Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

U Minh kỳ thú

Trải qua nhiều biến cố, nhất là những vụ cháy lớn, hệ sinh thái rừng tràm trên cả nước chỉ còn duy nhất tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau). Nơi đây có nhiều hệ thực vật, động vật với nhiều cá thể quý hiếm có tên trong Sách đỏ.

Sau những trận mưa đầu mùa, nỗi lo cháy rừng đã tạm lắng nhưng ban giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ vẫn cẩn thận chưa dám “mở cửa” rừng. Không có du khách, các tuyến đường trải nhựa dẫn về Vườn Quốc gia U Minh Hạ như kéo dài thêm. Giữa không gian quạnh vắng, tiếng xe đạp cọc cạch của vài đứa trẻ làng rừng đi học xen giữa tiếng cu gù vọng ra từ những vạt rừng xa buồn rười rượi.
Một thời huyền thoại
Rừng U Minh, bao gồm cả U Minh Hạ và U Minh Thượng, là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quý hiếm trên thế giới, có giá trị sinh khối cao nhất so với các kiểu rừng. Năm 2010, nơi đây được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Theo số liệu điều tra của các nhà lâm sinh vào năm 1983, rừng U Minh Hạ có 32 loài thú; 74 loài chim; 36 loài bò sát; 11 loài lưỡng cư; 79 loài thực vật thuộc 65 chi, 36 họ, trong đó có 11 loại gỗ có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những con số ấy chưa nói lên được hết sự kỳ vĩ của U Minh Hạ vốn gắn liền với nhiều huyền thoại.
 U Minh kỳ thú - Kiểm lâm rừng U Minh - nd
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng U Minh Hạ - Ảnh: Duy Nhân
Người xưa kể rằng trước đây, rừng U Minh Hạ có rất nhiều cọp. Mặc dù gần đây không thấy bóng dáng của chúng nhưng cũng không ai dám khẳng định là nơi đây không còn cọp. Bởi vì nai, heo rừng, rắn hổ mây sống được thì cọp cũng có thể tồn tại được. Nhưng khi nói đến thú rừng U Minh, người ta thường đề cập loài rắn cứ như rằng chúng mới là chúa sơn lâm chứ không phải cọp.
Các bậc cao niên ở rừng U Minh cho biết ở đây có rất nhiều rắn, có con đến cả trăm ký. Những khi rừng cháy, rắn, rùa cùng với muông thú chạy ra bìa rừng tìm nơi ẩn náu. Người dân chẳng dám đi bắt vì sợ rắn tấn công.
Cháy rừng, nạn săn bắn cũng đã khiến rất nhiều loài chim quý hiếm ở rừng tràm U Minh Hạ mất đi. Một tài liệu xưa viết về U Minh Hạ có đoạn ghi rằng: “Nhiều loài chim to như con ngỗng, đậu oằn nhánh cây lớn. Những con giang sen cẳng cao lêu nghêu, nặng đến 5 - 7 kg. Chàng bè đồ sộ, mỏ to bằng cổ tay; sếu đen, sếu xám, rất nhiều loài chim trích, nhiều loại cò: cò ngà, còn trắng, cò xanh, cò bông, cò hương, cò bợ, cò ốc, cò tôm, cò ma, cò lửa, cò lửa lùn; điên điển, còng cọc, ó biển, le le, cúm núm, dơi quạ…
Chim bầy, chim đàn quy tụ về đây đẻ trứng, sinh con, sinh cháu, làm cho họ nhà chim đông vui ít nơi nào có như ở U Minh”. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn Tìm hiểu đất Hậu Giang, Sài Gòn đã liệt kê một vài số liệu như sau: “Tại sân chim Chắc Băng vào khoảng năm 1873, ba lần giết chim, tổng cộng chừng 16.000 con. Chủ sân chim nọ có 2 sân chim, mỗi mùa giết 3 lần, phỏng định 30.000 con, thu hoạch chừng 900 kg lông…”.
Hồi sinh mạnh mẽ
Ngày nay, theo ghi nhận thì rừng U Minh Hạ còn lại khoảng 74 loài chim (có sách ghi là 96 loài) nhưng số lượng của mỗi loài còn rất ít. Các loài chim lớn như chàng bè, giang sen gần như không còn; chỉ các loài chim nhỏ như cò, còng cọc, trích… là phổ biến. Cả rừng U Minh Hạ với diện tích hàng chục ngàn hecta hiện nay gần như không còn một sân chim nào.
 U Minh kỳ thú - Kiểm lâm rừng U Minh - nd2
Một người dân U Minh vừa thu hoạch tổ ong - Ảnh: Duy Nhân
Trải qua nhiều biến cố, nhất là những vụ cháy lớn, hệ sinh thái rừng tràm trên cả nước chỉ còn duy nhất tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) khoảng 3.000 ha là chưa bị tác động. Nơi đây có nhiều hệ thực vật, động vật với nhiều cá thể quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Tuy hiện chỉ còn đúng 2.593 ha rừng tràm nguyên sinh trên đất than bùn tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ nhưng sự hồi sinh của động - thực vật trên vùng rừng ngập nước này đang diễn ra mạnh mẽ.
Kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền, một người gắn bó lâu năm với rừng tràm U Minh Hạ, thuộc làu từng nhóm nhỏ động vật, thực vật tại đây, quả quyết: “Qua thời gian hồi sinh, hiện nay số động - thực vật ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ thực tế có thể nhiều hơn con số thống kê trên sách vở. Chúng tôi đã từng gặp những đàn nai khá lớn, những thân tràm cổ thụ hơn một vòng tay người ôm. Và mới đây, dẫu không tận mắt nhìn thấy nhưng với vô số dấu chân heo rừng giẫm thành đường mòn ngang dọc được phát hiện trong rừng nguyên sinh, chứng tỏ có đến hàng trăm con đang sống tại đây”.
Theo anh Truyền, các cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm đang ngày đêm bảo vệ cho sự hồi sinh của rừng U Minh. Nhiều người dân U Minh Hạ bao đời nay sống bằng nghề hầm than. Điều rất đáng tự hào là tuy cuộc sống thiếu thốn và cơ cực nhưng những người gắn bó dưới tán rừng U Minh tuyệt nhiên không vì cái đói mà xâm phạm đến rừng, bởi họ luôn tin rằng thiên nhiên bao giờ cũng chở che con người vượt qua muôn vàn khó khăn.

Còn nhiều thú dữ
Đứng trên đài quan sát, kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền chỉ tay ra phía rừng giải thích nơi đâu có nhiều nai, nhiều tràm cổ thụ; nơi nào có heo rừng, khỉ, cọp... Vào mùa khô, chúng thường quần tụ giữa rừng sâu, nơi có những con kênh còn nước để tìm thức ăn. Anh Truyền cho biết có nhiều người sống trong rừng hàng chục năm nhưng chưa một lần đặt chân tới giữa ruột rừng vì sợ gặp thú dữ tấn công. Chỉ có nhân viên kiểm lâm là những người có điều kiện vào sâu trong ruột rừng nhưng phải đi đông người, có dụng cụ để đề phòng thú dữ.

 Vương quốc rắn giữa rừng tràm

Những câu chuyện kỳ bí về rắn khổng lồ ở rừng U Minh Hạ đã thôi thúc chúng tôi bằng mọi cách phải tận mắt nhìn thấy một lần

Những bậc cao niên ở U Minh Hạ cam đoan rằng nơi đây chính là vương quốc bất khả xâm phạm của loài rắn hổ mây khổng lồ, loài vật được tôn là mãng xà vương của rừng U Minh đã truyền tụng qua hàng trăm năm.
Chuyện kể của thợ săn
Trong truyện kể Bác Ba Phi - một kỳ lão xứ U Minh vốn nổi tiếng về tài nói khoác - có đoạn viết: “Hồi xưa trong rừng U Minh Hạ có những con rắn hổ mây khổng lồ không biết sống từ thời nào, chỉ biết khi nó say mồi nằm ngủ trong rừng, mấy ông thợ săn len lén tới ôm thử thì chu vi vòng bụng hết ba vòng tay người lớn.
Con rắn giật mình thức dậy, đầu cất cao khỏi ngọn cây rừng, há miệng toang hoác khiến chim chóc tưởng thân cây nên đậu trên đầu và làm tổ trong miệng, bị nuốt chửng”. Những người từng gắn bó lâu năm dưới tán rừng tràm U Minh Hạ cũng quả quyết rằng nếu trừ đi những phần thêm mắm dặm muối của bác Ba Phi thì câu chuyện về những con rắn hổ mây khổng lồ của rừng U Minh là hoàn toàn có thật.
Ông Nguyễn Văn Vinh, vốn là một thợ săn nổi tiếng liều mạng, kể cho tôi nghe một chuyến đi săn nhớ đời của mình. Trong những lần đi săn, giữa lúc trưa nắng, ông Vinh nghe tiếng cỏ cây xào xạc, phảng phất một mùi tanh. Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ông chết điếng khi nhìn thấy một con rắn hổ mây dài đến 20 m, đang bò vắt qua một con mương, đầu nó ở bên kia bờ mà đuôi nó vẫn còn ở bên này. Là một thợ săn cừ khôi nhưng khi thấy có rắn to như vậy, ông Vinh không dám động thủ mà chỉ nghĩ đến chuyện bỏ chạy.
Rừng U Minh Hạ, nơi được tương truyền có loài rắn khổng lồ
Rừng U Minh Hạ, nơi được tương truyền có loài rắn khổng lồ 
Chuyện chạm mặt rắn khổng lồ của ông thầy rắn Hai Sanh ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời còn kinh hồn hơn. Sau nhiều lần đám con cháu của ông đi rừng gặp rắn hổ mây khổng lồ nên hoảng hồn bỏ chạy tán loạn, về báo lại với ông nhưng ông không tin. Để tìm hiểu thực hư, ông nai nịt cẩn thận, tay cầm cây mác vót cán dài, miệng tróc lưỡi kêu bầy chó săn 6 con rất thiện chiến băng rừng tìm mãng xà vương. Đi từ sáng tới giữa trưa, vào tận ruột rừng già mà chẳng thấy tăm hơi mãng xà vương ở đâu, ông Hai Sanh quyết định tìm bóng mát nghỉ ngơi, ăn cơm lấy sức.
Nắm cơm mở ra chưa kịp ăn, kiểm lại thì thấy thiếu mất một con chó. Tróc lưỡi kêu năm hồi mười hiệp, bất ngờ ông nghe tiếng con chó la ăng ẳng tuốt trên ngọn cây tràm cao hơn chục mét. Nhìn lên, ông tá hỏa khi nhìn thấy mãng xà khổng lồ thân xám mốc dựng đứng dọc theo thân cây tràm cổ thụ, miệng ngậm ngang lưng con chó săn quơ qua lắc lại, mang to phùng. Dù là một thầy rắn lâu năm và thợ săn có hạng nhưng nhìn cảnh mãng xà vương làm thịt con chó săn tuốt trên ngọn cây tràm, mặt ông Hai Sanh biến sắc, kéo bầy chó săn tốc chạy khỏi rừng.
Theo dấu mãng xà vương
Ông Chín Của, nguyên chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, còn nhớ như in vào một đêm cách nay hơn 5 năm. Đêm ấy, một nhóm kiểm lâm đang đi tuần trong khu rừng nguyên sinh chợt nghe tiếng chồn kêu có vẻ hốt hoảng. Mọi người rọi đèn pin về phía bầy khỉ đang nhốn nháo thì chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng.
Con chồn chỉ còn là cái xác đu đưa trên ngọn tràm cao gần chục mét, hơn phân nửa thân nằm trong hàm con rắn hổ mây khổng lồ. Sau đó không lâu, khi cùng một đồng nghiệp dùng xe máy đi tuần tra trong rừng, ông Của nhìn thấy một vật to như cột nhà chắn ngang đường. Nghĩ là thân cây đổ, ông bảo đồng nghiệp cùng đến dẹp khúc cây. Khi đến gần nhìn kỹ thì 2 người rụng rời tay chân, mặt cắt không còn giọt máu khi phát hiện khúc cây đó có vảy lấp lánh và nhúc nhích, đích thị là phần thân của một con rắn khổng lồ. Hai người vội quay xe chạy ngược trở ra mà không dám ngoái đầu nhìn lại.
Ông Nguyễn Văn Vinh kể về chuyến đi săn gặp rắn khổng lồ
Ông Nguyễn Văn Vinh kể về chuyến đi săn gặp rắn khổng lồ 
Những câu chuyện huyễn hoặc về rắn khổng lồ ở rừng U Minh Hạ đã thôi thúc chúng tôi bằng mọi cách phải tận mắt nhìn thấy một lần. Trời vừa sụp tối, tôi theo chân một cán bộ kiểm lâm đến một chốt giữ rừng cơ động nằm giữa ruột rừng U Minh Hạ. Nhưng suốt mấy đêm liền thức trắng, không thấy những con mãng xà khổng lồ của rừng tràm U Minh Hạ xuất hiện. Một kiểm lâm viên nói rằng phải bắt một con chó nhử mồi thì may ra rắn mới xuất hiện. Song không ai đồng tình với cách này vì lỡ rắn xuất hiện thật thì khó cứu được con chó mà còn vạ đến thân.
Suốt một tuần lễ phục kích giữa ruột rừng, không thể gặp được mãng xà vương, chúng tôi đành nuối tiếc ra về. Không biết những câu chuyện về loài rắn khổng lồ này có bao nhiêu phần trăm là sự thật nhưng có điều, từ khi những câu chuyện này được loan truyền, cánh thợ săn và lâm tặc cũng e ngại, rút dần khỏi rừng U Minh. Nhờ thế mà rừng được bình yên, nhiều năm không xảy ra vụ cháy đáng kể nào và nhiều loài động vật tưởng chừng đã biến mất khỏi rừng nay đã có dấu hiệu tái sinh.

Đến giờ, nhiều kiểm lâm viên ở rừng U Minh Hạ vẫn khẳng định loài rắn hổ mây khổng lồ trong rừng là có thật và chắc chắn có nhiều con nên mỗi người thấy mỗi kích cỡ khác nhau. Nhưng cho đến nay, chưa có thống kê về số lượng cá thể của loài mãng xà này vì không ai đủ dũng cảm để đi tìm và đối mặt với chúng.

Nỗi niềm phong ngạn

Từ độ khẩn hoang vùng đất U Minh, những người sống giữa bốn bề mật ngọt rừng tràm đã nghĩ đến chuyện bảo vệ rừng, bảo vệ đàn ong như bảo vệ nồi cơm của mình.


Tảng sáng, những người ăn ong ở rừng U Minh Hạ  luẩn quẩn mé rừng, xem từng đàn ong đi hút mật tràm. Vì ong đi ăn theo hướng gió nên người ăn ong cũng nhắm hướng gió mà tìm. Thuật từ  “phong ngạn” chỉ dân ăn ong của miệt rừng U Minh cũng xuất phát từ đó.
 U Minh kỳ thú - Nỗi niềm phong ngạn - 1
Một phong ngạn đang lấy mật - Ảnh: Duy Nhân
Ba mùa mật ngọt
Ông Nguyễn Văn Rớt (Hai Rớt), Tập đoàn trưởng  Tập đoàn Phong Ngạn 2, ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, đã ngót 50 năm làm dân phong ngạn. Ông Hai Rớt cho biết hồi trước, dân  ở miệt rừng U Minh chẳng ai thèm ngó ngàng tới mật ong mà chỉ lấy sáp ong bán cho các ghe buôn vùng trên xuống mua về làm đèn cầy. Ông Rớt kể: “Có những tổ ong to cỡ bộ ván, lúc đó chẳng bao giờ người ta lấy hết một tổ ong. Người ăn ong cứ leo lên cây, dùng dao cắt lấy từng phần, vắt bỏ mật, lấy sáp cho vào cần xé khiêng về. Khi nào thiếu đường ăn thì người ta mới lấy ít mật về nấu thành đường”.
Về sau, bắt đầu có ghe vùng trên xuống tận nơi mua mật. Mật ong U Minh không bao lâu nổi tiếng khắp vùng bởi rất ngon và bổ. Từ đó, người ta mới bắt đầu lùng sục tìm mật. Mùa nắng, mật nhiều đến nỗi lấy rồi mang về không hết, phải đổ bớt. Thế nhưng, của trời cũng không phải là vô tận, thợ rừng U Minh càng ngày càng phải đi sâu hơn vào rừng mới tìm được nhiều mật, vừa vất vả vừa nguy hiểm. Thế là họ nghĩ ra cách dùng khúc cây dài gác xiên trên những thân tràm - thường gọi là gác kèo - làm nơi cho ong làm tổ bên bìa rừng, rồi dần dà lại tiến sâu hơn trong ruột rừng.
Người đi ăn ong không đi riêng lẻ mà đi từng nhóm bạn để hỗ trợ nhau nếu có bất trắc xảy ra giữa vùng rừng thiêng nước độc. Mỗi người mang theo vài chục cây kèo, chia hướng mạnh ai nấy gác. Trên mỗi cây kèo đều có khắc tên chủ nhân để tránh chuyện lấy nhầm mật của người khác. Dân phong ngạn chia thời điểm ăn ong làm 3 mùa trong năm: mùa ong nước (mùa mưa), mùa ong lỡ (giao mùa),  mùa ong hạn. Trong đó, mùa ong hạn là mùa chính trong năm. Mùa này các tổ ít ong, mật nhiều lại ngon. Thuật gác kèo ong cũng theo thời tiết, mùa gió: Đông Bắc, Tây Nam và Tây Bắc. Nếu gác sai hướng gió thì coi như thất bại. Ông Hai Rớt nhớ lại có lần ông gác 100 kèo, đến thời điểm lấy được 300-400 lít mật. “Lúc ấy 1 lít mật đổi ngang 1 giạ lúa. Một mùa mật ngọt, một phong ngạn thu hoạch gấp nhiều lần một người trồng lúa” - ông nói.
Hết thời ăn ong, giữ rừng
Mỗi nhóm thợ rừng đi ăn ong được gọi là đoàn. Các đoàn này tập hợp nhau lại thành “tập đoàn” phong ngạn. Những người trong “tập đoàn” sống rất đoàn kết. Mỗi phong ngạn nhận một khu vực rừng; trong khu vực này, anh ta  được trọn quyền gác kèo và cũng chịu luôn trách nhiệm bảo vệ rừng. Nếu rừng cháy ở khu vực nào, sẽ rất dễ tìm ra ai là thủ phạm. Ông Hai Rớt khẳng định chắc nịch: “Vì rừng là chén cơm manh áo nên cánh phong ngạn giữ rừng còn hơn cả kiểm lâm”.                    
 U Minh kỳ thú - Nỗi niềm phong ngạn - Chuẩn bị kèo gác ong - Ảnh: Duy Nhân
Chuẩn bị kèo gác ong - Ảnh: Duy Nhân
Các “tập đoàn” phong ngạn cụ thể hóa việc giữ rừng bằng những quy định như giờ đi ăn ong trong vòng 5 giờ - 8 giờ. Nếu vì lý do nào đó phong ngạn ra khỏi rừng trễ thì phải chịu sự kiểm tra ngay tại mé rừng. Khi tổ kiểm tra kết luận rừng không cháy, người này mới được cho về. Ngoài ra, dân phong ngạn tuyệt đối không được bán mật ong pha, không được ăn ong trộm và thăm “nhầm” kèo của người khác. Nếu phong ngạn nào vi phạm một trong các điều trên thì bị tịch thu đầu kèo, cho ăn ong lần cuối cùng để làm vốn, rồi sau đó bị trục xuất  khỏi tập đoàn vĩnh viễn. Đối với phong ngạn, hình phạt đó là cái nhục lớn nên những ai lỡ vi phạm, thường bỏ xứ ra đi không quay lại vùng rừng đó nữa.
Một thời gian dài, hầu hết các đơn vị rừng tràm đều cho phép thành lập các tập đoàn phong ngạn. Tại Lâm Ngư trường Sông Trẹm có 3 tập đoàn: Tập đoàn 18, Tập đoàn Kinh 8 và Tập đoàn Thanh Tùng. Cho đến khi rừng tràm U Minh Thượng, U Minh Hạ liên tiếp những năm cháy lớn, lệnh nghiêm cấm người vào rừng trong mùa khô được ban hành, chấm dứt hẳn mùa ăn ong hạn của dân phong ngạn. Dân phong ngạn không ngừng kêu oan và bằng mọi cách chứng minh được họ không phải là thủ phạm trong các vụ cháy rừng. Nhưng có nói gì đi nữa thì các tập đoàn phong ngạn cũng đành rã gánh. Bởi rừng bây giờ được giao khoán cho dân mà chẳng chủ rừng nào lại để cho cánh ăn ong cầm đuốc vô rừng. Nhiều phong ngạn đã bị cách ly khỏi rừng vĩnh viễn.
Thỉnh thoảng đến mùa mật, lão Hai Rớt lại ngứa nghề. Nhưng sức đã yếu, ông không thể nào càn rúc trong những cánh rừng như ngày xưa. Hôm gặp tôi, kể về một thời huy hoàng của “tập đoàn” phong ngạn, ông đưa tay quệt nước mắt. Bây giờ ký ức về mật ngọt rừng tràm đối với lão phong ngạn này dường như có chút gì đó đăng đắng.
Theo Duy Nhân / Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét