Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Vãng cảnh Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) trên tuyến Lộ Vòng Cung, cách làng du lịch Mỹ Khánh khoảng 1.000 mét. Du khách đầu tiên khi đặt chân đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước dáng vẻ độc đáo của ngôi chùa mang nét văn hóa kiến trúc thời Lý – Trần.
Thiền viện được xây dựng trên diện tích 38.016,6 m2, được khởi công xây dựng vào ngày 16.7.2013 và hoàn thành sau 10 tháng thi công. Ngày 17.5.2014, lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam đã được Ban tri sự Phật giáo TP. Cần Thơ tổ chức một cách trọng thể. Trụ trì Thiền viện hiện nay là Đại đức Thích Bình Tâm (trước trụ trì chùa Long Quang – Bình Thủy, TP.Cần Thơ).

Có thể nói, đây là ngôi chùa lớn nhất ở ĐBSCL, có kết cấu mái lợp ngói, khung cột bằng gỗ quí, gồm những hạng mục chính (đã hoàn thành) như: Chính điện (Đại Hùng Bửu điện), nhà Tổ (Tổ Ấn Trùng Quang), Tháp chuông, Tháp trống (4 hạng mục trên làm bằng gỗ lim, khoảng 1.000 khối nhập từ Nam Phi). Hội trường làm nơi giảng đạo (hơn 500 tăng sinh, phật tử), Khu tăng xá, Nhà khách;  Khu trai đường, Thư viện, Nhà thủy tạ và Phòng thuốc nam,.v.v..
Cổng chính Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Ảnh: Ba Cần Thơ)
Du khách đầu tiên khi đặt chân đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước dáng vẻ độc đáo của ngôi chùa mang bản sắc văn hóa kiến trúc thời Lý – Trần. Cổng chính Thiền viện là những vòm mái vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu, cửa làm bằng gỗ quí sơn màu nâu bóng loáng. Hai bên cổng đặt 2 bức tượng cao thếp vàng: bên trái là tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện) với tâm nguyện của ngài là bảo vệ ngôi Tam Bảo; bên phải là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác, dân gian còn gọi là Ông Tiêu), là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh.
Phía trong cổng là sân gạch rộng rãi, thoáng đãng. Bên phải là nhà thủy tạ nằm trên mặt hồ tròn vành vạnh gợn sóng lăn tăn, với những bông hoa súng khoe sắc tươi thắm dưới ánh mặt trời. Dẫn vào nhà thủy tạ là một cây cầu sơn màu đỏ, bên trong có bức tượng Phật Di Lặc bằng gỗ quí (màu nâu), với nét mặt vô ưu. Phía bên trái cũng là nhà thủy tạ, với lối kiến trúc giống nhau, duy chỉ khác có bức tượng thờ Phật Bà Quán Âm bằng đá trắng (cao khoảng 2 mét) được đặt trang trọng bên trong với vẻ mặt bao dung, thánh thiện như soi rọi hết mọi đau khổ của chúng sinh và sẵn sàng ra tay “từ bi” cứu độ. Dưới chân tượng có lư hương, nhang đèn để khách thập phương tiện việc chiêm bái.
Cận cảnh Thiện viện Trúc Lâm Phương Nam, bên trái lầu trống, bên phải lầu chuông (Ảnh: Ba Cần Thơ)
Nhà thủy tạ bên trái có tượng Phật Quán Âm bằng đá trắng (Ảnh: Ba Cần Thơ)
Cũng cần nói thêm là trên đường dẫn vào chính điện có 2 hàng tượng bằng đá hoa cương xếp song song (mỗi bên 9 tượng) với nghệ thuật điêu khắc thật khéo léo, tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian.
Tiếp tục đi bộ trên khoảng sân gạch khá dài và rộng, du khách sẽ đến sân nơi chính điện. Phía bên phải là tháp chuông với mái cong cao vút, bên trong là đại hồng chung (chuông đồng) nặng 1,5 tấn, còn bóng loáng. Bên trái là tháp trống cũng cùng lối kiến trúc như tháp chuông, trong đó trống đặt trên giá gỗ được chạm trổ thật công phu, tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao. Hai công trình nghệ thuật này mô phỏng theo lối kiến trúc tháp chuông Chùa Keo (tỉnh Thái Bình). Kế bên Tháp trống là mô hình Chùa Một Cột thu gọn.

Khi đã chiêm quan thỏa thích những tuyệt tác nghệ thuật bên ngoài nơi Thiền viện, du khách sẽ dừng chân bên trong chính điện (còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện) để chiêm bái. Đập vào mắt du khách trước hết là toàn bộ khu chính điện thật thâm nghiêm, cổ kính, nền lót gạch tàu màu đỏ thoáng mát. Chính điện được xây dựng bằng  44 cột gỗ lim to (cỡ vòng tay ôm người lớn) được bào nhẵn và phủ sơn bóng loáng. Tất cả các cột đều được đặt trang trọng trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Giữa chính điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng mạ vàng, cao khoảng 2 mét (nặng 3,5 tấn) tĩnh tọa nơi tòa sen bóng loáng uy nghi. Phía phải chính điện là bệ thờ: tượng Bồ Tát Văn Thù, Đức Chúa Ông. Phía trái là bệ thờ tượng: Bồ Tát Phổ Hiền, Đức Thánh Hiền (tất cả đều làm bằng gỗ thủy tùng (gỗ Du Sam 800 năm), chạm trổ thật tinh vi khéo léo. Và trên mỗi cột có những câu liễn đối (bằng tiếng Việt trên nền vàng chữ đen) toát lên sự trang nghiêm, khiến du khách khi đặt chân vào đây lòng cảm thấy lâng lâng, thanh tịnh...

Nếu có dịp đến  TP. Cần Thơ, mời bạn hãy cùng bạn bè và người thân tổ chức một chuyến du lịch tâm linh đến Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam để chiêm quan những công trình nghệ thuật độc đáo nơi đất Tây Đô này.
Tháp Chuông (Ảnh: Ba Cần Thơ)
Tháp Trống (Ảnh: Ba Cần Thơ)
Bên trong chính điện có tượng Phật Thích Ca mạ vàng (Ảnh: Ba Cần Thơ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét