấy không chỉ có tướng sĩ của triều đình mà có cả đông đảo người dân tham gia chiến tranh vệ quốc, mặc dù sử sách không nhắc tới…

(*) Tham khảo thêm: Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, NXB Hà Nội, 2005.

Dựng Hùng triều ngọc phả, ra oai với nhà Tống

(TNO) Kỳ trước chúng tôi có nhắc tới “khung thời gian” của truyền thuyết Phù Đổng thiên vương. Điều này liên quan đến truyền thuyết về thời đại Hùng Vương.

 Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 3: Dựng Hùng triều ngọc phả, ra oai với nhà Tống - ảnh 1
Đài tưởng niệm kênh nhà Lê tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An - Ảnh: Khánh Hoan
Truyền thuyết về họ Hồng Bàng và các vua Hùng chắc chắn đã có từ khi người Việt ta lập quốc, nhưng phải đến thời Trần mới được ghi trong “Lĩnh Nam chích quái”, sau đó đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) với 18 đời Hùng Vương. Bối cảnh thời gian của câu chuyện Phù Đổng thiên vương được diễn ra vào đời Hùng Vương thứ 6, nghĩa là nó phải có sau hoặc ít nhất là đồng thời khi có bản Ngọc phả các vua Hùng. Hiện nay chúng ta đang tàng trữ được 4 bản Hùng triều ngọc phả, bản thứ nhất được chép năm Thiên phúc nguyên niên (980) thời vua Lê Đại Hành, bản thứ hai chép thời vua Lê Thánh Tôn (1475), bản thứ ba chép thời vua Lê Kính Tông (1601) và bản thứ tư chép thời vua Khải Định (1919). Như vậy Lê Đại Hành là ông vua đầu tiên dựng Hùng triều ngọc phả, đồng thời với tôn vinh Phù Đổng thiên vương từ một thổ thần làng Phù Đổng lên hàng quốc thần, ngay khi mới lên ngôi và đang chuẩn bị đánh Tống.
Việc dựng lại Hùng triều ngọc phả để khẳng định nguồn gốc dân tộc, khẳng định nước ta là một nước văn minh có chủ quyền từ rất lâu đời, nhất là khi cả nước đang đương đầu với ngoại xâm, là vô cùng quan trọng, vừa để xóa tan tâm lý nhược tiểu, nâng cao tầm vóc dân tộc, vừa để đáp trả thái độ xấc xược của nhà Tống coi nước ta là lãnh thổ phụ thuộc, coi dân ta là một đám man di mọi rợ cần được khai hóa. Đáp trả bằng một nền văn minh đồng thời đáp trả bằng mưu lược, sức mạnh và vũ khí.
Giữa những năm 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra khốc liệt, chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trực tiếp chỉ đạo một cuộc khảo sát quy mô chưa từng thấy nhằm tái dựng diện mạo thời đại Hùng Vương, với tinh thần “bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”, chính là sự tiếp nối việc làm có ý nghĩa mà vua Lê Đại Hành đã tiến hành từ ngàn năm trước.
Dựng Hùng triều ngọc phả, Lê Hoàn có cơ sở tin chắc thời đại Hùng Vương là có thật. Ngày nay, bằng những tài liệu lịch sử kết hợp với khai quật khảo cổ học, khảo sát điền dã và nghiên cứu thư tịch, chúng ta xác quyết niềm tin đó, chứng minh triều đại Hùng Vương không chỉ là truyền thuyết mà là một triều đại hiện hữu trong lịch sử, với một nền văn minh không thua kém bất cứ dân tộc nào, với cương thổ được xác định “phía đông giáp Nam Hải (biển Đông), phía tây giáp Ba Thục, phía bắc tới Động Đình hồ, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành)”. 
Vì lẽ đó mà Lê Hoàn là ông vua tỏ rõ tư thế hiên ngang hiếm thấy trong quan hệ với Trung Quốc, trừ một bức thư giả làm thư của ấu chúa Đinh Toàn gửi cho vua Tống “xin nối ngôi cha, cầu nhà Tống ban chân mệnh” viết bằng lời lẽ nhu nhược nhằm “hoãn quân nhà Tống” như ĐVSKTT ghi nhận, đó là lúc vua Tống gửi thư đe dọa trước khi xuất binh “nếu quy phục thì ta tha cho, nếu trái lệnh thì ta quyết đánh”. 

Thực ra Cảo và Tắc không tin chuyện ông bị ngã ngựa đau chân, vì theo Tống sử, trong bức thư tường thuật gửi cho vua Tống về chuyến đi này, Tống Cảo sau khi kể lại việc ông nói đau chân không lạy, còn nói thêm rằng ngay sau đó ông cởi giày đi chân trần xuống ao xăm cá để làm vui cho khách. Vua Tống làm lơ không ý kiến.
Sau khi thua trận, nhà Tống từ bỏ ý định xâm chiếm nước ta, thay đổi hẳn giọng lưỡi. Trong chế sách phong Lê Hoàn làm “An Nam đô hộ Tĩnh hải quân tiết độ sứ” được phái bộ Lý Giác mang sang vào tháng 10 năm 986, vua Tống ca ngợi Lê Hoàn “tư cách gồm nghĩa dũng, bẩm tính vốn trung thuần, [17b] được lòng người trong nước”. Khi ấy, tức là 5 năm sau chiến tranh, Lê Hoàn mới trả tù binh, “đem bọn Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân trả cho về”. Trong bối cảnh thời đó và mãi cho đến thời Thanh - Nguyễn, việc sắc phong thực chất là công nhận chủ quyền.
Năm sau, phái bộ Lý Giác lại sang, vua sai thiền sư Pháp Thuận giả làm giang lệnh (người coi sông) ra đón, hai bên đối đáp văn thơ, khi về đến sứ quán Lý Giác gửi tặng một bài thơ, trong đó có hai câu “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu/Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu” (Ngoài trời còn có trời soi nữa/Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu). Thiền sư dâng bài thơ lên vua, vua gọi thiền sư Khuông Việt đến xem, Khuông Việt nói: “Thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống”.
Nhà Tống liên tục gia phong tước vị cho Lê Hoàn. Năm 990, lại sai Tống Cảo và Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm. “Vua sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền dẫn 300 người đến quân Thái Bình đón, theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi. Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa cùng đi với sứ thần. Đến cửa Minh Đức, vua bưng chế thư để lên trên điện, không lạy, nói dối là năm vừa rồi đi đánh giặc Man, bị ngã ngựa đau chân. Cảo và Tắc tin là thực. Sau đó bày yến tiệc thết đãi. Vua bảo Cảo rằng: "Sau này có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa". Cảo về tâu, vua Tống bằng lòng” (ĐVSKTT).
Thực ra Cảo và Tắc không tin chuyện ông bị ngã ngựa đau chân, vì theo Tống sử, trong bức thư tường thuật gửi cho vua Tống về chuyến đi này, Tống Cảo sau khi kể lại việc ông nói đau chân không lạy, còn nói thêm rằng ngay sau đó ông cởi giày đi chân trần xuống ao xăm cá để làm vui cho khách. Vua Tống làm lơ không ý kiến.
Năm 996, khi quan trấn thủ địa phương báo với vua Tống “chiến thuyền Giao Chỉ hơn trăm chiếc” vào xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc (trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu), vua Tống không những làm lơ mà còn sai sứ giả là Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho Lê Hoàn. Khi Nhược Chuyết đến, vua ra đón, lần này không cần nói dối mà “tỏ ý ngạo mạn không làm lễ”, bảo với sứ giả rằng: “Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi đâu". (ĐVSKTT).
Phiên Ngung là địa danh thuộc tỉnh Quảng Châu, còn Mân Việt là tỉnh Phúc Kiến ngày nay. Lê Hoàn thẳng thừng nhắc cho vua Tống biết những vùng đó là lãnh thổ cũ của các vua Hùng “phía tây giáp Tây Thục, phía bắc tới Động Đình Hồ”.
Trong lịch sử ngoại giao giữa các hoàng đế nước ta với các hoàng đế Trung Quốc, có lúc cứng có lúc mềm, tùy tình thế và tùy thực lực, mục đích là giữ cho được bờ cõi không để cho người ta xâm phạm. “Ra oai” với Trung Quốc được như Lê Hoàn không phải là chuyện dễ, đòi hỏi không chỉ ở tinh thần kiên cường ý chí bất khuất mà còn phải có thực lực. Lê Hoàn ở ngôi 24 năm, trong 24 năm ngắn ngủi đó ông không chỉ đập tan một đội quân xâm lược sừng sỏ mà còn tăng cường quốc lực làm cho nước Việt ta mạnh lên, kiến tạo nền móng vững chắc làm nền tảng cho nền văn minh Lý - Trần rực rỡ sau đó. Các sử gia phong kiến lấy làm khó hiểu khi thấy ông hết đánh đông dẹp bắc lại lo đào sông đắp đập mà không lo chuyện “hưởng nước lâu dài” cho con cháu, chỉ có bề tôi biết đánh giặc và biết lo cho nước mạnh mà không có được một bề tôi nho học để lo chuyện lễ nghi, đến nỗi dòng họ mất ngôi, bản thân thì 1000 năm vẫn chỉ được gọi là “Đại Hành” không có được một thụy hiệu (bất cứ ông vua nào mới chết chưa đưa vào lăng gọi là Đại Hành, sau đó phải đặt thụy hiệu, Lê Văn Hưu cho rằng Lê Hoàn không có bầy tôi nho học để đặt thụy hiệu)… 

 'Tư duy kinh tế' vượt trội

(TNO) Lê Hoàn không chỉ là một anh hùng cứu nước mà còn là một vị vua làm nên những kỳ tích xây dựng đất nước.


Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 4: 'Tư duy kinh tế' vượt trội - ảnh 1
Sông Mã (đoạn chảy qua Đan Nê - Đồng Cổ) - nơi Lê Hoàn cho khai đào kênh nhà Lê nối Thanh Hóa với Nghệ An - Hà Tĩnh - Ảnh: Ngọc Minh
Ông là ông vua đầu tiên khai thông sông ngòi, mở hệ thống đường thủy. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép: “Khi vua đi đánh Chiêm Thành (982), qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong (983),  thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”. Như vậy chỉ trong vòng 1 năm, một con kênh đã đào xong mà theo xác định của các nhà nghiên cứu, đó là con kênh nối từ sông Mã phía bắc Thanh Hóa (xã Yên Thọ, huyện Yên Định ngày nay) đến cực nam Thanh Hóa (xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia ngày nay), giáp với Nghệ An, từ đó thông ra biển. Năm 1003, hệ thống đường thủy được mở rộng và vươn dài ra sau khi ông cho vét sông Đa Cái, nối kênh Sắt phía bắc Nghệ An với sông Lam.
Trước đó (năm 992), ông đã cho 3 vạn người mở con đường bộ từ cửa biển Nam Giới (vùng Cửa Sót, Hà Tĩnh ngày nay) đến châu Đại Lý. Châu Đại Lý, theo Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), là đất Thuận Hóa, đến thời Trần mới được cắt giao cho nước ta, nên lúc đó vẫn còn là lãnh thổ Chiêm Thành.
Hệ thống đường thủy nối các con sông song song với mở rộng hệ thống đường bộ được các triều đại sau đó từ Lý - Trần đến Lê - Nguyễn kế thừa và tiếp tục phát triển là sự nghiệp vĩ đại của dân tộc mà Lê Hoàn là người khai mở. Hệ thống đó không chỉ phục vụ trực tiếp dài lâu cho quốc phòng, phát triển sản xuất và lưu thông buôn bán, kết nối cộng đồng dân tộc, mà còn là tiền đề chuẩn bị cho công cuộc Nam tiến sau này (xem thêm loạt bài Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm).
Lê Hoàn là ông vua đầu tiên xuống ruộng cày tịch điền, mở ra một tiền lệ đẹp đẽ cho các vua chúa sau này. Triều đình khuyến khích người dân khai mở đất hoang, lập làng lập ấp, ruộng tư được duy trì và được phép mua bán. Triều đình sử dụng công dịch (một loại thuế thân, người dân phải chịu mỗi năm 10 ngày và có thể thay bằng tiền) để cày cấy ruộng công, sản phẩm nộp vào kho nhà nước. Riêng đất phong cho các công thần, chỉ để thu thuế, không được sở hữu, khi qua đời phải trả lại.
Hệ thống tưới tiêu được mở rộng do khai thông các con sông, cộng với tác dụng của các chính sách khuyến nông và thuế má nhẹ nhàng nên sản xuất phát triển, mùa màng bội thu, mà KĐVSTGCM từng nhắc tới: “Đâu đấy được mùa cả” (997).
Thủ công nghiệp cũng được chú trọng. Các nghề ươm tơ dệt lụa, rèn sắt đúc đồng, chế tác vàng bạc, đóng thuyền bè phát triển. Và mặc dù các sử gia chê Lê Hoàn lãng phí bằng việc đem vàng bạc trang sức cung điện, nhưng qua đó có thể thấy thời đó chúng ta có nhiều nghệ nhân trình độ cao. Và không phải ngẫu nhiên mà sử sách nước ta cũng như Trung Quốc đều nhắc tới việc Lê Hoàn bày nhiều của ngon vật lạ khi tiếp sứ nhà Tống với ý “khoe giàu”.
Kinh tế nhộn nhịp kéo theo văn hóa dân gian phát triển. Lê Hoàn là ông vua khai mở nhiều lễ hội, đua thuyền trở thành lệ bắt đầu từ đây. Chính nhà vua nhiều khi cũng tham gia múa hát. Tống Cảo, sứ thần nhà Tống, trong bản tường thuật gửi vua Tống còn cho biết chính Lê Hoàn nhảy múa và hát Khuyến tửu ca trong tiệc đãi sứ giả.
Nhưng tầm nhìn kinh tế của ông không chỉ dừng lại ở tư tưởng “dĩ nông vi bản”. Lê Hoàn và con ông là Lê Long Đĩnh có “tư duy kinh tế” vượt xa thời đại.
Mặc dù sử sách không có ghi chép gì nhiều về hoạt động thương mại thời Tiền Lê, nhưng đọc ĐVSKTT ta thấy vào năm 1009 Lê Long Đĩnh có một động thái rất đáng chú ý: sai sứ sang Tống “xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi”. Việc này ngang với ngày nay chúng ta đặt cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài. Nhu cầu mở rộng ngoại thương như vậy là bức bách, sự bức bách đó chắc chắn xuất phát từ hoạt động buôn bán trong nước rất nhộn nhịp thời Lê Hoàn.
Chợ trao đổi hàng hóa gọi là “hỗ thị”, KĐVSTGCM giải thích “hỗ thị” là “đem chỗ có đến chỗ không đổi chác lẫn nhau ở chợ”, từ đó một số nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động ở đây chỉ là hàng đổi hàng. Tuy nhiên theo nhiều tài liệu, hàng hóa của Đại Cồ Việt bán sang Trung Quốc còn có vàng, bạc và tiền đồng. Nhà Tiền Lê đúc tiền từ năm Thiên Phúc thứ 4 (984), ngoài đồng tiền trong nước, Đại Cồ Việt còn lưu hành “ngoại tệ” là các đồng tiền đúc thời Đường và Tống của Trung Quốc. Tác giả Lê Văn Siêu, trong sách Việt Nam văn hóa sử, cho rằng thị trường ở đây không chỉ là thị trường hàng hóa mà còn là thị trường tiền tệ.
Hoạt động thương mại được triều đình khuyến khích bằng cách miễn thuế và trực tiếp hỗ trợ người buôn bán, mà việc Lê Long Đĩnh xin đặt “cơ quan đại diện thương mại” sâu trong nội địa Trung Quốc là bằng chứng.
Phương Tây hiện nay đi đầu về tự do thương mại, nhưng tư duy về thương mại của cha con Lê Hoàn đến nhiều thế kỷ sau vẫn còn xa lạ với phương Tây. Các sử gia phong kiến đương nhiên không thể hiểu được tầm nhìn của Lê Hoàn và của Lê Long Đĩnh. Và điều đáng buồn là cho đến gần đây tư duy của nhiều chuyên gia kinh tế bằng cấp đầy mình ở nước ta vẫn chưa được mới mẻ bằng tư duy của một ông vua ngàn năm trước…
Hoàng Hải Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét